Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

Có một giai thoại về đại học Stanford

 

 Có một giai thoại về đại học Stanford – Một câu chuyện thật thú vị:

Chớ vội xem mặt mà bắt hình dong 


Có một đôi vợ chồng già ở nước Mỹ, người phụ nữ trong bộ trang phục áo bằng vải lanh kẻ sọc và ông chồng trong bộ com-lê giản dị đã mòn xơ cả chỉ, xuống ga tàu ở thành phố Boston và rụt rè bước. Họ không có cuộc hẹn trước, trực tiếp đến gặp hiệu trưởng của Trường Harvard.

Cô thư ký của hiệu trưởng liếc mắt qua với suy nghĩ trong đầu rằng hai con người quê mùa như vậy không có việc gì phải bước chân vào đại học Harvard.  

- Người đàn ông nhẹ nhàng nói: "Chúng tôi muốn gặp hiệu trưởng".

Thư ký nói một cách lịch sự: "Ông ấy cả ngày rất bận rộn!"

- Người phụ nữ trả lời: "Không sao, chúng tôi có thể đợi".

Sau vài giờ, cô thư ký bỏ qua hai vợ chồng già này và hy vọng rằng họ sẽ bỏ cuộc mà rời đi, nhưng những gì diễn ra không như cô nghĩ. Hai ông bà vẫn kiên trì đợi ở đó.

Cô thư ký cuối cùng đã quyết định thông báo cho hiệu trưởng: "Có thể họ sẽ nói với ngài mấy câu rồi rời đi”.

Hiệu trưởng cuối cùng đành đồng ý. Hiệu trưởng với bộ mặt nghiêm nghị, trong tâm không muốn tiếp chuyện với cặp vợ chồng kia.

Người phụ nữ nói với vị hiệu trưởng:

"Chúng tôi có một cậu con trai đã học ở Harvard được một năm. Thằng bé rất thích Harvard. Cuộc sống của cháu ở Harvard rất hạnh phúc. Nhưng năm ngoái, cháu không may đã qua đời. Chồng tôi và tôi muốn lưu lại một vật kỷ niệm cho cháu trong khuôn viên trường..."

Vị hiệu trưởng không hề thấy cảm động, thay vào đó còn cảm thấy rất nực cười và nói bằng giọng thô lỗ:

"Thưa bà, chúng tôi không thể xây dựng một bức tượng cho tất cả những ai đã từng học ở Harvard và qua đời. Nếu chúng tôi làm như vậy, khuôn viên của chúng tôi sẽ trông giống như một nghĩa trang vậy".

Người phụ nữ bình tĩnh đáp: "Không, chúng tôi không dựng tượng. Chúng tôi muốn tặng một tòa nhà cho Harvard".

Vị hiệu trưởng cẩn thận nhìn bộ quần áo vải cotton sọc của bà vợ và bộ đồ bằng vải thô của ông chồng, rồi nhếch mép cười nói:

"Ông bà có biết chi phí xây dựng một tòa nhà là bao nhiêu không? Một tòa nhà trong trường học của chúng tôi lên tới hơn 7,5 triệu đô la đấy".

Lúc này, người phụ nữ im lặng và không nói gì. Vị hiệu trưởng mừng thầm, vì đã có thể đuổi họ đi.

Người phụ nữ quay sang chồng và nói: "Chỉ cần 7,5 triệu đô la là có thể xây dựng một tòa nhà? Vậy tại sao chúng ta không xây dựng một trường đại học để tưởng nhớ con trai mình?"

Người chồng gật đầu đồng ý. Khuôn mặt của vị hiệu trưởng thượt ra đầy bối rối và lúng túng. Và ông bà Leland Stanford đã bỏ đi, đến thành phố Palo Alto, bang California, nơi đó họ lập nên trường đại học mang tên mình, “Trường đại học Stanford”, để tưởng nhớ con trai của họ. Đây là nguồn gốc của Đại học Stanford.

Đừng đánh giá thấp bất cứ ai xung quanh bạn. bởi coi thường người khác chính là biểu hiện của sự nông cạn của  chính mình.

Ngày nay, có một câu nói được lưu truyền trong người Mỹ rằng: "Học Harvard với tiền và điểm tốt, thực sự vì gia đình thì yêu Stanford hơn". Chính là bắt nguồn từ sự khác biệt của khí chất hai nhà giáo dục của hai ngôi trường này.

Quả vậy, cây lúa trĩu bông là cây lúa biết cúi đầu. Người khổng lồ thực sự nhất định sẽ cúi mình làm việc và cống hiến.

Hòa An
Theo
kannewyork.com


Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Bát phong xuy bất động (Tám gió thổi không động)

 

Chuyện kể rằng, một hôm Tô Đông Pha sáng tác được một bài thơ và ông rất hài lòng, bèn cho người đem tặng Thiền sư Phật Ấn lúc bấy giờ đang ở chùa Kim Sơn.

Phật Ấn xem qua bài thơ xưng tán cảnh giới giải thoát của Bậc Giác ngộ, thấy chữ nghĩa và ý tứ rất hay nhưng biết quá rõ bạn mình nhờ văn hay, chữ tốt, dùng tâm thức bén nhạy để làm thơ chứ không phải là bậc thượng sĩ thâm nhập nghĩa lý sâu xa của Phật pháp, đạt đến Thượng thừa “Tám gió thổi không động” nên thay vì khen ngợi ngài liền cầm bút phê vào hai chữ “phóng thí” (đánh rắm- hạ phong) và bảo gia nhân đem về trình lại cho Đông Pha. Quả như điều mà Phật Ấn đã dự đoán. Đông Pha sau khi xem lời nhận xét của Phật Ấn xong liền đùng đùng nổi giận, lập lức bươn bả vượt sông sang chùa Kim Sơn để bắt tội Phật Ấn.

Gặp nhau ở bến sông, Đông Pha liền lớn tiếng trách: Bài thơ của tôi sai sót ở chỗ nào mà ngài lại phê vào hai chữ “đánh rắm” kia. Thiền sư Phật Ấn liền cười xuề: Ông nói “Tám gió thổi không động” mà chỉ một cái “đánh rắm” thôi đã bay sang sông rồi. Đến đây, Đông Pha mới chợt hiểu ra mình chưa bất động.

------------------------------------

Bàn:

Về bát phong hay bát thế phong, nghĩa là tám ngọn gió đời, tám pháp ở thế gian hay làm loạn động, mê hoặc lòng người. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, tập I, tr.414, tám ngọn gió ấy gồm:

1. Lợi: (lợi lộc),
2. Suy: (hao tổn),
3. Hủy: (chê bai chỉ trích),
4. Dự: (gián tiếp khen ngợi người),
5. Xưng: (trực tiếp ca tụng người),
6. Cơ: (dựng sự việc giả để nói xấu người),
7. Khổ: (gặp chướng duyên nghịch cảnh, thân tâm bị bức bách, khổ não),
8. Lạc: (gặp được duyên tốt, thuận cảnh, thân tâm vui vẻ, hân hoan).

Con người thường giao động, thể hiện cảm xúc vui buồn rõ rệt trước những hoàn cảnh thuận nghịch của cuộc sống. Khi được lợi (lợi) thì vui mừng hớn hở, ngược lại khi bị mất mát, tổn hại (suy) thì buồn bã, tiếc nuối. Khi bị chê bai, chỉ trích (hủy) cảm thấy rất khó chịu nhưng khi được khen ngợi (dự) thì vui thích, hài lòng. Khi được mọi người xưng tán, tung hô (xưng) thì hả hê, ngất ngây hạnh phúc ngược lại khi bị chế diễu, vu khống (cơ) thì hậm hực, bức xúc không yên. Khi những điều không như ý ập đến (khổ) thì đau khổ, thở than và ngược lại khi mọi việc đều thuận lợi như ý (lạc) thì mừng rỡ, vui vẻ.

Cuộc sống của con người chẳng mấy khi được bình an, vì luôn bị tám ngọn gió này chi phối. Do vậy, muốn thiết lập hạnh phúc và an vui trong đời sống chúng ta phải giữ vững tâm ý khi tiếp xúc, đối diện với tám ngọn gió này. Đại thừa vô sanh phương tiện môn (Đại chính 85, 1247 hạ) chỉ rõ: “Nếu thân tâm vắng lặng an ổn thì tám gió thổi không động”. Cũng như chuyện “gió động hay phướn động”, thì ra tâm người động chứ gió và phướn chỉ là chuyện bên ngoài. Những giao động của tâm thức như là sóng nhưng bên dưới sự ầm ào đó là yên lặng.

Phải quán sát liên tục để thấy rõ bản chất của tám ngọn gió đời ấy tuy thường xuyên thổi đến nhưng thực chất chỉ là ở bên ngoài, bởi vì mình đeo bám, bị dính mắc nên mới bị chúng chi phối. Mặt khác, bát phong vốn vô thường nên có đó rồi lại không đó. Vì thế, được hay mất, khen hay chê, đau khổ hay vui sướng cũng đều tương đối, không có gì trường cữu. Nhờ thường xuyên quán sát với trí tuệ như thế nên khi được cũng không quá mừng, lúc mất cũng không quá buồn, được khen không kiêu, bị chê không giận v.v… thì có thể chế ngự được bát phong. Sống vững chãi và thảnh thơi trong vô vàn biến động thuận nghịch của cuộc đời là điều có thể thực hiện được nhờ thực tập và thành tựu tuệ quán về ba sự thật Vô thường- Khổ-Vô ngã của vạn pháp.

Không có kỷ luật thì không có thành tựu

 

Không có kỷ luật thì không có thành tựu

 

Bất cứ một người thành công nào cũng là người tuân thủ kỷ luật, dù người đó đạt thành tựu trong công việc hay đời sống cá nhân. Suy nghĩ của bạn. Cảm xúc của bạn. Hành vi của bạn. Thói quen của bạn. Bạn phải giữ chúng nằm trong tầm kiểm soát, như thế mới chứng tỏ rằng bạn đang làm mọi việc một cách tốt nhất.

Nếu bạn muốn hoàn thành những mục tiêu mà mình đã đặt ra thì yếu tố kỷ luật đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tính kỷ luật vốn không phải là một cái gì đó mới mẻ. Trên thực tế, kỷ luật là một chủ đề được đưa ra thảo luận từ lâu và được công nhận từ nhiều bậc vĩ nhân.

Aristotle từng nói: “Những thói quen tốt hình thành từ khi còn trẻ sẽ tạo nên sự khác biệt”. Bản thân mỗi người không thể nào thành hình những thói quen tốt đó mà không kiểm soát những hành vi của mình trong khuôn khổ kỷ luật. Với Theodore Roosevelt: “Có kỷ luật tự giác thì mọi chuyện đều có thể”. Còn gần đây, Jim Rohn tuyên bố: “Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu”, trong khi Robert Kiyosaki khẳng định: “Sự tự tin bắt nguồn từ kỷ luật và rèn luyện”. Những người thành công bậc nhất đều hiểu rằng kỷ luật là “cửa ngõ” dẫn tới mục tiêu của họ và nhờ kỷ luật họ sẽ thực hiện được ước mơ.

Stephen R. Covey cho rằng: "Những người không có kỷ luật là nô lệ cho cảm xúc, dục vọng và đam mê."

Jim Rohn từng nói: "Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu. Chúng ta sẽ phải lựa chọn giữa nỗi đau của sự kỷ luật hay nỗi đau của sự hối hận."