Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Truyền thuyết Thiên kim tiểu thư

 

 Truyền thuyết Thiên kim tiểu thư

Trong các tiểu thuyết vào đời nhà Minh, Thanh trở về sau, các cô gái con nhà giàu có thường được gọi là “thiên kim”. Cũng từ đó, “thiên kim tiểu thư” được dùng cho đến ngày nay. Liên quan đến từ thiên kim tiểu thư còn có một truyền thuyết được viết trong Ngô Việt xuân thu như sau:

Vào khoảng năm 528 TCN, Sở Bình Vương nghe lời sàm tấu, tịch thu toàn bộ tài sản và giết chết hơn 300 người nhà của đại tướng Ngũ Xa (Cha của Ngũ Tử Tư), duy chỉ có Ngũ Viên (Ngũ Tử Tư) là may mắn thoát nạn.

Ngũ Tử Tư tìm đường trốn sang biên giới nước Ngô, bị quân lính rượt đuổi đến bờ sông Lật Thủy. Lúc ấy, Ngũ Tử Tư bụng đói cồn cào nhìn thấy một người thiếu nữ giặt lụa bên bờ sông, liền đi đến xin miếng cơm ăn.

Người thiếu nữ giặt lụa này nhìn người đàn ông ăn xin, dù gương mặt mỏi mệt, nhưng giữa hai hàng chân mày lại lộ ra một luồng hào khí anh hùng. Biết ông không phải là người tầm thường, cô gái liền đem cơm thừa và nước canh cho ông lót dạ, rồi chỉ cho Ngũ Tử Tư biết con đường thông đến nước Ngô.

Ngũ Tử Tư đi được một đoạn liền quay đầu lại nhìn một cái, thấy cô gái giặt lụa vẫn đứng ở chỗ cũ, trong lòng nghi hoặc, liền quay người lại. Cô gái biết tâm ý của ông, bèn nói: “Tôi là một cô gái chưa chồng, trò chuyện với người đàn ông xa lạ, lại cho ông cơm ăn, vốn đã là không hợp với lễ nghi rồi, tôi vốn dĩ cũng đã không còn mặt mũi nào để sống trên đời này nữa, sau khi tôi chết rồi, hành tung của ông cũng sẽ không bị tiết lộ”.

Nói xong, cô gái liền nhảy xuống sông Lật Thủy.

Ngũ Tử Tư thấy tình cảnh ấy, đau xót không thôi. Ông cắn đứt ngón tay, viết huyết thư trên đá: “Nàng giặt lụa, ta ăn xin, ta bụng no, nàng thân chìm. Mười năm sau, nghìn vàng báo ân”. Về sau, Ngũ Tử Tư làm tới Tướng quốc nước Ngô. Ngô vương dẫn theo đội quân tinh nhuệ tiến công đánh nước Sở. Năm 506 TCN, Ngũ Tử Tư “đào mộ của Sở Bình Vương, đánh vào thi thể ba trăm roi”.

Sau khi Ngũ Tử Tư trả được thù lớn, lại nghĩ đến việc báo ân, nhưng khổ nỗi không biết địa chỉ nhà của cô gái ở đâu. Thế là Ngũ Tử Tư đã đem nghìn vàng thả xuống nơi mà cô gái nhảy sông ngày trước, còn cô được người đời gọi là “thiên kim tiểu thư”.

Theo NTDTV

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Khổng Tử hốt hoảng khi nghe tin một môn sinh chưa tốt có ý định làm thầy

 

Chuyện kể rằng Khổng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn luôn tự cho mình là giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ xin về nước vì tưởng rằng đã học hết đạo của thầy.
.
Tử Cống thấy vậy hỏi thầy:
– Người ấy về nước rồi làm quan có sao không?
Khổng Tử rung đùi đáp:
– Không sao.
Lại hỏi tiếp:
– Làm tướng có được không?
Khổng Tử vuốt râu đáp:
– Được.
.
Lại hỏi tiếp:
– Thế nhỡ về làm giặc?
Khổng Tử vừa ngáp vừa trả lời:
– Cũng không hại gì!
Bấy giờ Tử Cống mới yên tâm mà thủng thẳng bạch với thầy:
– Nghe nói Mỗ ấy xin về nước chỉ để làm thầy!
.
Khổng Tử vừa nghe câu đó, bỗng giật nẩy mình. Thế là chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc giải, vội vàng chạy bắn ra khỏi cổng!
.
Học trò đuổi theo hỏi:
– Thầy chạy đi đâu?
Khổng Tử vừa thở vừa đáp:
– Sang ngay nước Đằng.
Học trò lại hỏi:
– Thầy sang nước Đằng làm gì?
Khổng Tử vẫn vừa chạy vừa trả lời:
.
– Sang ngăn không cho tên Mỗ này làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ!
***
Đức Khổng Tử khi xưa lỡ chiêu nạp một môn sinh chưa tốt, y lại nóng lòng muốn sang nước Đằng làm thầy khiến cho Khổng Tử phải: ‘giật bắn mình, chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc giải’ cuống cuồng chạy đi ngăn ngừa tai họa.

ST

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

Người ảnh hưởng tới bạn là người tin vào bạn

 



Hiệu ứng Pygmalion


“Người ảnh hưởng tới bạn là người tin vào bạn” – Henry Drummod –


Tôi chính thức đi làm sau một thời gian dài “ở ẩn” chuẩn bị cho khóa luận tốt nghiệp. Trong mắt người leader đầu tiên, có lẽ tôi khá “vô dụng” bởi cái mác sinh viên mới ra trường. Suốt thời gian thử việc, tôi stress vì cảm thấy mình không – có – một – tố – chất – phù – hợp – cho – công – việc, dù tôi đã từng tự tin với cái CV đầy thành tích của mình. Sau 2 tháng, tôi xin nghỉ việc.
.
Sếp tổng – người trực tiếp phỏng vấn và nhận tôi vào công ty từ chối đề xuất nghỉ việc của tôi, chị điều tôi sang một team khác. Anh Leader mới hào hứng giới thiệu tôi với cả phòng “một cô gái đầy tiềm năng nhé cả nhà”. Từ đó trong tôi “bừng nắng hạ”, tôi say mê công việc làm sáng tạo quên đêm ngày và trở thành “nhân viên sáng tạo nhất công ty” năm đó.
.
Thật sự người ảnh hưởng tôi là người đã tin tưởng vào tôi!
Chắc hẳn ai cũng đã từng được ai đó tin tưởng, kỳ vọng, hoặc trở thành hình tượng không mấy tích cực trong mắt nhiều người: Thầy cô tin rằng bạn là một học trò sáng dạ, sếp nghĩ rằng bạn thiếu kinh nghiệm, đồng nghiệp cho rằng bạn tốt bụng và nhiệt tình,… Kỳ lạ thay, bằng một cách kỳ diệu, “tiên cảm” ban đầu của người đó về chúng ta lại trở thành hiện thực? Phép màu đó mang tên hiệu ứng Pygmalion – hay còn gọi là Self-fulfilling prophecy (lời tiên đoán tự trở thành hiện thực).
.
NGUỒN GỐC HIỆU ỨNG PYGMALION


 

Câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp: Hoàng tử Síp – Pygmalion đã tạo ra một bức tượng ngà khắc họa người phụ nữ lý tưởng của mình và đặt tên là Galatea.

 

Tên hiệu ứng Pygmalion ra đời xuất phát từ một câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp: Hoàng tử Síp – Pygmalion đã tạo ra một bức tượng ngà khắc họa người phụ nữ lý tưởng của mình và đặt tên là Galatea. Từ khi có Galatea, Pygmalion vui sướng, ngày ngày bầu bạn, âu yếm nàng. Pygmalion đem lòng yêu sâu sắc tác phẩm của chính mình và tha thiết khẩn cầu thần Vệ Nữ ban cho Galatea hơi thở sự sống. Cảm động trước tài năng và tình yêu chân thành của Pygmalion, thần vệ nữ đã hóa phép cho bức tượng biến thành người thật. Ước mơ toại nguyện, nàng Galatea xinh đẹp trở thành vợ chàng và hai người sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.


vở nhạc kịch My Fair Lady năm 1956, lập kỷ lục suất diễn tại sân khấu Broadway

 
Câu chuyện này đã truyền cảm hứng cho vở nhạc kịch My Fair Lady năm 1956, lập kỷ lục suất diễn tại sân khấu Broadway. Nội dung có thay đổi để phù hợp với thời hiện đại: Ông giáo sư Henry Higgins khẳng định có thể biến cô gái quê mùa Eliza thành một quí cô sang trọng. Ông đã thành công, không phải bằng những phương pháp dạy dỗ quy củ, mà bằng cách đối xử với Eliza như một quý cô. Ông đã làm cho cô gái tin rằng mình là quý cô thực sự. Hiệu ứng Pygmalion ra đời từ đây, miêu tả cách niềm tin cùng sự tác động của hoàn cảnh có thể thay đổi con người và tạo ra kỳ tích. Đây là một trong những kĩ năng được giảng dạy trong các trường huấn luyện thể thao hoặc quản lý nhân sự. Bằng cách đặt ra mục tiêu và khiến một cá nhân tin rằng họ có thể đạt được một cách đủ mạnh, mục tiêu đó sẽ đạt được.
.
Hiệu ứng Pygmalion đã được Rosenthal và Jacobson chứng minh năm 1968. Nghiên cứu ban đầu của Rosenthal và Jacobson tập trung vào thí nghiệm ở một trường tiểu học tại San Francisco – nơi trước đây, các học sinh đều đã được kiểm tra trí thông minh. Sau đó, Rosenthal và Jacobson thông báo cho các giáo viên trong trường tên của 20% học sinh “có tiềm năng cho sự phát triển trí tuệ”. Tuy nhiên, các giáo viên không hề biết rằng, những học sinh này được chọn ngẫu nhiên, không liên quan đến kết quả kiểm tra trí thông minh trước kia. Sau đó 8 tháng, nhóm sinh viên có tên danh sách Rosenthal và Jacobson đã thông báo đều có kết quả học tập cao hơn đáng kể so với bài kiểm tra 8 tháng trước.
.
Thí nghiệm của Rosenthal và Jacobson không chỉ chứng minh giả thuyết về “lời tiên đoán tự trở thành hiện thực” là đúng, mà còn cho thấy sức mạnh của niềm tin – Những lời tiên tri trở thành sự thật, không phải vì nó được định sẵn, mà bởi vì chính chúng ta tin và mong chờ nó.
.
SỨC MẠNH CỦA HIỆU ỨNG PYGMALION
Hiệu ứng Pygmalion được xem như một bí quyết quan trọng trong giáo dục và quản lý nhân sự. Nếu giáo viên tin rằng một học sinh “thông minh”, họ sẽ thể hiện các kỳ vọng của mình thông qua lời nói, hành động hay một cách vô thức thông qua ngôn ngữ cơ thể theo cách khuyến khích học sinh đó đạt được sự đánh giá ban đầu của mình.
Tương tự như vậy, nếu nhà lãnh đạo thực sự tin rằng tất cả các nhân viên của mình đều có khả năng đóng góp tích cực vào hiệu quả công việc, thì bằng một cách ý thức hoặc vô thức, họ sẽ gửi những thông điệp truyền cảm hứng ảnh hưởng tích cực đến giúp tăng hiệu suất làm việc của nhân viên mình.
.
Khi một ý niệm được hình thành, thậm chí ngay cả khi nó không đúng thực tế, chúng ta vẫn có khuynh hướng hành xử theo nó. Với cơ chế hoạt động vào kỳ vọng ban đầu khiến ảnh hưởng cho “lời tiên đoán” ngày càng đúng hơn. Mặt khác, điều này cũng phần nào giải thích cho bí quyết luật hấp dẫn: Những người suy nghĩ lạc quan, tích cực sẽ thu hút sự may mắn, hạnh phúc và ngược lại, “xui rủi” có thể đến với chúng ta như một dạng tự kỷ ám thị.
.
ỨNG DỤNG CỦA PYGMALION TRONG CUỘC SỐNG
Ảnh hưởng mạnh mẽ của các kỳ vọng về một người có tác động rất lớn trong quá trình giáo dục, quản lý nhân sự hay cách mà chúng ta xây dựng các mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày. Bởi vậy, nếu bạn đang mong chờ cải thiện nhân viên, định hướng phát triển cho trẻ hay muốn tạo dựng mối quan hệ với mọi người,… hãy suy ngẫm về cách áp dụng hiệu ứng Pygmalion.
.
Cách ứng dụng trong giáo dục
* Thứ bạn kỳ vọng - Học sinh của bạn sẽ đạt kết quả cao trong bài kiểm tra.
* Điều bạn nói – Dù đề có khó nhưng với sức học của lớp mình, cô nghĩ cả lớp sẽ đạt kết quả tốt – Giai đoạn này cô thấy lớp mình có tiến bộ vượt bậc, nên cô mong lần kiểm tra này, các em sẽ đạt thành tích cao nhất khối.
* Việc bạn làm – Chuẩn bị sẵn quà tặng và tặng ngay khi lớp đạt thành tích tốt – Phát biểu tự hào về lớp trước phụ huynh và nhà trường.
* Ngôn ngữ cơ thể bạn – Dành thời gian để lắng nghe các vấn đề của lớp – Xem kỹ bài kiểm tra của từng bạn xem gặp vấn đề gì.
* Kết quả đạt được Lớp đạt tiến bộ vượt bậc trong đợt kiểm tra.
.
Hãy áp dụng hiệu ứng Pygmalion để truyền cho nhân viên, học sinh, đồng nghiệp,…. của bạn niềm tin và sự kỳ vọng vào bản thân của chính họ, để họ phát triển năng lực một cách tốt nhất.
Niềm tin có sức mạnh tác động đến hành vi và kết quả. Người thành công nhất không hẳn là người đặt ra mục tiêu lớn nhất, mà là người có niềm tin vững chắc và mạnh mẽ nhất vào chính mình, vào con đường mình đã chọn.
.
Ý chí hay khát vọng là cách gọi khác của niềm tin vào bản thân. Duy trì nó, cần thêm niềm tin vào con người và môi trường quanh mình. Một khi thiếu vắng niềm tin, mãi mãi ta là con tàu lênh đênh giữa đại dương. Niềm tin là ngọn hải đăng dẫn lối.
.
Thắp sáng ngọn hải đăng ấy chính là thách thức lớn với mỗi người trẻ.
Steppe