Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

Không né tránh hiện tại bằng cách vẽ nên viễn cảnh xa vời.

 

Không né tránh hiện tại bằng cách vẽ nên viễn cảnh xa vời.

Tâm lý con người ưa bỏ hình mà đi bắt bóng, hết hồi tưởng về quá khứ thì mơ màng đến tương lai, chứ ít ai chịu sống với hiện tại. Tâm chúng ta có thói quen bị cuốn hút trở về những gì đã trôi vào dĩ vãng mà chúng ta cho là tốt đẹp hơn hiện tại với tâm nuối tiếc; hoặc là mơ mộng vươn đến tương lai xa xăm với những viễn ảnh mà ta hy vọng là sẽ vượt xa những gì đang có. Những tư tưởng này tạo một ảo giác dễ chịu trong giây lát như một liều thuốc an thần làm cho ta thấy thích thú, và nhất là nó giúp ta tránh né không phải đối mặt với những khó khăn đang xảy ra trong hiện tại. Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi mỗi lần gặp nhiều khó khăn thì dường như người ta lại càng hay nghĩ nhiều về quá khứ và mơ về tương lai bay bổng hơn như là một cách ẩn núp để né tránh hiện tại mà họ cho là không đẹp. Họ cứ ngỡ đây là giải pháp để thoát khỏi những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống họ đang phải đối đầu.

Tuy nhiên, quá khứ đã qua rồi, còn tương lai thì chưa đến, và chắc gì hy vọng ở tương lai có thể đem đến hiện thực? Cả hai đều là ảo ảnh, là hư vô… Một cái đã trôi vào dĩ vãng, ta không thể quay ngược thời gian để sống với nó. Một cái ta mong đến, nhưng không có cái gì đảm bảo rằng chắc chắn nó sẽ đến. Hầu hết chúng ta đều đặt cuộc sống trên hai chiếc phao nổi ấy, mà cả hai đều là bọt nước mong manh. Còn hiện tại là cuộc sống đích thực, là món quà nhiệm màu nhất mà nhiều người lại từ chối, cố tình trốn tránh vì cho rằng “nó quá phũ phàng”. Như thế là cuộc sống đích thực trôi tuột qua kẽ tay.

Không ước vọng tương lai là không mơ tưởng viển vông mà quên rằng tương lai phải được dựng xây trên nền tảng hiện tại. Để tâm băn khoăn lo lắng, khao khát mong chờ những gì chưa tới hoặc có thể không bao giờ xảy ra là một việc làm thiếu thực tế. Chỉ vì ta quá âu lo hoặc khao khát mong chờ mọi việc diễn ra theo ý mình mà tưởng tượng ra, vẽ nên bao viễn cảnh xa vời.

Đừng trói buộc cuộc đời bạn với mối lo tuổi tác

 

Đừng trói buộc cuộc đời bạn với mối lo tuổi tác

Có người nói: "Năm tháng thực ra là thứ có thể khoe khoang."

Người trẻ nhiệt huyết, người trung niên trầm ổn, người già thấu lẽ đời, mỗi một giai đoạn đều có sự đặc sắc của riêng mình.

Còn con người ta, khi dừng bước không tiến về phía trước nữa, đó chính là lúc bạn thực sự già đi.

Vì vậy, muốn thoát ra khỏi những lo lắng về độ tuổi, hãy không ngừng làm mới bản thân.

Nhà tâm lý học Frank từng nói, theo đuổi ý nghĩa là bản năng cần thiết của con người, nó sẽ giúp con người ta đi đối đãi với cuộc sống một cách tích cực hơn.

Bất kể là học tập hay chăm sóc sức khỏe, bất luận là sở thích hay trách nhiệm, hãy đi làm những việc mà bạn cho là ý nghĩa.

Nhưng hãy luôn nhớ một điều rằng, thay đổi cần tới thời gian, muốn nhanh nhanh chóng chóng thành công, ngược lại sẽ chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi hơn mà thôi.

Cũng đừng lo lắng sẽ không đuổi kịp người khác, chỉ cần có sự tiến bộ, thì mọi nỗ lực bỏ ra đều không uổng phí.

Cũng giống như một bà lão nọ, ở cái tuổi gần đất xa trời rồi mà vẫn muốn thi vào đại học.

Cháu trai hỏi bà: "Bà ơi, dù bà có vào được đại học thì học xong bà cũng 84 tuổi rồi, đã ở tuổi này rồi mà bà còn muốn làm gì vậy?"

Bà lão đáp: "Không cháu yêu ạ, dù không làm gì thì rồi bà cũng sẽ 84 tuổi thôi."

Nếu dòng chảy của tuổi tác đã không thể ngăn cản, vậy thì thay vì ngồi không ra đó nhìn mình lão hóa đi, chi bằng trong thời gian có hạn, nỗ lực biến mình trở nên tốt hơn.

Bởi lẽ mỗi ngày chúng ta đang sống đều là ngày trẻ nhất trong cuộc sống tương lai của chúng ta.

ST

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

Học cách đọc nhanh, hiểu sâu và tận hưởng niềm vui đọc sách

 

Học cách đọc nhanh, hiểu sâu và tận hưởng niềm vui đọc sách

 

Bạn đọc sách nhằm mục đích gì? Để giáo dục bản thân? Hay để nâng cao kiến thức? Với tác giả Atsushi Innami – tác giả cuốn Đọc nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu trọn đời, các mục đích đó khiến ông nghĩ đọc sách không khác gì một việc tu hành kham khổ. Dù có sử dụng sách làm công cụ để đạt được các mục đích đó thì theo Innami, những điều thu được cũng không nhiều. Thay vào đó, ông mong muốn độc giả được tận hưởng toàn bộ quá trình đọc sách và nhấm nháp niềm vui ấy.

 

Đọc sách giống nghe nhạc và… chơi lego

Với những người có khả năng đọc hiểu và ghi nhớ trời phú thì chỉ cần một lần đọc kỹ là đủ để nhớ và nắm được nội dung cuốn sách. Thế nhưng phần lớn những người đọc sách lại là những người không thể nhớ được nội dung ngay trong lần đọc đầu tiên. Tuy nhiên, việc “những điều không lọt vào đầu nhiều hơn” cũng có nghĩa là “những điều còn đọng lại chính là những điều quan trọng đối với bạn”. Đây chính là giá trị bạn thu được sau khi đọc xong một cuốn sách.

Giá trị của việc đọc sách không phải là chụp lại 100% những gì sách viết mà chính là việc gặp được 1% giá trị xứng đáng. Tôi mong muốn bạn từ bỏ “ám ảnh đọc kỹ” đi. Không có “người có thể đọc sách nhanh” và “người chỉ có thể đọc sách chậm”, chỉ có “người thoát khỏi ám ảnh đọc kỹ” và “người chưa nắm được cách đọc sách” mà thôi.

Điều quan trọng nhất là kết quả. Sau khi đọc xong, kiến thức từ sách, dù chỉ một chút ít, có đọng lại trong đầu bạn hay không. Chỉ cần ấn tượng với một điều gì đó trong cuốn sách thì việc đọc của bạn cũng đã được coi là thành công rồi. Đừng cố gắng bắt mình phải nhớ cho bằng hết nội dung sách.

Tập hợp “những mảng nhỏ” từ nhiều cuốn sách để tạo thành “khối liên kết lớn” chính là ý tưởng mà hầu hết những người đọc sách chậm đều thiếu. Những mảng nhỏ tập hợp lại, kết nối với nhau sẽ giúp bạn có một lượng kiến thức rộng lớn, giống như trò chơi xếp hình Lego.

Việc đọc kỹ một cuốn sách không mang đến cho bạn một khối ghép hoàn chỉnh. Vậy nên hãy đọc nhanh thật nhiều cuốn sách để thu thập cho mình nhiều mảnh ghép trước đã. Khi chơi Lego, nếu thiếu một miếng ghép, bạn sẽ không thể tận hưởng được cảm giác hoàn thành, chiến thắng của trò chơi. Đọc sách cũng thế. Bạn không tìm thấy niềm vui khi đọc sách chẳng qua là do bạn có quá ít miếng ghép trong tay nên không thể lắp ráp được một hình khối hoàn chỉnh.

Đối với tôi, nghe nhạc và đọc sách đều giống nhau về mặt cảm giác. Đọc và nghe hóa ra lại có nhiều điểm giống nhau. Thưởng thức âm nhạc không phải là ghi nhớ mọi âm thanh, tiết tấu mà là tận hưởng một cách thoải mái cảm giác âm nhạc đang chảy trong cơ thể. Dù nghe lơ đãng đến mức nào thì chắc chắn vẫn luôn có “âm thanh đọng lại”. Âm nhạc chắc chắn tạo nên một điều gì đó trong tim chúng ta và đọng lại ở đó.

Âm nhạc không phải là thứ khiến chúng ta cảm thấy khổ sở, nó là thứ để tận hưởng, thứ giúp chúng ta bình tĩnh, hưng phấn..., nói chung là thứ rất gần với cuộc sống. Thế còn đọc sách thì sao? Tại sao mọi người lại không thể coi đó là một thú vui, không thể tận hưởng việc đọc sách giống như nghe nhạc? Không thể tiếp nhận những nội dung trong sách với tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái?

Nguyên tắc để tận hưởng niềm vui đọc sách là không đọc một cuốn quá 10 ngày. Dù có đọc cuốn không thể đọc nhanh, trong quá trình ấy nên chuẩn bị một cuốn có thể đọc nhanh để đọc xen kẽ. Bởi, dù là cuốn sách có nội dung thú vị chăng nữa, nhưng nếu đọc từ tốn mà mãi 10 ngày sau vẫn chưa xong thì người đọc sẽ nảy sinh cảm giác ngán.

Lý tưởng nhất là một ngày đọc xong một cuốn. Để mỗi cuốn sách khác nhau chảy trong mình mỗi ngày là hình thức cơ bản của “đọc lướt”. Vì vậy, ngay từ đầu, hãy thiết lập thời gian đọc sách. Chỉ đọc trong khoảng thời gian đó thôi sẽ giúp bạn có những cách thưởng thức sách vừa hiệu quả vừa mê say. Đọc thoăn thoắt trong 60 phút thay vì đọc lờ đờ trong suốt 10 ngày, chắc chắn chất lượng đọc của bạn sẽ được cải thiện hơn nhiều.

Nếu xem xét kỹ khuynh hướng đọc sách của mình, bạn sẽ nhìn ra “cuốn tiếp theo mình muốn đọc là cuốn nào”, thậm chí còn có thể xác nhận lại cách suy nghĩ của bản thân thông qua những khuynh hướng ấy.

Đọc sách là một thú vui, tận hưởng việc đọc sách giống như nghe nhạc, ta sẽ tiếp nhận những nội dung trong sách với tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái, tận hưởng toàn bộ quá trình đọc sách và nhấm nháp niềm vui ấy.