Học cách đọc nhanh, hiểu sâu và tận hưởng niềm vui đọc sách
Bạn đọc sách nhằm mục đích gì? Để giáo dục bản thân? Hay để nâng
cao kiến thức? Với tác giả Atsushi Innami – tác giả cuốn Đọc nhanh, hiểu sâu,
nhớ lâu trọn đời, các mục đích đó khiến ông nghĩ đọc sách không khác gì một
việc tu hành kham khổ. Dù có sử dụng sách làm công cụ để đạt được các mục đích
đó thì theo Innami, những điều thu được cũng không nhiều. Thay vào đó, ông mong
muốn độc giả được tận hưởng toàn bộ quá trình đọc sách và nhấm nháp niềm vui
ấy.
Đọc sách giống nghe nhạc
và… chơi lego
Với những người có khả năng đọc hiểu và ghi nhớ trời phú thì chỉ
cần một lần đọc kỹ là đủ để nhớ và nắm được nội dung cuốn sách. Thế nhưng phần
lớn những người đọc sách lại là những người không thể nhớ được nội dung ngay
trong lần đọc đầu tiên. Tuy nhiên, việc “những điều không lọt vào đầu
nhiều hơn” cũng có nghĩa là “những điều còn đọng lại chính là những điều quan
trọng đối với bạn”. Đây chính là giá trị bạn thu được sau khi đọc xong một cuốn
sách.
Giá trị của việc đọc sách không phải là chụp lại 100% những gì sách
viết mà chính là việc gặp được 1% giá trị xứng đáng. Tôi mong muốn bạn từ
bỏ “ám ảnh đọc kỹ” đi. Không có “người có thể đọc sách nhanh” và “người chỉ có
thể đọc sách chậm”, chỉ có “người thoát khỏi ám ảnh đọc kỹ” và “người chưa nắm
được cách đọc sách” mà thôi.
Điều quan trọng nhất là kết quả. Sau khi đọc xong, kiến thức từ
sách, dù chỉ một chút ít, có đọng lại trong đầu bạn hay không. Chỉ cần ấn tượng
với một điều gì đó trong cuốn sách thì việc đọc của bạn cũng đã được coi là
thành công rồi. Đừng cố gắng bắt mình phải nhớ cho bằng hết nội dung sách.
Tập hợp “những mảng nhỏ” từ nhiều cuốn sách để tạo thành “khối liên
kết lớn” chính là ý tưởng mà hầu hết những người đọc sách chậm đều thiếu. Những
mảng nhỏ tập hợp lại, kết nối với nhau sẽ giúp bạn có một lượng kiến thức rộng
lớn, giống như trò chơi xếp hình Lego.
Việc đọc kỹ một cuốn sách không mang đến cho bạn một khối ghép hoàn
chỉnh. Vậy nên hãy đọc nhanh thật nhiều cuốn sách để thu thập cho mình nhiều
mảnh ghép trước đã. Khi chơi Lego, nếu thiếu một miếng ghép, bạn sẽ không thể
tận hưởng được cảm giác hoàn thành, chiến thắng của trò chơi. Đọc sách cũng
thế. Bạn không tìm thấy niềm vui khi đọc sách chẳng qua là do bạn có quá ít
miếng ghép trong tay nên không thể lắp ráp được một hình khối hoàn chỉnh.
Đối với tôi, nghe nhạc và đọc sách đều giống nhau về mặt cảm giác.
Đọc và nghe hóa ra lại có nhiều điểm giống nhau. Thưởng thức âm nhạc không phải
là ghi nhớ mọi âm thanh, tiết tấu mà là tận hưởng một cách thoải mái cảm giác
âm nhạc đang chảy trong cơ thể. Dù nghe lơ đãng đến mức nào thì chắc chắn vẫn
luôn có “âm thanh đọng lại”. Âm nhạc chắc chắn tạo nên một điều gì đó trong tim
chúng ta và đọng lại ở đó.
Âm nhạc không phải là thứ khiến chúng ta cảm thấy khổ sở, nó là thứ
để tận hưởng, thứ giúp chúng ta bình tĩnh, hưng phấn..., nói chung là thứ rất
gần với cuộc sống. Thế còn đọc sách thì sao? Tại sao mọi người lại không thể
coi đó là một thú vui, không thể tận hưởng việc đọc sách giống như nghe nhạc? Không
thể tiếp nhận những nội dung trong sách với tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái?
Nguyên tắc để tận hưởng niềm vui đọc sách là không đọc một cuốn quá
10 ngày. Dù có đọc cuốn không thể đọc nhanh, trong quá trình ấy nên chuẩn bị
một cuốn có thể đọc nhanh để đọc xen kẽ. Bởi, dù là cuốn sách có nội dung thú
vị chăng nữa, nhưng nếu đọc từ tốn mà mãi 10 ngày sau vẫn chưa xong thì người
đọc sẽ nảy sinh cảm giác ngán.
Lý tưởng nhất là một ngày đọc xong một cuốn. Để mỗi cuốn sách khác
nhau chảy trong mình mỗi ngày là hình thức cơ bản của “đọc lướt”. Vì vậy, ngay
từ đầu, hãy thiết lập thời gian đọc sách. Chỉ đọc trong khoảng thời gian đó
thôi sẽ giúp bạn có những cách thưởng thức sách vừa hiệu quả vừa mê say. Đọc
thoăn thoắt trong 60 phút thay vì đọc lờ đờ trong suốt 10 ngày, chắc chắn chất
lượng đọc của bạn sẽ được cải thiện hơn nhiều.
Nếu xem xét kỹ khuynh hướng đọc sách của mình, bạn sẽ nhìn ra “cuốn
tiếp theo mình muốn đọc là cuốn nào”, thậm chí còn có thể xác nhận lại cách suy
nghĩ của bản thân thông qua những khuynh hướng ấy.
Đọc sách là một thú vui, tận hưởng việc đọc sách giống như nghe
nhạc, ta sẽ tiếp nhận những nội dung trong sách với tâm thế nhẹ nhàng, thoải
mái, tận hưởng toàn bộ quá trình đọc sách và nhấm nháp niềm vui ấy.