Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Chế độ ăn Vùng xanh (Blue zone), tinh tế, gần thiên nhiên

Chế độ ăn Vùng xanh (Blue zone), tinh tế, gần thiên nhiên

Giống người Blue zone, người hunzas cũng chủ yếu là các loại rau xanh và trái cây... (Wikimedia Commons)

Khác xa với chế độ ăn hiện đại: giàu dinh dưỡng, đa dạng, và có nguồn gốc động vật. Người “vùng xanh” chọn chế độ ăn đơn giản, tinh tế, gần thiên nhiên nhưng vô cùng có lợi cho sức khỏe và trường thọ...

Chưa đến tuổi già nhưng nhiều người trong chúng ta đang phải đau khổ trước các bệnh mãn tính, và phải chịu các cơn mỏi mệt hàng ngày. Cuộc sống thật vô vị khi mỗi sáng mở mắt ra, điều chúng ta phải nghĩ trước tiên là uống thuốc gì; đi chơi đâu thì phải nghĩ xem mình đã đem đủ thuốc hay chưa; ăn cũng cũng phải đắn đo xem liệu nó ảnh hưởng thế nào đến tình trạng bệnh.

Tuy nhiên, những điều này dường như không tồn tại hoặc hiếm khi xảy ra với những người ở vùng xanh – Blue zone.

Blue zone là vùng nào?

Người đầu tiên đề cập đến “vùng xanh” là nhà thám hiểm người Mỹ Dan Buettner, tác giả của nhiều bài báo nổi tiếng trên tạp chí New York Times vào năm 2005. Rồi theo đó, “vùng xanh” đã trở nên nổi tiếng khắp trên thế giới - để rất nhiều người tìm hiểu và thử áp dụng lối sống mới. Đó là nơi con người được trải nghiệm cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, ít bệnh tật, và đặc biệt sống rất thọ. 

Hiện nay, khi nói đến “vùng xanh”, người ta thường đề cập đến 5 vùng:

* Vùng Barbagia của Sardinia - hòn đảo lớn tại Địa Trung Hải, nơi đàn ông trăm tuổi sống nhiều nhất trên thế giới.
* Ikaria, Hy Lạp - quốc gia có tỷ lệ tử vong và mất trí nhớ ở độ tuổi trung niên thấp nhất thế giới.
* Bán đảo Nicoya, Costa Rica - một vùng khác cũng có tỷ lệ tử vong ở độ tuổi trung niên thấp nhất thế giới.
* Loma Linda, California - nơi có người dân sống lâu hơn 10 năm so với những nơi khác ở Bắc Mỹ.
* Okinawa, Nhật Bản - nơi có phụ nữ sống thọ nhất trên thế giới.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện những khu vực này có chung một đặc điểm: tỷ lệ người không mắc bệnh và sống thọ (có tuổi thọ từ 90 trở lên) là rất cao.

Điều gì mang đến trường thọ và sức khỏe cho con người

Di truyền chăng? Điều thú vị là khoa học đã chứng minh được: di truyền chỉ ảnh hưởng 20-30% tuổi thọ của chúng ta. Nói cách khác, môi trường mới đóng vai trò quan trọng và quyết định, chủ yếu bao gồm hai yếu tố là chế độ ăn và lối sống.

Chế độ ăn giản dị nhưng tinh tế

Những người sống ở “vùng xanh” có chế độ ăn vô cùng đơn giản nhưng rất tinh tế. Họ xem thức ăn là một phần cơ thể, là cách hòa mình vào thiên nhiên, không chỉ đơn giản là cung cấp năng lượng. 

Do đó, 95% chế độ ăn của họ có nguồn gốc từ thực vật. Họ cũng ăn thịt nhưng rất hạn chế, chỉ khoảng năm lần mỗi tháng. Điều này (hạn chế ăn thịt) đã được một số nghiên cứu chứng minh là cách có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do bệnh lý tim, ung thư và từ một số nguyên nhân khác.

Hạn chế về thực phẩm từ động vật, nhưng chế độ ăn giàu thực vật tại “vùng xanh” lại vô cùng phong phú và đa dạng chủng loại: Kết quả nghiên cứu đã xác định :

Rau củ: nguồn chất xơ tuyệt vời, chứa nhiều vitamin và các khoáng chất khác nhau. Ăn nhiều hơn năm phần trái cây và rau củ mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và tử vong.

Các loại đậu: chúng đều giàu chất xơ và protein. Nếu chúng ta ăn 20g đậu mỗi ngày thì có thể giảm 7-8% nguy cơ tử vong khi về già so với những người không ăn đậu.

Ngũ cốc nguyên hạt: cũng là một loại thực phẩm rất giàu chất xơ. Ăn ngũ cốc nguyên hạt hàng ngày có thể làm giảm huyết áp, nguy cơ ung thư đại trực tràng và tử vong do bệnh tim.

Các loại hạt: ngoài chất xơ và protein, chúng còn cung cấp một lượng lớn chất béo không bão hòa. Các loại hạt cũng góp phần giúp giảm tỷ lệ tử vong, thậm chí có thể đẩy lùi các bệnh chuyển hóa.

Nghịch lý có lợi cho sức khỏe: Hãy hạn chế calo

Trái ngược với cách nghĩ thông thường - nạp nhiều tiêu nhiều, nạp ít tiêu ít, việc hạn chế calo lâu dài tại “vùng xanh” có thể giúp kéo dài được tuổi thọ. Nghịch lý này đã được chứng minh không chỉ trên động vật mà còn cả ở trên người, cũng như sự trải nghiệm của những cư dân Blue zone.

Một nghiên cứu kéo dài 25 năm ở khỉ cho thấy, những con khỉ ăn ít hơn 30% so với bình thường là những con khỉ sống lâu hơn đáng kể.

Các nhà khoa học cũng tìm kết quả tương tự khi nghiên cứu các cư dân đảo Okinawa, Nhật Bản trước những năm 1960. Chế độ ăn của họ thiếu hụt calo nhưng lại kéo dài tuổi thọ hơn rất nhiều. Cư dân Okinawa có tuổi thọ trung bình gần 90 tuổi, đặc biệt là phụ nữ, có nhiều người sống ngoài 100 tuổi. 

Một phát hiện lý thú nữa là họ có xu hướng ăn không no, tuân theo quy tắc 80% mà họ gọi là hara hachi bu. Điều này có nghĩa là họ ngừng ăn khi cảm thấy no 80%, thay vì ăn đủ 100%. 

Ăn không no, nhưng họ lại ăn chậm làm giảm cơn đói và giúp tăng cảm giác no so với khi chúng ta ăn nhanh.

Nhịn ăn định kỳ, sức khỏe trường kỳ

Ngoài việc giảm lượng calo cho cơ thể, nhịn ăn định kỳ là một cách khác giúp người dân “vùng xanh” gia tăng sức khỏe. 

Ví dụ như ở vùng Ikaria tại Hy Lạp, người dân thường nhịn ăn vào những dịp lễ tôn giáo trong năm. Điều này, theo như một nghiên cứu, làm giảm đáng kể cholesterol trong máu và chỉ số khối cơ thể (BMI). Nhịn ăn định kỳ là một trong những cách giúp cơ thể thải độc, giúp chúng ta giảm cân nặng, giảm huyết áp, giảm cholesterol, đồng thời giúp làm giảm nhiều yếu tố nguy cơ khác gây bệnh mãn tính.

Uống rượu trong chừng mực

Họ uống rượu vang rất hạn chế, chỉ tương đương với một cốc/ly 150ml  ...(Minh họa - Nassima Rothacker)


Uống rượu không phải là điều cấm kỵ trong chế độ ăn của những cư dân ở “vùng xanh”. Tuy nhiên, họ không khuyến khích việc uống rượu, và chỉ dùng nó ở mức vừa phải, có chừng mực. Uống vừa phải tương đương với khoảng một lon bia hay một ly rượu vang 150ml trong ngày. Họ cũng chỉ thường sử dụng rượu trong các cuộc trò chuyện hoặc lễ hội.

 

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, uống một đến hai ly rượu mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong, đặc biệt là do nguyên nhân bệnh tim mạch.

Tác dụng có lợi này có thể phụ thuộc nhiều vào loại rượu được sử dụng. Rượu vang đỏ có thể là loại rượu tốt nhất, vì nó chứa một số chất chống oxy hóa từ nho. Loại rượu này lại rất phổ biến trong ở vùng Ikaria của Hy Lạp và vùng Sardinia của Địa Trung Hải.

Những vùng này thường dùng rượu vang đỏ, được chứng minh giúp ngăn ngừa tổn thương gen, làm chậm quá trình lão hóa, đồng thời kéo dài tuổi thọ. 

 

Tuy nhiên, cư dân địa phương lại rất hạn chế khi uống rượu - do nguy cơ gây nghiện mà rượu có thể mang lại. Từ một góc khác, nếu chỉ dùng hơi nhiều hơn một chút so với lượng của một ly rượu vang, thì có khi đã lại tăng nguy cơ gây tử vong.

 

Chế độ ăn chỉ là một phần bí mật giúp cư dân “vùng xanh” có thể sống thọ, vui vẻ và hạnh phúc. Điều mà họ nhấn mạnh chính là lối sống, cách giúp họ có thể hòa mình vào thiên nhiên, biết chia sẻ, cảm thông với người khác và không bị vướng bận bởi phiền muộn.

 

Theo Healthline.

Khởi nghiệp ở tuổi 70 của ông già chocolate

Khởi nghiệp ở tuổi 70 của ông già chocolate

Ở tuổi cổ lai hy, doanh nhân Việt kiều Canada Bùi Durassamy bắt đầu theo đuổi mô hình sản xuất thủ công “from-bean-to-bar” (sản xuất chocolate từ trái cacao) ít người làm được.

Trên khoảng sân của xưởng chế biến, hàng chục ký cacao vừa thu hoạch chuẩn bị được tách hạt để lên men. Khó tin rằng những trái cacao màu sắc rực rỡ, vàng, đỏ hồng, hồng thẫm, xanh... với lớp thịt trắng ngọt chính là nguyên liệu làm nên những thỏi chocolate đắng ngọt nhiều người mê.

Ông Bùi Durassamy, vị Việt kiều Canada có 2 dòng máu Việt - Ấn với nước da nâu, say sưa kể câu chuyện “khởi nghiệp” ở tuổi U70 với mô hình sản xuất thủ công “from-bean-to-bar” (sản xuất chocolate từ trái cacao) ít người làm được.

Sinh trưởng trong gia đình 9 người con, có cha là người Ấn Độ, mẹ là người Việt Nam. Ông Bùi Durassamy (tên thường gọi là Sammy) sang Canada định cư năm 15 tuổi. Tốt nghiệp ngành thực phẩm, chuyên ngành chế biến bánh kẹo, nhưng sự nghiệp của ông lại gắn với nghề cơ khí. Xưởng Can-Am Metalworks của ông chuyên gia công các sản phẩm tôn, thép, kim loại theo bản vẽ cho khách hàng Canada và Mỹ. Cách đây 10 năm, ông mua một mảnh đất ở Châu Thành, Tiền Giang, xây nhà nhờ người trông coi. Sau khi nghỉ hưu, ông bán xưởng cơ khí và thường xuyên về Tiền Giang an dưỡng tuổi già. Chính ông Sammy cũng không ngờ cơ duyên này lại đưa ông vào chặng đường gắn liền với loại cây công nghiệp ở vùng sông nước này: trái cacao.

Năm 2020, cacao Việt Nam được các nhà chế biến thế giới xếp vào nhóm có chất lượng cao như Ghana, Bờ biển Ngà, Brazil. Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á trồng và xuất khẩu cacao lên men để làm chocolate. Loại trái này từng được kỳ vọng đem đến cơ hội mới cho người nông dân song thực tế không được khả quan. Đầu ra bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường. Trái cacao hiện chủ yếu được bán cho các doanh nghiệp thu mua của nước ngoài để chế biến thành phẩm từ cacao (không phải chocolate), bán cho các nhà máy chế biến bánh kẹo, thực phẩm. Còn nhà sản xuất được chocolate thành phẩm từ trái cacao chỉ đếm được trên đầu ngón tay vì độ khó của quy trình.

Nói về chocolate xuất xứ Việt Nam, gần đây thương hiệu Marou của 2 chàng trai ngoại quốc sản xuất tại Việt Nam, từng được giới truyền thông nhận xét là loại “chocolate ngon nhất thế giới” được nhiều người biết đến. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu và bán giá khá cao. Hay tin, ông Sammy mừng nhưng không khỏi “tủi thân” vì dù gì đó cũng không phải sản phẩm của người Việt. “Nhất là khi thấy bà con cứ chặt bỏ cây cacao vì đầu ra bấp bênh. Chính người trồng cũng chưa bao giờ được ăn thử chocolate làm từ trái cacao thế nào, tôi quyết tâm dùng kiến thức mình có để làm ra loại chocolate do người Việt làm cho người Việt thưởng thức”, ông Sammy kể. Mặc cho gia đình can ngăn, hành trình “khởi nghiệp” của ông lão U70 bắt đầu từ đấy.

Cái tên Kimmy được ông ghép giữa Kim (tên thường gọi của vợ) và My (tên tắt mọi người thường gọi ông) để “tạo bất ngờ cho vợ”, ông kể. Hằng ngày, người ta thấy ông Việt kiều nhỏ người, bon bon trên chiếc Honda cũ chở từng bao cacao về nhà để nghiên cứu cách làm loại chocolate nguyên chất. Mà theo ông, chocolate ngon phải là loại truyền thống, bỏ vào miệng tự tan, thật mịn không còn lợn cợn và lấy tay bẻ phải nghe lách cách. Ông là thành viên và là nhà bao tiêu chính cacao đầu ra cho Hợp tác xã cacao Chợ Gạo, Tiền Giang.

Không giấu nghề, ông Sammy cho biết hạt cacao sau khi phơi khô được đưa vào máy để rang, cán bể hạt, tách vỏ lụa để lấy hạt cacao bên trong rồi xay thành cacao nhão. Cacao này được ép thủy lực sẽ tạo thành bột cacao mịn dùng trong làm bánh, pha uống liền. Còn được phối trộn với bơ cacao, đường, sữa, nghiền mịn trong 96 giờ rồi ổn định, đổ khuôn sẽ thành chocolate thành phẩm. Ngoài chocolate nhân hạt điều, mắc-ca, Kimmy có 4 dòng chocolate nguyên chất độ đắng lần lượt là 45%, 55%, 65% và 75%.

Cứ thế, sau hơn 1 năm, gần nửa triệu đô sau khi bán nhà xưởng ở Canada được ông đầu tư cho Kimmy bắt đầu có kết quả, những mẻ chocolate hoàn thiện đầu tiên ra đời.

Chiều về, thả bộ trong sân nhà, nơi quốc kỳ của 3 nước Việt Nam - Canada - Mỹ được treo trịnh trọng, ông Sammy cùng anh Đình Ngãi, Giám đốc của Kimmy vốn là một thầy giáo, ngày qua ngày đang ấp ủ nhiều kế hoạch mới để phát triển thương hiệu chocolate thuần Việt.

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

2 viên sỏi – Sự thông minh của cô gái nghèo



Câu chuyện về 2 viên sỏi – Sự thông minh của cô gái nghèo trẻ đẹp
.
Trong ngôi làng nọ có một người nông dân do hoàn cảnh khó khăn đã mắc nợ món tiền lớn của tên trưởng giả trong làng. Tên trưởng giả, dù rất già và xấu xí, lại luôn mơ tưởng về cô con gái trẻ đẹp của người nông dân. Vì vậy, hắn ta đề nghị một cuộc trao đổi.
.
Hắn nói rằng sẽ sẵn sàng từ bỏ khoản nợ kia nếu cưới được cô con gái. Hắn sẽ đặt một viên sỏi màu đen và một viên sỏi màu trắng vào một túi tiền rỗng. Sau đó, cô gái sẽ phải chọn một viên sỏi, có 3 trường hợp xảy ra:

Trường hợp 1: Nếu cô chọn phải viên sỏi màu đen, cô sẽ trở thành vợ hắn và nợ của cha cô sẽ được xóa hết.
Trường hợp 2: Nếu cô chọn phải viên sỏi trắng, cô không cần phải kết hôn với hắn và nợ của cha cô vẫn sẽ được xóa hết.
Trường hợp 3: Nếu cô từ chối chọn một trong hai viên sỏi, cha cô sẽ bị ném vào tù.
.
Khi đó, họ đang đứng trên một con đường rải đầy sỏi cạnh khu vườn của người nông dân. Khi nói chuyện, tên trưởng giả cúi xuống nhặt hai viên sỏi, và cô gái tinh mắt nhận thấy rằng hắn ta đã bỏ vào túi cả hai viên sỏi màu đen. Sau đó, hắn yêu cầu cô gái chọn một viên từ chiếc túi này.
Đứng trước lựa chọn khó khăn đó, cô gái đã tìm ra cách xử lý tuyệt vời vừa cứu cha mình, vừa tự giải cứu chính bản thân khỏi tên trưởng giả xảo quyệt.
.
Và đây là cách mà cô ấy làm:
Cô đưa tay vào chiếc túi và rút ra một viên sỏi. Không để cho mọi người kịp nhìn thấy, cô lóng ngóng làm rơi nó xuống con đường vốn rải đầy sỏi và nó ngay lập tức bị lẫn mất giữa vô số các viên sỏi khác. “Ồ, làm thế nào bây giờ, tôi vụng về quá”, cô nói. “Nhưng không sao, nếu ngài nhìn vào viên sỏi còn lại trong túi, ngài sẽ biết màu của viên sỏi mà tôi đã chọn”.
.
Tất nhiên, viên sỏi còn lại là màu đen, như vậy mặc nhiên viên sỏi cô gái đã chọn phải là màu trắng. Và khi đó, tên trưởng giả không thể nào thừa nhận sự ăn gian của mình và buộc phải xóa nợ cho gia đình người nông dân một cách vô điều kiện như đã hứa. Cô gái đã rất thông minh và linh hoạt xoay chuyển tình huống éo le, biến nó thành lợi thế của mình.

Câu chuyện kể trên cho thấy rằng, hầu hết các vấn đề phức tạp trong cuộc sống hay công việc hàng ngày đều có thể giải quyết bằng một giải pháp đơn giản, chỉ cần bạn thay đổi cách suy nghĩ và cách tiếp cận vấn đề mà thôi!

ST