Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

Vẻ đẹp chân chính là tự tin ngẫng cao đầu



Một cô bé tên là Jenny thường cúi đầu vì nghĩ rằng mình không đủ xinh đẹp.
Một hôm, cô ấy đến cửa hàng nữ trang và mua một cái kẹp nơ màu đỏ. Người chủ luôn miệng nói rằng trông cô rất đẹp với chiếc nơ màu đỏ mới mua ấy. Nghe những lời này, Jenny cảm thấy rất hạnh phúc và ngẩng cao đầu tự tin. Cô bé cũng rất muốn mọi người nhìn thấy chiếc nơ màu đỏ của mình. Đến mức khi có ai đó va vào cô, cô hầu như không để ý đến.
Khi cô bước vào lớp học, giáo viên cũng phải thốt lên: “Jenny, trông em thật đẹp khi em ngẩng đầu lên”. Cô giáo thậm chí còn ôm cô bé vào lòng.
Ngày hôm đó, cô bé nhận được rất nhiều lời khen ngợi, cô nghĩ đó là nhờ chiếc nơ màu đỏ. Tuy nhiên vào cuối ngày, khi về nhà và soi mình trong gương, Jenny mới phát hiện ra rằng chiếc nơ đã biến mất. Nó đã rơi khỏi đầu khi ai đó va vào cô.
Tự tin là một hình thức của vẻ đẹp. Tuy nhiên, hầu hết mọi người nghĩ rằng vẻ đẹp chính là tướng mạo bề ngoài. Đó là lý do tại sao nhiều người cảm thấy không hài lòng với bản thân. Không quan trọng bạn giàu hay nghèo, dễ thương hay không, miễn là bạn có thể ngẩng cao đầu một cách tự tin, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, đó chính là điều khiến bạn trông quyến rũ và đáng yêu trong mắt người khác.


Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

Hãy sống với ước mơ


 Hãy sống với ước mơ Ảnh Shutterstock
Có một cậu bé sống cùng với cha của mình, một người làm nghề huấn luyện ngựa. Do công việc, người cha phải sống như một kẻ du mục. Ông đi từ trang trại này đến trang trại khác để huấn luyện các chú ngựa chưa được thuần hóa. Kết quả là việc học hành của cậu bé không được ổn định lắm.
Một hôm, thầy giáo bảo cậu bé về viết một bài văn với đề tài “Lớn lên em muốn làm nghề gì?”.
Đêm đó, cậu bé đã viết 7 trang giấy mô tả khát vọng ngày nào đó sẽ làm chủ một trang trại nuôi ngựa. Em diễn đạt ước mơ của mình thật chi tiết. Thậm chí em còn vẽ cả sơ đồ trại nuôi ngựa tương lai với diện tích khoảng 200 mẫu, trong đó em chỉ rõ chỗ nào xây nhà, chỗ nào đặt làm đường chạy cho ngựa.
Viết xong, cậu bé đem bài nộp thầy giáo. 
 
Vài ngày sau, cậu bé nhận lại bài làm của mình với một điểm 1 to tướng và một dòng bút phê đỏ chói của thầy “Đến gặp tôi sau giờ học”.
Thế là cuối giờ cậu bé đến gặp thầy và hỏi:

– Thưa thầy, tại sao em lại bị điểm 1 ạ?
– Em đã hoạch định một việc mà em không thể làm được. Ước mơ của em không có cơ sở thực tế. Em không có tiền lại xuất thân từ một gia đình không có chỗ ở ổn định. Nói chung, em không được một nguồn lực khả dĩ nào để thực hiện những dự tính của mình. Em có biết để làm chủ một trại nuôi ngựa thì cần phải có rất nhiều tiền không? Bây giờ tôi cho em về làm lại bài văn. Nếu em sửa chữa cho nó thực tế hơn thì tôi sẽ cứu xét đến điểm số của em. Rõ chưa?

Hôm đó, cậu bé về nhà và nghĩ ngợi mãi. Cuối cùng cậu gặp cha để hỏi ý kiến.
- Con yêu, chính con phải quyết định vì cha nghĩ đây là ước mơ của con.
Nghe cha đáp, cậu bé liền nhoẻn miệng cười và sau đó đến gặp thầy giáo của mình:
- Thưa thầy, thầy có thể giữ điểm 1 của thầy, còn em xin được giữ ước mơ của mình.

Nhiều năm trôi qua, vị thầy giáo đó đã tình cờ dẫn 30 học trò của mình đến một trang trại rộng 200 mẫu để cắm trại. Thật tình cờ, hai thầy trò đã gặp nhau. Cầm tay, thầy nói:
- Này, khi anh còn học với tôi, tôi đã đánh cắp ước mơ của anh, và suốt bao nhiêu năm qua tôi cũng đã làm thế với bao đứa trẻ khác, tôi rất ân hận về điều đó.

Nghe thầy nói thế, cậu bé nay đã là ông chủ vội đáp:
- Không, thưa thầy, thầy không có lỗi gì cả, chẳng qua thầy chỉ muốn những gì tốt đẹp sẽ đến với học trò của mình mà thôi. Còn em chỉ muốn theo đuổi tới cùng những khát vọng của đời mình.
 
Bài học rút ra:
Không ai là chuyên gia trong cuộc đời bạn, không ai biết trước tương lai bạn thành công hay thất bại. Chỉ cần bạn dám ước mơ và dám thực hiện nó. Nỗ lực hết mình, sống với ước mơ. Đừng chấp nhận từ bỏ khi người khác phán xét về giấc mơ của bạn.
ST

3 đặc điểm gây thất bại giáo dục gia đình


Dù thành công đến mức nào đi nữa cũng không thể bù đắp được thất bại trong giáo dục con cái. Dù có kiếm được bao nhiêu tiền, sự nghiệp phát triển thuận lợi ra sao, nếu con cái không được dạy dỗ một cách thích đáng, khi về già bạn nhất định sẽ hối hận. Bởi thế, cha mẹ không nên mượn cớ công việc bận rộn mà xem nhẹ việc giáo dục con trẻ.
 Khi cha mẹ luôn thuận theo đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của trẻ, chúng sẽ cho đó là việc đương nhiên, và ngày càng “làm mưa làm làm gió”. Dần dần chúng sẽ tự cho mình là trung tâm... (Ảnh: Pxhere).
Thất bại giáo dục gia đình thường rơi vào 3 đặc điểm dưới đây.

Dung túng

“Điều gì huỷ hoại một đứa trẻ nhanh nhất?” Câu trả lời chính là ‘dung túng’!
Người ta thường nói: “Tam tuế khán lão”, có nghĩa là thói quen của một đứa trẻ được dưỡng thành từ nhỏ, sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này của chúng.
Nếu cha mẹ luôn dung túng những thói quen xấu của trẻ và không kịp thời giúp chúng thay đổi, thì sớm muộn nó sẽ biến thành đại nạn không cách nào vãn hồi.
Khi cha mẹ luôn thuận theo đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của trẻ, chúng sẽ cho đó là việc đương nhiên, và ngày càng “làm mưa làm làm gió”. Dần dần chúng sẽ tự cho mình là trung tâm, điều này thật nguy hiểm vì nó làm tăng trưởng tâm lý “vị tư” (vì mình), chỉ để ý đến sự hài lòng của bản thân, đòi hỏi những điều vô lý và dần dần trở nên khó khăn chung sống hoà hợp cùng người khác.
Cho dù là một bữa cơm, một món đồ chơi hay một chiếc điện thoại… Nếu cha mẹ dung túng trẻ, điều này chẳng khác gì chúng ta đang hướng chúng đến vực thẳm. Bởi vì cha mẹ có thể dung túng con cái, nhưng xã hội thì tuyệt đối sẽ không buông tha cho chúng. Nếu chúng ta thật sự muốn tốt cho trẻ thì không thể dung túng những hành vi sai lầm đó.
Quá bao bọc trẻ sẽ khiến chúng dưỡng thành thói “vong ân bội nghĩa”, bản thân chúng ta về già cũng sẽ phải chịu tội.

Bạo lực

Cách trực tiếp nhất để huỷ hoại một đứa trẻ chính là dùng bạo lực để đối đãi với chúng.
Cho dù là hành vi bạo lực hay ngôn ngữ bạo lực, đối với trẻ đều sẽ dẫn đến thất bại trong giáo dục gia đình.
Kết quả của phương thức giáo dục bạo lực là khiến trẻ sau khi trưởng thành, sẽ học cách “lấy bạo lực để trị bạo lực” và trở thành một người có thói quen dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Nếu đứa trẻ không trở thành người “dùng bạo trị bạo" thì cũng sẽ trở thành đứa trẻ nhu nhược và thiếu chủ kiến; bởi vì một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi giáo dục bạo lực, trẻ không dám phản kháng, ngày càng trở nên tự ti, mẫn cảm, làm gì cũng cẩn thận quá mức, lâu dần sẽ mất đi tâm hiếu kỳ với thế giới xung quanh.
Ngoài ra, nếu cha mẹ dùng bạo lực lạnh như xa lánh, mặc kệ, lạnh nhạt, thờ ơ đối xử với trẻ thì cũng tạo thành cho chúng khoảng trống rất lớn trong tâm. Lâu dần sẽ mắc những bệnh về tâm lý như tự kỷ, đần độn...
Những cha mẹ thông minh đều học được cách “nói những lời dễ nghe” và sẽ không động chút mắng chửi hoặc cũng không lựa chọn hành vi bạo lực lạnh để đối đãi với trẻ.
Trẻ mắc lỗi là điều khó tránh khỏi, nhưng sau khi chúng mắc lỗi thì cha mẹ cũng không thể kích động mà cho chúng một trận đòn, thay vào đó hãy nói với trẻ cần làm thế nào cho đúng. Chỉ có tự nhận ra lỗi của mình trẻ mới không tái phạm lỗi.
Bạo lực không thể giải quyết được vấn đề mà chỉ khiến mọi chuyện càng biến thành tệ hơn. Vì vậy cha mẹ tuyệt đối không nên dưỡng trẻ thành người ‘dùng bạo lực để trị bạo lực'.

Đả kích

Ở Việt Nam, rất nhiều phụ huynh chọn dùng phương thức ‘giáo dục đả kích' để dạy trẻ. Nhưng cũng chính vì kiểu giáo dục này mà đã huỷ hoại tương lai của biết bao đứa trẻ.
Có quá nhiều cha mẹ luôn đánh giá thấp kém về con mình và gần như chưa từng tán dương hay cổ vũ chúng. Những cha mẹ này hồn nhiên cho rằng giáo dục đả kích là cách quản giáo nghiêm khắc nhất dành cho trẻ. Còn tán dương, cổ vũ sẽ khiến trẻ thiếu tinh thần phấn đấu, cạnh tranh, vươn lên.
Nhưng thực tế thì đả kích hoặc phủ định con cái, không chỉ không thể khởi được tác dụng giáo dục trẻ, mà còn khiến chúng trở nên tệ hại hơn, thậm chí huỷ hoại một đời của trẻ.
Một đứa trẻ trong thời gian dài bị đả kích sẽ khiến tâm hồn nó trở nên hết sức mỏng manh, khi cảm xúc tiêu cực tích luỹ đến một mức nhất định, sẽ dẫn đến làm những việc cực đoan. Không lạ gì với những vụ học sinh tự sát cũng từ đây mà ra.
Vậy nên, làm bậc cha mẹ mà nói, đừng tiết kiệm lời tán dương và cổ vũ trẻ, như vậy chúng mới không ngừng tiến bộ.
Những người làm cha mẹ cần không ngừng học tập. Chúng ta tuyệt đối sẽ không dung túng, dùng bạo lực hay đả kích để giáo dục trẻ, trái lại hãy cho chúng những lời cổ vũ chân thành nhất; bởi vì mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều mang theo những năng khiếu riêng, hãy tôn trọng những tài năng đó của trẻ thay vì ép chúng phải lựa chọn theo điều chúng ta muốn.
Dùng phương thức đúng đắn, khoa học để dạy dỗ, giáo dục trẻ, như vậy giáo dục gia đình mới có thể thành công.
Theo: secretchina.com