13h30 ngày 11/7/2019, tại Hà Nội : Buổi tọa đàm giữa Thượng toạ Thích Huyền
Diệu và ông Lê Thăng Long, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần phát triển và đầu
tư công nghệ Innotech và VietNamNet
về chủ đề :
Đạo Phật và trách
nhiệm xã hội của doanh nhân, sự ảnh hưởng và khả năng lan tỏa của giáo lý đạo
Phật trong hành xử của người làm kinh doanh.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Hôm nay, VietNamNet trân trọng giới thiệu vị khách mời của chương trình, Thượng toạ Thích Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới, người xây cất hai ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc tự ở Bồ Đề Đạo tràng (Bodh Gaya, Ấn Độ - nơi Đức Phật Thích ca đã ngộ giác) và tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini, Nepal) - nơi Đức Phật ra đời. Hôm nay, về Việt Nam, thầy sẽ chia sẻ với độc giả VietNamNet về Phật giáo và lương tâm trách nhiệm xã hội của doanh nhân. Tham dự cùng thầy Huyền Diệu có doanh nhân Lê Thăng Long, TGĐ Công ty cổ phần Innotech. Trước hết, xin thầy giới thiệu về hai ngôi chùa và công việc thầy đã làm ở Nepal và Ấn Độ.
Thượng toạ Thích Huyền Diệu: Sinh ra ở VN nhưng tôi sống ở VN chỉ mười
mấy năm, phần lớn thời gian tôi ở nước ngoài, suốt 40 năm qua. Tôi luôn muốn
làm gì đó để cám ơn đất nước và đạo Phật VN, nơi tôi sinh ra gặp những người
thầy Hoàng Nhân (trong cuốn sách Lòng tri ân).
Cách đây mấy chục năm, đến đất Phật nhưng tôi
không thấy những ngôi chùa, tôi khấn nguyện có ngôi chùa Việt Nam như bao ngôi
chùa khác. Và qua bao nhiêu năm, chúng ta đã có ngôi chùa VN ở đất Phật, cả hai
nơi: một nơi đức Phật ra đời và một nơi đức Phật đắc đạo, Nepal và Ấn Độ.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thầy có thể nói rõ hơn về hai ngôi chùa
đó?
Thượng toạ Thích Huyền Diệu: Ngôi chùa ở Ấn Độ tôi tha thiết từ lâu, nhưng rất
khó khăn. Các ngôi chùa ở Ấn Độ đều là thành tựu nhờ vua chúa, Chính phủ nước
đó ủng hộ. Còn ngôi chùa Việt Nam là tôi đi dạy học, làm mướn, cùng với Phật tử
ủng hộ, dành tiền. Đó là một quá trình rất gian nan.
Ở Việt Nam cũng như các nước nơi có cộng đồng
người Việt, người dân ít nhiều đi chùa đều có cúng còn ở Ấn Độ, không những
người đi chùa không cúng cho thầy, mà thầy cúng cho người đi chùa, vì họ nghèo
khó. Nhưng tôi thấy mầu nhiệm là đã thành công. Ngôi chùa Bồ Đề Đạo tràng đó là
sự tha thiết của tôi.
Còn ngôi chùa thứ hai ở Nepal là ngôi chùa bất
thình lình. Cách đây mấy chục năm, tôi tới Lâm Tỳ Ni, thấy nơi đó điêu tàn,
không thấy chùa, tôi đã rớt nước mắt. Khi phát hiện đó chính là nơi đức Phật
sinh, tôi đã khấn niệm nhiều điều, trong đó, có điều trước khi nhắm mắt xin cho
con được nhìn thấy thánh địa Lâm Tỳ Ni phát triển.
Sau bao nhiêu năm trường, tôi thấy có sự hiển
hiện: là một người thường nhưng tôi được nhà vua cho máy bay sang rước để cho
đất. Chuyện này tôi đã viết rõ trong "Khi hồng hạc bay về".
Khi có đất, tôi cũng chưa biết mình làm gì. Nếu có
tiền, mình cất ngôi chùa lớn thì ngoại đạo, tà giáo vô đánh riết cũng sập. Sau
khi trì chú, tập kinh, niệm phật, trong đầu tôi nảy ra ý định muốn bảo vệ Lâm
Tỳ Ni thì cần phải có cụm chùa quốc tế, mỗi nước có một ngôi chùa.
Do đó, tôi thành lập uỷ ban quốc tế, tạo thành
"Liên hợp quốc phật tử". Ban đầu ai cũng bảo chuyện đó là không
tưởng. 15 năm sau, nơi vùng lầy Phật giáo đó đã trở thành "Liên hợp quốc
phật tử", với sự tham gia của 25 nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,
Malaysia, Triều Tiên, Mông Cổ, Campuchia và những nước Âu Tây như Đức, Áo,
Pháp. Tại Lâm Tỳ Ni có những thư viện tối tân nhất thế giới.
Đây là chuyện màu nhiệm không ai tưởng tưởng được.
Chuyện này thành được là nhờ sự cầu nguyện của chư vị tôn đức tăng ni, trong
cũng như ngoài nước và phật tử cầu nguyện, nên tiếng nói của tôi được lắng
nghe.
Lâm Tỳ Ni tuy là vùng sâu xa hẻo lánh nhưng Chính
phủ Nepal mới quyết định thành lập phi trường quốc tế tại đây. Đây là một thành
công mà mọi người Việt Nam đều có thể xem là đóng góp chung, không phải là tác
phẩm của riêng tôi. Nếu không có sự đóng góp, cầu nguyện của quý vị, Lâm Tỳ Ni
đã không được như ngày hôm nay.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nếu không có những tâm huyết của thầy, đưa ý tưởng
khai phá thì Lâm Tỳ Ni không có được như ngày hôm nay. Liệu thầy có mở rộng ra
những tôn giáo khác nữa không, bởi mỗi tôn giáo có cái hay riêng, ví dụ không
chỉ có những chùa của đạo Phật mà có nhà thờ ở Lâm Tỳ Ni?
Thượng toạ Thích Huyền Diệu: Có. Ban đầu tôi làm ai cũng ngạc nhiên. Tôi quý
Phật, nhưng cũng quý Chúa, quý Thần Ấn Độ. Tôi là người tán đồng, cổ suý cho
thành lập các nhà thờ Hồi giáo ở xung quanh. Ngay Jerusalem cũng không có nhà
thờ nào nhưng ở đây thì có. Đây là ý tưởng của tôi.
Tôi cho rằng, tôn giáo đóng vai trò trong xã hội
và phải có sự hoà hợp với nhau.
Ban đầu nhiều người ngạc nhiên hỏi, thầy Huyền
Diệu là Phật giáo, tại lại hỗ trợ người Thiên chúa giáo, Hồi giáo dựng nhà thờ,
lập trường? Tôi nói điều đó tốt thôi, các tôn giáo đều có cái hay, cái tốt.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Liệu tôn giáo có trở thành nơi liên kết các quốc
gia chung sống hoà bình, nhất là những nơi đang chiến tranh, xung đột?
Thượng toạ Thích Huyền Diệu: Điều này rất quan trọng. Tôn giáo đóng vai trò
quan trọng. Người lãnh đạo tôn giáo phải có an lạc, hoà bình, nói sao phải làm
vậy, không nói một đường làm một nẻo.
Các tôn giáo đều dạy người ta "làm lành lánh
dữ". Những người theo tôn giáo đó phải áp theo lời của giáo chủ, cũng như
chúa Kitô dạy phải đem tình thương...
Riêng tôi, dù theo đức Phật nhưng tôi thấy mỗi tôn
giáo đều có cái tốt, cái hay, nhưng phải hoà hợp với nhau, hoà bình, hiểu biết,
thông cảm và thương yêu. Nếu tôn giáo mà làm con người buồn phiền không phải là
tốt. Điều quan trọng nhất là phải phát huy lời dạy của Phật, của Chúa, chúng
sinh đã khổ nhiều quá rồi, mình không làm được gì cho họ thì cũng đừng mang cho
họ buồn, khổ.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tôn giáo cũng cần nghĩ tới hoà hợp, bác ái. Đó
cũng là chất của đạo Phật, hướng tới cái từ bi, bác ái. Và cần lan toả cái chất
đó ở các tôn giáo khác?
Thượng toạ Thích Huyền Diệu: Gặp giáo chủ nhiều tôn giáo khác, tôi thấy họ đều
hay, chỉ có đệ tử sai con đường gây nên đau khổ.
Ông bà ta có câu: "Ở đâu cũng có anh hùng, ở
đâu cũng có thằng khùng, thằng điên". Với các đệ tử của tôi, tôi đều thấy
có những điều họ học tôi, nhưng cũng không ít điều tôi học từ họ.
Có người hỏi tôi tại sao thầy đi tới đâu thì đem
hoà bình tới đó? Thực ra phương pháp của tôi rất đơn giản. Tôi đi tới đâu mà
người ta không vui vẻ với tôi, thì tôi sẽ tự đi. Đi vào phiên họp, thấy người
ta cãi lộn tiền tài, danh vọng, tôi rút lui. Thế là không có chiến tranh. Tôi
không tranh cãi, không hơn thua.
Nhiều người cứ nghĩ rằng tôi có phép lạ nào đó,
nhưng thực ra đó là phép lạ mà người nào cũng có. Mình không áp chế ai.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Còn anh Long, con đường tìm đến đạo Phật của anh
như thế nào?
Doanh nhân Lê Thăng Long: Tôi đến đạo Phật cũng là sự tình cờ khi chúng tôi
thông qua quan hệ với trung tâm VN con người gặp các bác đạo Phật. Mọi người
khuyến khích tìm hiểu đạo Phật, từ đó chúng tôi có hoạt động đóng góp, gắn bó
với đạo Phật như câu lạc bộ chống HIV/AIDS, hoạt động từ thiện, nhân đạo..
Cái này cũng là cơ duyên, thông qua mình có cái
tâm, trong quá trình làm việc hướng tới cộng đồng.
Được sự hướng dẫn với các Phật tử tốt, chúng tôi
có cảm nhận với đạo Phật và đóng góp chút gì vào hoạt động của đạo Phật.
Chúng tôi cũng có quan hệ với đạo Thiên Chúa, như
nhà thờ đá Phát Diệm, từ đó có nhịp cầu giao lưu văn hoá và học hỏi, thông qua
đó hoạt động DN không chỉ đem lợi ích kinh tế mà mang lợi ích xã hội.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bản thân anh thấy đạo Phật đã mang lại gì cho anh?
Doanh nhân Lê Thăng Long: Thông qua đạo Phật, chúng tôi thấy mình được
lắng nghe, học hỏi các thầy, các Phật tử về sự hy sinh, yên tĩnh và bình an
trong tâm hồn, cân bằng cuộc sống của mình.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có gì mâu thuẫn giữa cuộc sống kinh doanh
phải cạnh tranh vươn lên với cái tĩnh tại, bình an trong tâm hồn theo đạo Phật?
Doanh nhân Lê Thăng Long: Điều này giống như một đồng xu hai mặt, một bên
sống với cuộc sống cạnh tranh vươn lên, một bên phải sống với chiều sâu bình
lặng trong tâm hồn.
Lắng nghe thầy Huyền Diệu, thầy đã truyền cho
chúng tôi mật pháp: mỗi ngày phải có ít nhất 1 tiếng tu tập, yên tĩnh trong tâm
hồn, để rèn luyện, để có sức mạnh hơn vào bước ngày mai sẽ đến. Đó là sức mạnh
âm - dương hay đồng xu hai mặt của cuộc sống.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ý kiến của thầy Huyền Diệu như thế nào?
Thượng toạ Thích Huyền Diệu: Cuộc sống của mình quá ngắn ngủi, rất quý,
đừng để mất nhiều thời gian. Ngày có 24 giờ, anh phải để vài giờ cho mình, để
sự an tĩnh tâm hồn, sức khoẻ tốt thì mới làm việc tốt. Nhiều người thích tiền
lắm, vài tiếng ngủ còn lại chỉ nghĩ đến tiền. Nếu bình thản nghĩ, chúng ta cần
tiền nhưng đó chỉ là phương tiện trong cuộc sống.
Như anh Long nói, sự an tĩnh trong tâm hồn rất
quan trọng. Một lát nữa tôi sẽ có 4 chìa khoá vàng tặng anh em.
Thử nghĩ xem, nếu trong cuộc sống, người nào có 7-
10 triệu đôla, thậm chí cả trăm triệu đôla nhưng không có sự an lạc trong tâm
hồn, sẽ không có an lạc, hạnh phúc. Điều này áp dụng đối với mọi người, không
chỉ giới kinh doanh mà người làm chính trị, giới tu hành.
Con người khác thú vật là biết thưởng thức cái
hay, cái đẹp trong cuộc đời này. Nhà kinh doanh cần có tiền nhưng tiền đúng.
Nếu nói mình là người kinh doanh làm sao có lời và cái lời đó mọi người phải có
an lạc. Nếu không có an tĩnh tâm hồn, không phải con người tốt. Con người sinh
ra không phải vì quyền hành, tiền bạc mà còn có gì tốt cho mình, xã hội và
nhiều người khác.
Nhà
báo Nguyễn Anh Tuấn: Trong
điều kiện hiện nay, kinh tế thị trường sơ khai, đang xây dựng, còn nhiều bất
cập, có hệ luỵ, như ứng xử nhận thức không đúng, hành động chộp giựt.. Anh
Long nghĩ như thế nào, đặc biệt, đạo Phật giúp được gì trong vấn đề này?
|
Doanh nhân Lê Thăng Long: Trong hoàn cảnh hiện nay, làm kinh doanh rất khó,
giữa một bên là phải cạnh tranh, thi đua, một bên phải trong khung cơ chế, phải
vượt qua rất nhiều.
Để thực hiện kinh doanh thành công, người doanh
nhân phải có ba đức tính: có văn hoá, bao gồm cả văn hoá tâm linh, (đạo Phật
giúp ta hành xử có văn hoá); có dũng khí, dám chấp nhận thất bại, mạnh dạn thực
hiện ý muốn của chúng ta. (Như trường hợp thầy Huyền Diệu, khi thầy có 60 đôla
để xây dựng chùa ở Lâm Ty Ni, thầy nghĩ việc đó khó nhưng vẫn làm, phải có dũng
khí); ba là có trí tuệ, học nhiều để làm đúng luật pháp và vượt lên những khó
khăn.
Một trong những sức mạnh của đạo Phật khi đưa
chúng ta vào sự yên tĩnh, thăng bằng, có chiều sâu, để khi hành động sẽ bình
tĩnh, và quyết tâm.
Nếu biết cách, những khó khăn trong kinh doanh là
thử thách tốt để kinh doanh và thực hiện việc "tu giữa cuộc sống",
không chỉ cho bản thân mà xã hội, không chỉ VN mà thế giới.
Thầy Huyền Diệu chính là tấm gương doanh nhân mà
chúng ta có thể học.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thầy Huyền Diệu thấy đạo Phật giúp gì cho doanh
nhân trong bối cảnh hiện nay?
Thượng toạ Thích Huyền Diệu: Khi gặp giới doanh nhân, câu hỏi đầu tiên tôi nhận
được là "làm sao thành công trong doanh nghiệp?" Chuyện này rất rõ:
đầu tiên, doanh nhân muốn thành công trong bất cứ ngành nào, thì phải thấy cho
trúng. Thấy sai là tất cả đều sai.
Ví dụ, một doanh nhân thấy người ta bán chén đắt,
muốn bán chén, trước hết phải xem bên ngoài người ta có nhu cầu nữa hay không.
Thấy trúng chưa đủ, hành động phải cho trúng, hành
động đi cho đúng cách, làm mọi điều theo lương tâm, luật pháp. Ví dụ, sản xuất
ra một sản phẩm được quảng cáo có 30% là đường, thì phải đúng như vậy, không
phải chủ yếu là bột. Làm đúng như vậy, khi ăn, thấy khoẻ hơn, người dân sẽ tin
vào thương hiệu đó.
Chánh kiến, chánh tư duy, suy nghĩ đúng, hành động
đúng, và chánh ngữ, nói cho đúng, cho đàng hoàng, nói thiệt làm thiệt. Đó là
mật pháp mà doanh nhân thế giới còn thiếu nhiều. Có những thuốc quảng cáo tốt
nhưng chất lượng không được, chỉ bán được một thời gian thôi.
Là người được nhiều doanh nhân thế giới mời đi tư
vấn về vấn đề này, tôi nói không cách gì làm khác được. Doanh nhân phải có trí
tuệ và thành thật, với mình và với khách hàng. Khách hàng sáng suốt lắm, có thể
bị lầm một lần, chứ không có lần 2, lần 3. Doanh nhân điều tiên quyết là phải
thành thật với chính mình.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thực tế có những doanh nhân cạnh tranh tới mức
triệt hạ lẫn nhau. Phải chăng đạo Phật chưa lan toả tới họ?
Thượng toạ Thích Huyền Diệu: Đúng vậy. Người Việt Nam có câu,
"thương trường là chiến trường". Điều này tôi không đồng ý. Văn hoá Á
châu khác nhiều nước. Các cụ thường bảo, trăm người bán, vạn người mua, trăm
người bán phải tốt, mới làm tốt. Phải hoà hợp, nhân nhượng nhau. Nhiều khi
những xí nghiệp lớn phải hỗ trợ xí nghiệp nhỏ cùng tồn tại.
Trong cuộc đời bao giờ cũng tuân theo luật, anh
diệt người này thì người khác sẽ diệt anh.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Làm sao để giáo lý đạo Phật lan toả?
Thượng toạ Thích Huyền Diệu: Lan toả bằng những buổi mạn đàm như hôm nay.
Và doanh nhân phải có cái nhìn chân thành. Doanh nhân tìm tiền lời, nhưng làm
chính đáng, bằng sức, trí tuệ, cái hay của mình, không phải bất cứ giá nào.
Tiền cần nhưng phải trúng.
Muốn vậy, doanh nhân luôn phải học, trau dồi. Tại
sao doanh nhân trên thế giới sụp đổ, bởi không có sự chân thật bên trong. Có
công ty phát triển hàng trăm năm, nhưng chủ mới đi sai con đường, công ty sụp
đổ.
Dù là doanh nhân hay nghề gì ta phải nghĩ lợi mình
mà lợi người, không tổn thương người khác. DN làm đồ bán lời, nhưng khách hàng
ăn bị bệnh, thì không thể tồn tại lâu.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thực tế cũng có những doanh nhân không
cạnh tranh chèn ép ai nhưng lại phá môi sinh. Ví dụ, nhìn ao hồ, đầm của HN bị
lấp, chiếm dụng dần, về mặt pháp lý họ vẫn được chấp thuận, nhưng môi sinh của
thủ đô bị mất đi. Theo thầy có thể làm gì để ngăn tình trạng này?
Thượng toạ Thích Huyền Diệu: Câu hỏi rất hay. Đây là trách nhiệm của người lãnh
đạo. Thế giới có những nước phát triển kinh tế rất mạnh nhưng môi sinh bị huỷ
hoại trầm trọng, không thể bồi đắp được, như Thái Lan.
Ở Hà Nội, dù có 5-7 triệu USD, đi ra đường phố mà
đầy khói bụi thì cũng không hạnh phúc.
Điều này lãnh đạo phải nghĩ. Đến tọa đàm với VietNamNet,
điều tôi thích là các anh mời nước bằng li sứ, thuỷ tinh, uống xong rửa dùng
lại, trong khi nhiều nơi dùng li nhựa, uống xong là giục bỏ, mà mấy trăm năm
mới phân huỷ. Cứ như vậy thì chẳng mấy chốc VN sẽ là bãi rác.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chính phủ cũng phải chịu một phần trách nhiệm
nhưng DN không vì lòng tham, vì vị thế đẹp muốn làm kinh doanh thì không cớ gì
Chính phủ lại làm như vậy. DN cũng có lỗi trước. Đạo Phật làm thế nào cảm hoá
để doanh nhân có trách nhiệm với môi sinh?
Thượng toạ Thích Huyền Diệu: Việc này trách nhiệm ở cả hai bên. Mỗi người
dân ý thức được rằng chúng ta sống đây nhờ không khí, cần cây xanh. Về Hà Nội
tôi thấy thích vì người bán xôi gói bằng lá sen, ăn xong có thể bỏ đi và phân
huỷ nhanh thành đất, không dùng túi bóng, bởi sẽ mất cả mấy chục năm phân huỷ.
Việc này phải có giáo dục, truyền cảm, tuyên truyền trách nhiệm lẫn nhau.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đạo Phật tuyên truyền như thế nào?
Thượng toạ Thích Huyền Diệu: Có nhiều cách lắm. Chúng ta phải đưa vấn đề
này vào đào tạo ngay từ lớp sơ cấp, trung cấp, đại học; có sự trao đổi giữa
những người xung quanh. Người VN thông minh lắm. 40 năm xa cách, khi trở
về, thấy đất nước mình thay đổi nhiều lắm.
Cần sự giáo dục chính sách, hoà hợp hiểu biết giữa
nhà nước, DN, và người dân. Ví dụ, qua Nhật Bản, một đất nước văn minh, tôi đi
cùng hai người bạn, giữa thành phố Tokyo, bạn tôi ăn kẹo xong vất rác xuống
đất, ngay lập tức có 5-7 đứa học sinh lại nhặt bỏ túi đem bỏ thùng rác. Nếu
phong trào như thế làm được ở VN, thành phố sẽ sạch.
"Văn minh đồ nhựa" phá huỷ ghê gớm lắm.
Có người nước uống tốt nhưng nhất định phải uống nước trong chai, sau đó vứt bỏ
vỏ chai. Những vỏ chai đó phải mất 600 năm mới thành đất.
Do đó, phải có sự giáo dục, hợp tác giữa mọi giới,
đặc biệt Chính phủ cần có chương trình cụ thể. Ví dụ, nước ngoài đem tiền tới
đầu tư, nhưng đầu tư phải không phá huỷ môi sinh. Việc này cần phải làm rất rõ,
rất quyết liệt.
Hồi nãy, tôi có gặp anh Nguyễn Mạnh Tiến ở Cục Môi
trường, và gặp nhiều viên chức môi trường VN tôi có phản ảnh về việc này.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Liệu Phật giáo VN nên chăng mở cuộc vận động về
trách nhiệm xã hội, đối với cả những chức nhà nước, những doanh nhân? Hiện nay,
có những người bị tha hoá đạo đức, nghĩ đến lợi ích cá nhân nhiều quá. Rõ ràng
là không có điều lệ nào mà bằng điều lệ lương tâm.
Thượng tọa Thích Huyền Diệu: Không những Phật giáo mà nhiều tôn giáo khác
phải kết hợp để làm phong trào: môi sinh, xã hội... Khi con người không có tâm
linh, chuyện gì cũng có thể làm được.
Vai trò của tôn giáo rất quan trọng. Đây là vấn đề
của con người, và con người phải giải quyết được.
Vấn đề hòa bình bên Nepal chẳng hạn, không ai nghĩ
có thể chấm dứt được, nhưng tôi đã làm được.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thầy đã làm như thế nào?
Thượng tọa Thích Huyền Diệu: Tôi đưa ra những giải pháp, và họ đã nghe. Lúc
đầu, các phe lâm chiến đều nghĩ là phương pháp của tôi không thực hiện được,
nhưng cuối cùng thì thực hiện được và đều kết quả.
Trong 1 ngàn gia đình, có gia đình nào không thỉnh
thoảng gây lộn? Phương pháp của tôi là lắng nghe, chia sẻ, hiểu biết, tình
thương. Khi người ta chống đối gì đó, hãy lắng nghe, nhân nhượng, rồi tình
thương sẽ có.
Ví dụ như: Khi mấy anh chồng la mắng vợ. Khi đó, phụ nữ đừng cự nự
lại, cứ làm thinh, đi vào bếp làm ly nước cam cho chồng uống. Làm đến li thứ
nhất, li thứ 2, li thứ 8… mà chồng vẫn mắng chửi. Kiên nhẫn làm đến li thứ 8
thì chắc chắn người kia sẽ vui vẻ trở lại. Khi đó có hoà bình. Nếu không, sẽ
là… chén đĩa lia lung tung.
Ngược lại cũng vậy.
Phương pháp này dễ
làm: lắng nghe, hiểu biết, cảm thông.
Tôi thường tổ chức những bữa cơm cho các phe chống đối đến ăn.
Trong bữa ăn không được bàn chuyện chính trị, giữ tâm an lạc, quán chiếu tại
sao có chiến tranh.
Có một số người thường cứ mở miệng ra là chỉ trích người khác, nói
xấu người khác – cái này là chiến tranh. Trước khi chỉ trích người khác, hãy
chỉ trích chính mình.
Hãy trân trọng tất cả mọi người, trân trọng môi sinh. Ngay cả những
người gọi là Phật tử không lo niệm phật, mà kiếm chuyện thị phi, thì đến chùa
làm gì?
Tôi đề nghị khi đi vào chốn tâm linh là không nói lời thị phi.
Chỉ
sợ doanh nhân không có tâm, không quyết chí
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo anh
Long, có thể làm gì để doanh nhân, doanh nghiệp nghĩ đến trách nhiệm xã
hội nhiều hơn?
Doanh nhân Lê Thăng Long: Chúng tôi có
câu lạc bộ là Chấn hưng nước Việt, qua đó mong tập hợp những doanh nhân có tâm
đức, giúp nhau cùng tiến bộ, đóng góp sự phát triển lẫn nhau cùng mang lại lợi
ích cho xã hội.
Câu lạc bộ có những chương trình nghe các thầy giảng pháp, để doanh
nhân có tâm đức tốt, áp dụng trong kinh doanh.
Có những chương trình, diễn đàn dành cho doanh nhân, kết hợp với
các tổ chức truyền thông. Thông qua đó, doanh nhân đóng góp kinh nghiệp, chính
kiến, phản ánh của mình cho Chính phủ, mang lại các giải pháp như: chống lạm
phát, giúp vốn cho các doanh nghiệp khó khăn…
Thầy Huyền Diệu cũng sẵn sàng giúp các doanh nhân có tâm đức kinh
doanh vươn ra đầu tư chất xám ở nước ngoài. Đồng thời, thầy cũng giới thiệu một
số kinh nghiệm mật pháp để giúp doanh nhân thành công. Với 4-50 ngàn đệ tử trên
toàn cầu, thầy có thể giúp các doanh nhân kết nối.
Thượng tọa Thích Huyền
Diệu: Tiềm năng VN lớn vô cùng, doanh nhân cũng rất thông minh,
sáng tạo. Doanh nhân VN không chỉ sản xuất mà còn có thể đầu tư chất xám về kĩ
thuật. Thị trường Ấn Độ hiện nay là thị trường rất lớn, trên 1 tỉ người.
Tại sao ta chỉ để người ta đầu tư vào mình, mà mình không đi đầu tư
ở nước khác?
Ví dụ: sản phẩm thêu ở VN, bình gốm, thực phẩm, đồ ăn Việt Nam, hội
chợ ẩm thực hàng năm…
Chỉ sợ doanh nhân không có tâm, không có quyết chí, chứ không có
thiếu việc làm.
Để xây chùa ở Ấn Độ, tôi đã thuê thợ VN, mua ngói VN để lợp,
chuông, tượng… mọi sản phẩm từ VN để giới thiệu với người Ấn là ta có nhiều sản
phẩm đẹp, khiến cho những người Ấn rất ngưỡng mộ.
Tôi đã thuê thợ từ VN sang làm, dù chi phí có đắt hơn việc thuê thợ
tại chỗ. Nhưng điều đó vừa để hỗ trợ người thợ VN, tạo công văn việc làm cho
họ, vừa để tôn vinh họ, mà mình cũng hãnh diện đó là đồ của người VN.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Giữa Ấn Độ, VN, Nepal, theo thầy nên có
hoạt động gì xúc tiến cụ thể để giao lưu?
Thượng tọa Thích Huyền
Diệu: Đầu tiên là giao lưu văn hoá, thương mại. Đưa doanh nhân VN sang Ấn
Độ.
Ấn Độ cách đây 15 năm là con số không là số 0 về điện toán, nhưng
hiện nay đứng hàng thứ 2 trên thế giới. Hiện nay, phần lớn những trung tâm điện
toán của Mỹ là do người Ấn Độ làm.
Nhưng người VN rất ít nghĩ đến Ấn Độ.
Lượng sức mình và liên kết
để vượt khó
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay chúng ta đang cố gắng kiềm chế
lạm phát, doanh nhân phải đóng vai trò như thế nào?
Doanh nhân Lê Thăng Long: Mỗi doanh nhân
phải biết lượng sức mình, biết sức mạnh của mình ở đâu để tập trung làm đúng,
tránh đầu tư tràn lan.
Sau đó phải có sự liên kết để giúp đỡ lẫn nhau.
Qua liên kết, doanh nhân cũng cần mạnh dạn đóng góp chính sách đối
với Chính phủ. Hoạt động của CLB doanh nhân Chấn hưng nước Việt, thông qua diễn
đàn cũng mong muốn giúp Chính phủ tìm ra biện pháp trong vấn đề chống lạm phát.
Cần phát huy sức mạnh của từng doanh nhân, tạo ra môi trường để sức
mạnh đó được lan toả. Thông qua đó, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề. Như đất nước
Hàn Quốc, khi đất nước gặp khó khăn, thì chính đội ngũ doanh nhân đã cùng đóng
góp giải quyết khó khăn.
Việc quốc gia không phải chỉ là việc của nhà nước, của Đảng, mà
việc của toàn dân. Doanh nhân phải làm công việc của đất nước, phải có trách
nhiệm, có tâm.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Dường như tất cả những điều đó là lí
tưởng, mong đợi, thực tế trong đời sống, cũng có nhiều vấn đề bức xúc từ doanh
nhân gây ra. Vậy phải giải quyết như thế nào?
Doanh nhân Lê Thăng
Long: Trước hết, “just do it”- hãy làm đi. Đối với truyền thông là phải
có tiếng nói. Đối với doanh nhân là phải hành động, liên kết.
Tôi nhấn mạnh giá trị đầu tiên là giá trị văn hoá. Khi chúng ta có
quan hệ bằng văn hóa - gắn bó tốt, sự giải quyết những bài toán khủng hoảng sẽ
nhẹ nhàng hơn.
Như thầy Huyền Diệu đã dùng văn hóa Phật giáo để giải quyết những
khó khăn.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ví dụ ở Hà Nội, có sự manh mún, kiến
trúc Hà Nội bị chia lẻ, một số dự án bị cắt xén, chia chác, xuất phát từ lợi
ích của doanh nghiệp doanh nhân? Ngoài chuyện kêu gọi, CLB có giải pháp nào
khác để giúp họ sớm nghĩ đến lợi ích xã hội?
Doanh nhân Lê Thăng Long: Giải pháp đầu
tiên là nói thẳng nói thật với nhau, đúng chỗ. Tôi nghĩ ban lãnh đạo mới của HN
sẽ có những giải pháp.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng vấn đề là có nhiều lợi ích riêng,
mà từ đó có những tác động làm méo mó chính sách, làm cho quy hoạch không còn
đồng bộ…
Doanh nhân Lê Thăng Long: Chúng ta phải
lan toả tâm lí đạo đức, trách nhiệm doanh nhân đối với xã hội. Khi đọc cuốn
sách Khi hồng hạc bay về, Tri ân là sức mạnh của mầu nhiệm, chúng tôi thấy có
sức mạnh mầu nhiệm. CLB đã tặng các doanh nhân. Sức lan toả qua các phương tiện
như vậy.
Những người tốt phải chủ động tìm vấn đề chưa tốt, tìm người chưa
tốt để cảm hoá họ, giải quyết vấn đề. Các doanh nhân cần chủ động tạo ra gắn
kết, tạo môi trường tốt hơn. Đó là chúng ta làm việc của đất nước đấy.
Nhà báo Nguyễn Anh
Tuấn: Chắc rằng thầy Huyền Diệu đã vượt qua những cám dỗ đời thường, để
có thể đi đến sự thánh thiện như ngày hôm nay. Thầy có thể chia sẻ những điều
đó với bạn đọc?
Thượng tọa Thích Huyền Diệu: Tôi đã viết
những cuốn sách: Khi hồng hạc bay về, Nepal hoà bình trong tầm tay, Thành công
hạnh phúc rực sáng trong tầm tay – trong đó có nhiều bí mật mà tôi tiết lộ. Hòa
bình hạnh phúc nằm trong bàn tay mình, đừng oán trách yếu tố bên ngoài.
Như các lực lượng tham chiến bên Nepal, họ đã dựa vào súng đạn.
Nhưng tôi đã cam kết với họ rằng súng đạn không thể giải quyết vấn đề, hòa bình
không phải đi tìm đâu xa. Và vấn đề đã được giải quyết.
Nhiều người thành công hoặc thất bại, đã viết rất rõ trong cuốn
Hạnh phúc rực sáng trong tầm tay.
Kế đến, một trong những bí mật thành công và hạnh phúc, đó là lòng
tri ân. Người nào có lòng tri ân sẽ có tất cả. Kẻ nào vô ơn sẽ có nhiều đau
khổ.
Con cái phải biết tri ân cha mẹ. Người doanh nhân phải tri ân khách
hàng, thì khách hàng mới nhớ tới họ.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thầy có
những lời nhắn nhủ cho giới doanh nhân Việt Nam? Vì trách nhiệm của doanh nhân
trong chống lạm phát, trách nhiệm xã hội trong giai đoạn hiện nay chưa thấy rõ
nét một như các doanh nhân Hàn Quốc đã thể hiện được?
Thượng tọa Thích Huyền Diệu: Không chỉ cho
doanh nhân mà lời nhắn cho mọi người: chúng ta phải sống trong sự hoà hợp, hiểu
biết, lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm và thương yêu lẫn nhau.
Vấn đề khó khăn hiện nay không chỉ ở VN, mà ở nhiều nước. Nhưng khi
doanh nhân, nhà nước, dân chúng hợp tác được với nhau thì vấn đề được giải
quyết. Vấn đề này không phải do một vài người, mà cần có sự đoàn kết ở tất cả
các giới. Như thế thì chắc chắn thành công.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Câu hỏi
cuối cùng cho thầy Huyền Diệu: Thầy sẽ làm gì để giúp sức cho Phật giáo Việt
Nam ngay tại VN, không chỉ ở Ấn Độ, Nepal?
Thượng tọa Thích Huyền Diệu: VN rất nhiều
nhân tài. Tôi chỉ cầu mong sức khoẻ tốt, được làm nhiều việc tốt. Khả năng của
tôi rất hạn chế, không dám hứa trước, nhưng làm được gì là tôi sẵn sàng làm.
Cuộc đời vô thường lắm, mỗi người hãy cố gắng làm điều tốt, không
chỉ cho VN mà cho nhiều nơi trên thế giới.
Mỗi người chúng ta được làm thân người rất là quý, hãy cố gắng tu
tập, cố gắng làm chuyện tốt, đừng làm chuyện sai trái, kẻo quả báo tới. Và làm
chuyện phước là phải làm liền.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn
thầy Thích Huyền Diệu và doanh nhân Lê Thăng Long đã tham gia buổi trực tuyến
cùng độc giả VietNamNet.
Theo Tuần Việt Nam