Nước Việt đầu thế kỷ
XX dưới sự cai trị của thực dân Pháp, văn hóa Việt không lụi tàn, mai một đi.
mà lại có những bước phát triển mới bởi trong lớp trí thức mới của nước Việt,
có những người mà hoạt động của họ góp phần to lớn cho bản sắc văn hóa dân tộc.
Đại diện tiêu biểu trong số ấy, có tứ kiệt đất Hà thành “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn”.
Cả 4 vị này đều học ở trường Thông ngôn của Pháp. (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố,
Phạm Duy Tốn).
Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) xuất thân trong một gia đình nông
dân nghèo, quê quán làng Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, (nay là
huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Bố mẹ nghèo, phải bỏ làng ra Hà Nội kiếm sống.
Năm 1890 : Lên tám, phải đi làm thằng nhỏ kéo
quạt ở Trường Thông ngôn của Pháp còn gọi là
trường Đại tập, vừa mở ở đình Yên Phụ. Ngồi cuối lớp kéo quạt, nhưng ông
vẫn chăm chú nghe giảng, do đó nói và viết được tiếng Pháp. Hiệu trưởng
Đác-giăng-xơ (D’Argence) chú ý và sau ba năm học, cho phép cùng thi tốt nghiệp.
Ông đỗ thứ 12 trong số 40 học sinh khi
mới 11 tuổi, nên được đặc cách nhận vào làm học sinh chính thức, được học bổng
để theo học khóa tiếp theo (1893-1895) và đã đỗ thủ khoa khóa học này. 14 tuổi,
ra làm thông ngôn tòa sứ Lào Cai,
Nơi đầu tiên bắt đầu đời công chức của Vĩnh
là đất Lào Cai, với nhiệm vụ thông ngôn cho đoàn nghiên cứu của Pháp mở tuyến
đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Vân Nam. Một năm sau, Vĩnh về đất Kiến
An (Hải Phòng) công tác tại Tòa sứ.
Nghiệp báo chí chàng trai quê Phượng Dực bắt
đầu với việc làm cộng tác viên viết bài cho báo tiếng Pháp Courrier de Hai
Phong. Những bài viết đầu tiên trên báo ấy từ năm 1899 khi Nguyễn Văn Vĩnh mới
17 tuổi; tiếp sau đó Vĩnh viết cho tờ Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông
Dương)
Công sứ Bắc Giang đánh giá tài mẫn tiệp và nói tiếng Pháp của
Nguyễn Văn Vĩnh đã đặc cách bổ nhiệm làm chánh văn phòng. Khi được cử làm Đốc
lý Hà Nội cũng đưa ông về theo.
Ông giúp vận động người Việt làm đơn xin mở trường và các hội
nên đã trở thành người sáng lập Hội Trí Tri, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội
Dịch sách, Hội giúp đỡ người Việt du học Pháp. Năm 1906 được sang Pháp giúp tổ
chức và quản lý gian hàng Bắc Kỳ tại Hội chợ Thuộc địa mở ở Marseille. sau khi
về nước, ông từ chức ở phủ thống sứ và đứng ra làm báo và nghề in…
Năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh từ Sài Gòn trở về Hà Nội làm chủ bút
tờ Đông Dương tạp chí, sang năm sau, kiêm cả tờ Trung
Bắc tân văn, hai tờ này đều của Snây-đe (Schneider) người Pháp.
Sau Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thủ khoa Trường Thông ngôn năm 1895, Phạm
Quỳnh cũng học tại trường này và cũng đỗ thủ khoa năm 1908, khi trường Thông
ngôn kết hợp trường Thành chung Nam Định thành trường Trung học Bảo hộ (còn gọi
trường Bưởi). Nguyễn Văn Vĩnh đi làm công chức khi 14 tuổi, thì Phạm Quỳnh đi
làm công chức năm 15 tuổi ở trường Viễn Đông Bác Cổ. Chính trong thời gian làm
việc tại đây, được học tập nghiên cứu nhiều, Phạm Quỳnh đã viết bài cho Đông
Dương tạp chí và dần dà trở thành cây bút được bạn đọc tin cậy và
cũng là cộng tác viên thường xuyên của báo và họ thân nhau từ đấy.
Lý do sâu xa hơn của tình thân ấy chính là cả
hai đều học chữ Pháp, làm việc dưới quyền người Pháp, nhưng đều yêu tha thiết
tiếng mẹ đẻ và cố dốc hết tâm sức để vun trồng chăm sóc cho quốc ngữ ngày một
lớn mạnh, phong phú, đủ để giữ được hồn nước. Ngay từ năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh
đã viết: “Nước Nam ta mai
sau này hay dở cũng ở như chữ quốc ngữ” (Lời tựa bản
dịch Tam Quốc Chí của
Phan Kế Bính), cũng tha thiết tin tưởng như sau này Phạm Quỳnh nói “Tiếng ta còn, nước ta còn” trong
lễ Kỷ niệm Nguyễn Du đầu tiên ở nước ta năm 1924.
Năm 1922, hai ông cùng đi dự Đấu xảo Thuộc
địa Marseille và tranh thủ đi Paris. Nguyễn Văn Vĩnh đã đi Pháp năm 1906, có
kinh nghiệm hơn, lại tháo vát, có khiếu về kinh doanh, đã mua xe hơi, đưa Phạm
Quỳnh đi tất cả những nơi mà Phạm Quỳnh muốn đến “xem tận mắt, nghe tận tai”.
Trong Pháp Du Hành
Trình Nhật Ký, ngày 23/7/1922, Phạm Quỳnh viết: “Sẵn có ô tô của ông V., hai anh
em định suốt tuần lễ này đi xem cho thật nhiều không những trong châu thành
Paris, mà đi cả các nơi phụ cận ở ngoài nữa”. Chính nhờ có ông V. tự lái xe
của mình cho Phạm Quỳnh đi cùng mà hậu thế chúng ta được biết thêm bao nhiêu
cảnh và người nước Pháp hồi ấy, chứ Phạm Quỳnh thì chỉ có đi bộ và đi các
phương tiện giao thông công cộng, làm sao mà tung hoành theo ý mình được.
Cùng yêu tiếng ta, một lòng với tiếng ta, mục
đích chỉ là nhằm giữ hồn nước, khơi dậy lòng yêu nước thương nòi trong nhân dân
ta. Nhưng khi gặp được cơ hội trực tiếp đấu tranh chính trị để đem lại lợi ích
cho nhân dân, nâng cao vị thế của người dân thì hai ông cũng không bỏ qua, mà
luôn luôn tận dụng.
Năm 1908, Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa,
Nguyễn Văn Vĩnh cùng bốn người Pháp ký tên yêu cầu chính quyền Đông Dương thả
Phan Châu Trinh đang có mặt ở đấy. Vì việc này, ông đã bị Toàn quyền Pháp gọi
lên đe dọa. Sau, nhờ có sự can thiệp của Hội Nhân quyền, Phan Châu Trinh được
trả tự do trước hạn và đưa về quản thúc ở Mỹ Tho (1911).
Năm 1925, Phan Bội Châu bị đưa ra xét xử tại
Tòa Đề hình Hà Nội, bị kết sáu án chung thân và hai án tử hình. Nhà báo Phạm
Quỳnh đã viết bằng tiếng Pháp trên báo Indochine Républicaine (Đông Dương cộng hòa) có
thế lực cả ở Đông Dương lẫn chính quốc, lên tiếng bênh vực Phan Bội Châu là
“người chỉ có một tội là tội yêu nước như bao anh hùng liệt sĩ Pháp chống giặc
ngoại xâm” và yêu cầu khoan hồng. Kết quả là, cùng với phong trào đấu tranh của
nhân dân sôi nổi cả nước, Phạm Quỳnh đã góp phần giảm án cho Phan Bội Châu từ
tử hình xuống chỉ còn quản thúc ở Huế, để Phan Bội Châu thành “ông Già Bến Ngự”
nổi tiếng cả nước.
Năm 1930, trên diễn đàn của Hội đồng Kinh tế
và Tài chính Đông Dương, nhà báo Phạm Quỳnh đã lớn tiếng bênh vực công nghiệp
còn non trẻ, yếu ớt của nước nhà, chống lại và làm thất bại chính sách độc
quyền kinh doanh của thực dân Pháp, điển hình là đã làm phá sản chính sách độc
uyền về sản xuất và bán rượu gạo ở Việt Nam của công ty Fontaine. Cũng trên
diễn đàn ấy, năm 1932, Nguyễn Văn Vĩnh đã thay mặt giới doanh nghiệp phản đối
việc chuyển đồng tiền Đông Dương từ ngân bản vị sang kim bản vị vì có lợi cho
ngân hàng Pháp và có hại cho Đông Dương.
Tuy cùng một mục đích nhưng không phải khi
nào hai ông cũng nhất trí với nhau về con đường và cách thức đi tới mục đích
đó. Cho nên mới có cuộc
tranh luận trực trị hay lập hiến sôi nổi một thời mà hai
ông đứng ở hai phía đối lập . Tuy thế cả hai đều hòa nhã, chừng mực, lấy việc
tìm ra con đường tốt nhất cho dân cho nước làm trọng, bình tĩnh thảo luận tìm
ra chân lý. Hai ông bao giờ cũng “hòa
nhi bất đồng” (tức: hòa với mọi người, nhưng không về hùa với
ai) theo đúng kiểu người quân tử. Đó là một cuộc tranh luận có văn hóa.
Nhưng, rốt cuộc, tất cả những việc các ông
tham gia hoạt động chính trị chỉ càng chứng tỏ là cả hai ông chỉ là những nhà văn hóa, nhà
văn hóa lớn như nhà văn Nguyên Ngọc có lần gọi là “những người khổng lồ”, nhưng không thể là những nhà chính trị.
Sự nghiệp các ông để lại vẫn chỉ là về văn hóa, văn học mà thôi.
Năm 1932 khi Nguyễn Văn Vĩnh đang họp Hội
đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương ở Sài Gòn thì có trát tòa án đòi tịch biên
gia sản vì ông thiếu nợ do vay tiền dựng tòa soạn báo An Nam Nouveau (Nước An Nam mới). Vỡ nợ,
ông phải đi sang Lào đào vàng và chết trong một cơn sốt rét ác tính, trên con
thuyền độc mộc ở sông Sêbăngghi, gia sản chỉ còn hai bàn tay trắng (ngày
1/5/1936).
Lễ tang ông được tổ chức ở Hà Nội với đông
đảo giới báo chí ba kỳ dưới dòng chữ kính viếng “ông tổ của nghề báo”.
Bấy giờ, Phạm Quỳnh đang ở Huế, là Tổng lý
Đại thần Ngự tiền Văn phòng và Thượng thư Bộ Quốc dân Giáo dục. Vậy mà ông
lại làm một bài thơ Khóc
Nguyễn Văn Vĩnh, sau này có người tìm thấy khi được giao nhiệm
vụ tịch thu gia sản Phạm Quỳnh khi ông bị bắt tháng 8/1945. Bài thơ có bốn câu cuối rất lạ:
Sống lại như tôi là sống nhục
Chết đi như Bác, chết là vinh
Suối vàng Bác có dư dòng lệ,
Khóc hộ cho tôi nỗi bất bình.
Người đương thời cũng thường gắn tên hai ông
với nhau như trong việc kể tên bốn tác giả kiệt xuất thời đầu thế kỷ XX là “Quỳnh (Phạm
Quỳnh), Vĩnh (Nguyễn
Văn Vĩnh), Tố (Nguyễn
Văn Tố), Tốn (Phạm
Duy Tốn).
Hai ông đều là “nhưng người dân thuộc địa, qua ứng xử
với nền văn hóa đô hộ, đã tiếp biến văn hóa phương Tây để tạo ra những giá trị
mới (lắm khi chống
lại và nằm
ngoài toan tính của kẻ xâm lược)” (trích bài của Hữu
Ngọc, Việt Nam và “sốc
văn hóa”, báo Nhân
dân cuối tuần, 27/6/1999 trang 5.)
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố và các thành viên Chính phủ Cách mạng Lâm thời, năm 1945.
Nguyễn Văn Tố
(1889 1947) xuất thân trong gia đình nhà
Nho tại Hà Nội nên vốn Nho học thuộc hàng uyên thâm. Nguyễn Văn Tố theo
Tây học. Sau khi tốt nghiệp trường Thông ngôn, ông làm việc tại Viện Viễn Đông
Bác cổ (EFEO).
Nguyễn Văn Tố ban đầu làm thư ký
tòa soạn với chân nhân viên phụ tá. Dần dà về sau, nhờ thực lực mà lên
chức Chủ sự. Kiến thức mẫn tiệp của anh chàng đất An Nam đến người Pháp cũng
phải ngợi khen, như lời cha cố Léopold Cadière (chủ bút của tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H):
Ông Tố xứng đáng là một học giả,
Nguyễn Văn Tố được biết đến
trên Đông Dương tạp chí qua
những bài dịch Pháp văn, về sau, Nguyễn Văn Tố viết bài bằng Pháp ngữ đăng trên
báo Avenir du Tonkin, báo Courrier d’Haiphong, rồi Đông Thanh tạp chí. Nội dung chủ
yếu xoay quanh chủ đề về văn học, triết học, xã hội học, sử học.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành
công, nhận thấy uy tín của cụ Nguyễn Văn Tố với quốc dân Chính phủ mới do Hồ
Chí Minh làm Chủ tịch mời cụ làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội, một trọng
trách lớn lao và đầy khó khăn trong đó có việc phải đẩy lùi “giặc
đói”. Cũng là Hội trưởng của Hội Truyền bá Quốc ngữ,
Sau này cụ Nguyễn Văn
Tố làm Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Các cơ quan, bộ ngành từ Hà Nội
được di chuyển lên An toàn khu Tân Trào. Bộ Cứu tế xã hội của cụ Tố di chuyển
lên thị xã Bắc Kạn.
Trong chiến dịch Việt Bắc năm
1947, Pháp đưa quân tấn công Việt Bắc. Ở Bắc Kạn, cơ quan của cụ Tố bị mắc kẹt
giữa vòng vây của địch. Cụ bị Pháp bắt và sát hại. Ngày cụ hy sinh, ấy là
ngày 7/10/1947.
Phạm Duy Tốn (1883 – 1924)
Nguyên quán của ông ở làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Phú Xuyên, thành phố Hà Nội).
Thuở nhỏ Phạm Duy Tốn học chữ Nho. Sau ông cùng với các ông Nguyễn Văn
Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng
Kim học trường Thông ngôn Hà Nội
(Quai de Commerce) ở Yên Phụ và tốt nghiệp năm 1901. được bổ làm thông ngôn
ngạch tòa sứ Ninh Bình rồi sang Thị Cầu (tòa sứ Bắc Ninh). Lúc ấy ông nổi tiếng là một thông ngôn có bản sắc riêng.
Tuy nhiên, ông nhanh chóng bỏ công việc theo sở học của mình. Chuyển qua viết
báo và văn.
Bài báo thành công nhất của ông có lẽ là bài Hoạn nạn
tương cứu viết về trận lũ lụt ở Bắc Kì vào các
tháng 7 và 8 năm 1915 làm 60.000 người thiệt mạng vì chết đuối hoặc bệnh dịch
sau đó. Bài báo mô tả hậu quả của trận lũ và gây xúc động mạnh trong dân chúng
ở Nam Kì dẫn đến
việc thành lập một hội từ thiện gây quỹ gửi cho người dân gặp nạn ở miền bắc.
Sống chết mặc bay! là truyện ngắn đầu tay và nổi tiếng nhất của Phạm Duy Tốn,
cũng là truyện ngắn đầu tiên của nền văn học mới Việt Nam, in trên báo Nam
Phong tháng 12 năm 1918. Tác phẩm được giới thiệu một cách ấn tượng
với người đọc: Dưới tiêu đề chữ to MỘT LỐI VĂN MỚI và lời giới thiệu đặc biệt
của Phạm Quỳnh, câu chuyện trải dài suốt ba cột báo.
Phạm Duy Tốn viết bài Trách nhiệm người làm báo đăng
trên Lục tỉnh tân văn trong đó ông so sánh nước Việt Nam như
một con thuyền và người làm báo là những người chèo thuyền có trách nhiệm đưa
nó đến bến bờ văn minh. Bài báo đề cập rộng đến các vấn đề vai trò và trách
nhiệm của báo chí trong xã hội, cách lựa chọn và đặt đề tài của nhà báo... Sau
này, tác giả Hoàng Sơn Công nhận định: "Trách nhiệm người làm báo là
một trong những bài viết đầu tiên ở Việt Nam bàn về vai trò, trách nhiệm và đạo
đức của người viết báo,
Nhiều học giả như Phạm Duy Tốn thật sự tin tưởng ở việc duy trì
mối quan hệ tốt đẹp với mẫu quốc Pháp để học hỏi và khai phá văn minh.