Thứ Ba, 7 tháng 1, 2020

Giai thoại“Tam nghĩa sĩ”. Cưới vợ trả vợ



Quan hệ nhân duyên đã được định sẵn, người với người phát sinh hết thảy đều là duyên phận trời định, thiện duyên kết thiện quả, nghiệt duyên kết ác quả.

Câu chuyện ở làng Kim Hoa có một người thanh niên tên là Bảo Vụ Sinh. Thời chiến loạn lạc, hai vợ chồng Bảo Vụ Sinh thất lạc nhau, người chồng may mắn nằm trong đống xác chết nên không bị giết chết, nhưng người vợ lại bị quân địch bắt đi, biệt vô âm tích.
Sau đó, quân địch đổi nơi đóng quân, trú tại Hoa Đình, Bảo Vụ Sinh vì đi tìm vợ, một đường phong trần mệt mỏi tìm đến Hoa Đình, người tìm không được, bản thân lại mệt mỏi đến kiệt sức, ngồi ủ rũ trước một lữ quán thở dài ngao ngán. Chủ quán bước ra xem có chuyện gì thì thấy một thanh niên mặt mày thanh tú rất đáng thương, ông cùng Bảo Vụ Sinh trò chuyện đôi câu. Bảo Vụ Sinh đem sự tình của mình ra kể cho chủ quán nghe, chủ quán thở dài, hỏi anh ta:

“Anh có biết chữ không?”
“Có biết!”
“Anh có biết tính sổ sách không?”
“Biết! ”
“Vậy thì tạm thời anh hãy ở lại lữ quán của ta, giúp ta làm ít việc, cũng đổi lấy cơm ăn, lúc rảnh thì lại từ từ mà tìm thê tử, có được không?”

Bảo Vụ Sinh nghe xong, cảm thấy đây là cách tốt nhất nên liền trả lời: “Nếu được như vậy thì còn gì bằng”.
Thế là Bảo Vụ Sinh ở lại lữ quán, làm việc cần cù trung thực, việc làm ăn của lữ quán cũng ngày càng phát đạt, kiếm được rất nhiều tiền, chủ quán hết lòng khen ngợi, định rằng sẽ đem con gái của mình gả cho anh, chỉ là còn chưa mở lời.

Một ngày nọ, trời vừa tờ mờ sáng, một người khách vội vã ăn cơm, trả tiền xong, gấp gáp vội vàng đi mất. Sau đó, Bảo Vụ Sinh phát hiện ra người khách nọ để quên một cái túi trên bàn bèn mở ra xem xét, thì thấy 50 lượng bạc sáng chói. Liền đem gói kỹ lại một lần nữa, giao cho chủ quán, đợi người mất của quay lại lấy.
Giữa trưa, người khách nọ quả nhiên lại vội vã quay trở lại, mồ hôi đầm đìa, thở hồng hộc, xông vào lữ quán, tìm tới tìm lui trên mặt đất.

Bảo Vụ Sinh bước đến hỏi thăm: “Quan khách, người đang tìm vật gì vậy?”.
“Ta đang tìm một túi bạc”.
“Bên trong có bao nhiêu bạc ?”
“50 lượng”.
Bảo Vụ Sinh lại hỏi:
“Số bạc này dùng để làm gì?”
Người khách lo lắng nói:
“Ta thật vất vả mới tích cóp được 50 lượng bạc, là muốn tới doanh trại mua một người vợ; mà giờ cứ hết lần này lần khác làm mất số bạc, giờ phải làm sao đây?”.

Bảo vụ sinh nói:
“Đừng lo, bạc của anh tôi thay anh nhặt được rồi, cái này giờ trả lại cho anh”.
Dứt lời, Bảo Vụ Sinh vào phòng lấy ra một gói, giao lại ngay tại chỗ, một lượng không thiếu. Người khách hết mực cảm tạ, vô cùng vui mừng cầm gói bạc ra đi.
Vài ngày sau đó, người khách mất bạc kia hớn hở vui sướng đưa đến 2 tấm thiệp mời, nói với Bảo Vụ Sinh: “Tất cả là nhờ vào anh trả lại bạc cho tôi, giờ việc của tôi xong xuôi rồi, đã định ngày nào đó sẽ kết hôn, lại nói đoạn nhân duyên này, vẫn là nhờ anh ban cho tôi. Giờ đây, vô luận như thế nào cũng muốn mời chủ của anh và anh cùng đến uống chén rượu mừng mới được”.

Bảo Vụ Sinh liên tục từ chối, nói không dám nhận. Chủ quán lại vui vẻ nói: “Chén rượu mừng này ta rất muốn uống, chỉ là ta gần đây hơi bận, vậy một mình anh đi đi nhé!”.
Thế là, Bảo Vụ Sinh đúng thời hạn đến dự tiệc. Đây cũng là một gia đình chân thành, người mất bạc sắp đón dâu, cao hứng bừng bừng, cả nhà vội vội vàng vàng bên ngoài, rất náo nhiệt.

Đến buổi trưa, Bảo Vụ Sinh tản bộ bên bờ sông, gặp một chiếc thuyền đang dần dần hướng đến. Trên thuyền một người con gái khoác lụa hồng đeo lục, quần áo lượt là. Trên bờ mọi người bắt đầu kháo nhau rằng cô dâu đã đến. Bảo Vụ Sinh bất giác hướng mắt nhìn cô dâu đang đến, một thoáng nhìn qua thì ngây ngẩn cả người: “Tân nương tử đó không phải chính là thê tử mà mình tìm kiếm ngày đêm hay sao?”.

Lúc này, đúng lúc cô dâu cũng nhìn lên bờ, thoáng qua một cái thì nhận ra chồng của mình, thế là hai bên không chịu nỗi khóc lên thành tiếng. Bảo Vụ Sinh khóc ngã trên đồng cỏ; cô dâu khóc ngã vào khoang thuyền.
Chẳng  mấy chốc, thuyền đã cập bến, phải ngênh đón cô dâu lên bờ nhưng cô dâu đã khóc lóc nức nở. Hỏi thì nàng nói: “Tôi vừa mới nhìn thấy một người, dường như là trượng phu của tôi trước đây, thế nên tôi cảm thấy vô cùng bi thương”.
Lại hỏi người kia hình dáng thế nào, cô dâu nói đến dáng điệu, ăn mặc của Bảo Vụ Sinh kể ra, chú rể nghe xong, chẳng phải giống như ân nhân nhặt bạc trả lại cho mình sao? Thế nên, người này vội vàng chạy ra bờ sông tìm, chỉ thấy Bảo Vụ Sinh nằm sấp trên mặt cỏ cạnh bờ sông khóc lóc nức nở, không đứng dậy nổi. Ba lần bảy lượt hỏi han, anh ta cũng không chịu nói. Sau hỏi đến nóng ruột, Bảo Vụ Sinh mới nói: “Vừa rồi, tôi nhìn thấy một người …”, rồi lại nghẹn ngào không nói được lời nào.

Chú rể cuối cùng hiểu ra, mới chân thành nói với Bảo Vụ Sinh: “Ta đã hiểu rồi, tân nương tử của ta chính là thê tử của anh. Ngày trước, anh đã nhặt được bạc ta dùng để cưới vợ, vậy bạc này là của anh rồi. Anh đưa bạc cho ta đến chuộc thê tử của anh, đây chính là ông trời muốn ta làm chuyện tốt này. Anh đừng khóc nữa, ta cảm kích ân đức của anh, sẽ đem thê tử trả lại cho anh, xem như là báo đáp”.
Bảo Vụ Sinh vô cùng khó xử, thê tử của mình, cuối cùng tìm được rồi, đương nhiên là hy vọng đoàn viên rồi., nhưng người ta bỏ ra 50 lượng bạc mua về tân nương tử, giờ lại vô cùng vui sướng mà bày tiệc hỷ sự, điều này khiến anh vô cùng có lỗi với anh ta! Thật sự rất khó xử.https://image2.tin247.com/pictures/2015/05/26/ojw1432607166.jpg

Chú rể bèn đi mời người chủ quán đến làm chủ sự việc. Chủ quán nghe xong, rất tán dương phẩm hạnh của hai người, vui vẻ nói: “Người trả bạc là nghĩa sĩ, còn người trả vợ, nghĩa khí của anh cũng không kém gì. Để cho anh cưới vợ lại không được vợ, vậy cũng không thể được! Như vậy đi, ta có đứa con gái đã đến tuổi xuất giá; ta đem con gái ta gả cho anh; còn tân nương tử kia, vốn là thê tử của người trả bạc, vậy để cho họ đoàn tụ với nhau”.

Mọi người nghe xong, đều nói cách này thật là biện pháp vẹn cả đôi đường, lại còn khen ngợi chủ quán cũng là một nghĩa sĩ, cùng với hai nghĩa sĩ kia đúng là “Tam nghĩa sĩ”. Cưới vợ trả vợ, câu chuyện này trở thành giai thoại “Tam nghĩa sĩ” mọi người đều ca tụng.

Đây là một câu chuyện chân thật không hư cấu. Mọi người thường cho rằng chuyện cơ duyên trùng hợp như vậy là bịa đặt, thực ra hoàn toàn ngược lại, vì quan hệ nhân duyên đã được định sẵn, người với người ở đó phát sinh hết thảy đều là duyên phận trời định, gọi là thiện duyên kết thiện quả, nghiệt duyên kết ác quả. Vậy nên nhà Phật mới khổ tâm khích lệ thiện, kêu gọi con người làm việc thiện tích đức, vì hạnh phúc của chính mình mà trải đường.


Giai thoại tuyển phi tần của vua Tự Đức


Trong số 103 người vợ của vua Tự Đức, không có ai hơn được Nguyễn Thị Bích về tài văn chương thơ phú, chính điều đó đã khiến vua đặc biệt khen ngợi, thán phục rồi đưa vào cung làm vợ sau khi thử tài của bà. Đây là một việc tuyển phi tần khác hẳn với lệ thưởng, không tuân theo các nghi thức điển chế cung đình đương thời.
 
Tự Đức, ông vua văn học yêu mến khách văn chương
Tự Đức là vị Hoàng đế thứ tư của vương triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, còn có tên Nguyễn Phúc Thì, sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (tức ngày 22 tháng 9 năm 1829), con thứ hai của Nguyễn Hiến Tổ (Thiệu Trị), thân mẫu là Phạm Thị Hằng (sau được tôn là Thái hậu Từ Dũ).
Khi nhỏ, ông có tước phong là Phước Tuy Công, đến tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), ông lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Tự Đức và trị vì trong 36 năm (1847 – 1883), trở thành vị vua có thời gian ở trên ngai vàng lâu nhất triều Nguyễn.
Vua Tự Đức có thể coi là một hoàng đế nổi tiếng về sự nghiệp văn chương, ngay từ nhỏ đã chăm chỉ đèn sách nên ông rất giỏi Nho học, sử học, triết học, văn học nghệ thuật và đặc biệt là rất sính thơ.
Vua đã để lại 600 bài văn, 4.000 bài thơ chữ Hán và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm có nội dung phong phú, thể hiện tư tưởng, tình cảm, kiến thức và cảm xúc của ông, đặc biệt là các tác phẩm lớn như “Ngự Chế Việt sử tổng vịnh”, “Ngự chế thơ văn thập điều”, “Tự học diễn ca”, “Luận Ngữ diễn ca” v.v…
Chính bởi yêu văn học mà vua Tự Đức đã để lại nhiều giai thoại văn chương rất thú vị với các bề tôi của mình như Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh… Và cũng nhờ đó mà vua đã tìm được cho chốn hậu cung của mình một tri âm, tri kỷ văn thơ.
Năm Quý Mão (1843), khi đó còn là hoàng tử, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm vừa tròn 15 tuổi, được phong tước công, được mở phủ đệ riêng và lấy vợ. Người vợ đầu tiên của ông là Vũ Thị Duyên, quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, con gái của Ngự tiền đại thần Vũ Xuân Cẩn.
Mặc dù Tự Đức có nhiều vợ nhưng ngoài bà Chính phi Vũ Thị Duyên, sử sách chỉ nhắc đến một số người là Thiện phi Nguyễn Thị Cẩm, Học phi Nguyễn Thị Hương, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích. Trong số đó, Nguyễn Thị Bích là người được vua Tự Đức tuyển vào nội cung một cách khác với lệ thường.
Theo điển lễ của triều Nguyễn, phàm là con gái của các quan trong triều sẽ được vinh dự tiến cung làm phi tần “nâng khăn sửa túi” cho hoàng đế và tùy theo tước phẩm của người cha, cô được tuyển vào cấp bậc cao hay thấp.
Còn mỹ nữ trong dân gian thì phải qua các kỳ xét hạch nghiêm ngặt về dung nhan, đạo đức, phẩm hạnh và tài thêu thùa, nấu nướng…
Tiệp dư Nguyễn Thị Bích còn được gọi là Nguyễn Nhược Thị Bích, hay Nguyễn Nhược Thị, tự là Lang Hoàn (Lương Hoàn), sinh năm Canh Dần (1830), quê ở làng Đông Giang, huyện An Phước, đạo Ninh Thuận (nay thuộc tỉnh Bình Thuận).
Bà là con gái thứ tư của ông Nguyễn Nhược Sơn (San) quan Bố chính tỉnh Thanh Hóa, mẹ là người họ Nguyễn hàm Thục Nhân.
Vừa có sắc, lại có tài, tiếng tăm của Nguyễn Thị Bích lan rộng khắp nơi. Bấy giờ, quan Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa biết bà là người hiếm có bèn viết tờ biểu tiến cử lên Tự Đức. Xem tờ biểu, vua rất ngạc nhiên về một thiếu nữ mới 18 tuổi không những xinh đẹp mà lại giỏi văn thơ, bèn triệu vào cung để thử tài.
Hôm đó có một buổi ngâm thơ vịnh cảnh, vua Tự Đức ra đề thơ là “Tảo mai” (Hoa mai sớm nở) và bài họa của Nguyễn Thị Bích được nhà vua chấm hay nhất, trong đó có hai câu rất nổi tiếng:
“Nhược giao dụng nhữ hoá canh vị,
Nguyên tác lương thần phụ hữu Thương”.
Nghĩa là:
“Nếu bảo dùng người cho vừa vị canh,
Xin làm người bầy tôi giỏi giúp nhà Thương”.

Tự Đức đặc biệt khen ngợi rằng: “Khéo điều chế câu thơ như người điều chế mai, tỏ rõ chí khí như của Tể tướng Phó Duyệt, thật là bổ ích. Đáng tiếc là nữ, nếu là nam thì chức ấy trẫm cũng không tiếc”.
Sau đó, vua ban thưởng cho Nguyễn Thị Bích 20 nén bạc, đồng thời tuyển vào cung cho giữ chức Thượng Nghị viên sư, đó là năm Mậu Thân (1848).
Năm Canh Tuất (1850), bà được phong làm Tài Nhân thường hầu trực trong cung và theo hầu vua Tự Đức mỗi lần đi tuần thú, nhiều lần được cùng vua xướng họa. Bà vừa là người thông minh, học thức, lại ứng xử khéo léo, luôn tỏ ra kính cẩn, đoan nghị, nên Tự Đức rất yêu quý bà.
Năm Mậu Thìn (1868) Nguyễn Thị Bích được tấn phong Tiệp Dư, lãnh trách nhiệm dạy học trong cung đình.
Vua Tự Đức không có con nên lấy 3 người cháu, con của anh em họ đưa vào cung nhận làm con nuôi. Đó là Nguyễn Phúc Ưng Ái (con của Thoại Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y), Nguyễn Phúc Ưng Đăng và Ưng Kỷ (con của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai).
Ưng Ái (sau là vua Dục Đức) do lớn tuổi nhất được coi là con cả, vua Tự Đức giao cho Chính phi Vũ Thị Duyên nuôi dạy.
Còn Ưng Đăng và Ưng Kỷ (sau là vua Kiến Phúc và Đồng Khánh) do Tiệp dư Nguyễn Thị Bích chăm sóc, giảng dạy những kiến thức về văn học, phép tắc, lễ nghi nơi cung cấm nên bà được mọi người kính trọng gọi là “Tiệp dư Phu tử”.
Chính bởi vậy bà Tiệp dư được Tự Đức tin cậy, yêu mến, thường cho cùng đi trong những buổi vua đến vấn an mẹ và những cuộc trao đổi riêng với Hoàng Thái hậu về công việc trong triều, trong hoàng tộc, những diễn biến của đất nước.
Một thời gian sau, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích trở thành Bí Thư cho Thái hậu Từ Dũ, nhờ vậy mà bà nghe được nhiều điều trao đổi giữa thái hậu và vua, bởi những lúc đó chỉ mình bà được ở gần hầu hạ.
Tháng 6 năm Quý Mùi (1883), vua Tự Đức qua đời. Mọi ý chỉ, sắc dụ của Lưỡng Tôn Cung (Từ Dũ và Chính phi Vũ Thị Duyên) đều do một tay bà soạn thảo, chấp bút.
Trong thời kỳ “tứ nguyệt tam vương” (bốn tháng ba vua), cũng như những người ở nội cung, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích phải chịu sự chuyên chế của hai phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường trong việc phế lập các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc.
Tiếp đó, vua Hàm Nghi lên ngôi được một năm thì xảy ra sự biến “kinh thành thất thủ”, vua xuất bôn xuống chiếu Cần Vương kêu gọi chống Pháp xâm lược.
Trong bối cảnh rối loạn lúc bấy giờ, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích hộ giá Tam cung (Thái hậu Từ Dũ và chánh phi, thứ phi của vua Tự Đức) cùng triều đình chạy ra Quảng Trị, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên không lâu sau bà rước Tam cung trở lại Huế, đến lánh ở Khiêm Lăng (Lăng vua Tự Đức) rồi trở về hoàng cung, chịu sự quản chế của Pháp.
Khi Nguyễn Thị Bích theo Tam cung hồi loan về Huế, lúc này người con nuôi và cũng là học trò của bà, hoàng tử Ưng Kỷ, đã lên ngôi, lấy hiệu là Đồng Khánh.
Cũng trong khoảng thời gian đó, bà hết lòng hầu hạ, làm mọi việc do Thái Hoàng Thái hậu Từ Dũ giao cho, những lúc rảnh rỗi bà vẫn sáng tác văn thơ.
Nguyễn Thị Bích còn để lại một ít bài thơ cảm tác bằng chữ Hán, nổi bật nhất là bài thơ Đường luật thể hiện cảm xúc mừng vui khi vào năm Tân Mão (1891), sau bao ngày tang thương dâu bể, lễ Nam Giao đầu tiên được tổ chức lại.
Phong tục bao năm chẳng đổi thay
Nước nhà hưng thịnh thấy từ đây.
Trong cung vua trẻ noi gương trước,
Dưới trướng tôi lành giữ nếp nầy.
Áo mão phơi bày đông kẻ nhớ,
Trống chiêng vang dậy lắm người khuây,
Xưa nay lễ nhạc là giềng nước,
Muốn được an dân phải thế nầy.
(Đào Tất Đạt dịch)

Đến năm Nhâm Thìn (1892), để ban thưởng cho những công lao, đóng góp của bà, Từ Dũ đã tấn phong cho Tiệp dư Nguyễn Thị Bích làm Tam giai Lễ tần.
Đến tháng 11 năm Kỷ Dậu niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909), bà phi tần tài hoa Nguyễn Thị Bích qua đời tại kinh đô Huế, thọ 80 tuổi, lăng mộ đặt tại làng Dương Xuân Thượng (nay thuộc thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
ST


Vua Tự Đức và quần thần (tranh vẽ của họa sĩ Pháp)




Lăng Tự Đức nằm trong một thung lũng hẹp thuộc phường Thủy Xuân, TP Huế. Công trình có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong các lăng tẩm đẹp nhất của nhà Nguyễn. Đằng trước là hồ Lưu Khiêm, được thả hoa sen tạo cảnh.