Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Tài năng xuất chúng


 Albert Einstein : “Thiên tài 1% đến từ bẩm sinh và 99% đến từ rèn luyện”

Tài năng xuất chúng là do luyện tập hay bẩm sinh?

Theo bạn, điều gì làm nên một thiên tài? Tài năng, nỗ lực, may mắn, hay là cả ba? Đối với Malcom Gladwell, công thức của thiên tài không chỉ đơn giản như thế. Tại sao Bill Gates, the Beatles, Mozart lại trở thành những vĩ nhân thế giới trong khi những người khác, như Christopher Langan – người có chỉ số thông minh cao hơn cả Einstein nhưng cả đời làm việc trong trại ngựa? Điểm chung của họ là luyện tập tích cực, tự thân, bền bỉ và có ý thức khiến họ vượt xa những người cùng trang lứa.

Nhà tâm lý học Ander Ericsson và cộng sự đã dành thời gian nghiên cứu hàng loạt những “tài năng xuất chúng” và đề xướng khái niệm thực hành có chủ đích cùng quan điểm về nhân tài được nuôi dưỡng trong thời gian đủ lớn chứ không được “sinh ra” đột ngột.
“Thiên Bẩm” không đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành nên những tài năng như bấy lâu nay người ta hồn nhiên gán ghép.

Một hoạt động thực hành có chủ đích là một hoạt động thực hành có cấu trúc, hướng tới mục tiêu nâng cao thành tích. Muốn chơi piano thành thục, người học sẽ phải tập đi tập lại qua nhiều bài tập cơ bản trước khi có thể chơi được các bản nhạc phức tạp hơn. Muốn có kĩ thuật đá bóng điêu luyện và khéo léo trên sân cỏ, các cầu thủ giỏi Brazil đã trải qua hàng tá các bài tập trong sân futsal và sân nhỏ. Luyện tập với chất lượng cao để nâng cao thành tích là cách gọi nôm na cho những hiện tượng này. 

Khi số giờ luyện tập như vậy đủ lớn, người học sẽ dần dần bứt phá ra khỏi trạng thái sơ khai, trở nên tinh thông trong kĩ năng. Theo Ericsson, một cô gái tập đàn theo lối luyện tập có chủ đích đạt mức 3.500 giờ thì có thể trở thành một nghệ sĩ nghiệp dư đủ để biểu diễn giải trí, khi đã tích lũy đủ 5.000 giờ thì cô gái có thể đã là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, và đạt 10.000 giờ thì đã là xuất chúng. 

Có thể nói Ericsson đã phát minh ra công thức tài tình: Tài năng = thực hành có chủ đích trong 10.000 giờ. 

Kết luận của Ericsson đã được Malcom Gladwell nhắc lại trong “Những kẻ xuất chúng”, cuốn sách nổi tiếng đã mang kết quả của Ericsson đến với đại chúng: “Kết quả của những nghiên cứu đã chứng minh: 10.000 giờ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc để đạt được cấp độ tinh thông và trở thành một chuyên gia đẳng cấp thế giới – trong bất cứ lĩnh vực nào”. Không kể là Bill Gates của lập trình máy tính, The Beatles của nhạc rock hay Howard Gardner của khoa học tâm lí, tất cả đều phải tích cho đủ số giờ luyện tập. Đều phải 10.000 giờ. Công thức của tài năng rất đơn giản vậy thôi.

Cả Dweck, Ericsson, Gladwell hay Coyle đều chung nhau một ý: họ khuyến khích quá trình học tập tích cực, tự thân, bền bỉ và có ý thức. Họ đều nhấn mạnh một điều quan trọng là sự phát triển năng lực ở mỗi người là tiệm tiến, tốn thì giờ, có thể phải trải qua thất bại nhiều lần, và vai trò của người giáo viên/dẫn dắt là rất quan trọng. Bên cạnh đó, họ cũng không quên nhấn mạnh tới sự tác động từ các yếu tố bên ngoài tới sự phát triển năng lực của một con người: từ di sản văn hóa và môi trường, như cách Gladwell đã nêu; hay từ huấn luyện viên bậc thầy như đề xuất của Coyle để trợ giúp việc luyện tập sâu; hay sự cần thiết của khuyến khích và động viên từ giáo viên đối với nỗ lực và thất bại của học trò như khuyến nghị của Dweck.

chúng ta cần phải hết sức coi chừng với các hình thức thụ động của việc học tập. Những hoạt động xem phim thụ động từ tấm bé, kể cả khi phim đó được gắn mác “Baby Einstein giúp trẻ thông minh” hay những hoạt động nghe giảng một chiều thực ra không giúp ích gì mấy cho sự phát triển của trẻ cả. 

Thái độ tích cực và chủ động, luyện tập sâu là điều tiên quyết. Sự tăng trưởng từ từ của myelin giúp chúng ta với vai trò là các bậc cha mẹ hoặc nhà giáo bớt “sốt ruột” với sự phát triển của con trẻ hoặc chính bản thân mình. Theo đó, chúng ta sẽ phải lưu tâm nhiều hơn tới những cải tiến nhỏ, cụ thể, có chủ đích và liên tục trong cách ta làm việc.

Như dân gian có câu, “muốn nhanh, cứ phải từ từ”, hóa ra cũng hiệu nghiệm trong việc phát triển năng lực con người.  Con đường đến với thành công, luôn phải có mặt sự “siêng năng” và bền chí. Cần tránh xa các “giấc mơ Phù Đổng” vốn nằm sâu trong tiềm thức của nhiều người trong chúng ta.

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

Cha mẹ độc hại (Toxic parents)



Ảnh : Đặc điểm nuôi dạy con cái độc hại là họ muốn con cái mình thành công bằng mọi giá. 

Chúng ta muốn tin vào sự thiêng liêng của gia đình, ngay cả khi thực tế ngoài kia có hàng triệu đứa trẻ đang lớn lên trong những gia đình độc hại, bị cha mẹ vùi dập cả về thể xác lẫn tinh thần. Giống như chất độc hóa học, những tổn thương cảm xúc gây ra bởi cha mẹ sẽ lây lan suốt tuổi thơ đứa trẻ, cho đến khi trưởng thành.

Theo lẽ thường, cha mẹ được nắm quyền kiểm soát chúng ta đơn giản vì họ đã mang đến cho ta sự sống. Văn hóa và các tôn giáo của chúng ta gần như có chung quan điểm trong việc tán thành quyền lực tuyệt đối của cha mẹ. Việc bày tỏ sự giận dữ gần như chắc chắn là điều cấm kỵ khi đứng trước cha mẹ. Đã bao nhiêu lần bạn nghe câu “không được cãi lại mẹ” hay “sao con dám hét lên với bố?” Bạn có thể rời bỏ một người bạn, một đồng nghiệp hay người yêu độc hại, nhưng bạn gần như không thể rời bỏ cha mẹ độc hại.

"Cha mẹ là những người gieo hạt giống tinh thần và cảm xúc trong ta – những hạt giống sẽ trở thành chính ta sau này. Trong một số gia đình, có những hạt giống yêu thương, tôn trọng và độc lập. Nhưng trong nhiều gia đình khác, có những hạt giống sợ hãi, bổn phận hay tội lỗi."

"Vào giai đoạn trưởng thành, những hạt giống nảy mầm thành những bụi cỏ dại vô hình làm ảnh hưởng xấu đến cuộc đời bạn theo cách bạn chưa bao giờ nghĩ đến. Chúng có thể làm hại các mối quan hệ, sự nghiệp hay gia đình bạn; chúng hạ thấp sự tự tin và lòng tự trọng của bạn."

"Một hệ thống gia đình độc hại giống như một vụ tai nạn liên hoàn vậy, hậu quả của nó kéo dài từ đời này sang đời khác. Hệ thống này không phải do cha mẹ bạn tạo lập nên, nó là kết quả của những tình cảm, luật lệ, cách đối xử, và niềm tin được tích lũy từ nhiều đời tổ tông của bạn.

"Những bậc cha mẹ độc hại luôn tìm lí do để chống lại bất cứ điều gì đi ngược lại với niềm tin của họ. Thay vì thay đổi, họ chọn cách tạo ra một thực tại méo mó và sống chung với nó. Đa số con trẻ không đủ suy nghĩ sâu sắc để nhận ra cái thực tại méo mó đó. Khi những đứa trẻ lớn lên chúng đem cái thực tại sai lầm chưa

"Những bậc cha mẹ chỉ tập trung năng lượng vào cảm xúc và sức khỏe của bản thân thường gửi đi một thông điệp vô cùng mạnh mẽ tới con cái rằng: “Cảm xúc của con không quan trọng. Chỉ có cha mẹ mới là người cần được quan tâm.” Nhiều đứa trẻ bị tước đi thời gian dành cho bản thân, sự chú ý và quan tâm, dần dần cảm thấy mình như người vô hình – như thể chúng không tồn tại trên đời."

"Nếu tôi phải chọn giữa việc bị bạo hành tinh thần và thể xác, tôi sẽ luôn chọn bị đánh đập. Anh có thể nhìn thấy vết thương, ít nhất người ta còn thương cảm cho anh. Còn với lời nói ấy hả, nó chỉ khiến mình phát điên. Các vết thương là hoàn toàn không nhìn thấy được. Không ai màng quan tâm đến. Các vết thương trên thân thể liền sẹo nhanh hơn gấp nhiều lần so với những lời lăng mạ và sỉ nhục."

"Đa số những đứa con của các bậc cha mẹ độc hại khi lớn lên đều mang trong lòng cảm giác cực kỳ bối rối về tình yêu và yêu thương thật sự là như thế nào. Cha mẹ của họ đã làm những việc vô cùng tàn nhẫn với họ nhân danh tình yêu. Họ dần dần xem tình yêu là một thứ gì đó hỗn loạn, kịch tính, khó hiểu và thường gây đau đớn – một thứ mà họ phải đánh đổi bằng cách từ bỏ những ước mơ và khao khát của bản thân. Đó rõ ràng không phải là tình yêu đích thực."

"Những người con của các bậc cha mẹ độc hại thường gặp khó khăn trong việc xử lý cơn giận khi lớn lên. Nguyên do bởi từ khi sống trong gia đình, việc họ biểu lộ cảm xúc là điều không được khuyến khích, chỉ có cha mẹ họ mới có đặc quyền công khai thể hiện cảm xúc của mình. Đa số những người có cha mẹ độc hại đã phát triển thói quen chịu trận, nhẫn nhịn khi bị đối xử tệ.

Sống trong bầu không khí gia đình thiếu lành mạnh, trẻ sẽ mất nhiều năng lượng để tránh né, che chắn, sức sống không được khơi dậy. Chính đây là nơi sản sinh những đứa con còi cọc, những công dân bệnh hoạn trong xã hội.

“Xem quả, biết cây”, nhưng xem cây cũng có thể đoán về quả, đó chỉ là hai mặt của một vấn đề! Chúng ta có thể dựa trên bầu không khí có lành mạnh hay không của gia đình để có thể tiên đoán phần nào hiện tại và tương lai của những đứa trẻ. Vì tương lai con trẻ, người lớn nên sớm thức tỉnh!



Ảnh : Đặc điểm nuôi dạy con cái độc hại là họ muốn con cái mình thành công bằng mọi giá.