Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

EMPATHY – THẤU CẢM

Một trong những môn học chính khoá của hệ thống trường Đan mạch là môn empathy - thấu cảm trong bộ sách “Klassens tid”. Môn này dạy các em giúp đỡ bạn bè và chỉ cạnh tranh với chính mình.

.
Đan mạch là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới theo báo cáo hạnh phúc thế giới của Liên Hiệp Quốc. Và một trong những lý do giúp họ hạnh phúc là đưa môn empathy – thấu cảm vào dạy trong trường học từ những năm 1993.
.
Empathy – thấu cảm giúp xây dựng quan hệ, ngăn ngừa hành vi bắt nạt, và giúp con người thành công trong sự nghiệp & cuộc sống. Empathy là nền tảng phát triển lãnh đạo, doanh nhân & vị trí quản lý trong một tổ chức.
.
Tại Đan mạch, trẻ em 6-16 tuổi được học mỗi tuần 1 tiếng đồng hồ về Empathy, và môn này được xem như môn quan trọng, không kém môn tiếng Anh hay môn Toán. Trong tiết học, học sinh và giáo viên cùng thảo luận các vấn đề học sinh gặp phải, dù ở trường hay ở nhà, và cùng tìm giải pháp bằng cách lắng nghe và thông cảm. Nếu không có vấn đề gì để bàn, thì mọi người cùng thư giản và tận hưởng hygge – một từ liên quan đến văn hóa Đan Mạch không dịch thẳng ra được nhưng có ý nghĩa là “ tạo ra không gian thân mật một cách cố ý”, hay có thể giải thích là mang đến không gian ấm áp, sáng ngời, ở đó bạn bè cảm thấy được bầu không khí chia sẻ, chào đón và thân mật. Hygge đang trở thành một hiện tượng trên thế giới.
.
Một trong những cách tiếp cận trong công việc tốt nhất của người Đan mạch là team work – làm việc nhóm. Họ không tập trung vào việc trở nên giỏi hơn, thắng vượt qua mặt người khác, mà tập trung vào giúp đỡ những người không được như mình.
Cạnh tranh là với bản thân, để ta tốt hơn mỗi ngày, không phải để qua mặt người khác. Vì vậy, trường học tại Đan mạch không phát thưởng, mà chỉ xúc tiến văn hoá tạo động lực để phát triển tốt hơn.
.
Trẻ em Đan mạch được vui chơi thoải mái (free play). Chính free play giúp các em phát triển kỹ năng đàm phán và khả năng thấu cảm. Học qua cộng tác là cách đưa trẻ em mạnh yếu khác nhau về nhiều khía cạnh được cùng tham gia làm việc nhóm trong lớp để các em giúp nhau tiến bộ.
.
Bài học Empathy - thấu cảm mang lại sự hài lòng và niềm vui lớn cho trẻ em Đan Mạch, và chuẩn bị cho chúng trở thành người lớn hạnh phúc.



Tứ bất khả tận” trong cuộc đời


1. Không thể tận lợi, tận phúc

Thấy lợi đừng tham mà chiếm tận, phúc cũng không thể hưởng thụ hết.
Người xưa nói: “Phúc hề họa sở ỷ, họa hề phúc sở trí”, là có ý nói rằng: Phúc nếu như hưởng hết thì tất sẽ chiêu mời họa.
Cổ nhân tin rằng mọi phúc báo trong cuộc đời của một người là có nguyên nhân từ đức mà ra. Cho nên, nếu một người hưởng hết phúc mà không hành thiện tích đức thì tai họa sẽ đến ngay lập tức.
.
2. Không thể tận quyền thế
Quyền thế không thể dùng hết! Một người có quyền thế hay địa vị cao không thể có mãi trong cả đời. Những người luôn tự cao tự đại, tận dụng quyền thế để sai khiến người khác cần phải hiểu rằng: “Nước có thể chở thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền.”
.
3. Không thể tận thuyết (nói đến cùng cực)
Lời nói không thể nói tận! Nói nhiều tất yếu sẽ nói lỡ, có mất mát. Khi nói chuyện cho dù lời nói tốt hay lời nói không tốt thì đều không thể nói đến cùng.
.
Tận nói lời tốt không chỉ có thể gây tổn hại cho mình mà còn gây bất lợi cho người khác. Người tận nói những lời hay thường thể hiện ra sự khoác lác, tâng bốc, nịnh bợ, a dua. Cũng có khi, tận nói lời hay còn thể hiện ra sự khúm núm và đánh mất khí chất của bản thân mình. Còn những người thích nghe những lời hay này thường bị người khác cho là người có “tai không thính, mắt không rõ.”
.
Nếu tận nói những lời xấu thì tác hại của nó là khôn lường. Hơn nữa, người bình thường không ai muốn nghe lời khó nghe cả. Cổ nhân giảng: “Lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, cho nên lời nói nên là thích hợp và vừa phải.
.
4. Không thể tận hành 
Phép tắc là không thể tận! Phép tắc hay các quy định, đương nhiên là lấy con người làm gốc rễ mà đặt ra. Nhưng nếu chỉ dùng phép tắc cứng nhắc mà bỏ hẳn đi sự linh hoạt thì lại thành giáo điều. Chỉ có kết hợp nguyên tắc và sự linh hoạt chuẩn mực mới khiến xã hội phát triển.
.
Nhà văn Phùng Mộng Long thời nhà Minh đã viết trong “Cảnh thế thông ngôn” rằng: “Thế bất khả sử tẫn, phúc bất khả hưởng tẫn, tiện nghi bất khả chiêm tẫn, thông minh bất khả dụng tẫn.” Nghĩa là, quyền thế không thể sử dụng hết, phúc không thể hưởng hết, lợi không thể chiếm hết, thông minh không thể dùng hết. Những lời nói này đã trở thành câu tục ngữ được lưu truyền đến tận ngày nay để khuyên bảo mọi người trong việc đối nhân xử thế.



Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

Thầy Thích Nhất Hạnh nhắn gửi thầy cô giáo:

Là những thầy giáo, cô giáo, nếu chúng ta không hạnh phúc thì làm sao chúng ta mong đợi con em mình hạnh phúc?

Chúng ta không thể tiếp tục như hiện nay, tại vì nếu các giáo chức không có hạnh phúc, không có sự bình an và sự hòa hợp với nhau thì làm sao chúng ta giúp được cho những người trẻ bớt khổ và thành công trong sự học hành.

.

Xây dựng tăng thân là một công tác cấp bách và mỗi giáo chức phải là một người dựng tăng. Là những thầy giáo, cô giáo, chắc hẳn quý vị cũng yêu nghề. 

.
Chúng ta đều muốn đào tạo ra những con người lành mạnh, có khả năng tạo dựng hạnh phúc cho tự thân và cho xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là trao truyền kiến thức mà còn là xây dựng con người, xây dựng một xã hội nhân bản để có thể chăm sóc hành tinh yêu quý của chúng ta.
.
Chúng ta biết những người trẻ và các bậc phụ huynh trong thời đại chúng ta có rất nhiều nỗi khổ, niềm đau trong lòng. Cha mẹ không truyền thông được với nhau hay giữa cha mẹ và con cái không dễ dàng nói chuyện được với nhau. 
.
Trong lòng những người trẻ luôn có sự cô đơn, trống vắng và chúng tìm cách khỏa lấp nỗi cô đơn trống vắng ấy bằng những trò chơi điện tử, phim ảnh, nghiện ngập hay những thú tiêu khiển độc hại. Khổ đau trong lòng những người trẻ càng nhiều thì công tác giáo dục càng trở nên khó khăn. 
.
Là những thầy giáo, cô giáo, chúng ta cũng có những khó khăn. Chúng ta đã luôn cố gắng nhưng môi trường sống và làm việc của chúng ta quá nhiều khó khăn. Là những thầy giáo, cô giáo, nếu chúng ta không hạnh phúc thì làm sao chúng ta mong đợi con em mình hạnh phúc? Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng.
.
Cuộc sống ngày nay tuy có nhiều phương tiện truyền thông như điện thoại thông minh, mạng xã hội… nhưng càng ngày thì sự truyền thông giữa vợ và chồng, bố mẹ và con cái, thầy cô giáo và học sinh… lại càng trở nên khó khăn. Điều đó nói lên rằng phương tiện truyền thông hiện đại không hề giúp ta truyền thông tốt hơn. 
.
Nếu ta không trở về tiếp xúc với tự thân để thấy được đâu là nguyên nhân của những sợ hãi, giận hờn và nỗi khổ, niềm đau trong ta, thì làm sao ta có thể truyền thông được với chính mình? Và một khi ta không thể truyền thông với tự thân thì làm sao ta có thể truyền thông được với những người khác? Tái lập truyền thông và đem lại sự hòa giải là chuyện có thể làm được. 
.
Sự thực tập ái ngữ và lắng nghe giúp cho chúng ta thiết lập lại truyền thông và đưa tới sự hòa giải. Trước tiên, chúng ta cần có mặt và hiểu được hình hài, cảm thọ, tri giác và khổ đau của chính chúng ta. Chánh niệm giúp ta có khả năng đối diện và hiểu thấu những khổ đau trong ta mà không phải trốn chạy hay tìm cách khỏa lấp chúng. 
.
Tiếp đến, thầy cô giáo có thể ngồi lại với học sinh của mình để cùng chia sẻ những khó khăn nằm sâu bên trong mỗi người. Một khi học sinh đã cảm thông được những khó khăn của thầy cô giáo rồi thì các em sẽ không tiếp sức làm cho những khó khăn ấy lớn thêm. Cũng vậy, một khi thầy cô giáo đã lắng nghe đượcnhững khó khăn của học sinh, thầy cô giáo sẽ biết cách để giúp cho các em bớt khổ. 
.
Khi đó lớp học sẽ trở thành một không gian chia sẻ hạnh phúc cho tất cả mọi người. Lắng nghe với tình thương và sự cảm thông giúp cho người kia trải hết lòng ra. Đó là thực tập của Bồ tát Quan Thế Âm, chỉ lắng nghe thôi, không phán xét, không phản ứng. Trong vòng nửa giờ đồng hồ lắng nghe, chúng ta đã có thể làm vơi nhẹ khổ đau trong lòng của người kia.

Thích Nhất Hạnh - Làng Mai, Pháp 

Học tài thi phận?

Theo công bố kết quả điểm thi vào lớp 10 năm 2019 :
Hà Nội 85.000 thí sinh   Tp.HCM 80.300 thí sinh, 
.
Kết quả : Các bài thi dưới 5 điểm :
.
Hà Nội môn Văn  13%.               Tp.HCM môn Văn  5,31%  
Hà Nội môn Toán là  20%.         Tp.HCM môn Toán  49,62%
Hà Nội môn Tiếng Anh  44%.    Tp.HCM môn Tiếng Anh  58,4%
.
Nhiều năm nay, giữa điểm học và điểm thi của học sinh ở các địa phương luôn có tình trạng điểm học thì rất cao song điểm thi thì lại rất thấp, thậm chí dính điểm liệt như điểm thi vào lớp 10 năm 2019 mới đây.
.
Bây giờ không hiếm trường hợp học sinh trường chuyên, lớp chọn, học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, kết quả điểm thi thấp lè tè, trong khi đó điểm học bạ thì cao chót vót, 8, 9, 10.
Nghịch lý giữa điểm học và điểm thi ngày càng gia tăng đến phổ biến. Học giỏi mà điểm thi thấp bây giờ nhiều vô kể. Mặc dù nội dung, kiến thức trong các đề thi luôn bám sát chương trình, vừa sức với mọi học sinh có sức học trung bình.
.
Căn nguyên sâu xa của vấn đề là tại bệnh thành tích trong ngành giáo dục, thấy rõ nhất là nhà trường, thầy cô kể cả phụ huynh đều mê điểm ảo mà ra cả.
.
Không diệt được thứ bệnh nguy hiểm ấy nền giáo dục nước nhà càng tụt dốc, bệ rạc, tan hoang…

2 mẹ con ôm nhau khóc sau khi thi xong ở trường thi Hà Nội


Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

Dãy số Fibonacci và tỷ lệ vàng

Có một tỷ lệ đặc biệt có thể được sử dụng để mô tả các tỷ lệ của mọi thứ trong tự nhiên, từ những kết cấu nhỏ nhất cho đến hạt nhân nguyên tử rồi cả những mô hình tiên tiến nhất trong vũ trụ như các thiên thể lớn. Tự nhiên dựa vào tỷ lệ nội tại này để duy trì sự cân bằng nhưng các thị trường tài chính cũng thể hiện tỷ lệ này. Đó là tỷ lệ vàng.
.
Số fibonacci được nhà toán học lỗi lạc người Ý phát hiện và công bố năm 1202 khi nghiên cứu về tăng trưởng đàn của thỏ, ong và được biểu diễn dưới dạng là một dãy vô hạn các số tự nhiên bắt đầu bằng hai phần tử 0 và 1 như sau: 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, 233…
Dãy số này có hai đặc điểm:
·        Số sau là tổng của hai số liền trước.

·        Tỷ lệ của số sau với số ngay trước nó chính là giá trị số φ theo mức chính xác tăng dần.
.
Dãy số Fibonacci xuất hiện ở khắp nơi trong tự nhiên. Những chiếc lá trên một nhành cây mọc cách nhau những khoảng tương ứng với dãy số Fibonacci. Các số Fibonacci cũng xuất hiện trong những bông hoa: hầu hết các bông hoa có số cánh hoa là một trong các số: 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55 hoặc 89. Hoa loa kèn có 3 cánh, hoa mao lương vàng có 5 cánh, hoa phi yến thường có 8 cánh, hoa cúc vạn thọ có 13 cánh, hoa cúc tây có 21 cánh, hoa cúc thường có 34, hoặc 55 hoặc 89 cánh. Thật kỳ diệu thay.
.
Các số Fibonacci cũng xuất hiện trong các bông hoa hướng duơng. Những nụ nhỏ sẽ kết thành hạt ở đầu bông hoa hướng dương được xếp thành hai tập các đường xoắn ốc: một tập cuộn theo chiều kim đồng hộ, còn tập kia cuộn ngược theo chiều kim đồng hồ. Số các đường xoắn ốc hướng thuận chiều kim đồng hồ thường là 34 còn ngược chiều kim đồng hồ là 55. Đôi khi các số này là 55 và 89, và thậm chí là 89 và 144. Tất cả các số này đều là các số Fibonacci kế tiếp nhau.
.
Tỷ lệ vàng không chỉ xuất hiện trong tự nhiên mà còn xuất hiện trong nghệ thuật như là lý tưởng cổ điển về cái đẹp. Có một điều gì đó thần kỳ bao quanh dãy số Fibonacci. Thực tế, hiện nay Hội Fibonacci đang hoạt động dưới sự lãnh đạo của một linh mục và có trung tâm ở Trường Đại học St. Mary tại California. Mục đích của Hội là tìm kiếm các ví dụ của tỷ lệ vàng cũng như của các số Fibonacci trong tự nhiên, trong nghệ thuật và trong kiến trúc với niềm tin rằng tỷ lệ vàng là món quà Thượng đế ban tặng cho thế giới này.
.
Như là chuẩn mực của cái đẹp. tỷ lệ vàng hiện diện ở nhiều nơi. Ở Điện Parthenon của thành Athens chẳng hạn, tỷ số giữa chiều cao và chiều dài của Điện Parthenon chính là tỷ lệ vàng.
Kim tự tháp vĩ đại ở Giza được xây dựng từ nhiều trăm năm trước Điện Parthenon của Hy Lạp cũng có tỷ số giữa chiều cao của một mặt với một nửa cạnh đáy là tỷ lệ vàng. Một bản viết trên giấy cỏ Rhind của người Ai Cập có nhắc tới "Tỷ lệ thần thánh". Các pho tượng cổ cũng như các bức tranh thời kỳ Phục Hưng đều biểu hiện các tỷ lệ bằng tỷ lệ vàng, một tỷ lệ thần thánh.
.
Người trung cổ cho rằng một người phụ nữ có dáng đẹp lý tưởng là người có tỷ lệ số đo các vòng (vòng 1, 2, 3) là tỷ lệ vàng.
Vậy đó bạn ạ. Những điều kỳ thú của thiên nhiên giúp chúng ta khai thông trí não để có thể khám phá những cái khó hơn trong thực nghiệm cuộc sống. Giờ đây chắc hẳn bạn sẽ tin vào tỷ lệ vàng mà chẳng còn hồ nghi chút nào.
.
Bạn có cần tự chứng minh để làm căn cứ chắc chắn cho những phân tích theo phương pháp Fibonacci sau này chăng? Vậy thì đây, hãy thử đo chiều dài từ vai đến các đầu ngón tai bạn thử xem, lấy kết quả số đo này chia cho số đo chiều dài từ khuỷu tay đến các đầu ngón tay. Thử xem bạn có kết quả thế nào. Hoặc thử đo chiều dài từ đầu đến bàn chân rồi chia kết quả đó cho chiều dài từ rốn đến bàn chân. Thử xem kết quả 2 lần có giống nhau không? Thử xem chúng xấp xỉ 1.618 hay không?

Vậy tỷ lệ vàng có thể hiện tốt trong tài chính hay không? Thực ra thị trường có cùng cơ sở toán học giống như những hiện tượng tự nhiên nêu trên.
Khi được sử dụng trong phân tích kỹ thuật, tỷ lệ vàng được diễn giải thành 3 dạng tỷ lệ điển hình: 38.2%, 50.0% và 61.8%. Tuy nhiên có nhiều tỷ lệ khác có thể được sử dụng khi cần thiết
.
Có 5 phương pháp ứng dụng dãy số Fibonacci chủ yếu trong tài chính là Fibonacci Retracements, Fibonacci Extensions, Fibonacci Fans, Fibonacci Arcs và Fibonacci Time Zones. Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu chi tiết từng phương pháp.
.
Trước khi bước vào nghiên cứu sâu hơn về phương pháp Fibonacci, bạn hãy suy ngẫm lại triết lý của dãy số Fibonacci và tỷ lệ vàng để rút ra một điều kỳ thú gì đó cho riêng mình chăng!





Tỉ lệ vàng trong ứng dụng giải phẩu thẩm mỹ




Phật nói chính tâm là đức hạnh duy nhất

Con người trưởng thành luôn có 3 tầng ý thức được ví như tam giác PAC. P nghĩa là cha mẹ - parent, A nghĩa là người lớn - adult, C nghĩa là trẻ em - child. Đó như là toà nhà ba tầng của bạn. Tầng thứ nhất là tầng của đứa trẻ, tầng thứ hai là tầng của cha mẹ, tầng thứ ba là tầng của người trưởng thành. Tất cả ba đều cùng tồn tại trong bạn.

.
Đây là tam giác và xung đột bên trong của bạn. Đứa trẻ của bạn nói điều này, bố mẹ bạn nói điều gì đó khác, người trưởng thành của bạn, lí trí nói điều gì đó khác.
.
Nếu như bạn một mình thì không có vấn đề gì - bạn có thể vẫn còn là đứa trẻ mãi mãi. Nhưng xã hội có đó, hàng triệu người có đó; bạn phải tuân theo nhiều luật lệ, bạn phải tuân theo nhiều giá trị. Bằng không sẽ có nhiều xung đột đến mức cuộc sống sẽ trở thành không thể được.
.
Bây giờ có những người thầy tin vào đứa trẻ. Họ nhấn mạnh vào đứa trẻ nhiều hơn. Chẳng hạn, Lão Tử. Ông ấy nói, 'Thoả thuận sẽ không tới đâu. Bạn hãy bỏ lại tiếng nói cha mẹ đi, những lời răn này, những Kinh Cựu ước này. Hãy bỏ tất cả những cái 'phải' và lại trở thành đứa trẻ lần nữa.' Đó là điều Jesus nói. Lão Tử và Jesus, sự nhấn mạnh của họ là: hãy trở thành đứa trẻ lần nữa - bởi vì chỉ với đứa trẻ bạn mới có khả năng giành lại sự tự phát của mình, bạn mới lại trở thành một phần của luồng chảy tự nhiên: ĐẠO.
.
Thông điệp của họ là hay, nhưng dường như gần phi thực tế. Vâng, đôi khi điều đó đã xảy ra - một người lại trở thành đứa trẻ lần nữa. Nhưng điều đó ngoại lệ tới mức không thể nghĩ được rằng nhân loại sẽ trở thành đứa trẻ lần nữa. Điều đó đẹp như ngôi sao... xa xăm, nhưng ngoài tầm với.
.
Thế rồi có những thầy khác - Mahavira, Moses, Mohammed, Manu - họ nói hãy nghe tiếng nói của cha mẹ đi, hãy nghe theo đạo đức, điều xã hội nói, điều bạn đã từng được dạy. Nghe và tuân theo nó. Nếu bạn muốn thoải mái trong thế giới, nếu bạn muốn an bình trong thế giới, hãy nghe theo cha mẹ. Đừng bao giờ đi ngược lại tiếng nói cha mẹ.
.
Đó là cách thế giới đã tuân theo, nhiều hay ít. Nhưng thế thì người ta không bao giờ cảm thấy tính tự phát, người ta không bao giờ cảm thấy tính tự nhiên. Người ta bao giờ cũng cảm thấy bị giam cầm, tù túng. Và khi bạn không cảm thấy tự do, bạn có thể cảm thấy an bình, nhưng sự an bình đó là vô giá trị. Nó đem tới thuận tiện, thoải mái, nhưng linh hồn bạn đau khổ.
.
Tất cả các tôn giáo cổ đều nhấn mạnh vào vâng lời quá nhiều. Không vâng lời là tội lỗi duy nhất - đó là điều Ki tô giáo nói. Adam và Eve bị đuổi khỏi vườn của thượng đế bởi vì họ đã không vâng lời. Thượng đế đã nói không được ăn quả của cây tri thức mà họ lại không vâng lời. Đó là tội lỗi duy nhất của họ. Nhưng mọi đứa trẻ đều phạm phải tội lỗi đó. Người cha nói, 'Đừng hút thuốc,' và nó thử hút. Người cha nói, 'Đừng đi xem phim,' và nó đi xem. Câu chuyện của Adam và Eve là câu chuyện của mọi đứa trẻ. Và thế rồi kết án, tống cổ ra...
.
Vâng lời là tôn giáo của Manu, Mohammed, Moses. Nhưng thế giới đó đã qua rồi, và qua nó nhiều người đã không đạt tới. Nhiều người đã trở thành công dân an bình, tốt, thành viên tốt, thành viên đáng kính trọng của xã hội, nhưng chẳng có gì nhiều.
.
Thế rồi có những ông thầy thứ ba Họ nhấn mạnh phải hướng theo người trưởng thành. Khổng Tử, Patanjali, hay những người bất khả tri - Bertrand Russell - tất cả những người theo chủ nghĩa nhân văn của thế giới, họ tất cả đều nhấn mạnh: 'Chỉ tin vào lí trí riêng của mình thôi.' Điều đó dường như rất gian nan, nhiều tới mức cả đời người ta trở thành chỉ là xung đột. Bởi vì bạn đã được nuôi dưỡng bởi cha mẹ mình, bạn đã được huấn luyện bởi cha mẹ mình. Nếu bạn chỉ nghe theo lí trí của mình, bạn phải phủ nhận nhiều thứ trong con người mình. Thực tế, toàn thể tâm trí của bạn phải bị phủ nhận. Không dễ mà xoá nó đi được.
.
Và bạn đã được sinh ra như đứa trẻ mà chẳng có lí trí gì. Về cơ bản bạn là sinh linh có tình cảm; lí trí tới rất muộn. Thực tế nó tới khi tất cả những gì phải xảy ra đã xảy ra. Các nhà tâm lí nói đứa trẻ học gần 75% toàn thể tri thức của nó trước lúc nó 7 tuổi. 50% vào lúc nó 4 tuổi. Và toàn thể việc học này xảy ra khi bạn là đứa trẻ, và lí trí tới rất muộn. Nó là kẻ tới rất muộn mằn. Thực tế nó tới khi tất cả mọi điều phải xảy ra đã xảy ra rồi.

Rất khó sống với lí trí. Mọi người đã thử - một Bertrand Russell đây đó - nhưng không ai đã đạt tới chân lí qua nó, bởi vì một mình lí trí là không đủ.
.
Nếu bạn vận hành như đứa trẻ, đó là phản ứng trẻ con, tất nhiên người lớn không ai làm vậy.
.
Hay bạn theo tiếng nói của cha mẹ mình, nhưng về sau bạn nghĩ rằng dầu vậy bạn đã bị cha mẹ mình chi phối. Bạn chưa trở thành người trưởng thành, đủ chín chắn để nắm lấy dây cương cuộc sống trong tay mình.
.
Hay đôi khi bạn theo lí trí, nhưng thế rồi bạn nghĩ rằng lí trí là không đủ, tình cảm cũng cần chứ. Và không có tình cảm, con người lí trí trở thành chỉ là cái đầu; người đó mất tiếp xúc với thân thể, người đó mất tiếp xúc với cuộc sống, người đó trở thành bị cắt rời. Người đó vận hành chỉ như cái máy tư duy. Nhưng tư duy không thể làm bạn sống động, trong tư duy không có nước cam lồ của cuộc sống. Nó là một thứ rất khô khan. Thế thì bạn khao khát, bạn khao khát cái gì đó có thể cho phép năng lượng bạn tuôn chảy, cái có thể cho phép bạn được xanh tươi và sống động và trẻ trung. Điều này cứ tiếp diễn và bạn cứ săn đuổi mãi cái đuôi riêng của mình.
.
Quan điểm của Phật là hoàn toàn khác. Đó là đóng góp độc đáo của Phật cho tâm thức con người.
.
Phật nói các cách hành xử đó tất cả đều là phản ứng và mọi phản ứng đều nhất định mang tính bộ phận - chỉ có đáp ứng mới mang tính toàn bộ - và bất kì cái gì mang tính bộ phận đều là sai lầm. Đó là định nghĩa về lầm lỗi, bởi vì các bộ phận khác của bạn sẽ vẫn không được đáp ứng và chúng sẽ phản ứng. Hãy nhận rõ: Đáp ứng là toàn bộ, phản ứng là bộ phận.
.
Khi bạn nghe một tiếng nói và theo nó thì bạn bị mắc vào rắc rối. Bạn sẽ không bao giờ được thoả mãn với nó. Chỉ một phần được thoả mãn, hai phần kia sẽ rất bất mãn. Cho nên hai phần ba con người bạn sẽ bất mãn, một phần ba con người bạn sẽ thoả mãn, và bạn bao giờ cũng vẫn còn trong rối loạn. Bất kì điều gì bạn làm, phản ứng không bao giờ thoả mãn được cho bạn, bởi vì phản ứng mang tính bộ phận.

Hãy đáp ứng - đáp ứng mang tính toàn bộ. Thế thì bạn không vận hành từ bất kì tam giác nào, bạn không chọn lựa; bạn đơn giản vẫn còn trong nhận biết vô chọn lựa. Bạn vẫn còn định tâm. Và từ việc định tâm đó bạn hành động, dù nó là bất kì cái gì. Đấy không phải là đứa trẻ không phải là cha mẹ không phải là người trưởng thành. Bạn đã vượt ra ngoài tam giác PAC.
.
Cho nên bất kì khi nào có nhu cầu cần đáp ứng, điều đầu tiên, Phật nói, là hãy trở nên lưu tâm, trở nên nhận biết. Hãy nhớ tới trung tâm của bạn. Hãy trở nên được tiếp đất vào trung tâm của bạn. Hãy ở đó trong vài khoảnh khắc trước khi bạn làm bất kì cái gì..
.
Đây là yêu cầu đầu tiên - được định tâm vào bất kì chỗ nào bạn muốn hành động. Thế rồi từ việc định tâm này hãy để hành động nảy sinh - và bất kì điều gì bạn làm cũng đều sẽ là đức hạnh, bất kì điều gì bạn làm cũng đều sẽ đúng.

Phật nói chính tâm là đức hạnh duy nhất có đó. Không lưu tâm là rơi vào lỗi lầm. Hành động vô ý thức là rơi vào lỗi lầm.
- OshoVietNam –
…………………..
* Osho : là một nhà huyền môn, bậc thầy tâm linh người Ấn Độ (1931 – 1990)
* Lão Tử : Nhà triết học Trung Quốc sống vào khoảng thế kỷ VI trước CN, người cùng thời nhưng lớn tuổi hơn Khổng tử. 
* Mahavira, Moses, Mohammed, Manu : các đạo sư.
* Bertrand Russell : Triết gia người Anh (1872 – 1970)



Nói dối dễ thương, nói dối xảo trá

Bản thân trẻ em cũng học được giá trị xã hội của nói dối từ khi còn rất nhỏ. "Mẹ có thể nói với con rằng, 'Hãy nghe này, bà ngoại sẽ cho con một món quà cho Lễ Hanukkah (lễ của người Do Thái ), và con phải nói với bà rằng con thích nó, nếu không bà sẽ buồn lắm," Lewis nói. Đến khi ba hay bốn tuổi, các nghiên cứu cho thấy nhiều trẻ em đã thuần thục nghệ thuật nói dối lịch sự.

Trong các thí nghiệm được trình bày trên một công trình chưa công bố, Lewis cũng nhận thấy rằng trẻ em càng thông minh và càng chững chạc về tình cảm chừng nào thì càng nhiều khả năng là chúng sẽ nói dối dễ thương.
Cho đến khi chúng ta trở thành người lớn, hầu hết chúng ta sẽ nói dối thường xuyên.
Trong một nghiên cứu hồi năm 1996, Bella DePaulo, một nhà tâm lý xã hội tại Đại học California, Santa Barbara, nhận thấy rằng sinh viên đại học cứ ba lần giao tiếp xã hội thì nói dối khoảng một lần và những người lớn tuổi hơn thì nói dối một lần trong khoảng năm lần giao tiếp xã hội.
"Nói dối là hoàn toàn và tuyệt đối cần thiết trong một nền văn hóa mọi người chấp nhận về mặt đạo đức rằng chúng ta không nên làm tổn thương tình cảm của người khác."
Tất cả chúng ta đều là những kẻ đồng lõa trong sự phổ biến của cái gọi là 'lời nói dối vô hại'.
Trong một thế giới không có những lời nói dối lịch sự như thế, các mối quan hệ bè bạn sẽ sụp đổ, quan hệ nghề nghiệp sẽ rất căng thẳng và các buổi sum họp gia đình sẽ trở thành sự kiện chứa đựng nhiều rủi ro.
Các mối quan hệ yêu đương của chúng ta cũng không tránh khỏi những lời dối trá.
Trong một nghiên cứu vào năm 1989 mà giờ đã trở thành kinh điển do bà Sandra Metts thực hiện tại Đại học Illinois, chỉ có 33 trong tổng số 390 người đã không thể nhớ lại một tình huống mà họ không hoàn toàn thành thật với người yêu. Đa số những người tham dự đều nói rằng họ không trung thực là để tránh làm tổn thương người yêu hay làm tổn hại mối quan hệ.

Làm chính trị phải nói dối?

Những kẻ mắc bệnh nói dối thường là những kẻ tự cao tự đại mà nhu cầu tự dối gạt bản thân được thúc đẩy bằng sự không biết xấu hổ, và nó ăn sâu đến nỗi họ cũng tin vào lời nói dối của chính mình - ngay cả khi họ nói ngược lại những sự thật hiển nhiên như ban ngày hay những phát ngôn của họ trước đây.
Nói dối trong chính trị đương nhiên không là điều mới mẻ, bà Vian Bakir, giáo sư truyền thông chính trị và báo chí tại Đại học Bangor thuộc xứ Wales nói. Triết gia cổ đại Plato thừa nhận giá trị của 'lời nói dối cao quý', bà nói, trong khi tác phẩm chính trị cổ điển 'The Prince' khẳng định vai trò thiết yếu của nói dối trong lãnh đạo chính trị.
Tuy nhiên, 'nói dối trong chính trị dường như đã trở nên quá mức trong những năm gần đây', Bakir nói.
"Điều đặc biệt tồi tệ về thời điểm hiện tại là một số chính trị gia trên khắp thế giới đã biến việc nói dối trơ trẽn trở thành thói quen và đương nhiên họ không quan tâm liệu họ có bị phát hiện hay không."
Dù có đủ bằng chứng về sự thiếu trung thực ở một số chính trị gia và tổ chức chính trị, nhưng nhóm các cử tri chủ chốt vẫn tiếp tục ủng hộ họ rất mạnh mẽ.
Bakir chỉ ra rằng các nghiên cứu cho thấy những người hết sức tin vào những thông tin sai lệch sẽ rất khó mà được thuyết phục khác đi và rằng loài người cũng mắc chứng thiên lệch - tức có khuynh hướng tin vào những điều phù hợp với thế giới quan của họ.
Tuy nhiên, trong một thế giới mà mọi người có thể tự động phát hiện được lời nói dối thì sự ủng hộ cho các chính trị gia không trung thực có thể không trụ được lâu.
Thế giới không có lời nói dối sẽ đẩy ngoại giao và quan hệ quốc tế vào hỗn loạn, nhưng cuối cùng người dân có thể sẽ được lợi từ những chính trị gia và quan chức trung thực hơn.