Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

Thầy Thích Nhất Hạnh nhắn gửi thầy cô giáo:

Là những thầy giáo, cô giáo, nếu chúng ta không hạnh phúc thì làm sao chúng ta mong đợi con em mình hạnh phúc?

Chúng ta không thể tiếp tục như hiện nay, tại vì nếu các giáo chức không có hạnh phúc, không có sự bình an và sự hòa hợp với nhau thì làm sao chúng ta giúp được cho những người trẻ bớt khổ và thành công trong sự học hành.

.

Xây dựng tăng thân là một công tác cấp bách và mỗi giáo chức phải là một người dựng tăng. Là những thầy giáo, cô giáo, chắc hẳn quý vị cũng yêu nghề. 

.
Chúng ta đều muốn đào tạo ra những con người lành mạnh, có khả năng tạo dựng hạnh phúc cho tự thân và cho xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là trao truyền kiến thức mà còn là xây dựng con người, xây dựng một xã hội nhân bản để có thể chăm sóc hành tinh yêu quý của chúng ta.
.
Chúng ta biết những người trẻ và các bậc phụ huynh trong thời đại chúng ta có rất nhiều nỗi khổ, niềm đau trong lòng. Cha mẹ không truyền thông được với nhau hay giữa cha mẹ và con cái không dễ dàng nói chuyện được với nhau. 
.
Trong lòng những người trẻ luôn có sự cô đơn, trống vắng và chúng tìm cách khỏa lấp nỗi cô đơn trống vắng ấy bằng những trò chơi điện tử, phim ảnh, nghiện ngập hay những thú tiêu khiển độc hại. Khổ đau trong lòng những người trẻ càng nhiều thì công tác giáo dục càng trở nên khó khăn. 
.
Là những thầy giáo, cô giáo, chúng ta cũng có những khó khăn. Chúng ta đã luôn cố gắng nhưng môi trường sống và làm việc của chúng ta quá nhiều khó khăn. Là những thầy giáo, cô giáo, nếu chúng ta không hạnh phúc thì làm sao chúng ta mong đợi con em mình hạnh phúc? Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng.
.
Cuộc sống ngày nay tuy có nhiều phương tiện truyền thông như điện thoại thông minh, mạng xã hội… nhưng càng ngày thì sự truyền thông giữa vợ và chồng, bố mẹ và con cái, thầy cô giáo và học sinh… lại càng trở nên khó khăn. Điều đó nói lên rằng phương tiện truyền thông hiện đại không hề giúp ta truyền thông tốt hơn. 
.
Nếu ta không trở về tiếp xúc với tự thân để thấy được đâu là nguyên nhân của những sợ hãi, giận hờn và nỗi khổ, niềm đau trong ta, thì làm sao ta có thể truyền thông được với chính mình? Và một khi ta không thể truyền thông với tự thân thì làm sao ta có thể truyền thông được với những người khác? Tái lập truyền thông và đem lại sự hòa giải là chuyện có thể làm được. 
.
Sự thực tập ái ngữ và lắng nghe giúp cho chúng ta thiết lập lại truyền thông và đưa tới sự hòa giải. Trước tiên, chúng ta cần có mặt và hiểu được hình hài, cảm thọ, tri giác và khổ đau của chính chúng ta. Chánh niệm giúp ta có khả năng đối diện và hiểu thấu những khổ đau trong ta mà không phải trốn chạy hay tìm cách khỏa lấp chúng. 
.
Tiếp đến, thầy cô giáo có thể ngồi lại với học sinh của mình để cùng chia sẻ những khó khăn nằm sâu bên trong mỗi người. Một khi học sinh đã cảm thông được những khó khăn của thầy cô giáo rồi thì các em sẽ không tiếp sức làm cho những khó khăn ấy lớn thêm. Cũng vậy, một khi thầy cô giáo đã lắng nghe đượcnhững khó khăn của học sinh, thầy cô giáo sẽ biết cách để giúp cho các em bớt khổ. 
.
Khi đó lớp học sẽ trở thành một không gian chia sẻ hạnh phúc cho tất cả mọi người. Lắng nghe với tình thương và sự cảm thông giúp cho người kia trải hết lòng ra. Đó là thực tập của Bồ tát Quan Thế Âm, chỉ lắng nghe thôi, không phán xét, không phản ứng. Trong vòng nửa giờ đồng hồ lắng nghe, chúng ta đã có thể làm vơi nhẹ khổ đau trong lòng của người kia.

Thích Nhất Hạnh - Làng Mai, Pháp 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét