Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Albert Enstein bàn về giáo dục



Ngày lễ kỷ niệm nói chung là ngày chúng ta dành cho sự hồi tưởng, nhất là để tưởng niệm những nhân vật đã đạt được nhiều thành tựu đặc biệt trong việc phát triển đời sống văn hóa. 

Buổi lễ thân mật này được dành cho những người tiền nhiệm của chúng ta, ắt là không được quá sơ sài, đặc biệt là khi một kỷ niệm như vậy về quá khứ lại rất thích hợp để khơi gợi những điều tốt đẹp. 

Nhưng lễ kỷ niệm này đáng lẽ phải do một người mà cả thời thanh xuân của người ấy đã gắn bó với đất nước này và thân thuộc với cả quá khứ của nó đứng ra thực hiện, chứ không phải một người lang thang qua nhiều quốc gia và thu thập kinh nghiệm của mình trong đủ mọi thứ xứ sở khác nhau như tôi. Bởi vậy, tôi cũng không có gì nhiều để phát biểu, ngoài việc nói về những vấn đề trong quá khứ đã từng và trong tương lai sẽ tiếp tục gắn với những vấn đề của giáo dục, không phụ thuộc vào không gian và thời gian.
         

Trong khi cố gắng nói về điều này, tôi không thể đòi hỏi rằng mình phải có vị trí của một người có thẩm quyền để phát biểu, đặc biệt là thẩm quyền về trí thông minh và điều thiện- điều này nghĩa là, con người của mọi thời đại đều phải giải quyết những vấn đề của giáo dục và chắc chắn là đã lặp đi lặp lại rất rõ ràng quan điểm của họ về những vấn đề này.  Làm sao tôi, một  kẻ ngoại đạo trong lĩnh vực giáo dục, có thể can đảm giải nghĩa những vấn đề mà mình chẳng có cơ sở gì ngoại trừ kinh nghiệm cá nhân và sự tin chắc của bản thân mình về những điều ấy? Nếu đó thực sự là một vấn đề khoa học, họa may người ta còn có thể im lặng trước những mối quan tâm như thế. Nhưng những vấn đề về con người thì khác. 

Giáo dục tương tự như bức tượng cẩm thạch đứng trong sa mạc và liên tục bị đe dọa chôn vùi bởi cát chảy. Luôn luôn cần có những bàn tay chăm sóc để bức tượng cẩm thạch ấy tiếp tục tỏa sáng trong ánh mặt trời. Tôi thấy mình cũng cần góp một bàn tay vào chăm sóc bức tượng ấy.

Xưa nay nhà trường bao giờ cũng là phương tiện quan trọng nhất để chuyển giao sự phong phú của truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, điều này thậm chí còn rõ ràng hơn so với các thời đại trước đây, bởi vì trong sự phát triển của đời sống kinh tế hiện đại, chức năng chuyển giao truyền thống và giáo dục của gia đình  đã suy yếu đi nhiều. Do vậy sự tiếp diễn lành mạnh của xã hội loài người vẫn phải tùy thuộc vào học đường với tầm quan trọng còn to lớn hơn cả trước đây.

Nhiều khi người ta nhìn nhận mục tiêu của nhà trường đơn giản chỉ là chuyển giao một khối lượng tối đa tri thức nào đó cho thế hệ trẻ. Điều này không đúng. Tri thức thì xơ cứng và bất động, trong lúc nhà trường phục vụ cho những con người sinh động. Nhà trường phải giúp từng cá nhân phát triển những phẩm chất và năng lực có giá trị đối với lợi ích chung của cộng đồng. Nhưng điều này không có nghĩa là cá tính sẽ bị triệt tiêu và cá nhân trở thành công cụ đơn thuần của cộng đồng như là con ong hay cái kiến. Bởi lẽ một cộng đồng gồm những thành viên bị tiêu chuẩn hóa và thiếu vắng sự độc đáo và mục đích cá nhân sẽ là một cộng đồng nghèo nàn, không có khả năng phát triển. Trái lại, mục tiêu của giáo dục phải là huấn luyện cho mọi cá nhân đạt đến hành động và suy nghĩ độc lập, đồng thời đạt đến chỗ nhận thức rõ ràng ý nghĩa quan trọng nhất trong đời sống của mình là phục vụ cộng đồng. Theo nhận xét của tôi, hệ thống trường học của người Anh đã đạt đến gần sự nhận thức về lý tưởng này hơn cả.

Nhưng làm cách nào chúng ta có thể đạt được lý tưởng ấy? Liệu có thể thực hiện được mục tiêu này bằng cách răn dạy những bài giảng đạo đức? Không thể được. Ngôn từ là – và chỉ là – những âm thanh rỗng tuếch; con đường dẫn đến diệt vong đã từng được đồng hành bởi những lời lẽ đầu môi chót lưỡi về lý tưởng. Nhưng nhân cách không hình thành từ những gì được nghe và nói, mà từ hành động và sự lao động không ngừng.

Do đó, biện pháp quan trọng nhất của giáo dục bao giờ cũng phải nhất quán với những giá trị có thể thôi thúc con người đạt được một thành tựu thực sự. Điều này đúng với việc tập làm văn của một một em học sinh tiểu học, cũng như luận văn tốt nghiệp của một vị tiến sĩ, đúng với việc học thuộc lòng một bài thơ, viết một bài tiểu luận, dịch một đoạn văn, cũng như giải một bài toán, hay tập luyện một môn thể dục thể thao.

Đằng sau mọi thành tựu luôn có một động cơ làm nền tảng, và ngược lại, động cơ ấy được nuôi dưỡng và củng cố nhờ sự hoàn tất mỹ mãn các nhiệm vụ. Ở đây, có những khác biệt to lớn, và đồng thời, những khác biệt ấy đóng một vai trò quan trọng bậc nhất đối với giá trị giáo dục của nhà trường. Động cơ đưa đến thành tựu có thể bắt nguồn từ sự sợ hãi và cưỡng bách, từ khát vọng quyền uy và danh tiếng, hay từ lòng say mê tìm hiểu, từ khao khát chân lý và tri thức, tính hiếu kỳ mà mọi đứa trẻ lành mạnh đều có, nhưng thường sớm lụi tàn.

Ảnh hưởng của giáo dục đối với học sinh thông qua việc thực hiện một nhiệm vụ có thể rất đa dạng; tùy thuộc vào sự sợ hãi hình phạt, nỗi đam mê vị kỷ, hay những khao khát khoái lạc và thỏa mãn có tồn tại đằng sau công việc mà đứa trẻ thực hiện hay không. Không ai có thể khẳng định rằng việc quản lý của nhà trường và thái độ của người thầy không tạo ra một ảnh hưởng nào đó đến việc hun đúc nền tảng tâm lý của học sinh.

Đối với tôi, điều tệ hại nhất của nhà trường chủ yếu là việc dùng sự khiếp sợ, sự cưỡng bách, và quyền hành giả tạo làm phương pháp giáo dục. Cách thức đối xử như thế sẽ hủy hoại những cảm xúc lành mạnh, lòng trung thực và tính tự tin nơi học sinh. Nó sản sinh ra loại người chỉ biết phục tòng. Không có gì ngạc nhiên khi loại trường học đó đã tạo ra nền cai trị của nước Đức và nước Nga. Tôi cho rằng trường học ở Hoa Kỳ đã tránh được điều này; cũng như ở Thụy Sĩ và nhiều quốc gia khác. Biện pháp để có thể giữ trường học không rơi vào tình trạng tệ hại bậc nhất trên xem ra cũng khá đơn giản. Hãy làm giảm đến mức thấp nhất các biện pháp cưỡng bách trong uy quyền của thầy cô giáo, để cho nguồn gốc duy nhất của lòng tôn sư nơi học trò là phẩm chất trí thức và nhân cách của người thầy.

Hai là, cái được gọi là động cơ, khát vọng, hay nói một cách nhẹ nhàng hơn, mong muốn được thừa nhận và quan tâm, vốn sẵn có trong bản chất con người. Không có tác nhân kích thích tinh thần này, sự hợp tác của con người sẽ hoàn toàn không thể thực hiện được; nỗi ước vọng được nhìn nhận chắc chắn là một trong các mãnh lực ràng buộc quan trọng nhất của xã hội. Trong mối cảm xúc phức hợp này, hai lực lượng xây dựng và phá hủy luôn nằm kề cận bên nhau. Ước mong được tán thành và nhìn nhận là một động cơ lành mạnh, nhưng khao khát được người khác thừa nhận rằng ta là một cá thể giỏi hơn, mạnh hơn và khôn ngoan hơn những cá thể khác rất dễ dẫn đến một tâm lý vị kỷ thái quá, có thể làm tổn thương cá nhân và cộng đồng. Do đó, nhà trường và người thầy phải cảnh giác trước việc áp dụng những biện pháp dễ dãi để tạo ra tham vọng cá nhân nhằm khuyến khích tính chuyên cần của học sinh.

Lý thuyết Darwin về đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên đã được nhiều người mang ra biện giải như là một khái niệm có thẩm quyền trong việc khuyến khích tinh thần cạnh tranh. Một số người cũng bằng phương thức này đã cố gắng chứng minh một cách ngụy biện về mặt khoa học sự thiết yếu của hành động cạnh tranh kinh tế có tính chất loại bỏ lẫn nhau giữa các cá nhân. Nhưng điều này hoàn toàn sai lầm, bởi vì con người có được sức mạnh trong cuộc đấu tranh sinh tồn của mình là nhờ vào một sự thật hiển nhiên rằng chúng ta là một sinh vật có đời sống hợp quần. Chỉ có rất ít cuộc giết nhau của những con kiến trong tổ là cần thiết cho sự tồn vong; và đối với từng cá nhân trong cộng đồng nhân loại thì cũng như vậy.

Vì vậy, chúng ta nên cảnh giác việc in vào tâm trí những người trẻ tuổi cái ý niệm thông thường rằng thành công là mục đích của cuộc đời; bởi vì người thành công thường là kẻ nhận được nhiều từ đồng loại của mình, và những gì anh ta nhận lại thường không tương ứng với những gì anh ta xứng đáng nhận nhờ phục vụ cộng đồng. Giá trị của một người là ở những gì người ấy đã cho đi, chứ không phải những gì người ấy có khả năng nhận được.

Động cơ quan trọng nhất trong học tập và trong đời sống chính là niềm vui có được qua công việc, sự hạnh phúc khi gặt hái thành quả và khi nhận thức giá trị của thành quả đối với cộng đồng. Trong việc khơi dậy và củng cố sức mạnh tâm lý ấy trong thanh niên, tôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất là của học đường.Chỉ một nền tảng tâm lý như thế mới dẫn đến khát vọng cao thượng trong việc giành lấy những thành tựu cao cả nhất của con người, đó là tri thức và kỹ năng thẩm mỹ.

Đánh thức sức mạnh tâm lý hữu ích này chắc chắn không dễ hơn là cưỡng bách hay khơi dậy tham vọng cá nhân, nhưng lại có giá trị hơn nhiều. Vấn đề là phát triển khuynh hướng giống như trẻ con đối với các hoạt động vui chơi và khát vọng thơ ngây trong việc nhận thức, đồng thời hướng dẫn học sinh tiếp cận các lãnh vực kiến thức quan trọng của xã hội. Giáo dục chủ yếu được thiết lập dựa trên khát vọng thành công và ước muốn được thừa nhận. Nếu nhà trường đạt được hiệu quả theo quan điểm như thế, thì nó sẽ được mọi thế hệ người học tôn trọng và các bổn phận mà nhà trường giao phó cho họ sẽ được tiếp nhận như một món quà. Tôi đã biết những đứa trẻ thích được đi học hơn là nghỉ hè.

Loại nhà trường như vậy đòi hỏi người thầy phải là một nghệ sĩ trong địa hạt chuyên môn của mình. Điều gì có thể góp phần xây dựng tinh thần này trong nhà trường? Có một biện pháp chung và đơn giản cho vấn đề này, cũng như cho việc duy trì và phát triển các đức tính tốt đẹp nơi cá nhân. Tuy nhiên, có một số điều kiện cần thiết nhất định mà ta có thể đáp ứng được.

Trước hết, người thầy phải được trưởng thành trong những ngôi trường như thế. Hai là, họ phải được tự do lựa chọn kiến thức phương pháp giảng dạy. Bởi vì có một thực tế là lòng yêu nghề của người thầy sẽ bị giết chết bởi những sức mạnh áp chế từ bên ngoài.

Nếu quý vị đã chăm chú theo dõi xuyên suốt những ý tưởng của tôi đến đây, thì chắc cũng sẽ thắc mắc ở một điểm. Tôi đã phát biểu trọn vẹn, theo ý kiến riêng của mình về việc thanh niên nên được giáo dục trong một bối cảnh tinh thần như thế nào. Nhưng tôi không nói gì cả về sự lựa chọn môn học và phương pháp giảng dạy. Giáo dục nhân văn nên chiếm ưu thế, hay giáo dục khoa học và kỹ thuật?

Đối với câu hỏi này, tôi xin trả lời như sau: theo ý kiến của tôi, tất cả những gì thuộc về vấn đề này đều nằm ở tầm quan trọng thứ cấp. Nếu một chàng trai đã tập thể dục và đi bộ để rèn luyện sức chịu đựng của cơ bắp và thể chất của mình, thì tức là anh ta sẽ có đủ sức khỏe cho mọi công việc lao động chân tay. Điều này cũng tương tự với việc rèn luyện tinh thần và kỹ năng. Vì vậy, không có gì sai khi định nghĩa giáo dục như sau: “Giáo dục là những gì còn lại khi người ta đã quên hết mọi điều được học ở nhà trường”. Vì lẽ đó, tôi không lo về chuyện phải đứng về bên nào trong cuộc xung đột giữa những kẻ theo trường phái giáo dục nhân văn cổ điển và những người đề cao nền giáo dục ưu tiên cho khoa học tự nhiên.

Mặt khác, tôi muốn phản đối ý tưởng cho rằng nhà trường phải trực tiếp giảng dạy những kiến thức và đem lại những thành quả cụ thể mà người học sau đó phải lập tức sử dụng được ngay trong cuộc sống. Cuộc sống có những yêu cầu đa dạng đến nỗi việc đào tạo như thế khó lòng có thể đem lại thành công cho nhà trường. Ngoài ra, đối với tôi, hơn thế nữa, thật đáng chê trách khi xem cá nhân như là một công cụ vô tri. 

Mục tiêu của nhà trường luôn luôn phải là mang lại cho thanh niên một nhân cách hài hòa, chứ không phải chỉ giúp họ trở thành một chuyên viên. Điều này, theo tôi, trong một ý nghĩa nào đó, cũng hoàn toàn đúng đối với các trường kỹ thuật, những trường mà người học sẽ dành trọn cuộc đời mình cho một nghề nghiệp chuyên môn cụ thể. Việc phát triển khả năng tổng quát về suy nghĩ và xét đoán độc lập, luôn luôn phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải việc thu nhận những kiến thức cụ thể. Nếu một người nắm vững các yếu tố cơ bản của các môn học và biết cách tự suy nghĩ và làm việc độc lập, chắc chắn anh ta sẽ tìm được lối đi cho chính mình, và ngoài ra, sẽ có khả năng thích nghi với sự tiến bộ và những đổi thay của hoàn cảnh tốt hơn những kẻ được đào tạo chủ yếu để gom góp những kiến thức vụn vặt.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng những gì được phát biểu nơi đây, dưới một hình thức không có ý nghĩa nào khác hơn là một ý kiến cá nhân, được hình thành chỉ từ những kinh nghiệm cá nhân mà tôi đã thu thập được trong vai trò của một sinh viên và thầy giáo.

Người dịch: Phạm Thị Ly
( Một số đoạn có tham khảo bản dịch của Cao Hùng Lynh)
Nguồn: Albert Einstein, Out of My Later Years, Philosophical Library Inc., New York, 1950



Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Đi tìm lời giải bí ẩn thành công học sinh Việt

Sự kiện học sinh Việt luôn đứng đầu nước Đức trở thành “hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt” làm giới nghiên cứu Đức nhiều năm nay phải “đau đầu” và loay hoay đi tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao có sự khác biệt thành tích học tập giữa con cái các sắc dân? Dựa trên nguyên lý nào? 
Công trình lớn gần đây nhất được trường Đại học Chemnitz thực hiện năm vừa qua, khảo cứu 720 mẫu gia đình Đức, Việt và Thổ Nhĩ Kỳ chọn lựa theo nguyên tắc ngẫu nhiên. Từ kết quả thống kê, họ đi tìm luận chứng nhưng tất cả đều mâu thuẫn với kết quả thu được.

Trước hết, đối chiếu với nguyên lý cổ điển cho rằng nguồn gốc thành công giáo dục bắt nguồn từ mô hình “nền tảng gia đình”.

Theo mô hình này, gia đình thu nhập càng lớn, quan hệ xã hội càng rộng, cha mẹ học thức càng cao, thì con cái học ở trường càng thành công. Nếu luận điểm này đúng, thì lẽ ra học sinh Việt nói chung phải như học sinh Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thực tế học sinh Việt giỏi hơn gấp 4 lần nếu căn cứ theo tỷ lệ học sinh vào trường chuyên, gấp 10 lần nếu căn cứ vào giải học bổng Hertie-Stiftung.

Sau khi nguyên lý “nền tảng gia đình” không được thực chứng, bị loại trừ, các nhà nghiên cứu lại đi tìm lời giải khác thay thế. Họ đưa ra luận đề có thể do “cách thức giáo dục”. Theo đó, gia đình nghiêm khắc, độc đoán trong giáo dục con cái, đồng nghĩa với thành công.

Nhiều kết quả khảo cứu khác cũng cho thấy giáo dục trong gia đình người Việt nghiêm khắc hơn so với Đức nên con cái họ thành công hơn là tất nhiên.

Nhưng kết quả công trình khảo cứu từng mẫu gia đình đã không xác chứng luận đề trên, không phải cứ gia đình nào càng nghiêm khắc thì con cái họ càng thành công. Mối quan hệ trên không hề mang tính nhân quả mà chỉ hoàn toàn ngẫu nhiên.

Ở bình diện xét chung toàn sắc tộc, luận đề trên còn mâu thuẫn, không ít sắc tộc rất nghiêm khắc, thậm chí cực đoan như các sắc tộc theo đạo Hồi, kiểu “đặt đâu ngồi đấy”, nhưng kết quả con cái họ còn thua xa học sinh Việt.

Các nhà nghiên cứu lại đi tìm một cách giải thích khác, dựa trên luận đề Nho giáo, đặc thù người Việt. Theo Nho giáo, giá trị con người nằm ở học thức; học giỏi thì cha mẹ được vinh hiển.

Nhưng luận đề đó cũng bị thực tế bác bỏ. Cả hai nhóm nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đều đánh giá cao học đường, cho đó là nền tảng để tiến thân, danh phận trong xã hội.

Nhưng học sinh Thổ Nhĩ Kỳ thành công kém xa học sinh Việt. Ngay cả so với học sinh Trung Quốc vốn được sinh ra từ cội nguồn của Nho giáo, cũng cho kết quả tương tự, học sinh Việt vượt xa.

Thay đổi góc nhìn

Đáng tiếc mọi luận đề các nhà nghiên cứu đưa ra đều không giải đáp thỏa đáng bí ẩn thành công học sinh Việt. Rút cuộc họ đưa ra kết luận bỏ ngỏ giả định, có lẽ các công trình mới tập trung nghiên cứu vai trò cha mẹ, ít đề cập tới chính con cái, và mối quan hệ tương hỗ 2 bên.

Thay đổi góc nhìn có thể hy vọng giúp tìm được lời giải thoả đáng, như phản ứng nhanh chóng của cha mẹ người Việt trước kết quả học tập của con cái khác với các sắc tộc khác.

Trong khi cha mẹ người Đức không suy nghĩ gì khi con bị điểm kém 4 (kém nhất là 5), thì một số gia đình Việt đã bắt con học thêm khi mới chỉ được điểm khá 2, chưa đạt được điểm giỏi 1.

Mặt khác, đối với học sinh Việt, học thức còn do đòi hỏi bắt buộc của hoà nhập. Càng có học thức càng dễ giải quyết khi gặp các tình huống bất thuận khác nhau trong cuộc sống luôn có thể xảy bất cứ lúc nào đối với dân nhập cư.

Ngoài ra, bằng cấp là vé vào cửa thị trường lao động mà ở Đức điều này rất quan trọng nên người nhập cư hiểu rõ điều này hơn ai hết.

Về động cơ, họ là những người luôn muốn thăng tiến, kỳ vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong nước, nếu không họ đã không rời nước ra đi. Học thức là lá bài duy nhất họ có thể xòe ra.

Tuy nhiên lý do hòa nhập vẫn bị bác bỏ, bởi nó đúng với mọi sắc dân nhập cư nên không thể dùng để lý giải riêng hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt được.

Đòi hỏi “con phải hơn hẳn bố mẹ”

Trong khi các nhà khoa học loay hoay tìm kiếm nguyên lý cực kỳ khó khăn, thì hầu hết các bậc cha mẹ Việt xem lý do thành công con cái họ rất đơn giản. Bố mẹ tạo hết mọi điều kiện cuộc sống và thời gian cho con cái không phải lo nghĩ gì tới công việc gia đình đã được cha mẹ bảo đảm chỉ với một đòi hỏi: “con phải hơn hẳn bố mẹ“.

Rõ ràng, khái niệm “giáo dục” được định nghĩa là sự tác động qua lại giữa thầy và trò trong một môi trường xã hội, kinh tế, gia đình, nhất định.
Hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt mới xuất hiện ở Đức và Mỹ, chưa xảy ra trong nước hay bình diện thế giới, thực ra không nằm ngoài nguyên lý trên.

Ngoài tố chất học sinh và thực tế gia đình họ quyết định, phải có hệ thống giáo dục thích ứng vốn đóng vai trò nền tảng trực tiếp, tức điều kiện cần, nếu không những tài năng trẻ học sinh Việt đó sẽ cũng chỉ nằm trong tiềm năng; không thể xuất hiện “hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt”!
Theo Giao dục net

Ảnh : Thanh Mai, lúc 8 tuổi, nhận chứng chỉ vô địch vòng thi chung kết toán lớp 4 toàn tỉnh Unterfranken, Đức, năm 2011 (Ảnh nhân vật cung cấp)






Trạng nguyên Nguyễn Hiền hai lần đánh giặc bằng bút

Theo lời kể của ông Nguyễn Minh Nguyên, hậu duệ đồng thời là trưởng tộc chi họ Nguyễn ở quê Trạng Hiền (làng Dương A, Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định), sau khi công bố kết quả thi, Trạng Hiền mới 13 tuổi được vào cung yết kiến nhà vua.
Tại triều đình, thấy Trạng nguyên còn nhỏ quá, vua Trần Thái Tông mới hỏi: “Trạng học ai?”. Trạng trả lời: “Tâu bệ hạ, thần sinh nhi tri chi, hữu nghi tắc vấn tăng nhất nhị tự”. Tạm dịch nghĩa là: “Thần sinh ra đã biết, có một đôi chữ không hiểu thì hỏi ông sư ở chùa làng”.
(theo lưu truyền của dân chúng ở đây thì nhà Trạng gần chùa. Cụ sư trụ trì chùa có mở một lớp dạy học nhưng Trạng không theo học mà chỉ đứng nghe lỏm và được sư ông cho mượn sách đọc”).
Nghe câu trả lời của Trạng, Trần Thái Tông cho là Trạng tự kiêu, không biết lễ phép nên hạ chỉ: “Trạng còn nhỏ tuổi chưa biết lễ nên cho về quê 3 năm để học lễ rồi sẽ bổ dụng”. Vậy là Trạng Hiền lại phải lủi thủi về quê mặc dù rõ ràng đã đỗ đầu.
Một lần sứ giả Mông Cổ mang thư của triều đình họ sang nước ta. Trong thư chỉ có một bài thơ gồm 4 chữ là:
“Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian”
Ngoài bài thơ, bức thư không viết thêm chữ nào nữa khiến triều đình không hiểu được thông điệp. Trong lúc khó khăn, Trần Thái Tông nhớ đến Trạng Hiền bèn cho người về quê tìm.
Khi sứ giả tìm được Trạng rồi liền truyền lệnh của vua Trần triệu Trạng về triều đình. Rất ngạc nhiên, Trạng đáp: “Nhà Vua trách ta chưa học lễ, nay thấy nhà vua cũng chưa giữ lễ, ta chưa thể về Triều”. Sứ giả về tâu lại, Vua giật mình nghĩ ra bèn sai mang mũ áo, cùng xe ngựa rước Trạng lên kinh.
Khi Trạng đã về kinh, nhà vua bèn mang thư của Mông Cổ cho Trạng xem để dịch thông điệp.
Vừa lướt qua Trạng đã hiểu ngay nội dung. Toàn bộ 4 câu thơ của bài thơ chỉ miêu tả một chữ Điền. Hai chữ Nhật đặt cạnh nhau thì thành chữ Điền. Bốn chữ Sơn ở quay đầu vào nhau cũng thành chữ Điền. Hai chữ Vương đặt ngang dọc và chồng lên nhau là chữ Điền. 4 chữ Khẩu xếp lại thành 2 hàng ngang dọc cũng là chữ Điền. Trạng giải ra được nội dung khiến Triều đình giữ được quốc thể còn sứ Mông Cổ thì rất khâm phục. Người Mông Cổ biết nước Nam có người tài, chưa dễ gì đánh được.
Lại lần khác, sứ Mông Cổ mang sang bức thư chỉ có 2 chữ “Thanh Thúy”. Trạng Hiền đọc xong liền phê ngay vào thư là “Thập nhị nguyệt xuất tốt” và tâu vua Trần nên đưa quân ra biên giới phòng thủ vì tháng 12 giặc sẽ động binh. Nguyên chữ “thanh” gồm chữ thập, chữ nhị ở trên và chữ nguyệt ở dưới, chữ “thúy”gồm chữ xuất và chữ tốt ghép lại. Quân Mông Cổ đến đầu biên giới thấy ta đã có chuẩn bị nên lại rút quân về. “Thế là Trạng Hiền hai lần đánh giặc bằng bút. 
-------
Trạng nguyên Nguyễn Hiền sinh năm 1235 tại làng Dương Miện, phủ Thượng Hiền, trấn Sơn Nam Hạ. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm. Hai mẹ con Nguyễn Hiền ở trong một ngôi nhà nhỏ bên cạnh chùa làng. Sớm được tiếp xúc với môi trường học tập lại cộng với thiên tư tuyệt vời nên Nguyễn Hiền chỉ nghe lỏm mà cũng thông hiểu. Sư ông quý mến lại cho mượn sách vở nên chẳng bao lâu Nguyễn Hiền đã tiến bộ vượt bậc, giỏi hơn cả học sinh giỏi của trường và nổi tiếng thần đồng khắp vùng.
Năm 1247, khi mới 13 tuổi Nguyễn Hiền được người lớn dẫn lên kinh để thi và đã đỗ Trạng nguyên trong khoa thi đầu tiên đặt danh hiệu này, trở thành Khai quốc Trạng nguyên của Đại Việt.

Ảnh : Bàn thờ trong đền ghi bài thơ của sứ Mông Cổ mà Trạng Hiền giải mã được.




Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Mạc Đĩnh Chi trổ tài ứng đối siêu việt

Mạc Đĩnh Chi Lưỡng Quốc Trạng Nguyên trổ tài ứng đối siêu việt
Trong một lần sang sứ nhà Nguyên (Trung Quốc), ông đã trổ tài đối đáp nhanh nhạy, sắc bén khiến cả triều đình phương Bắc kính phục.
Đến kinh đô nhà Nguyên, một hôm viên Tể Tướng mời Mạc Đĩnh Chi về phủ trò chuyện. Trong phòng khách của Tể Tướng có một bức rèm mỏng thêu một con chim sẻ đang đậu trên cành trúc. Mạc Đĩnh Chi tưởng chim sẻ thật, chạy lại định bắt. Mọi người cười ồ lên. Ông liền xé tan bức rèm ấy. Mọi người hỏi ông sao làm thế thì ông đáp:
- Tôi thấy cổ nhân vẽ “mai tước” (chim sẻ đậu cành mai) chứ chưa thấy vẽ “trúc tước” (chim sẻ đậu cành trúc) bao giờ. Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, quan tể tướng thêu như thế tức là để tiểu nhân ở trên quân tử. Tôi sợ đạo tiểu nhân ngày càng lớn mà đạo quân tử ngày càng tiêu đi, nên tôi phải vì thánh triều mà trừ khử hộ.
Mọi người đều phục Mạc Đĩnh Chi giỏi hùng biện.
Một lần khác, hậu cung nhà Nguyên có bà hoàng phi qua đời. Vua Nguyên làm lễ tế, sai Mạc Đĩnh Chi đọc văn tế. Ông mở văn tế ra thì chỉ thấy có 4 chữ NHẤT. Ông biết nhà Nguyên muốn thử tài ông và ngầm yêu cầu rằng bài văn tế phải có 4 câu, mỗi câu có một chữ nhất. Không cần suy nghĩ nhiều, ông đọc luôn rằng:
Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng Uyển nhất chi hoa
Dao Trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết
Nghĩa là:
Trời xanh một đóa mây
Lò đỏ một điểm tuyết
Vườn Thượng Uyển một cành hoa
Cung Dao Trì một mảnh trăng
Ôi! Mây tan, tuyết tiêu, hoa tàn, trăng khuyết.
Sau nhiều lần thử tài Mạc Đĩnh Chi, vua quan nhà Nguyên thấy ông ứng đối mau lẹ, thơ văn xuất chúng nên rất khâm phục. Vua Nguyên vì vậy phong cho ông là Lưỡng Quốc Trạng Nguyên.
Mạc Đĩnh Chi (1280-1346), người làng Lũng Động, huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương làm quan đời Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, và Trần Hiến Tông.



Người cha dạy con trai bỏ tính trộm đồ




Cách xử sự thông minh của người cha đã giúp con trai nhận ra lỗi lầm và bỏ hẳn trộm đồ.
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta khi còn nhỏ đã từng cảm thấy ghen tị trước những món đồ chơi hấp dẫn của các bạn. Đứa trẻ dưới đây cũng vậy, thậm chí cậu còn tìm cách lấy trộm đi. Nhưng cách xử sự của người cha khi phát hiện hành động của con mình như câu chuyện dưới đây quá thông minh, rất đáng cho chúng ta học tập.
Câu chuyện bắt đầu khi người cha dẫn con trai đến thăm chú mình. Trong phòng của người em họ có rất nhiều mô hình máy bay nhỏ, cậu bé cảm thấy mê mẩn đám đồ chơi này. Do đó cậu đã bí mật lấy trộm một cái cất đi, nhưng trong tâm cậu vẫn rất băn khoăn. Vì vậy trên đường trở về nhà cậu đã không thể chịu đựng được sự dằn vặt và kể ra với cha mình. Cậu nghĩ rằng người cha sẽ rất tức giận, nhưng không ngờ rằng người cha chỉ im lặng một lúc rồi nói: “Chúng ta hãy đưa trả nó về nhà chú đi, nếu con muốn cha có thể mua cho con một chiếc khác”.
Thái độ điềm tĩnh của người cha không làm cho cậu bé cảm thấy thanh thản, mà thay vào đó cậu càng tự trách mình. Cậu cảm thấy hối hận và xấu hổ. Người cha đưa con trai quay lại nhà chú trả món đồ chơi và nói: “Xin lỗi cháu không cẩn thận cầm đồ chơi về, bây giờ cháu muốn gửi trả lại”. Từ đó về sau người cha không bao giờ nhắc lại chuyện này với con nữa, coi như nó chưa bao giờ xảy ra. Đứa trẻ kể từ đó cũng không bao giờ lấy trộm những thứ của người khác nữa.
Nhiều đứa trẻ đã từng giống người con trai trong câu chuyện này, nhưng bố mẹ chúng liền gắn mác “ăn cắp” lên chúng, chứ không biết cách cư xử được như người bố trong câu chuyện trên. Người bố mẫu mực thậm chí không bao giờ nhắc đến một từ “trộm cắp” nào, chỉ dùng hành động để nói với trẻ rằng: loại hành vi như thế không nên xảy ra, nhất định nên đem trả những gì lấy của người khác. Hơn nữa nếu cần thì hãy “để ba đi mua”.
Không bao giờ dán mác cho con bạn
Đối mặt với sai lầm của con, không cần thiết phải mắng mỏ hay đánh đập. Dạy bảo vẫn là phương pháp tốt nhất. Nhiều đứa trẻ cũng giống như cậu bé này, biết hành động của mình là không đúng, cũng rất xấu hổ. Các bậc cha mẹ chỉ cần giúp chúng tìm ra giải pháp đúng đắn nhất có thể.
Trẻ em cũng có lòng tự trọng và sự tự tin của mình. Nếu người cha này luôn nhắc lại những chuyện cũ, đặc biệt là trước mặt người khác thì đứa trẻ sẽ tổn thương nhiều hơn. Khoan dung là một phương pháp giáo dục tốt nhất. Chúng ta nên dùng hành động để nói với trẻ rằng lỗi lầm của chúng có thể sửa chữa được. Giống như người cha trong câu chuyện này đã cùng với con trai mình đem món đồ chơi trả lại, để cho cậu bé biết phải tự mình chịu trách nhiệm cho việc mình đã làm.


Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Quả lựu thần dược phòng chống bệnh tim mạch

Quả lựu có thể ngăn chặn hoặc giảm tỷ lệ tử vong tim mạch do nó có khả năng làm sạch động mạch, giảm hình thành mảng bám, giảm độ dày thành động mạch.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí the journal Atherosclerosis xác nhận rằng chiết xuất từ quả lựu có thể ngăn chặn hoặc giảm tỷ lệ tử vong tim mạch : do tác dụng giảm chứng làm hẹp các động mạch vành gây ra bởi sự tích tụ của chất béo được gọi là xơ vữa động mạch.
Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng điều trị từ chiết xuất từ quả lựu dẫn đến các tác động có lợi sau đây:
• Giảm mức độ tăng oxy hóa
• Giảm monocytie chemotactic protein-1, một sứ giả hóa học (chemokine) gắn liền với quá trình viêm trong các động mạch.
• Giảm tích tụ lipid trong cơ tim
• Giảm xâm nhập của đại thực bào trong cơ tim
• Giảm mức độ monocyte chemotactic protein-1 và xơ hóa cơ tim
• giảm phì đại tim
• Giảm bất thường ECG
Giá trị cao của quả lựu trong bệnh tim mạch, bằng chứng là các thuộc tính được xác nhận bằng thực nghiệm sau đây:
• Chống viêm: Giống như nhiều bệnh thoái hóa mãn tính, viêm đóng một vai trò quan trọng trong sinh bệnh học bệnh tim mạch.
• Giảm huyết áp: Nước lựu có thể angiotensin tự nhiên chuyển đổi enzyme đặc tính ức chế, và là một oxit Enhancer nitric, cả hai đều làm giảm huyết áp. Cuối cùng, lựu chiết xuất giàu punicalagin đã được tìm thấy giảm tác động bất lợi của stress ảnh hưởng đến đoạn động mạch tiếp xúc với dòng chảy bị xáo trộn.
• Chống nhiễm khuẩn: Mảng bám tích tụ trong động mạch thường liên quan đến nhiễm trùng do virus và vi khuẩn thứ cấp, bao gồm cả viêm gan C và Chlamydia pneumoniae.
• Chất chống oxy hóa: Một trong những cách mà lipid máu gây nên bệnh tim, thúc đẩy (xơ vữa) là thông qua quá trình oxy hóa LDL.
Theo Sayer Ji,
GreenMedinfo LLC, 2013


Lưu ý :
- Trẻ em có thể bị hóc hay bị tắc ruột do ăn phải hạt lựu, người lớn ăn lựu cũng không nên nuốt hạt, nếu ăn cả hạt thì cần nhai kỹ trước khi nuốt.
Những người hạn chế ăn lựu:
- Những người bị bệnh viêm dạ dày.
- Những người bị sâu răng hay gặp các vấn đề về răng miệng. Nếu muốn ăn loại quả này, sau khi ăn phải đánh răng ngay lập tức.
- Những người bị nóng trong người, đặc biệt là trẻ em.
- Bệnh nhân bị đái tháo đường, vì lựu có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu, nhưng không phải là loại quả lý tưởng để ăn thường xuyên.





Bí quyết của cụ ông 111 tuổi, đầu óc minh mẫn vẫn viết sách xuất bản.


Cụ Châu Hữu Quang người Trung Quốc vừa bước qua sinh nhật lần thứ 111 không lâu, cụ có một cuộc sống từng trải, là giáo sư về kinh tế và là một chuyên gia tài chính. Sau 50 tuổi, cụ chuyển sang nghiên cứu ngôn ngữ học. Cụ cũng từng hai lần tiếp xúc với Albert Einstein, nhà vật lý học lỗi lạc của thế kỷ 20.

So với những thành tựu của cuộc đời, thì sự trường thọ của cụ còn đem đến nhiều điều kinh ngạc hơn nữa. Sau 100 tuổi cụ vẫn có thể viết sách xuất bản, đến nay 111 tuổi cụ vẫn kiên trì sáng tác, đầu óc không loạn, ăn uống bình thường, thân thể khỏe mạnh.
Nói về trường thọ, cụ có tổng kết 5 điều có thể giúp mọi người thọ đến bách niên.
1. Con người không chết vì đói mà chết vì ăn nhiều
Tôi không dùng thuốc bổ, người nhà đưa thuốc bổ nhưng tôi không dùng. Trước đây làm tại ngân hàng nhiều người chiêu đãi, có một số người ăn bạt mạng, nhưng tôi không ăn uống lung tung.
2. Tâm rộng lớn thì trường thọ, gặp chuyện gì cũng không giận
Tôi đối với mọi vật ngoài thân đều coi rất nhẹ. Phật giáo có câu, người đối với vật ngoại thân càng coi trọng nhiều, thì tinh thần của người đó liền thống khổ. Khi gặp bất cứ sự tình gì không thuận lợi, thì không phải thất vọng, cũng không nên tức giận.
Rất nhiều năm trước tôi bị chứng mất ngủ, không thể ngủ được. Đến thời "Cách mạng văn hóa" tôi bị đưa về nông thôn, thì chứng mất ngủ lại khỏi. Đến bây giờ cũng không bị mất ngủ trở lại.

3. Sinh hoạt càng đơn giản càng tốt
Cuộc sống của tôi hiện giờ rất đơn giản: ngủ, ăn, đọc sách, viết văn. Hàng tháng, tôi đều viết bài đăng trên báo.
Về ăn uống, tôi chỉ ăn trứng gà, rau xanh, sữa, và đậu phụ. Mặc quần áo cũng đơn giản, người khác đưa quần áo đẹp tôi cũng không mặc. Tôi cũng không di du ngoạn, mà ở nhà sáng tác, uống trà, đọc sách, tu thân dưỡng tính.
Trước đây tôi cho là mình không có khả năng trường thọ, vì hồi trẻ thân thể tôi không được khỏe mạnh, từ nhỏ lúc mới sinh đã mắc bệnh lao phổi, bị trầm cảm. Khi kết hôn, mẹ tôi đã tìm đến thầy bói, ông ấy nói rằng tôi chỉ sống đến năm 35 tuổi. Tôi nghĩ thầy bói nói không sai, nhưng chính tôi tự cải biến thọ mệnh của tôi.
Tôi sống có quy luật, không ăn uống bừa bãi. Tôi không hút thuốc hay uống rượu, chỉ uống chút bia. Tôi nghĩ sinh hoạt có quy luật, lòng dạ trọng yếu là phải khoan dung, khi đụng phải nhiều trắc trở, lòng dạ khoan dung thì liền thành không có vấn đề gì.
4. Đến già, nói “3 không”
Ba không là: 1 không lập di chúc, 2 không tổ chức sinh nhật, 3 là không tổ chức mừng năm mới. Không lập di chúc, thì cả gia đình sống hòa thuận. Không tổ chức sinh nhật, tôi có thể quên đi tuổi mình; và không tổ chức tiệc mừng năm mới giúp cuộc sống được bình thản. Sinh hoạt hàng ngày càng ngày càng giản đơn càng tốt.
5. Nuôi dưỡng tình yêu và sự tôn kính giữa hai vợ chồng
Vợ tôi khi còn sống, cô ấy thích uống trà, tôi thích uống cà phê. Chúng tôi buổi sáng buổi chiều đều cùng uống, nâng chén chúc nhau. Vợ chồng đối với nhau không chỉ có yêu mà còn phải có kính trọng lẫn nhau.
Mặc dù động tác nâng chén chỉ là chuyện nhỏ, nhưng lại rất hữu dụng, giúp sinh hoạt gia đình thêm thú vị, ổn định. Phu thê trong lúc đó hai bên tôn kính lẫn nhau, đây là truyền thống cổ xưa truyền đến nay, rất có đạo lý. Hai vợ chồng sống cùng nhau thời gian dài, thì chỉ có mỗi ngày đều vui vẻ, thì tinh thần và thể xác mới khỏe mạnh. Nếu không, cứ ba ngày cãi một trận, năm ngày đánh nhau một trận, thì không chỉ cả hai đều không vui, mà thân thể cũng bị tổn hại.

Theo visiontimes

Luôn luôn thanh thản. (Ảnh: Unsplash qua Pixabay/CC0 1.0)