Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Suy ngẫm về cuộc đời

 

SUY NGHẪM VỀ CUỘC ĐỜI

 

Chuyến phiêu lưu của đời là học hỏi, mục đích của đời là trưởng thành, bản tính của đời là thay đổi, thách thức của đời là vượt qua

 

Mỗi chúng ta đều có 3 lần trưởng thành, tựu chung bạn nên thấu rõ để khỏi vỡ mộng, hoang mang.

Có những người 40 tuổi nhưng vẫn chưa trưởng thành và ngược lại, có những cô cậu mặt mày non choẹt nhưng đã đi qua đủ 3 nấc thang trưởng thành. Thế nên, chớ vội kết luận tuổi tác tỉ lệ thuận với độ trưởng thành của bạn!

 

Lần đầu tiên: Khi bạn nhận mình không phải trung tâm thế giới

 

Thời còn học cấp một, có một lần, tôi được cô giáo và cả lớp đề cử đi thi văn nghệ. Khi đó tôi đã rất vui và tự hào, cũng đã rất chú tâm luyện tập. Nhưng đến ngày thi, tôi bị sốt và phải bỏ lỡ cuộc thi. Khi đó, cô giáo đành chọn một bạn nữ khác thi thay tôi.

 

Bài hát đó tôi đã tập từ lâu, còn bạn kia chỉ mới nghe qua vài lần, tôi nghĩ chắc chắn phần thi của bạn ấy sẽ dở tệ. Nhưng đến cuối cùng, lớp tôi lại đoạt được giải nhì văn nghệ.

Khi tôi biết kết quả, đó là lần đầu tiên trong đời tôi có nhiều cảm xúc trộn lẫn như vậy: có vui có buồn, có chúc mừng cũng có mất mát.

 

Tôi đột nhiên cảm thấy, hóa ra tôi cũng không quan trọng như tôi nghĩ. Bởi vì không có tôi, người khác cũng có thể làm được rất tốt.

 

Lần thứ hai: Khi bạn nhận ra mình có cố gắng đến đâu, có một số việc vẫn khiến bạn cảm thấy bất lực.

 

Trong quá trình trưởng thành, bạn sẽ nhận ra có rất nhiều việc khiến bạn cảm thấy rất bất lực, và thứ đầu tiên đó chính là sinh - lão - bệnh - tử.

Người vẫn thường ở bên cạnh bạn không biết từ lúc nào đã rời khỏi thế giới này, lần đầu tiên trong đời bạn hiểu ra, sự đối lập giữa hai từ "sự sống" và "cái chết" này nghiêm trọng biết bao.

 

Sau đó, trải qua nhiều việc hơn nữa, cảm giác bất lực sẽ từ từ tích tụ. Cuối cùng, bạn biết rõ rằng có những việc có lòng không có sức, mà những việc như vậy càng lúc càng nhiều, mà bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thỏa hiệp.

 

Lần thứ ba:  Khi bạn biết có những việc bạn không thể làm được nhưng vẫn cố tranh đấu đến cùng

 

Thực ra có nhiều việc, chúng ta đã có thể đoán trước được kết quả, nhưng lại vẫn tuân theo ý nguyện cũ, cố tranh đấu đến cùng.

Nguyên nhân chúng ta cố gắng như vậy là vì muốn khiến chúng ta có thể rút khoảng cách cái kết tốt đẹp kia gần hơn một chút nữa, làm cho bức tường ranh giới bất lực cao thêm chút.

Để sau này, chúng ta có thể đủ kiên cường, đối mặt với ít việc khiến chúng ta bất lực hơn.

 

Tất nhiên, từ bỏ chắc chắn sẽ dễ dàng hơn cố gắng rồi. Trong một buổi phỏng vấn, thầy Hà Cảnh – một MC nổi tiếng bên Trung Quốc đã từng nói:

Nếu bạn muốn đạt được gì đó, nhất định bạn phải cố gắng, hơn nữa phải học cách kiên trì, nếu bạn thật sự cảm thấy rất khó, vậy bạn cứ từ bỏ đi, nhưng sau đó đừng phàn nàn, tiếc nuối.

 

Lần trưởng thành thứ ba, bạn sẽ học được cách bao dung, bao dung bản thân và thế giới, sau đó hoàn thành những điều bạn nghĩ, chứng minh nó là đúng đắn.

 

Có vài việc chính xác mà nói không phải là lựa chọn mà chúng ta muốn, nhưng vì cuộc sống, vì phương diện tình cảm, vì nhiều loại lý do khác nhau, chúng ta không thể không đưa ra lựa chọn như vậy, sau đó lại phải thở dài mà cố gắng kiên trì.

 

Có thể trưởng thành không chỉ trải qua 3 lần, nhưng trong tất cả mọi việc mà chúng ta từng trải qua, chắc chắn sẽ có 3 điều trên, và chúng ta sẽ hiểu rằng, trưởng thành là một ẩn số không đoán trước được, là quá trình cô đơn, đòi hỏi sự kiên cường, là quá trình độc lập, trải nghiệm, thất bại, rút ra kinh nghiệm và đứng lên bước tiếp.

 

Theo Thiên Tuyết

 

Đừng cho tôi tự do: Càng nhiều lựa chọn, càng nhiều đau khổ.

 

ĐỪNG CHO TÔI TỰ DO: CÀNG NHIỀU LỰA CHỌN, CÀNG NHIỀU ĐAU KHỔ.

Nhà tâm lý học Barry Schwartz đã viết nguyên một cuốn sách đầy ảnh hưởng mang tên, Nghịch lý của sự lựa chọn, với một quan điểm hoàn toàn đối lập rằng: Nhiều lựa chọn không những không tốt hơn, mà nó còn làm đời bạn bất hạnh, hối tiếc, thất vọng, chán nản…nói chung là đau khổ hơn.

 

Chẳng phải càng có nhiều lựa chọn, bạn càng dễ chọn ra thứ mình thích hay sao. Đó là giả định của một xã hội tiến bộ, cho rằng con người càng hạnh phúc khi họ càng nhiều lựa chọn hơn. Nhưng liệu nó có đúng hoàn toàn?

Trọng tâm của cuốn sách Nghịch lý của sự lựa chọn bàn đến câu hỏi trên, sử dụng hàng trăm các nghiên cứu từ các ngành tâm lý học, kinh tế học hành vi, xã hội học, và lý thuyết ra quyết định để chứng minh rằng ngược lại mới đúng: quá nhiều lựa chọn đang làm chúng ta ngột thở và làm giảm hạnh phúc của mỗi cá nhân.

Nó tạo ra cảm giác hối tiếc, băn khoăn khôn nguôn nó tạo ra sự tê liệt phân tích (Chiếc váy nào cũng đẹp, làm sao để chọn được một cái đấy), nó tạo ra cảm giác so sánh xã hội, kẻ thù số một của hạnh phúc (Nhưng nhà hàng xóm có chiếc xe đẹp hơn chiếc mình mới mua)…


Có một vấn đề triết học rất quan trọng mà tôi nghĩ tác giả đã không phân tích đầy đủ. Lựa chọn không chỉ giới hạn trong những quyết định tiêu dùng thông thường, mà ngày nay bạn còn có thể lựa chọn mình là ai, công việc của mình là gì, mục đích sống của mình là gì...


Cách đây vài trăm năm, nếu ông bạn làm nông dân, bố bạn làm nông dân thì chẳng có lý do bạn phải băn khoăn tương lai của mình lại không bám với cánh đồng làm gì cả. Bạn là ai, bạn nên làm gì, bạn nên sống thế nào không phải do bạn quyết định, mà do tổ tiên của bạn, sắc tộc của bạn, hoàn cảnh xã hội của bạn, các cuốn Kinh Thánh, Kinh Phật, Luận Ngữ quyết định.

Bạn không có nhiều tự do lựa chọn, nhưng bù lại bạn không phải gánh trên vai sức nặng của những câu hỏi "nguy hiểm" đó.

 

Người dân xưa nay vẫn sống phụ thuộc vào quyết định của "bề trên", nay lại được tự do quyết định...muốn làm gì với cuộc đời mình thì làm. Nhưng nhiều tự do có đồng nghĩa với nhiều hạnh phúc, hay bạn sẽ trở nên bơ vơ giữa cuộc đời này, không có ai chỉ cho mình nên làm gì, phải làm gì, đâu là đúng sai hay bạn sẽ đi tìm những ông chủ mới để tìm lại cảm giác thân thuộc xưa kia? 

 

Đó cũng chính là Nghịch lý của sự lựa chọn: quá nhiều lựa chọn sẽ khiến bạn đau khổ, quá ít cũng sẽ khiến bạn đau khổ, thoái thác lựa chọn cho người khác sẽ khiến bạn trở thành nô lệ, nhưng làm nô lệ lại được thoát khỏi gánh nặng của tự do. Bạn phải làm gì, tôi phải làm gì, con người phải làm gì? Với một tên mọt, tôi nghĩ, có lẽ, sách sẽ cứu rỗi và chỉ đường cho chúng ta!

 

Trạm Đọc

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

Câu chuyện tình của các cặp đôi càng giống nhau càng thú vị

 

CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA CÁC CẶP ĐÔI CÀNG GIỐNG NHAU CÀNG THÚ VỊ

Khi gặp một chàng trai có tiềm năng trở thành "nửa kia", tự nhiên bạn sẽ tìm hiểu quan điểm về tình yêu của anh ấy rồi sau đó mới phán đoán xem liệu người này có phải là ý trung nhân của mình hay không.

Mỗi người trong chúng ta ngay từ nhỏ đã thêu dệt một câu chuyện tình. Và bạn có yêu đối phương hay không là tùy thuộc vào câu chuyện của anh ấy giống nhiều hay ít chuyện của bạn. Nếu như câu chuyện của hai người không phù hợp thì sẽ nảy sinh vấn đề.

Qua nhiều cuộc nghiên cứu, điều tra, các nhà khoa học đã xác định được 26 câu chuyện tình khác nhau, bao gồm:

- Câu chuyện "vườn hoa" (cho rằng tình yêu phải vun đắp và chăm sóc chu đáo)
- Câu chuyện "chiến tranh" (tình yêu có tranh chấp vừa kích thích vừa gợi cảm)
- Câu chuyện "ước mơ" (tin vào tình yêu chân thật trong chuyện cổ tích thiếu nhi)
- Câu chuyện "chuyến đi du lịch" (tình yêu là một chuyến đi du lịch để thay đổi và trưởng thành)...

Đối với nam nữ tin vào câu chuyện "chiến tranh", trong mắt bạn bè có lẽ họ rất không xứng đôi nhưng tranh chấp có thể chính là điều thú vị trong cuộc sống tình yêu của họ.

Câu chuyện tình yêu của một cặp trai gái càng giống nhau thì họ cư xử với nhau càng vui vẻ.