Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Nghề chọn mình hay mình chọn nghề?

 

NGHỀ CHỌN MÌNH HAY MÌNH CHỌN NGHỀ?

Gần đây, tôi thường được nghe các em nhắc đến thành ngữ “nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề” khi họ tâm sự về quá trình tìm hiểu ngành nghề để chuẩn bị cho lối đi của riêng mình.

 

Họ kể rằng những anh chị đi trước có người cho họ câu nói ấy, như lời khuyên ngắn gọn rằng thôi đừng lo đừng nghĩ suy nhiều nữa, chọn lựa làm chi vì sau này nghề nó chọn mình chứ mình có chọn được nó đâu.

 

Các bạn trẻ băn khoăn rằng nếu như câu nói ấy đúng, vậy thì những quyết định chọn ngành học, chọn việc làm rồi sẽ ra sao, và liệu chúng còn có ý nghĩa gì không? Chẳng lẽ cứ chọn đại và để đến đâu thì hay đến đó.

 

Tôi nghĩ mình nên nhìn về việc lựa chọn nghề nghiệp như thế này:

* Không có lựa chọn nào đúng 100%; thay vào đó, chỉ có lựa chọn phù hợp nhất với bản thân mỗi người ở thời điểm nào đó trong cuộc sống. Vì vậy, sau khi đã trải nghiệm, đã thử sức, nếu ta thấy ta không phù hợp, thì chẳng có mất mát gì để ta đi tìm một công việc phù hợp hơn.

Sẽ rất vô lý để ép bản thân phải có một đáp án vĩnh viễn cho một câu hỏi rất khó trả lời.

* Mỗi ngày có nhiều công việc mới được tạo ra, với nhiều tên gọi khác nhau, tuỳ vào nhu cầu của người tuyển dụng. Vì vậy, thay vì tập trung vào “tên nghề”, ta hãy chú tâm đến những kỹ năng mà công việc ấy đòi hỏi, rồi nối chúng với những kỹ năng ta có sẵn.

Nếu ta có hơn 70% sự phù hợp, thì ta có thể nộp đơn thử vị trí đó rồi.

* Trước khi đi tìm việc làm mới, hãy cho mình một giai đoạn tĩnh để ngẫm nghĩ, phân tích, nhìn lại bản thân, đánh giá những kỹ năng mình có, hiểu rõ những đòi hỏi của mình về môi trường làm việc, về phong cách lãnh đạo mà mình ưa, về tính cách của sếp và đồng nghiệp mình thích.

Sau khi hiểu rồi, hãy bắt đầu đi tìm vị trí mới phù hợp với mình. Đừng chạy trốn khỏi một công việc khủng khiếp để vội vàng lao vào một công việc khủng khiếp không kém chỉ vì nỗi sợ không có việc làm.

Giai đoạn tĩnh này sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích, nhiều hơn so với việc bạn vội vã rải đơn xin việc đến bất cứ nơi nào đang tuyển dụng.

Trong thời gian còn ở ghế nhà trường, trong chương trình đào tạo nghề, cao đẳng, hay đại học, đừng chỉ chăm chăm vào việc học.

Hãy bỏ thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá – cả ở trong lẫn bên ngoài trường, các công việc thiện nguyện, làm thêm để trợ giúp kinh tế gia đình và cũng để có thêm kinh nghiệm, mối quen biết.

Khi tham gia, đừng chỉ tham gia để có cái tên trên đơn tìm việc sau này, mà hãy tham gia vì sở thích, vì động lực học hỏi, vì niềm đam mê muốn cho đi.

Chỉ khi làm vậy, bạn mới hiểu rõ về mình hơn, xây dựng một mạng lưới chuyên nghiệp tốt, để chuẩn bị cho công việc sau này.

Để kết thúc bài chia sẻ này, tôi nghĩ rằng câu nói “nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề” chẳng đúng cũng chẳng sai, nó hoàn toàn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh riêng của mỗi người, và cách chúng ta diễn giải, cách chúng ta hiểu nó.

 

Bất cứ lúc nào nghe được một quan điểm khác, hãy thách thức ý tưởng ấy, hãy phân tích xem chúng đến từ đâu, đúng trong trường hợp nào, và có cần thiết để chúng làm ta nản lòng hay không.

 

Các bạn sẽ bớt lo lắng hơn khi biết rằng chọn lựa nghề nghiệp là một cuộc hành trình dài đăng đẳng, có người mất cả đời cũng chưa tìm ra, bản thân tôi thì mất 12 năm dài.

 

Điều quan trọng nhất không phải là kết quả, mà là quá trình khi chúng ta đi tìm nó. Và đôi khi sẽ hay hơn khi mình không thèm “tìm”, cứ sống thôi và từ từ nó sẽ đến.

 

Khi ngày lịch sử 30/4 đến

 

KHI NGÀY LỊCH SỬ 30/4 ĐẾN

Hàng năm cứ đến ngày 30/4, lại có thêm những “khái niệm” mới về sự kiện lịch sử ấy. Lần này chẳng hạn, có nhiều cách để gọi một ngày vui, có nhiều cách để hiểu một chiến thắng, do vậy cũng cần hiểu thêm về nền thống nhất Việt Nam.

 

Ngày 30/4 là ngày…

 

Vào bảo tàng sẽ thấy: Tờ lịch để bàn của tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975 ghi sự kiện “Giải phóng Sài Gòn - 11:30”; còn tờ lịch treo tường của bà Nguyễn Thị Tính - người dân Sài Gòn ngày 30/4/1975 ghi thêm chữ “Ngày giải phóng”.

 

Các cựu chiến binh vẫn quen gọi ngày 30/4 là ngày chiến thắng vì họ đã là người tham chiến với kết quả thắng đối phương là kẻ đi xâm lược; lại có anh gọi đó là ngày tái sinh vì đôi ba lần sốt rét giữa rừng sâu, có cả lần qua cơn sốt ác tính, nhưng rồi vẫn theo kịp đồng đội tràn về thành phố trong trận đánh cuối cùng.

 

Mẹ hiền ở hậu phương miền Bắc gọi ngày 30/4 là ngày đoàn tụ vì bao hy vọng chờ đợi nay được gặp con từ tiền tuyến miền Nam trở về; lại có người vợ gọi đó là ngày hạnh phúc vì được ôm người chồng bao năm đằng đẵng “xa nhà đi kháng chiến”.

 

Người đi qua sông Hiền Lương ra Bắc gọi ngày 30/4 là ngày thống nhất non sông khi đã chấm dứt cảnh chia cắt hai miền; lại thấy những người trên tàu Thống Nhất về Nam gọi đó là ngày Bắc - Nam sum họp khi nhẩm tính đã 20 năm chuyển quân tập kết.

 

Nhà nghiên cứu gọi ngày 30/4 là ngày đại thắng vì so sánh bao nhiêu cuộc chiến bấy nhiêu thắng lợi vẫn thấy đây là chiến thắng lớn nhất, oanh liệt nhất, có tầm vóc lịch sử lớn lao cả trong và ngoài nước; lại thấy lớp nam thanh nữ tú đang hăm hở trên các công trường, nhà máy, giảng đường kia hay gọi đơn giản đó là ngày hòa bình vì chiến tranh đã chấm dứt…

 

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng

 

THUỐC ĐẮNG DÃ TẬT SỰ THẬT MẤT LÒNG

Mỗi người trong chúng ta đều sống trong một xã hội phức tạp với nhiều mối quan hệ đa dạng như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, thầy trò, và giao tiếp là yếu tố cơ bản để duy trì những mối quan hệ đó.

 

Hàng ngày, chúng ta đối mặt với đánh giá, nhận xét, và tỏ ý về bản thân. Có những lời khen, những lời chê, khiến cho tâm trạng chúng ta thay đổi. Trước những nhận xét này, câu nói "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng" của ông cha ta trở nên quan trọng.

 

Con người trải qua những giai đoạn của cuộc sống như sinh, lão, bệnh, tử. Thuốc thang trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là khi đối mặt với bệnh tật.

 

Thuốc là sản phẩm của sự sáng tạo con người, có nhiều loại như thuốc Đông y, Tây y, nhưng đa phần đều có hương vị đắng. Việc chấp nhận thuốc đôi khi trở thành thách thức, nhưng ông cha ta đã thông qua câu tục ngữ để nhắc nhở mọi người về sự quan trọng của nó.

 

Với sự phát triển kinh tế xã hội, cũng đi kèm với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thuốc thang trở thành một phương tiện quan trọng để đối phó với những thách thức này.

 

Tuy nhiên, sự sợ hãi và lo lắng trước đắng của thuốc có thể làm cho nhiều người tránh xa khỏi nó. Câu "Thuốc đắng dã tật" như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc đối mặt và chấp nhận sự khó khăn để bảo vệ sức khỏe.

 

Giao tiếp hàng ngày của chúng ta cũng tương tự như thuốc, nơi chúng ta phải đối mặt với nhiều ý kiến và phản hồi. Có những người nói lên những điều tích cực, dễ nghe, trong khi có những người lại chỉ trích, phê phán.

 

Nếu chúng ta chỉ thích những lời khen và tránh né những ý kiến khó chịu, chúng ta sẽ khó mà tiến bộ. "Sự thật mất lòng" nhấn mạnh rằng những lời nhận xét chân thật, ngay cả khi khó chịu, có thể giúp chúng ta phát triển.

 

Lời nói chân thật có thể mang lại lợi ích cho người nghe, nhưng ngược lại có thể gây hại cho người nói. Do đó, chúng ta cần phải nhận biết những người nói chân thật và tốt cho mình, ngay cả khi điều đó có thể khiến họ trở nên không được ưa thích.

 

Những người có lòng chân thật thường coi trọng hơn việc giữ cho sự thật nổi lên, thậm chí khi biết rằng họ có thể bị ghét.

 

"Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng" không chỉ là một câu tục ngữ, mà là một bài học sâu sắc về cách chúng ta đối mặt với những thách thức, nhận xét và sự thật trong cuộc sống.

 

Để phát triển và hoàn thiện bản thân, chúng ta cần hiểu rõ vai trò của những "thuốc" đắng và "sự thật" khó chịu, và học cách đối mặt với chúng một cách mạnh mẽ và chín chắn.