Thứ Ba, 2 tháng 1, 2024

Nếu có một điều ước

 

NẾU CÓ MỘT ĐIỀU ƯỚC

Có câu chuyện vui ẩn dụ về sự tham lam vô tận của con người: Bụt hiện ra và cho ta một điều ước, ta sẽ ước gì? Loài người không ngần ngại mà nói ngay rằng: Con ước có nhiều điều ước hơn nữa!

 

Tưởng thế là khôn ngoan, nhưng không, rốt cuộc, chẳng có điều ước nào được hiện thực hoá cả, bởi ngay cả Bụt cũng không thể đáp ứng được những mong muốn, yêu cầu vô độ của loài người; và nói cho cùng, nếu thực sự cho loài người số điều ước không giới hạn như họ ước, thì Bụt có còn là Bụt - luôn mang lại sự giúp đỡ mầu nhiệm và hiếm hoi nữa không?

 

Thế đấy, phần đa trong chúng ta luôn có một muốn ba, có ba muốn bảy, tham lam muốn có những điều ngoài tầm với. Lòng tham dường như là mã tính cách được lập trình trong gen của loài người, là động lực nguyên thuỷ thúc đẩy con người tiến về phía trước, cách càng ngày càng xa với các loài động vật khác, song như con dao hai lưỡi, lòng tham không được kiểm soát trở thành vũ khí giết chết nhân tâm.

 

Người tham lam dường như hiếm khi cảm nhận được hạnh phúc. Khi đạt được điều gì đó, họ không dừng lại để tận hưởng mà tiếp tục so sánh với những người khác, bứt rứt bởi mình vẫn còn thua kém và lại lao vào những cuộc chinh đoạt mới.

Người tham lam có rất nhiều: có nhà, có xe, có thu nhập tốt, có bạn bè, có những cuộc vui triền miên, nhưng họ lại chẳng cảm thấy mình có đủ, họ vẫn luôn thấy mình còn chưa bằng thiên hạ, họ không cảm nhận được hạnh phúc và thoả mãn trong cuộc sống.

 

Rồi một ngày, chắc chắn rằng ngay cả người tham lam nhất cũng sẽ mệt mỏi, phải dừng lại và tự hỏi chính mình: Rốt cuộc thì đích đến cuối cùng của cuộc đời là ở đâu?

Không phải là cái chết. Đích đến cuối cùng của cuộc đời mỗi người là khi chúng ta biết thế nào là đủ.

 

Biết đủ là kỹ năng quan trọng nhất trong quy trình vận hành cuộc đời.

Người không biết đủ sẽ như cỗ máy chạy mãi về phía trước, bất kể máy móc khô kiệt, nóng bỏng lên vì lòng tham mù quáng; còn cỗ máy của người biết đủ sẽ dừng lại nghỉ ngơi khi cần, tận hưởng từng thành quả nhỏ bé trong cuộc đời dài đằng đẵng, cảm nhận hạnh phúc tự thân.

Người biết đủ luôn an yên. Họ không có nhu cầu chứng tỏ bản thân với ai, không so sánh cuộc đời mình với ai, họ biết cách để tâm trí và thể xác thoả mãn, họ biết sống trọn vẹn ngay bây giờ và ở đây!

 

Có câu nói rất hay rằng: “Đừng khóc vì không có giày đi bởi vì có người còn không có chân để đứng!”. Khi hiểu được điều ấy, ta sẽ thấy nếu biết đủ thì người nghèo khổ cũng vui, không biết đủ thì người giàu sang cũng u buồn.

Cuộc đời của một người cho dù là đau khổ hay hạnh phúc, nhưng nếu biết đủ và biết trân quý những gì mình đang có, thì tất cả những gì mà họ cảm nhận về cuộc sống mỗi ngày đều là tươi đẹp.

 

Phước Anh

 

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2024

Những câu nói giá trị của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

 

NHỮNG CÂU NÓI GIÁ TRỊ CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng chia sẻ rằng: “Hạnh phúc là an lạc, không có an thì không có lạc, an trong thân và trong tâm. Nếu con người chứa chất quá nhiều sự căng thẳng, stress, thân không an thì tâm làm sao an được?

Trong khi đó tâm có những cảm giác, cảm xúc như giận hờn, tuyệt vọng, bạo động, nếu không có phương pháp cụ thể thì làm sao nhận diện và chuyển hóa được những bất an của tâm?”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đúc rút được những bài học sâu sắc dưới đây.

 

* Nói “Tôi yêu bạn” có nghĩa là “Tôi có thể mang tới cho bạn sự bình yên và hạnh phúc”. Để làm được điều đó, trước tiên, chính bạn phải là người có được những điều đó đã.

 

* Một người tức giận là do không giải quyết được những đau buồn của mình. Họ là nạn nhân đầu tiên của sự đau buồn đó, còn bạn là người thứ hai. Hiểu được điều này, lòng từ bi sẽ nảy nở trong tim và sự tức giận sẽ tan biến.

Đừng trừng phạt họ, thay vào đó, hãy nói gì đó, làm gì đó để vơi bớt nỗi đau buồn.

 

* Mỗi người chúng ta nên tự hỏi mình: Tôi thật sự muốn gì? Trở thành người thành công số 1? Hay đơn giản là người hạnh phúc? Để thành công, bạn có thể phải hi sinh hạnh phúc của mình. Bạn có thể trở thành nạn nhân của thành công, nhưng bạn không bao giờ là nạn nhân của hạnh phúc.

 

* Khi một người làm bạn đau khổ, ấy là vì ẩn sâu bên trong, nỗi đau khổ của anh ta đang tràn trề. Anh ta không đáng bị trừng phạt. Anh ta cần sự giúp đỡ.

 

* Đôi khi niềm vui mang tới nụ cười. Nhưng cũng đôi khi, chính nụ cười mang tới niềm vui.

 

* Hạnh phúc là được là chính mình. Bạn không cần phải được thừa nhận bởi người khác. Chỉ cần chính bạn thừa nhận mình là được rồi.

 

* Mỗi sáng thức dậy, tôi lại mỉm cười. Hai mươi tư tiếng mới mẻ đang ở trước mắt tôi. Tôi nguyện sống trọn cho từng phút giây và xem xét mọi thứ bằng ánh nhìn từ bi.

 

* Những mầm mống khổ đau trong bạn có thể thật mạnh mẽ, nhưng đừng đợi cho đến khi mọi khổ đau đi hết rồi mới cho phép mình được hạnh phúc.

 

* Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương.

 

* Nếu chúng ta bình an, chúng ta hạnh phúc, chúng ta có thể cười. Và mọi người trong gia đình, trong xã hội có thể hưởng niềm vui từ chính sự bình an của ta.

 

* Cội nguồn của tình yêu nằm sâu trong mỗi chúng ta. Chúng ta có thể giúp người khác hạnh phúc. Một lời nói, một hành động, một suy nghĩ cũng có thể làm vơi nỗi buồn và tăng hạnh phúc cho người khác.

 

* Chúng ta cần học cách nghỉ ngơi và thư giãn. Nó giúp ta phòng chống bệnh tật và giảm ngừa căng thẳng. Nó giúp ta có tâm trí sáng suốt để tập trung giải quyết các vấn đề.

 

* Mỗi hơi thở, mỗi bước đi của chúng ta có thể lấp đầy bởi bình an, hạnh phúc và sự thanh thản.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh. (Ảnh: Làng Mai)

Năm mới ta cũng mới

 

NĂM MỚI TA CŨNG MỚI

Quý vị có thể nghĩ rằng năm cũ đang rời xa chúng ta. Nhưng tôi thì không dám chắc về điều đó.

Có thể năm cũ còn ở lại với chúng ta dài dài. Bởi vì năm tháng không chỉ được làm bởi thời gian, mà còn được làm bởi không gian và đặc biệt là làm bởi những hành động của chính chúng ta.

 

Những hành động bằng thân, bằng ý và bằng lời của chúng ta chính là Nghiệp (karma) mà ta đã tạo ra trong năm qua.

Có thể trong năm mới, chúng ta bắt đầu gặt hái những nghiệp quả mà ta đã gieo trồng trong năm cũ.

Vì vậy, cũng không chắc khi nói rằng năm cũ sẽ rời chúng ta, vì nó vẫn còn ở lại với chúng ta trong năm mới dưới hình thức của những nghiệp quả.

 

Không có gì mất đi. Những lời nói dễ thương, từ ái mà ta đã tặng cho người khác trong năm cũ sẽ đơm hoa kết trái trong năm mới. Và những hành động từ bi, đầy tình thương mà ta đã làm trong suốt năm qua, rồi ta cũng sẽ hội ngộ trong năm mới, đó chính là nghiệp quả.

 

Năm Mới, ta cũng mới

Chúng ta có câu đối để thực tập trong năm mới, đó là: “Năm Mới, ta cũng mới” (“New Year New Me”).

Nhưng muốn cho năm mới thực sự mới thì bản thân ta cũng phải mới. Làm sao anh có thể hy vọng có một năm mới nếu như anh không có gì mới? Không thể nào có được! 

 

Năm mới thì ta cũng phải mới. Nếu ta không mới thì cũng không có năm mới. 

Điều này hết sức đơn giản, ai cũng hiểu được.

Nếu ta không có gì mới mẻ thì dù ta có gọi đó là năm 2014 hay 2015, 2016…thì cũng chẳng có gì khác, nó vẫn là năm cũ thôi. Vì vậy để có một năm mới thì ta phải làm mới chính mình.

 

“Ta cũng mới”, đó là một sự thực tập. Chúng ta cần phải học cách làm mới chính mình. Cách chúng ta đi, cách ngồi, cách ăn, cách cười…chúng ta cần biết cách thực tập như thế nào để mỗi khi đi, khi ngồi, khi ăn, khi cười đều có thể đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc và nuôi lớn tình thương trong ta.

 

Sự sống xung quanh ta rất mầu nhiệm. Bông hoa, không khí mà ta đang thở, ánh sáng, đám mây, cơn mưa, ánh nắng mặt trời, cỏ cây, hoa lá, tất cả đều là những mầu nhiệm. Nếu ta không có đủ chánh niệm, không có mặt thật sự cho sự sống, hoặc nếu ta đang chìm đắm trong những lo lắng, đau buồn, sợ hãi, giận hờn hay trong những dự án ở tương lai thì tất cả những mầu nhiệm này của sự sống cũng không thực sự có mặt cho ta.

 

Chúng ta có thể dễ dàng tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống và hạnh phúc liền ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta không phải chạy về tương lai để tìm kiếm hạnh phúc. Chúng ta không còn nói “thời gian là tiền bạc”, mà chúng ta sẽ nói “thời gian là sự sống”.

 

Nếu bạn là giám đốc của một công ty, bạn có thể chia sẻ sự thực tập này với nhân viên của mình. Bạn có thể chia sẻ rằng: “Mỗi buổi sáng khi đỗ xe và đi bộ tới văn phòng, tôi đều thực tập đi trong chánh niệm và tôi muốn mời các bạn cùng thực tập với tôi, vì khi đi như vậy, tôi thấy rất an lạc.

Với mỗi bước chân ý thức tôi tiếp xúc được với những mầu nhiệm đang có mặt trong tự thân và xung quanh. Khi đi, tôi không suy nghĩ, chỉ cảm nhận sự hiện hữu của nước Chúa, của cõi Tịnh Độ trong giây phút đó mà thôi.

 

Tôi thấy mình đang thật sự sống. Trong khi bước đi, tôi buông xuống tất cả những căng thẳng trong thân tâm. Đi mà không cần phải suy nghĩ. Điều đó giúp cho thân tâm tôi được làm mới trở lại. Đó là sự thực tập chánh niệm”.

 

(Trích Pháp thoại Tết dương lịch 2014 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ, Làng Mai của Sư Ông Làng Mai– được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh)