Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Cái hay cái đẹp trong bài thơ Tôi yêu em của Puskin

 

"CÁI HAY CÁI ĐẸP TRONG BÀI THƠ" TÔI YÊU EM CỦA PUSKIN

Pu-skin (1799 - 1837) là "Mặt trời của thi ca Nga". Trong cuộc đời ngắn ngủi, bất hạnh của mình, Pu-skin đã để lại cho đất nước Nga và cho nhân loại những áng thơ văn tuyệt vời.

Ngoài những trường ca nổi tiếng như "Ru-xlan và Lút-mi-la", "Người tù Cáp-ca", "Những người Di-gan", "Ep-ghê-nhi Ô-nhê-ghin"... Pu-skin còn để lại 800 bài thơ trữ tình, trong đó có nhiều bài thơ tình nổi tiếng. Bài thơ tình "Tôi yêu em" là kiệt tác của Pu-skin:

"Tôi yêu em; đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen;

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em".


(Thuý Toàn dịch)


Sự nhạy cảm là dấu hiệu của thiên tài. Dấu hiệu đó trước tiên biểu hiện ở việc mở đầu và kết thúc bài thơ. Nếu Pu-skin mở đầu bài thơ theo một cách khác thì bài thơ "Tôi yêu em" không còn là bài thơ trữ tình mà là một trường ca.

Pu-skin đã cắt ngang thiên tình sử để tự sự và trữ tình. Mọi biến cố, mọi xúc cảm, thời gian và không gian đều được dồn nén lại:


"Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai".


Có thể nói "Tôi yêu em..." là giai điệu chính của bài thơ. Động từ "yêu" trong nguyên tác đều dùng thì quá khứ đến hiện tại bằng hình ảnh "ngọn lửa tình". Hình tượng ngọn lửa vừa thể hiện sự nồng nhiệt của tình cảm, và diễn tả sự dài lâu, đằng đẵng của nhà thơ đối với người tình.

Lối cắt ngang thiên tình sử để giải bày như vậy khiến cho bài thơ cô đọng, hàm súc.

 

Tác giả không kể lể, chừng mực trong lối biểu hiện cảm xúc, mực thước, kín đáo là những nét nổi bật của phong cách cổ điển.

Giai điệu chính của bài thơ đã xuất hiện mà điều muốn nói chỉ mới được sửa soạn nói thôi, nghĩa là nó sẽ được nói qua những biến tấu trong giây phút thăng hoa của tâm hồn thi nhân.

 

Pu-skin say đắm với người tình, mải mê kiếm tìm mộng đẹp, nhưng chỉ nhận được toàn cay đắng và não nề, cái mà người tình thi sĩ kiếm tìm được lại là thơ.

"Tôi yêu em..." là thơ rồi, tôi thôi, không yêu em nữa là cũng để yêu em.

 

Thơ tình của nhân loại chưa từng thấy những lời yêu của trái tim nhân hậu như thế này:

"Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài".


Tưởng chừng như Pu-skin không dụng công làm thơ mà cấu tứ thật là mới mẻ. Tình mới mà thành thơ mới, tâm hồn cao thượng mà thành thơ cao thượng. "Tôi không muốn làm em buồn vì bất cứ lẽ gì" đó là lời thơ trong nguyên tác.

 

Nhà thơ đã chấp nhận thất bại, nhưng không phũ phàng, hằn học. Biến đau thương thành tình yêu thì thật lạ. Tứ thơ lớn cho nên không cần những lời hoa mĩ, không cần các biện pháp tu từ. Lời thơ dung dị mà thấm thía.

 

Bài thơ tình phát triển theo những biểu lộ mới mẻ của tình cảm và những nghịch lí:

"Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

Câu em được người tình như tôi đã yêu em".

                   
Sau khi giãi bày nghịch lí của tình yêu, nhà thơ sợ người đời hoài nghi về tình yêu chân thật của mình nên lại "phải nói":


"Phải nói yêu, trăm bận đến nghìn lần".

(Xuân Diệu)

Chỉ có khác với Xuân Diệu là Pu-skin đã đẩy những lời yêu thương về quá khứ. Vì sao vậy? Vì bây giờ "tôi yêu em" hoặc "tôi mãi mãi yêu em" thì "em băn khoăn”, thì “em buồn” nên Puskin “phải nói”:


"Tôi yêu em âm thầm không hi vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm".


Nhà thơ đã chọn những chi tiết chính xác để bày tỏ lòng yêu của mình. "Tôi yêu em âm thầm", đó là một thứ tình yêu như sóng ngầm, như than hầm, nung nấu, cháy bỏng. Nhưng "không hi vọng", đây cũng là một sự thổ lộ thành thật.

 

Thời đó Pu-skin có cầu hôn với một vài cô gái quý tộc thượng lưu nhưng đều bị khước từ. Pu-skin cũng là dòng dõi quý tộc nhưng đã bị sa sút, còn thiên tài thì là cái gì các nàng làm sao biết được, còn thi sĩ thì đối với các nàng coi cũng như "con hát" mua vui vậy thôi. Khốn nỗi nhà thi sĩ lại "yêu em", "tôi đã yêu em", làm sao cắt nghĩa được tình yêu, "tôi yêu em" thật thà đến "rụt rè".

 

Cử chỉ nhỏ ấy lại là thước đo của lòng thành thật trong tình yêu đấy. Và cũng tầm thường như bất cứ một chàng trai đang yêu nào trên đời này "khi hậm hực lòng ghen".

Đã nói rồi, nói lại:"Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm".


Nói lại như vậy là để nhấn mạnh những thanh âm cao vời sâu thẳm của tình yêu và cũng là để sửa soạn cho một "nghịch lí" mà cũng là một quan niệm tình yêu mới chưa từng có trên đời này nẩy nở:


"Cầu em được người tình như tôi đã yêu em".

(Nguyên văn: Cầu Thượng đế cho em được người khác yêu cũng như thế)


Tình yêu của Pu-skin nồng nàn, chân thành, đằm thắm và giờ đây còn thiêng liêng nữa. Nhưng cũng chỉ là những tình cảm nhân bản mà thôi. Ví như tính chất thiêng liêng chẳng hạn, thì người bình dân ở phương Đông, trước cả Pu-skin đã biết cầu nguyện cho tình yêu:


"Qua chùa núi Hó thắp bó nhang vàng

Xin cho bạn cũ lại hoàn như xưa".

(Ca dao)


Chỉ có tinh thần cao thượng trong tình yêu của Pu-skin là mới mẻ. Còn từ đông sang tây, trong tình yêu tâm lí thông thường là (Yêu nhau thì ném bả trầu, - Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra - Ca dao).


Tinh thần cao thượng của Pu-skin được diễn tả theo nhịp độ tăng cấp: không yêu em nữa là cũng để yêu em và cầu cho người tình (từ chối mình) được sống hạnh phúc trong tình yêu.

Minh triết tình yêu đó là điều hết sức mới mẻ và tạo ra sức hấp dẫn lạ thường. Đấy là nhân cách cao thượng của Pu-skin, đấy cũng là tinh hoa của nền văn học Nga, một nền văn học nhân đạo và lí tưởng.


Bài thơ "Tôi yêu em" thể hiện nhiều nét nghệ thuật tinh hoa của thơ Pu-skin. Lời thơ giản dị, giản dị đến mức trong suốt; hàm súc, mực thước, ít dùng mĩ từ mà vẫn gợi cảm.

Sức mạnh của nhà thơ dồn ở cấu tứ lạ lùng đã chuyển tải được tình cảm, tư tưởng mới mẻ của thi nhân.

 

Thơ tình của nhân loại chưa bao giờ được chứng kiến một thiên tình sử trong một hình thức nhỏ bé như vậy. Và cũng chưa bao giờ thơ tình của nhân loại đạt đến sự minh triết của tình yêu sáng chói như vậy.

 

Pu-skin xứng đáng với sự ngợi ca của nhân dân Nga là thi sĩ thiên tài và là nhà tư tưởng lỗi lạc, người mở đường cho nền văn học Nga và người đặt nền móng cho tư tưởng nhân văn cao quý trong văn học Nga.

 

vanhocvatuoitre

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

Chó biết tránh người xấu, chọn người tốt và chỉ ăn thức ăn của họ

 

CHÓ BIẾT TRÁNH NGƯỜI XẤU, CHỌN NGƯỜI TỐT VÀ CHỈ ĂN THỨC ĂN CỦA HỌ

Nhiều người tin rằng loài chó có khả năng phân biệt được người tốt và kẻ xấu thông qua hành vi hoặc trường năng lượng mà họ mang theo. Thậm chí có quan điểm cho rằng, chúng còn xây dựng dữ liệu cho riêng mình và chỉ đến gần với những ai chúng nghĩ là tốt. Điều này đúng không, hãy cùng xem thí nghiệm sau.

Để kiểm chứng điều này, một nhóm nghiên cứu Hàn Quốc đã tiến hành thí nghiệm kiểm tra khả năng phân biệt người tốt kẻ xấu của loài chó.

Họ lựa chọn ba tình nguyện viên bao gồm 2 nữ và 1 nam.

Hai phụ nữ trẻ có ngoại hình tương đối giống nhau, chiều cao tương tự, dáng người mảnh khảnh, mặc áo phông trắng, quần jean và buộc tóc đuôi ngựa.

Họ sẽ chia ra để đóng vai người tốt và kẻ xấu. Để thuận tiện cho việc phân biệt và quan sát, phía sau lưng của hai người sẽ được dán tờ giấy “Good” hoặc “Bad” (“tốt” hoặc “xấu). Người còn lại là một chàng trai mặc áo đen, đứng giữa và sẽ là đối tượng tương tác của hai người phụ nữ trên.

Có 3 giống chó khác nhau được thử nghiệm gồm Pomeranian, Husky và Golden Retriever.

 

Đầu tiên, người phụ nữ đóng vai người tốt được yêu cầu phải đối xử thân thiện với chàng trai, nói cười, thể hiện sự quan tâm và nhẹ nhàng chạm vào đầu anh.

Tiếp đó, người phụ nữ hóa trang thành kẻ xấu dùng tay đẩy mạnh, đánh vào người chàng trai, thậm chí tát vào mặt và thể hiện sự tức giận, mắng nhiếc.

Tất nhiên, chàng trai cũng cần phối hợp để biểu đạt cảm xúc trên khuôn mặt kèm theo giọng nói của mình trong mỗi tình huống.

 

Mọi hành động của những người tham gia thí nghiệm đều được ba chú chó quan sát kỹ.

Tiếp theo, đã đến lúc kiểm tra sự lựa chọn của các chú chó.

Hai người phụ nữ ngồi xổm xuống cùng một lúc (chàng trai trước đó được yêu cầu rời khỏi hiện trường), 2 cô gái cầm những đồ ăn giống nhau trên tay và kiểm tra xem con chó chọn ăn của người nào.

 

 

Chú chó tham gia thử nghiệm đầu tiên thuộc giống Pomeranian có bộ lông dài và nâu, dường như không cần phải suy nghĩ quá nhiều, chú bước thẳng đến chỗ “người tốt bụng”.

 

Husky là “người chơi” tiếp theo, vốn luôn nổi tiếng là hoạt bát và nghịch ngợm. Sau khi được thả ra, nó hớt hải chạy về phía “người xấu”. Tuy nhiên, di chuyển được vài bước, chú chó đột ngột dừng lại… quay ngoắt và chuyển sang chỗ thức ăn của “người tốt”, một hành động như muốn trêu chọc cô gái đóng vai “kẻ xấu”.

 

Không ngoài dự đoán, chó Golden Retriever cũng lựa chọn “người tốt” như một điểm đến tin cậy. Vì vậy, trong bài kiểm tra đầu tiên, người phụ nữ đóng vai tốt nhận được 3 phiếu từ các chú chó.

 

Các nhà nghiên cứu vẫn muốn kiểm chứng thêm độ khả tín, họ yêu cầu hai người phụ nữ đổi vai và biểu diễn lại, nhưng lần này họ muốn các động tác cần phải dữ dội và dứt khoát hơn.

Người phụ nữ tốt trước đó giờ đã trở thành kẻ xấu, cô làm động tác tát mạnh vào mặt chàng trai và khiến anh hét lên đau đớn. Trong khi người phụ nữ từng đóng vai xấu trở nên tốt bụng, nhẹ nhàng quan tâm và tỏ ra an ủi.

 

Không ngờ sau khi hoán đổi, cả ba chú chó vẫn chọn được người tốt.

Một bác sĩ thú y cho biết: "Chó biết cách thu thập thông tin dựa trên thái độ và giọng nói của đối phương, sau đó phán đoán đối phương là người tốt hay kẻ xấu.

Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta nuôi chó và biết rõ về chúng, nhưng thực ra loài chó cho thấy chúng hiểu chúng ta hơn, điều này đến từ việc chúng hay quan sát con người hơn".

 

Một khán giả sau khi xem video đã để lại bình luận:

“Động vật có thể nhìn thấy năng lượng bạn đang phát ra tại thời điểm có hành vi đó. Điều đáng buồn là mặc dù con chó có thể chọn cho mình một người được cho là tốt ngay từ đầu, nhưng cuối cùng chúng vẫn có thể bị ngược đãi hoặc bị bỏ rơi ở giai đoạn sau.

Thương thay, chúng vẫn trung thành vì vẫn tin tưởng rằng người đó tốt”.

 

Một người khác viết: “Động vật được ban tặng với khả năng cảm nhận cái ác trong con người, nó giúp chúng an toàn”.

 

Cũng tương tự với các ý kiến trên, một người khác nói rằng loài chó có khả năng cảm nhận giống như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vậy nên có những người mà chó sẵn sàng tiếp cận, trong khi có người thì chó luôn gầm gừ vì cảm thấy bất an.

 

Theo Epoch Times