Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

"Cha mẹ sinh con, trời sinh tính"

"CHA MẸ SINH CON, TRỜI SINH TÍNH"

 

Ông bà xưa thường có câu "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính" để giải thích cho các trường hợp con cái có biểu hiện về tính cách khác biệt so với các thành viên trong gia đình. Hoặc khi họ không thể hiểu nổi cách phản ứng của con với cuộc sống và giao tiếp xung quanh. Các bạn sẽ lý giải thế nào? 

 

"Cha mẹ sinh con, trời sinh tính" không sai mà cũng chẳng đúng

Trẻ em thường sống cùng cha mẹ mình từ khi sinh ra cho tới khi trưởng thành. Vì thế đương nhiên phần lớn tính cách của trẻ là do chịu ảnh hưởng từ cha mẹ.

Vậy câu nói "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính" là đúng hay sai? Điều gì thực sự quyết định bản chất của một đứa trẻ khi nó lớn lên?

 

Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ

Trong hầu như mọi trường hợp chúng ta đều có thể tìm thấy sự tương đồng trong tính cách của một đứa trẻ và cha mẹ nó. "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" - điều này có lẽ không cần phải bàn cãi.

Vậy nhưng tại sao người ta lại nói "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính"? Cha mẹ có vai trò như thế nào trong việc hình thành tính cách của con cái?

 

Trẻ từ 2 đến 10 tuổi là giai đoạn vàng trong quá trình hình thành tính cách của chúng. Sau thời gian này, phần cốt lõi nhất trong bản tính của trẻ đã được định hình xong, những gì được thêm vào tính cách nó sau đó đều chịu ảnh hưởng từ phần cốt lõi đó.

Trong giai đoạn này, mọi tính cách dù tốt hay xấu của trẻ phần lớn đều do người lớn tác động - những người sống bên cạnh và có ảnh hưởng tới chúng. 

 

Nói tóm lại, cha mẹ sinh ra con, bản tính của cha mẹ quyết định tính cách của con. Bản tính của cha mẹ thực chất lại không do cha mẹ tự quyết. Đây chính là ý nghĩa của câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.

 

Một sự cực đoan trong tính cách của cha mẹ sẽ phản ánh ra một điều kiện trong mối quan hệ với con cái. Điều kiện đó kết hợp với cá tính mạnh hay yếu thiên bẩm của đứa trẻ mà hình thành nên tính cách của nó.

Đây chính là yếu tố “an bài” trong tính cách của mỗi con người. Nói rằng tính cách mỗi người là do trời sinh, không hề phụ thuộc vào mong muốn của cha mẹ là vì lý do này.

 

“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” không phải là không thể thay đổi.

Bằng cách bài trừ sự cực đoan trong tính cách của bản thân, cha mẹ khi nổi nóng với con trẻ.

Nói thì dễ nhưng thực hành lại không hề đơn giản. Giữa nổi giận và không nổi giận là một khoảng cách cực lớn, nó nằm sâu bên trong bản chất của một con người. Khi mâu thuẫn đến, chúng ta thông thường không có đủ thời gian để suy xét lợi hại, mà sẽ hành động theo bản tính sẵn có.

 

Vì thế, muốn không nổi giận với con, người cha mẹ sẽ cần một sự thay đổi lớn trong tính cách. “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” - vẫn biết thay đổi bản tính là điều khó nhất, nhưng chúng ta vẫn có thể. Tất cả chỉ cần bắt đầu từ một mong muốn, mong muốn thay đổi bản thân mình để trở thành một phiên bản tốt hơn. Vì con chính là động lực lớn nhất để cha mẹ có thể thay đổi.

 

Nhiều người nghĩ rằng hoàn cảnh môi trường xã hội là yếu tố quyết định tạo nên tính của của một con người. Tôi không đồng ý với nhận định đó. Trong cùng một lớp học vẫn sẽ có học sinh ngoan, học sinh cá biệt; xã hội nhiều cạm bẫy, cám dỗ, vậy tại sao có người thành công, có người thất bại, có người luôn lạc quan vui vẻ, có người thì lại bi quan chán chường.

Hoàn cảnh xã hội không trực tiếp tạo nên một con người, nhưng hoàn cảnh xã hội cũng có vai trò quan trọng, nó kết hợp với bản tính của một cá nhân mà hình thành nên số phận của người đó. 

 

Là cha mẹ, chúng ta luôn mong muốn mọi điều tốt nhất cho con cái, cả trong hiện tại lẫn tương lai. Hạnh phúc của một người thông thường phụ thuộc vào hai yếu tố: hoàn cảnh bên ngoài và bản chất bên trong. Hoàn cảnh chúng ta không thể quyết định được, nó được quyết định bởi trường lớp, xã hội, môi trường mà con người sinh sống. Chỉ có bản tính bên trong của con là thứ mà cha mẹ có thể tác động đến. 

 

Một người có sự cân bằng, ít cực đoan trong tính cách là người có thể tìm được hạnh phúc trong cuộc sống mà ít bị lệ thuộc vào hoàn cảnh xung quanh.

 

Con cái là cả cuộc đời của cha mẹ:

Trên một bàn cờ, quân vua là yếu đuối và vô dụng nhất, tuy nhiên nó cũng lại là quan trọng nhất, mất vua tương đương với mất tất cả. Trong cuộc sống, con cái đối với mỗi bậc cha mẹ đều giống như quân vua trên bàn cờ vậy. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét