Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

Âm nhạc – Độc dược hay Thần dược?

Ảnh:  Tối 5/7 mới đây nghệ sĩ guitar huyền thoại người Mỹ Carlos Santana đã bị ngã gục trên sân khấu trong khi đang biểu diễn tại một đêm nhạc tổ chức trong nhà hát Pine Knob, thành phố Clarkston, bang Michigan, Mỹ.

 

ÂM NHẠC – ĐỘC DƯỢC HAY THẦN DƯỢC?

 

Tại Trung Quốc cổ đại, chữa bệnh là một trong những công dụng đầu tiên của âm nhạc. Tuy nhiên, theo triết gia Hy Lạp cổ đại Platon, loại âm nhạc mà một người tiếp xúc trong những năm tháng trưởng thành mới quyết định sự cân bằng trong tâm hồn của người đó…

 

Chấm dứt lệnh giãn cách xã hội, cuộc sống dần vơi bớt căng thẳng và trở về dòng chảy bình thường. Những giai điệu buồn theo đó cũng được nhiều người thay thế bằng những âm hưởng sôi động và mạnh mẽ, nhưng liệu căng thẳng nhờ đó có giảm bớt và sức khỏe của chúng ta có hồi phục tốt hơn?

 

Việc lựa chọn loại hình âm nhạc rất quan trọng. Aristotle là một trong ba trụ cột của văn minh của Hy Lạp cổ đại, ông cho rằng: “Nếu một người nghe nhầm loại nhạc, anh ta sẽ trở thành người không tốt; nhưng ngược lại, nếu anh ấy nghe đúng loại nhạc, anh ấy sẽ có xu hướng trở thành người tốt”.

 

Loại thuốc độc “có tiếng”

Chúng ta thường chuyển động vô thức theo các giai điệu bởi các rung động âm thanh. Cụ thể hơn, âm nhạc tác động lên hệ thần kinh và tạo ra các cú sốc theo nhịp khiến cơ bắp co thắt, chân tay chúng ta theo đó tự nhiên chuyển động. Nếu muốn không chuyển động theo giai điệu mà mình nghe, một người phải chủ động ức chế cơ thể của mình. Nhưng liệu tác động của âm nhạc có chỉ dừng ở cơ bắp hay không?

 

Năm 1988, G. M. Schreckenberg và H. Bird đã thử nghiệm hiệu ứng của một số thể loại nhạc trên chuột. Lũ chuột đều có trí nhớ tốt, thậm chí khi được thả vào mê cung của nghiên cứu, chúng có thể tìm lối thoát ra. Để tăng tính khách quan, điều kiện phòng thí nghiệm dành cho chuột là giống nhau và cường độ âm thanh (decibel) cũng giống hệt. Có tổng cộng 36 con chuột tham gia nghiên cứu và được chia thành 3 nhóm:

Nhóm A = không nghe nhạc (nhóm kiểm soát).

Nhóm B = âm nhạc du dương (harmonic music), tuân theo quy luật tự nhiên của âm nhạc.

Nhóm C = âm nhạc phá cách (disharmonic music), loại nhạc không tuân theo quy luật tự nhiên của âm nhạc (điển hình là nhạc Rock).

 

Kết quả cho thấy: tế bào thần kinh (tế bào tư duy não) của chuột ở nhóm C bị hư hỏng và rối loạn, còn ở nhóm A và B thì bình thường. Không chỉ vậy, những con chuột thuộc nhóm C không thể nhớ lại cách mà chúng từng thoát khỏi mê cung, dù là sau 3 tuần nghỉ ngơi. Ngoài ra, chúng còn thể hiện những hành vi hiếu động, hung hăng, và thậm chí là cả ăn thịt đồng loại.

 

Không dừng lại ở đó, tác hại của âm nhạc “xấu” ảnh hưởng đến hệ thần kinh và hành vi đã được tìm thấy cả ở trên người. Trong một báo cáo nghiên cứu về nhạc rock đăng trên Scripps Howard News Service cho biết, việc tiếp xúc với thể loại nhạc này gây ra những bất thường trong cấu trúc nơron của vùng não liên quan đến học tập và trí nhớ.

Bất kể giới tính nào khi nghe nhạc rock (dòng hard rock hay acid rock) đều bị ức chế khả năng lưu trữ thông tin chính xác trong não bộ.

 

Cần nhắc lại rằng, nhạc rock là thuộc nhóm disharmonic đã phá hoại tế bào thần kinh ở chuột. Các nghiên cứu hóa sinh cũng cho thấy việc nghe nhạc rock sẽ gây tăng quá mức adrenalin trong máu, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh.

Cơ thể sản sinh adrenalin khi bạn sợ hãi, tức giận hay phấn khích, và nếu chúng tiết quá nhiều trong thời gian dài thì những trạng thái này có thể sẽ nuốt chửng bạn.

 

Tìm kiếm vị thuốc âm nhạc ở đâu?

Trong cuốn sách “Closing of the American Mind” của Giáo sư Allan Bloom thuộc Đại học Chicago, ông nói rằng âm nhạc cổ điển về cơ bản là hài hòa hơn hẳn so với nhạc rock. Âm nhạc hài hòa thu hút và mang đến nhiều cảm xúc hơn, khiến người nghe trầm ngâm và say mê hơn. Ông cũng chỉ ra việc não bộ tiếp xúc với âm nhạc cổ điển kéo dài cũng có tác dụng tương tự như thuốc vậy.

 

Năm 2017, trên thư viện Cochrane đã đăng tải một một nghiên cứu tổng quan cho thấy tác dụng hồi phục của “âm nhạc trị liệu” đối với những bệnh nhân đột quỵ. Các tiết tấu êm dịu giúp kích thích não bộ và hệ thần kinh, từ đó tăng khả năng vận động của tay, di chuyển của chân, và cả chức năng nói của bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục chức năng.

 

Còn đối với thần kinh, ngược hẳn với nhạc disharmonic hủy hoại các tế bào não bộ, nhạc harmonic kích thích các tế bào thần kinh phát triển – điển hình có nhạc Mozart từ lâu đã nổi tiếng với những tác động tích cực đối thai nhi. Nhạc Mozart, theo một nghiên cứu năm 2014, còn cho thấy khả năng giúp hồi phục tâm thần của những trẻ em bị động kinh.

 

Từ xa xưa, con người đã biết đến với âm nhạc hài hòa (tương ứng với harmonic) khiến cho con người thích thú, giúp cho tâm tình của con người tĩnh lặng và bình thản, mọi người cũng từ đó mà vui vẻ, yêu thương lẫn nhau.

 

Âm nhạc là thần dược hay độc dược chính là tùy thuộc vào sự chọn của chúng ta. Hãy tự lựa chọn những giai điệu cho không gian của riêng mình và bạn bè hay người thân để đem lại sự gần gũi và vượt qua mọi khủng hoảng trong cuộc sống!

 

Theo NTDVN

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét