Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Những đứa trẻ bất hạnh nhất thường đến từ 6 loại gia đình

NHỮNG ĐỨA TRẺ BẤT HẠNH NHẤT THƯỜNG ĐẾN TỪ 6 LOẠI GIA ĐÌNH

Giáo dục gia đình, bầu không khí gia đình, có ảnh hưởng và quyết định tính cách cả đời của một đứa trẻ. “Nhà” đối với mỗi người chúng ta, đều rất quan trọng. Sáu kiểu gia đình được đề cập dưới đây, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những tổn thương sâu sắc nhất cho trẻ em và khiến chúng trở nên bất hạnh!

1. Gia đình có mẹ quá mạnh mẽ 

Ở đây, khi chúng ta nói đến sự mạnh mẽ, chính là đề cập nhiều đến tính cách hơn là sự nghiệp.

Một người mẹ quá mạnh mẽ thường thể hiện ở 4 khía cạnh: tự cho mình là đúng, kiêu ngạo, ‘vung tay múa chân’ và hay xoi mói. Con cái phải vâng lời mẹ. Yêu cầu con trẻ nhất định phải nghe theo lời mẹ, mọi thứ đều là mẹ định đoạt, đồng thời quen chỉ tay năm ngón đối với cuộc sống của đứa trẻ một cách mù quáng, ngang ngược can thiệp, hy vọng có thể thao túng cuộc đời đứa trẻ.

Nếu như trong một gia đình, tính cách của người mẹ quá mạnh mẽ, kiểm soát quá mức, sẽ khiến con trẻ mất tự tin, không có chủ kiến, mọi chuyện đều phụ thuộc quá mức vào mẹ. Hơn nữa, phương thức quản giáo nghiêm khắc quá mức có thể dễ dàng xóa bỏ cá tính của con trẻ.

Người xưa có câu: “Lấy được người phụ nữ tốt sẽ giàu có ba đời”. Là phụ nữ, chúng ta khi ở bên ngoài có thể dùng vẻ ngoài nghiêm túc để bảo vệ mình, nhưng khi về tới nhà, việc cần làm chính là dỡ xuống chiếc mặt nạ, dịu dàng với chồng con, thay vì ra lệnh cho họ phải làm gì.

2. Gia đình có bố không quan tâm đến việc chăm sóc con

Một nghiên cứu cho thấy rằng: những đứa trẻ có bố nuôi dưỡng thường có chỉ số IQ cao hơn, tự tin hơn và ưu tú hơn, chúng sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trong xã hội.

Nhiều người đàn ông hiện đại cho rằng chăm sóc con cái là việc của phụ nữ, còn đàn ông chỉ cần có trách nhiệm kiếm tiền nuôi gia đình là được rồi.

Kiểu suy nghĩ này là không nên, vì trong quá trình con cái trưởng thành cần có cả tình yêu thương của cha và mẹ, thiếu đi một thứ cũng không được. Người mẹ dạy con chủ yếu là tình yêu và cảm xúc, còn người cha đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự trưởng thành của trẻ.

Họ có ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành cảm giác an toàn, tính cách, nhận biết giới tính và xử lý các mối quan hệ giữa các cá nhân của trẻ.

Nuôi con không phải là chuyện của riêng mẹ, trên con đường giáo dục con, cha nhất định phải phụ giúp một tay!

3. Gia đình luôn than vãn về tiền bạc

“Nghèo nuôi dưỡng con trẻ” không có nghĩa là khắc nghiệt về vật chất, mà là dạy con trở nên kiên cường và độc lập về mặt tinh thần.

Nếu con trẻ từ nhỏ đã thấm nhuần những lời than vãn nghèo khổ của cha mẹ, chúng thường sẽ đặc biệt quan tâm đến tiền bạc, dù sau khi lớn lên có tiền cũng sẽ rất keo kiệt, cho nên khi ra ngoài xã hội việc giao tiếp bị cản trở.

Bởi vì khi còn bé trường kỳ sống trong cảnh cha mẹ than vãn, sau khi lớn lên rất khó có được cảm giác an toàn. Đứa trẻ trở nên không tin tưởng bạn bè, không tin người thân, điều duy nhất chúng tin là những con số ký gửi lạnh lùng trong sổ tiết kiệm.

Cha mẹ phải hình thành quan điểm đúng đắn về tiền bạc cho con trẻ ngay từ khi còn nhỏ, đừng để “tiền bạc” ảnh hưởng đến cuộc sống của con. Lời hứa yêu thương mà bạn có thể dành cho con mình, chính là liều thuốc đảm bảo sự bình yên trong nội tâm của con bạn.

4. Gia đình cãi vã triền miên

Nhà không phải là nơi phân rõ đúng sai, rất nhiều chuyện vụn vặt trong gia đình không thể phân rõ được đúng sai, nếu mỗi người luôn cố cãi lý lẽ thì rất khó có một gia đình hòa thuận.

Điều tra mới nhất cho thấy, tỷ lệ trẻ có vấn đề về tâm lý trong gia đình mà cha mẹ hay cãi nhau là 32%, gia đình ly hôn là 30%, gia đình hòa thuận là 19%. So với ly hôn, tâm lý của trẻ em khi cha mẹ cãi nhau càng thể hiện rõ ràng hơn, tác hại trực tiếp cũng lớn hơn.

Cha mẹ thường xuyên cãi vã không chỉ khiến con cái luôn cảm thấy nơm nớp lo sợ, mà còn bất lợi cho cảm giác an toàn của trẻ, dễ hình thành tính cách nhu nhược gặp chuyện liền lùi bước, đối với sự trưởng thành của trẻ chỉ có trăm điều hại mà không có một điều lợi.

5. Gia đình không rời điện thoại di động

Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, cha mẹ khi đang ở cùng con cái mà chơi điện thoại di động thực chất là một kiểu “bạo hành lạnh lùng”, là sự thờ ơ về tình cảm đối với trẻ.

Chiếc điện thoại di động có thể gắn bó với bạn 50 năm, nhưng thời gian thân mật bên con cái của bạn một đi không trở lại. Khi con trẻ cần bạn, bạn chọn ở bên điện thoại di động, điều này sẽ khiến bạn bỏ lỡ câu chuyện trưởng thành của chúng, làm phai nhạt tình cảm của chúng, hơn nữa sẽ không có cơ hội để làm cho mối quan hệ cha mẹ – con cái trở nên thân thiết hơn.

Ngoài ra, trẻ có khả năng bắt chước rất mạnh, khi bố mẹ tập trung chơi điện thoại, trẻ cũng sẽ học theo. Vì vậy, đừng đợi đến khi con bạn nghiện điện thoại di động rồi mới phát hiện ra rằng điện thoại di động là một thứ ‘yêu tinh hại người’.

6. Gia đình thường đánh, mắng con cái

Trước đây, trên mạng Internet từng xuất hiện một bài phỏng vấn về tội phạm vị thành niên, những lời mà các em nói khi đối diện với máy quay khiến mọi người không khỏi đau lòng. Chúng nói rằng từ khi còn nhỏ, cha mẹ đã từng mắng nhiếc chúng là “đồ ngu”, “đồ bỏ đi”…, khiến chúng cảm thấy sống không có giá trị gì.

Những đứa trẻ thường xuyên bị đánh đập và la mắng có thể hình thành hai tính cách cực đoan: một là nhu nhược tự ti, dễ có cảm xúc bi quan và chán đời; hai là đặc biệt nổi loạn và có khuynh hướng bạo lực.

Khi con trẻ mắc lỗi, phương thức giáo dục cần vừa thể hiện tình yêu thương vừa thể hiện trí tuệ của cha mẹ. Giáo dục tốt thực sự bắt đầu từ trái tim, nó là sự giao tiếp giữa trái tim và trái tim, mà không phải dựa vào bạo lực để răn dạy.

Trên đây là 6 kiểu gia đình, chính là căn nguyên làm tổn thương con trẻ sâu sắc nhất, khiến trẻ cảm thấy bất hạnh nhất! Bởi vậy, các bậc cha mẹ chúng ta cần phải lưu tâm và thay đổi, để mang đến cho con trẻ một môi trường giáo dục lành mạnh nhất.

Theo  NTDVN

Bức thư tình


BỨC THƯ TÌNH

 

Thiền sư Thích nhất Hạnh

 

Có một thiếu phụ người Pháp thường cất giữ những bức thư tình của chồng. Ông ta đã viết cho bà những bức thư rất đẹp trước khi hai người cưới nhau. Cứ mỗi lần nhận được thư là bà say mê đọc từng câu, từng chữ, từng dòng thư ngọt ngào, thương yêu.

Bà rất quý những bức thư đó và cất giữ vào trong một cái hộp đựng bánh bích-qui.  Một buổi sáng nọ, trong khi dọn dẹp ngăn tủ bà tìm thấy cái hộp bích-qui đựng những bức thư năm xưa. Đã lâu lắm bà không thấy cái hộp bích-qui đó. Cái hộp lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp của những ngày đầu, khi mà cả hai người còn trẻ, còn yêu nhau thắm thiết, khi mà cả hai đều nghĩ rằng nếu không có người kia thì chắc sống không nổi.

 

Nhưng mấy năm gần đây, cả hai vợ chồng đều rất đau khổ. Họ không còn thiết nhìn nhau. Họ không còn muốn nói chuyện với nhau. Họ không còn viết thư cho nhau. Trước ngày bà tìm thấy cái hộp bích-qui, chồng bà cho hay là ông ta sẽ đi xa vì công chuyện nghề nghiệp. Có lẽ là ông không vui thích gì khi ở nhà. Có thể là ông đi xa để tìm đâu đó một chút hạnh phúc, một ít niềm vui.

Bà biết vậy. Khi chồng bà cho bà hay là ông phải đi họp ở New York bà trả lời “Nếu cần thì anh cứ đi.” Bà đã quen với cái lệ này rồi. Rồi sau hai ngày, thay về nhà như đã định, ông điện thoại về, “Anh cần ở lại thêm hai ngày nữa vì có việc cần.” Bà chấp nhận dễ dàng chuyện đó, vì dầu cho ông có ở nhà bà cũng chẳng hạnh phúc chi mấy.

 

Sau khi gác điện thoại bà đi dọn dẹp ngăn tủ và khám phá ra cái hộp. Đó là cái hộp đựng bánh “LU”, một loại bánh bích-qui nổi tiếng bên Pháp. Đã lâu lắm bà không mở hộp. Bà gác cái chổi qua một bên và mở nắp hộp. Một mùi thơm dịu quen thuộc tỏa ra. Bà rút ra một lá thư rồi đứng đó để đọc.

Bức thư mới ngọt ngào làm sao, đầy hiểu biết và thương yêu. Bà cảm thấy mát mẻ như một mảnh đất khô cằn vừa được mưa tưới.  Sau đó bà đem cái hộp vào bàn, ngồi xuống đọc hết tất cả các bức thư, cả thảy là ba mươi sáu hay ba mươi bảy bức. Hạt giống của hạnh phúc vẫn còn đó trong bà.

Những hạt giống đó lâu nay đã bị vùi lấp trong đau khổ, nhưng vẫn còn đó. Cho nên khi đọc những bức thư đầy thương yêu của chồng viết khi còn trẻ, những hạt giống hạnh phúc chôn vùi trong sâu kín tâm thức bà đã được tưới tẩm.

 

Trong những năm gần đây, chồng bà đã không sử dụng ngôn ngữ ấy nữa. Nhưng bây giờ, đọc những bức thư, bà nghe như chồng bà đang nói những lời ngọt ngào của năm xưa. Ngày xưa hai người đã thật sự có hạnh phúc. Tại sao mà bây giờ hai người sống như trong địa ngục? Bà hầu như đã quên đi là chồng bà đã từng nói với bà những lời yêu thương như thế nhưng đó đã là sự thật. Ông ta đã từng có khả năng nói những lời như vậy.

 

Tưới Tẩm Những Hạt Giống Hạnh Phúc

Trong suốt hơn một giờ ngồi đọc thư, bà đã tưới tẩm những hạt giống của hạnh phúc trong bà. Bà nhận ra rằng cả chồng bà và bà đều thiếu khéo léo. Cả hai đã tưới tẩm những hạt giống đau khổ của nhau và không có khả năng tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc.

Sau khi đọc tất cả những lá thư bà quyết định ngồi xuống và viết cho chồng bà một bức thư để nói cho ông ta biết rằng ngày xưa, lúc mới quen nhau, bà đã hạnh phúc như thế nào. Bà viết rằng bà mong tìm lại được những hạnh phúc của ngày nào. Và bây giờ thì bà lại có thể viết cho ông câu “Anh yêu dấu!” với tất cả chân tình.

 

Bà đã để ra bốn mươi lăm phút để viết bức thư. Đây là một bức thư tình đích thực – gửi cho chàng thanh niên dễ thương đã viết cho bà những bức thư cất trong hộp bích-qui. Trong thời gian đọc thư và viết thư mất gần ba giờ đồng hồ, bà đang thực tập thiền quán mà không biết là mình đang thực tập thiền quán.

Sau khi viết xong bức thư lòng bà cảm thấy rất nhẹ nhàng. Thư chưa được gửi đi, chồng bà chưa đọc nhưng bà cảm thấy khỏe hẳn ra. Những hạt giống hạnh phúc trong bà đã được khơi dậy và tưới tẩm trở lại. Bà lên lầu và đặt bức thư lên bàn ông. Sau đó, suốt ngày bà rất hạnh phúc.

Bà hạnh phúc vì những bức thư đã tưới tẩm những hạt giống tích cực trong bà.

 

Trong khi đọc những bức thư và viết thư cho chồng, bà giác ngộ vài điều. Cả hai người đều đã vụng về. Cả hai không biết cách giữ gìn hạnh phúc mà đáng ra họ vẫn có quyền hưởng. Trong khi nói năng, trong khi hành xử họ đã tạo địa ngục cho nhau. Cả hai chấp nhận sống với nhau như một gia đình, như một cặp vợ chồng nhưng không có chút gì hạnh phúc.

Hiểu như thế bà tin tưởng rằng nếu cả hai người cùng cố gắng tu tập thì hạnh phúc có thể phục hồi. Bà tràn đầy hy vọng và không còn đau khổ như những năm qua.

 

Người chồng về nhà, lên phòng và thấy bức thư trên bàn. Trong bức thư bà đã viết: “Em chịu trách nhiệm một phần về sự đau khổ của chúng ta, về tình trạng chúng ta không được hạnh phúc mà đáng ra chúng ta phải được hưởng. Chúng ta hãy làm mới lại, hãy tái lập truyền thông. Hãy thực hiện bình an, hòa điệu và hạnh phúc cho nhau.”  Ông đọc bức thư rất kỹ và quán chiếu sâu sắc về những điều bà viết.

Ông không ngờ rằng ông cũng đang thực tập thiền quán. Nhưng quả thật là ông đang thực tập như bà, bởi vì khi đọc thư của bà, những hạt giống hạnh phúc trong ông cũng được tưới tẩm. Ông ở trên phòng rất lâu. Ông quán chiếu và khám phá ra những tuệ giác như bà đã khám phá ngày hôm qua. Nhờ vậy hai vợ chồng đã có cơ hội làm mới và tái lập hạnh phúc.

 

Đời bây giờ, thiên hạ và những cặp tình nhân không viết thư cho nhau nữa. Họ chỉ nhắc điện thoại lên và nói, “Tối nay có rảnh không? Chúng ta đi chơi nhé!” Thế thôi!  Còn đâu là những kỷ vật để cất giữ, nâng niu! Thật là tội nghiệp! Bạn phải tập viết thư tình trở lại đi! Viết cho những người thương của bạn. Người thương đây có thể là cha, là mẹ của bạn. Cũng có thể là con trai, con gái, là anh, là chị hay là bạn bè của bạn. Hãy dành thì giờ để viết xuống những ân tình yêu thương.

 

Phép Lạ Nho Nhỏ

Có nhiều cách để tái lập truyền thông. Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi nói chuyện với con, thì sao bạn không thử thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm một, hai ngày, rồi sau đó bạn ngồi xuống và viết cho con bạn một lá thư:

“Con ơi, ba biết rằng con đang đau khổ. Ba là ba của con và ba biết rằng ba chịu một phần trách nhiệm bởi vì ba đã không biết cách trao truyền cho con những gì tốt đẹp nhất của ba. Ba biết rằng con không thể nói cho ba biết về những đau khổ của con. Ba muốn rằng tình trạng này được thay đổi.

Ba muốn luôn luôn có đó để giúp con. Cha con ta hãy giúp nhau để cải thiện truyền thông giữa cha con ta.” Bạn phải học nói với ngôn ngữ như thế.

 

Tiếng nói thương yêu sẽ cứu chúng ta. Lắng nghe với tâm từ bi sẽ cứu chúng ta. Đó là một phép lạ mà ta có thể làm được, nhờ tu tập. Ta có khả năng làm chuyện đó. Ta có dư bình an, thương yêu và hiểu biết trong chiều sâu tâm thức. Phải cầu cứu đến khả năng đó của ta, cầu cứu Bụt tự thân.

Với sự nâng đỡ của bạn bè và tăng thân chúng ta có thể bắt đầu làm mới và tái lập truyền thông.

 

(Trích trong sách “Giận” của Sư Ông Làng Mai)