FIDEL CASTRO VÀ DUYÊN NỢ VỚI NEW YORK
Những khối nhà rợp bóng cây ở phố West 82 Street gần công viên Centre Park, một toà nhà đá nâu số nhà 155 trang nghiêm với hiên đá được chạm khắc.
Đây là nơi chàng trai trẻ Fidel Castro năm đó, một sinh viên luật Cuba 22 tuổi chưa được biết đến, đã có tuần trăng mật vào năm 1948. Castro và Mirta Diaz-Balart, người vợ đầu quyến rũ của ông, vốn xuất thân từ tầng lớp trên trong xã hội, đã ở ba tháng trong tòa nhà chung cư duyên dáng này, nằm đối diện với một nhà thờ Chính thống giáo Ukraine và gần các quán bar nơi có đầy các sinh viên Đại học Columbia ghé vô.
Fidel Castro đã từng là một lãnh đạo sinh viên có tiếng ở Havana, nhưng vào năm 1948 thì chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ sớm cầm đầu cuộc cách mạng trên hòn đảo quê hương và trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng nhất, gây chia rẽ nhất trong Thế kỷ 20, đẩy Cuba vào mối thù cay đắng Chiến tranh Lạnh với Hoa Kỳ vốn đến nay vẫn chưa dứt.
Đó là lần đầu tiên Castro đến Mỹ, và chàng thanh niên đã yêu New York ngay lập tức. Anh bị mê hoặc bởi tàu điện ngầm, những tòa nhà chọc trời, và thực tế là, bất chấp thái độ chống cộng điên cuồng của Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Lạnh, anh vẫn có thể tìm thấy cuốn sách lên án chủ nghĩa tư bản của Karl Marx, cuốn Tư bản Luận (Da Kapital), trong bất kỳ hiệu sách nào.
Khi Fidel quay trở lại Manhattan vào năm 1955, bảy năm sau cuộc lưu trú lãng mạn đầu tiên của mình, ông đã trở nên nổi tiếng trong giới lưu vong Cuba như một người đầy nhiệt huyết lý tưởng và hơi điên rồ khi tổ chức một cuộc nổi dậy bất thành, chống lại nhà độc tài đang nắm quyền tại hòn đảo Cuba là Fulgencio Batista.
Castro đến New York để gây quỹ cho một cuộc cách mạng từ cộng đồng Cuba ở thành phố, vốn đông đảo hơn so với Miami tại thời điểm đó.
Được quyên tặng rất nhiều, nhà lãnh đạo kháng chiến có sức hấp dẫn đã mở một văn phòng cho tổ chức phiến quân của mình, M-26-7 (Phong trào ngày 26 tháng 7 - Movement 26/7 - được đặt tên theo ngày khởi nghĩa thất bại của ông), ở Upper West Side, nơi khi đó được biết đến như một pháo đài ồn ào của những tư tưởng tiến bộ.
Theo luật pháp Hoa Kỳ, phiến quân Cuba được phép nhận tiền quyên góp cho cách mạng nhưng không tuyển mộ binh sĩ. Mặc dù vậy, nhiều sinh viên Columbia đã đến đây tình nguyện làm du kích - nhưng chỉ trong thời gian nghỉ hè, họ nhấn mạnh. Họ phải trở lại khi lớp học bắt đầu vào mùa thu.
Nhân viên treo lá cờ đỏ đen của Phong trào từ cửa sổ trên cùng và phát tờ rơi cho các cảm tình viên người Mỹ, số lượng người tham gia ngày càng đông sau khi Fidel và một đội du kích vũ trang - trong đó có một bác sĩ trẻ tên là Che Guevara - đã đổ bộ lên Cuba vào ngày 2/12/1956.
Fidel trở thành ác mộng của người Mỹ hồi thập niên 1960. Những cải cách tả khuynh của ông đưa ông vào vòng tay của Liên Xô - một liên minh dẫn đến Khủng hoảng Tên lửa Cuba vào tháng 10/1962, sự kiện hầu như suýt đẩy thế giới tới tình trạng bị hủy diệt bởi hạt nhân.
Một năm sau khi Castro tới New York lần thứ hai, ông cùng Che Guevara (thứ hai từ trái sang) và một nhóm nhỏ các du kích quân đã tìm cách chiếm Cuba
Castro - một trong những nhân vật phi thường và lôi cuốn nhất Thế kỷ 20
Mọi thứ đã thay đổi đối với sau chiến thắng bất ngờ của ông ở Cuba vào ngày Năm Mới 1959, khi Batista và những người thân cận nhất chạy trốn khỏi Havana như những tên trộm trong đêm.
Một tuần sau, Castro đắc thắng tiến vào Havana trước đám đông hân hoan cuồng nhiệt, hứa hẹn sẽ buông bỏ quyền lực một khi sự ổn định được khôi phục, và sẽ đưa hòn đảo vào một tương lai dân chủ.
Castro trở thành một người nổi tiếng quốc tế; ông và các du kích quân của ông - được biết đến với cái tên Los Barbudos ("người râu quai nón") - trở thành thần tượng của yanquis ('người Mỹ') như những giải phóng trẻ trung, gợi cảm.
Báo chí so sánh ông với George Washington; giới phụ nữ thì ngất ngây. ("Fidel là điều tốt đẹp nhất trong mắt phụ nữ Bắc Mỹ, kể từ sau Rudolph Valentino," một người cảm thán thốt lên.)
Phải mất 20 phút để Sở cảnh sát New York mới đưa được người hùng 32 tuổi - vốn bị thiên hạ phát hiện ra ngay lập tức trong bộ đồ kaki, chiếc mũ lưỡi trai và điếu xì-gà trên môi đã trở thành dấu ấn cá nhân - đi được độ trăm mét qua đường Eighth Avenue đến khách sạn, một phần là bởi ông liên tục nhảy qua hàng rào cảnh sát để tới bắt tay đám đông và nói, "Tôi phải chào hỏi mọi người!"
Castro rất yêu thích đọc sách nhưng lại thờ ơ với nghệ thuật hình ảnh. Thay vì đến Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, ông đã đến Sở thú Bronx, nơi ông khiến cho các phóng viên thích thú bằng cách thọc tay vào chuồng cọp và ăn chiếc xúc xích hotdog rồi tuyên bố "sở thú là điều thú vị nhất ở New York".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét