Thứ Năm, 12 tháng 12, 2019

Sự thức tỉnh về tâm linh trong tuyệt phẩm hội họa “Il Sogno”



Nổi bật giữa bức tranh là hai nhân vật chính – một thiên sứ từ trời giáng xuống và một chàng trai vừa tỉnh từ giấc mơ. Xung quanh chàng trai là đám đông nhạt nhòa, cảnh tượng mờ mờ ảo ảo giống như cơn mộng mị.

Nếu cắt ngang bức tranh sẽ thấy nửa bên dưới (phía chàng trai) thì mờ mịt và hỗn loạn – ấy là trần thế, còn nửa bên trên (phía thiên thần) thì sáng sủa và thoáng đãng – ấy là bầu trời. Còn nếu bổ dọc bức tranh sẽ thấy có hai chiều chuyển động: ánh nhìn của chàng trai hướng lên, và cặp mắt của thiên thần hướng xuống, cả hai giao nhau tại cây kèn trumpet, kéo sự chú ý của chúng ta vào điểm cuối cây kèn. Đó là điểm chính giữa vầng trán chàng trai, trùng khớp với vị trí của “thiên mục”, hay ‘mắt trời’.

Nếu như thiên thần ngự trên không trung hoặc đứng trên mây lành để thổi kèn, thì chúng ta sẽ hiểu rằng âm thanh vang dội ấy làm chàng trai tỉnh giấc. Nhưng ở đây thì khác, cây kèn không hướng vào tai mà là vào thiên mục, cho nên sự thức tỉnh ấy cũng mang một ý nghĩa khác: thức tỉnh về tâm linh. Không phải thể xác thức tỉnh, mà là tâm linh đang thức tỉnh!

Từ đây chúng ta có thể dễ dàng lý giải những chi tiết mang tính biểu tượng trong tranh: Quả cầu mà chàng trai ngồi tựa vào gợi liên tưởng đến Trái Đất, cũng chính là nơi trần gian ô trọc. Những chiếc mặt nạ sân khấu cho thấy thế giới này giống như một trường hý kịch, và mỗi chúng ta là diễn viên trong chính vở kịch của mình. Trên sân khấu cuộc đời, chúng ta đã kinh qua rất nhiều vai diễn khác nhau: có vai học giả lại có vai tội đồ, có vị vai quý tộc lại có vai kẻ nghèo hèn, có vai thiện đức lại có vai gian ác bỉ ổi, có vai trinh tiết lại có vai dâm dục lăng loàn, v.v.

Nhưng vì trần gian là cõi mê, nhân thế là cõi mộng, vậy nên ai ai cũng đắm chìm trong vở kịch ấy mà không biết rằng hết thảy chỉ là “diễn”, hết thảy chỉ là “mơ”. Chỉ đến giây phút cuối cùng khi tấm màn sân khấu được vén lên, chúng ta mới nhận ra rằng những tranh đấu cả đời, giành giật cả đời, và toan tính cả đời ấy… thảy đều vô nghĩa. Ta sẽ chẳng còn lại gì ngoài những nghiệp tội đã tạo ra trong đời – những tội nghiệp mà, theo Cơ Đốc giáo, sẽ kéo con người xuống địa ngục.

Và con người sẽ cứ mãi mải miết như thế và mê mờ như thế… Bởi thế gian có quá nhiều cám dỗ và đầy mê hoặc, nên chỉ có năng lượng thần thánh từ Thiên Chúa hay từ những sứ giả của Ngài mới có thể khiến họ thức tỉnh, để nhận ra đâu là cõi tạm, đâu là vĩnh hằng, và đâu mới là mục đích thực sự của kiếp nhân sinh.

Mặc dù tên gọi của bức tranh là “Il Sogno” nghĩa là ‘giấc mơ’, kể về cái mê của nhân loại và cũng là cái mê của kiếp người, nhưng ở đây ta lại thấy một sự tỉnh thức: Nhân vật chính vừa thức dậy từ giấc mơ và hướng cặp mắt lên trời với ánh nhìn đầy hy vọng.

Michelangelo cũng như những nghệ sĩ đương thời đều cho rằng, mục đích của nghệ thuật là để thăng hoa tâm hồn, nâng tầm cảnh giới, và cuối cùng là đưa nhân loại trở về với Chúa. Có lẽ bởi vậy mà trong bức vẽ, ta thấy ánh mắt của chàng trai còn mang một khát vọng – đó là khát vọng hồi thiên, khát vọng trở về.

Michelangelo (1475 – 1564), là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư thời kỳ Phục hưng Ý.  Sự uyên bác của ông trong các lĩnh vực đạt tới tầm mức khiến ông được coi là một người xứng đáng với danh hiệu nhân vật thời Phục hưng, cùng với đối thủ cũng là người bạn là Leonardo da Vinci.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét