Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Các yếu tố quyết định trí thông minh

 

CÁC YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH TRÍ THÔNG MINH

Di truyền và môi trường ảnh hưởng như thế nào đến trí thông minh? Đây đã, đang và tiếp tục là một trong những câu hỏi gây tranh cãi nhất trong suốt lịch sử ngành tâm lý học.

Ngoài các bất đồng ý kiến về bản chất của trí thông minh, các nhà tâm lý học đã dành rất nhiều thời gian và công sức tranh luận về các yếu tố gây ảnh hưởng đến trí thông minh.

Bẩm sinh và Nuôi dưỡng – Cái nào quan trọng hơn?

Hiện nay, các nhà tâm lý học đã nhận thấy rằng cả di truyền lẫn môi trường đều đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định trí thông minh của con người.

Vấn đề bây giờ là làm sao để xác định mức độ ảnh hưởng của mỗi yếu tố.

Nghiên cứu trẻ sinh đôi cho thấy di truyền ảnh hưởng 40-80% đến điểm IQ của trẻ. Điều này cũng có nghĩa di truyền ảnh hưởng đến trí thông minh nhiều hơn môi trường.

Một điều cần lưu ý ở đây là không có một gen riêng lẻ nào quy định trí thông minh – tức không có sự tồn tại của 1 gen thông minh nào cả. Thay vào đó, nó là kết quả từ sự tương tác phức tạp nhiều loại gen với nhau.

Điều cần lưu ý tiếp theo chính là Gen di truyền và môi trường tương tác với nhau, giúp xác định chính xác biểu hiện của các gen dược di truyền.

Ví dụ, nếu một người được sinh ra từ cha mẹ cao lớn, có khả năng người này cũng sẽ cao lớn. Tuy nhiên, chiều cao cụ thể của người này có thể bị tác động bởi các yếu tố thuộc về môi trường sống như dinh dưỡng và bệnh tật.

Một đứa trẻ sinh ra thừa hưởng gen trội, sở hữu sự thông minh từ bố mẹ nhưng lớn lên trong môi trường thiếu thốn, suy dinh dưỡng và không nhận được giáo dục đầy đủ sẽ có thể điểm IQ không cao.

Các bằng chứng về sự ảnh hưởng của gen di truyền. 

– Nghiên cứu trẻ sinh đôi cho thấy trẻ sinh đôi cùng trứng sẽ có IQ tương đồng với nhau hơn các cặp sinh khác trứng.

– Anh chị em được nuôi dưỡng trong cùng một gia đình có IQ tương đồng với nhau hơn các nhóm con nuôi được nuôi dưỡng trong cùng một môi trường (McGue và cộng sự, 1993)

Bên cạnh các đặc tính di truyền, các yếu tố sinh học khác như tuổi mang thai, tiếp xúc tiền sản với các chất có hại và suy dinh dưỡng tiền sản cũng có thể ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ.

Bằng chứng về sự ảnh hưởng của môi trường sống: 

– Trẻ sinh đôi cùng trứng nhưng được nuôi dưỡng trong hai môi trường khác nhau thì điểm IQ sẽ chênh nhau nhiều hơn các cặp sinh đôi cùng trứng được nuôi dưỡng trong cũng một môi trường (McGue và cộng sự, 1993)

– Đi học đầy đủ cũng có tác động tới điểm IQ (Ceci, 2001)

– Trẻ bú sữa mẹ trong suốt 3-5 tháng đầu sẽ có điểm IQ cao hơn khi bước vào 6 tuổi so với những trẻ cũng tuổi nhưng không được bú sữa mẹ (Kramer và cộng sự, 2008)

Như vậy, các tác động nào từ môi trường sống ảnh hưởng tới sự thông minh của trẻ?

Chính là các yếu tố về gia đình, giáo dục, môi trường xã hội đa dạng và các nhóm đồng đẳng.

Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra những đứa con cả trong gia đình thường sẽ có IQ cao hơn những đứa con giữa và con út. Tại sao? Nhiều chuyên gia khẳng định rằng con cả thường nhận được nhiều sự chú ý hơn từ cha mẹ.

Cha mẹ thường kỳ vọng vào con cả nhiều hơn, yêu cầu chúng làm nhiều việc hơn, trong khi những đứa con sau thì ít đặt công việc và gánh nặng lên chúng hơn.

Nguồnhttps://www.verywell.com/what-factors-determine-intelligence-2795285

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Có 1 thứ chúng ta sẽ có cuộc sống vui vẻ, an nhiên đến hết đời

 

CÓ 1 THỨ CHÚNG TA SẼ CÓ CUỘC SỐNG VUI VẺ, AN NHIÊN ĐẾN HẾT ĐỜI

Sinh mệnh là của chúng ta, chúng ta sống cho chính mình chứ không sống cho người khác xem. Hôm nay sống vui vẻ hạnh phúc hơn ngày hôm qua, như thế mới là sống, mới không lãng phí cuộc đời.

BIẾT ĐỦ, chính là hạnh phúc

Hạnh phúc là gì?

Một người nghèo có mà rảnh rỗi trả lời: Có tiền là hạnh phúc.

Một người giàu có mà bận rộn trả lời: Rảnh rỗi là hạnh phúc.

Một người thất nghiệp trả lời: Được đi làm là hạnh phúc.

Một người vừa mất đi cha mẹ trả lời: Bố mẹ còn là hạnh phúc.

Một cô gái mù cả hai mắt trả lời: Có thế nhìn được là hạnh phúc

Một học sinh tiểu học trả lời: Ngày nào đi học về cũng nhiều bài tập, không có bài tập về nhà là hạnh phúc…

Chúng ta thường có thói quen ngưỡng mộ hạnh phúc của người khác, thực ra, quay đầu nhìn lại, có khi bạn sẽ thấy người khác cũng đang ngưỡng mộ mình.

Biết đủ, trân trọng nâng niu mọi thứ mình đang có mới là hạnh phúc thực sự.

Hạnh phúc không phải là khi bạn sở hữu một căn nhà rộng cỡ nào mà là khi trong căn nhà đó luôn đầy ắp tiếng cười.

Các thành viên trong gia đình khỏe mạnh bình an, đó là hạnh phúc.

Bố mẹ còn, đó là hạnh phúc.

Có bạn đời chia sẻ buồn vui, đó là hanh phúc.

Có con cái quây quần, đó là hạnh phúc…

Hạnh phúc không ở đâu xa, nó ở ngay cạnh ta.

Hạnh phúc rất giản đơn, biết đủ chính là hạnh phúc.

Thương hoài ngàn năm

 

THƯƠNG HOÀI NGÀN NĂM

Người Việt có câu ca dao:

Tóc mai sợi ngắn sợi dài,

Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.

Chính vì không lấy nhau được nên ta mới thương cả ngàn năm! Thương như vậy là thương cái ý niệm về người kia, thương cái hình bóng đẹp mà ta đã tạo ra từ người kia.

Còn nếu lấy người kia thì ta bắt buộc phải sống với cái thực tại của người kia. Mà sống với thực tại thì cố nhiên là ý niệm mơ hồ và đẹp tuyệt vời về người kia sẽ dần dần tan biến.

Câu ca dao đó là một câu ca dao chỉ nói về chuyện tình mà thôi. Cố nhiên khi một người thương một người khác thì bóng dáng của người con trai hay của người con gái kia là bóng dáng tuyệt vời mà ta mơ mộng.

Một sợi tóc mai đủ để cột ý chí của một đấng anh hùng. Ngưòi Việt hay dùng tiếng kép tóc tơ. Tơ là những sợi rất mỏng, nhưng cột thì rất chắc.

Hình ảnh tuyệt vời của người yêu "tóc mai sợi vắn sợi dài" là một cái tưởng, mọi tri giác. Mình yêu là yêu cái bóng dáng đó, cái ý niệm đó, cái tri giác đó chứ không phải là yêu cái thực tại của con người kia.

Giữa ý niệm về người yêu và cái thực tại của người yêu, có thể có sự xa cách một trời một vực, Vì vậy nếu muốn giữ lại cái hình ảnh đẹp tuyệt vời đó, tốt hơn là đừng cưới. Nếu cưới thì có thể trong vòng nửa năm hay một năm hình ảnh đó sẽ tan vỡ và mình sẽ phải va chạm với thực tế.

Tạp chí Pháp có đăng một chuyện hài hước như sau: "Sau đám cưới của một cặp vợ chồng trẻ, sáu tháng đầu chàng nói và nàng nghe. Sáu tháng sau nàng nói và chàng nghe. Sáu năm sau thì chàng và nàng cùng nói, và lần này thì hàng xóm nghe!" Nói mà nói lớn đến độ hàng xóm nghe tức là hai người đang cãi lộn và làm khổ nhau.

Lúc đó thì chân tướng của cả chàng lẫn nàng đều hiện ra, và cái hình ảnh đẹp tuyệt vời của "tóc mài sợi ngắn sợi dài" đã tan biến. Đó là trường hợp của những người không biết bồi đắp tình yêu.