Thứ Hai, 3 tháng 6, 2024

Trong tình yêu có nên tin vào lời hứa hẹn

 

TRONG TÌNH YÊU CÓ NÊN TIN VÀO LỜI HỨA HẸN

 

1. Nhiều người luôn xem lời hứa tựa như một "tờ giấy cam kết" rằng tình yêu ấy sẽ bền chặt suốt mãi ngày tháng sau này.

Thế nhưng, cuộc sống là một dòng chảy, và trên hành trình ấy chúng ta không biết được phía trước sẽ có vật cản gì.

 

Lời hứa theo thời gian cũng dần phai nhạt và đến một lúc nào đó chúng trở nên không-còn-quan-trọng nữa.

 

2. Tôi từng ôm nỗi buồn về chuyện tình cũ một khoảng thời gian khá lâu, chỉ vì những câu hứa.

Khi yêu, người ta nói nhiều đến tương lai, hứa nhiều đến nụ cười hạnh phúc. Duy nhất, lúc rời khỏi cuộc đời nhau, người ta cũng quên rằng bản thân đã từng hứa hẹn mặn nồng biết bao nhiêu.

 

3. Nơi góc quán quen cũ, anh bạn tôi trầm tư nhớ đến cô gái năm xưa cùng anh đi qua những khó khăn của tuổi trẻ nông nổi.

Người ta chọn bên nhau khi cả hai chưa có gì trong tay, nhưng đến ngày vật chất đầm ấm thì tình yêu bỗng vỡ tan.

 

Không ai lý giải được lý do khiến hai người từng xem nhau là tất cả đến cuối cùng lại không nắm tay nhau đi tiếp con đường dài nữa.

 

4. Người ấy hứa với bạn sẽ mãi mãi ở bên cạnh bạn. Nhưng có một điều mà bạn nên nhớ, mãi mãi mà anh ta nói rốt cuộc cũng có hạn kỳ.

Trái tim còn lửa yêu thì lời hứa còn hiệu lực, rồi khi tình yêu đã nhạt phai thì lời hứa không thể níu lại một người đã muốn rời đi.

 

5. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa rằng, niềm tin với hứa hẹn của chuyện yêu đương đã tàn lụi.

Tình yêu chân thành - dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều đáng được trân trọng. Và tôi tin rằng, khi hứa hẹn với bạn, người ấy cũng từng mơ giấc mơ bên nhau thật lâu.

 

Đáng tiếc, cuộc đời luôn mang đến những điều bất ngờ không ai nghĩ đến.

 

6. Lời hứa của người đến sau từng trở thành liều thuốc chữa lành vết thương lòng người đến trước để lại.

Hứa hẹn đi kèm với những hành động khiến bạn cảm thấy an tâm, nỗi đau cũ cũng vì thế dần trở nên nhạt màu.

 

7. Sau chia tay, tôi vẫn tò mò cuộc sống của người yêu cũ. Bởi thế, mỗi ngày đều đặn lướt qua trang cá nhân của người ấy.

Cho đến một ngày, anh ta đăng tải hình ảnh cô gái kia kèm dòng trạng thái hứa hẹn mùi mẫn - như đã từng ngỏ lời cùng tôi.

 

Kỳ thực thì kể từ giây phút ấy, tôi đã không còn quan tâm đến cuộc sống và những thứ liên quan đến người yêu cũ nữa.

 

8. Không ai định lượng được lời hứa đáng giá bao nhiêu cả. Bởi suy cho cùng, trong một câu chuyện nhất định, người hứa hẹn cũng đã từng thật lòng, người ở lại cũng hạnh phúc với điều đó. Những chuyện của quá khứ, xin đừng cố dằn vặt hay hối tiếc.

 

Bởi chuyến tàu thời gian vốn không có vé khứ hồi…

Làm gì với món nợ ân tình

 

LÀM GÌ VỚI MÓN NỢ ÂN TÌNH

Trên đời này, món nợ ân tình chính là thứ khó trả nhất. Nhiều khi bạn nghĩ, người thân thì cần gì phải trả. Nhưng chính vì lẽ đó mà chúng ta càng nên tỉnh táo để sống một cách trọn vẹn với lương tâm. Người giúp ta một thì ta phải trả một hoặc gấp đôi, thậm chí là hơn nữa.

Tuy nhiên, có những món nợ ân tình mà cả đời này không thể tính chuyện trả vay… Vì thế, nếu có thể làm gì tốt đẹp cho nhau, hãy làm ngay khi còn có thể.

 

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

Quan thanh liêm thời xưa và nay

 

QUAN THANH LIÊM THỜI XƯA VÀ NAY

Thời vua Lê Thánh Tông, đất nước hưng thịnh nhờ có vua anh minh và thẳng tay trừng trị tham nhũng.

Lê Thánh Tông chủ trương không dùng kẻ nịnh bợ, chỉ trọng người ngay thẳng, vì thế những kẻ luồn cúi nịnh bợ không có chỗ chốn quan trường.

Vua từng nói: “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc dẫn đến họa loạn.

Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi. Các ngươi chớ có quên đấy!”

Trong bộ luật Hồng Đức, nhà vua đã định rõ tội danh và hình phạt với các quan lại tham nhũng. Từ đó, hạn chế rất nhiều nạn tham nhũng, đánh dấu thời kỳ toàn thịnh trong lịch sử đất nước.

Nghe nói, Vũ Tự là một vị quan rất thanh liêm, nên vua Lê Thánh Tông quyết định thử xem tin đồn có thật hay không.

Vua biết có một người vừa được Vũ Tự xử thắng kiện liền bí mật gửi cho người này đem một mâm lễ vật quý, đưa cho Vũ Tự để cảm ơn vì đã xử thắng kiện.

Vào đêm khuya người này mang lễ vật tới. Sau khi cảm ơn vì được xử thắng kiện,

- Vũ Tự hỏi: – Anh biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?

– Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân…

– Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?

Nói xong, Vũ Tự sai gia nhân đuổi người này cùng lễ vật ra khỏi tư dinh.

Vua Lê Thánh Tông sau đó tặng Vũ Tự chữ “liêm tiết” đính vào cổ áo triều phục mỗi khi vào bàn việc quốc sự.

Nhắc lại chuyện xưa để thấy rằng, trong ý thức người làm quan muốn giữ mình trong sạch, thanh liêm, bất kỳ thời nào, đều phải cảnh giác đối với chuyện quà cáp và hậu quả của nó.

Dân ta “duy tình hơn duy lý”. Vì thế ngay cả các quan chức trong bộ máy công quyền nhiều khi vẫn mang nặng dấu ấn tình cảm trong hành xử việc công.

Theo khoahocdoisong