Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2022

Thực tập thiền điện thoại


THỰC TẬP THIỀN ĐIỆN THOẠI

 

Đừng xem thường lời nói của mình, những lời nói ái ngữ có ảnh hưởng rất lớn đến người khác, có khả năng xây dựng hiểu biết và thương yêu. Lời nói có thể đẹp như châu ngọc, đáng yêu như hoa quý và có khả năng đem lại hạnh phúc cho rất nhiều người. Nhưng thông thường, khi nói chuyện qua điện thoại, chúng ta quá bận rộn, nói hết chuyện này đến chuyện khác mà ít để ý đến lời nói của mình.

 

Điện thoại là một phương tiện truyền thông rất tiện lợi. Đặc biệt là điện thoại di động lại càng nhiều tiện lợi hơn. Điện thoại có thể giúp ta tiết kiệm thời gian đi lại và chi phí, nhưng cũng khống chế ta nhiều mặt. Nếu điện thoại cứ reo liên tục thì ta cũng mệt và không làm được gì cả.

Nếu nói chuyện điện thoại không có ý thức, chúng ta sẽ lãng phí nhiều tiền bạc và thời gian quý báu của mình. Thông thường chúng ta hay nói những điều không cần thiết và đánh mất rất nhiều điều thú vị hay niềm vui đang xảy ra quanh ta trong giây phút hiện tại như có một em bé muốn nắm tay ta đi chơi, tiếng chim ca hót líu lo hay ánh mặt trời đang tỏa chiếu khắp nơi.

 

Khi chuông điện thoại reo, tiếng chuông tạo ra trong ta một sự xung động, có thể đó là sự lo lắng, như: “Ai gọi vậy? Tin tốt hay tin xấu đây?” Rồi có một lực kéo ta đi tới điện thoại. Ta không thể kháng cự được. Và ta có thể trở thành nạn nhân của cuộc điện thoại.

 

Thực tập

Lần tới, khi điện thoại reo, chúng ta hãy ngồi yên tại chỗ và ý thức về hơi thở của mình: “Thở vào, tôi làm an tịnh toàn thân. Thở ra, tôi mỉm cười.” Khi điện thoại reo lần thứ hai, ta cũng thở như thế. Điện thoại reo lần thứ ba, ta cũng tiếp tục thực tập, sau đó mới nhấc điện thoại lên.

Khi chuông điện thoại reo, có thể người bạn của ta cũng đang thở, mỉm cười và sẽ không nhấc điện thoại lên ngay cho đến tiếng chuông thứ ba. Ta hãy tiếp tục thực tập: “Thở vào, tôi làm an tịnh toàn thân. Thở ra, tôi mỉm cười với toàn thân.” Cả hai, ta và người bên kia đầu dây đều đang thở và mỉm cười.

 

Thật đẹp! Ta không cần phải đi vào thiền đường mới thực tập điều mầu nhiệm này. Nó có sẵn ngay trong nhà hay trong văn phòng của mình. Thực tập thiền điện thoại có thể giúp ta trung hòa những căng thẳng hay trầm cảm trong ta và ta có thể mang Bụt vào trong đời sống hàng ngày của mình.

 

Lược trích trong Gieo rồng Hạnh Phúc – Thích Nhất Hạnh

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

Người thành công nghĩ cách, người thất bại tìm lý do


NGƯỜI THÀNH CÔNG NGHĨ CÁCH, NGƯỜI THẤT BẠI TÌM LÝ DO

 

Có một câu chuyện nhỏ nói với chúng ta rằng, người có tâm lý thành công có thể khai thác sức mạnh tiềm ẩn ở khắp mọi nơi.

 

Sau cơn mưa, một con nhện khó nhọc bò trên tấm mạng bị đứt trên tường, vì tường ướt nên khi leo đến độ cao nhất định nó lại bị rơi xuống, trèo lên lại rơi xuống hết lần này đến lần khác…

 

Người đầu tiên nhìn thấy, anh thở dài và tự nhủ: “Đời mình chẳng giống con nhện này sao? Bận rộn mà chẳng được gì”. Vì vậy, anh càng ngày càng chán nản. 

Người đàn ông thứ hai nhìn thấy nó và nói: “Con nhện này ngốc quá, tại sao bạn không đi sang chỗ khô bên cạnh chứ? Tương lai mình sẽ không thể ngốc như nó”.

Người thứ ba nhìn thấy, anh ta ngay lập tức bị xúc động bởi tinh thần không chấp nhận thất bại của con nhện. Vì vậy, anh đã khích lệ mình trở nên mạnh mẽ hơn. 

 

Trên thực tế, muốn thành công nhất định sẽ có phương pháp, thất bại cũng nhất định sẽ có lý do. Tìm ra mấu chốt, mỗi người đều có khả năng lật ngược tình thế, chuyển bại thành thắng.

 

Theo Epoch Times

Học ít hiểu nhiều

 


HỌC ÍT HIỂU NHIỀU

 

Học có thể giúp con người trưởng thành, phương pháp học đúng đắn là con đường ngắn nhất để đạt kết quả, tránh lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc… Nhưng, học như thế nào để xứng đáng với thời gian và công sức bản thân đã bỏ ra?

 

Theo bác sĩ tâm thần học kiêm nhà văn người Nhật – Zion Kabasawa, trong tác phẩm “Làm sao học ít hiểu nhiều”, chỉ ra rằng, khi lên ý định học một điều gì, phương pháp học là yếu tố quyết định. Những người nắm rõ phương pháp học thường có khả năng lĩnh hội kiến thức trong thời gian nhất, là đòn bẩy tạo sức bật giúp bạn khởi động lại từ con số 0.

 

Sau nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy trao đổi với hơn 400.000 người, bác sĩ tâm thần người Nhật Zion Kabasawa đã đúc kết ra nhiều phương pháp dung nạp kiến thức giúp việc học trở nên hiệu quả. Và điều khiến chúng ta ấn tượng nhất là phương pháp “vui vẻ hóa” não bộ kích thích ham muốn học của một người, thay đổi thói quen xem việc học là “khổ sở” chuyển hóa thành “niềm vui” và tăng hiệu suất học tập.

 

Khi con người làm việc mình yêu thích, não thường sinh ra “dopamine”. “Dopamine” được biết đến với  tên gọi là hormone hạnh phúc và được tiết ra khi con người cảm thấy vui vẻ, nhưng nó cũng có chức năng giúp nâng cao khả năng tập trung và năng lực ghi nhớ. Ngược lại, nếu con người làm việc gì đó mà họ cảm thấy khổ sở, não sẽ tiết ra ‘cortisol”. “Cortisol” là một phần quan trọng đối với bộ nhớ, nhưng nếu được tiết ra, nó sẽ làm suy giảm năng lực ghi nhớ. Khi học trở thành niềm vui, chúng ta sẽ ở trong trạng thái “cứ học thôi” và muốn học mãi không ngừng.

5 phương pháp để trở nên yêu thích học tập 

Cách thứ nhất: Hỏi một người yêu thích học tập

Cách thứ hai: Lắng nghe các chuyên gia xung quanh

Cách thứ ba: Đọc sách của những người nổi tiếng thích học tập

Cách thứ tư: Đến gặp những người nổi tiếng yêu thích học tập

Cách thứ năm: Tham gia cộng đồng học tập

 

Phương pháp học không phải là phương pháp để học mà là chiến lược trước khi bắt đầu học. Và nếu không có chiến lược đúng, ta sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian mà không thu được kết quả. Phương pháp học cũng là phương pháp chiến thắng cuộc sống. Những người biết phương pháp học có thể liên tục chiến thắng nhiều “cuộc chiến” xảy ra trong cuộc sống.

Còn những người không biết phương pháp học cứ tiếp tục “thua” mà mãi không nhận ra lý do. Ngay từ bây giờ, hãy bắt đầu học bằng 5 phương pháp gợi ý đúng đắn trên, bạn vẫn kịp khởi động lại từ con số không. Bạn có thể thay đổi từ người liên tục thất bại trở thành người “đánh đâu thắng đó”.