Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

Tính nôn nóng nổi lên thì phải làm sao?

TÍNH NÔN NÓNG NỔI LÊN THÌ PHẢI LÀM SAO?

Su­san là một thiếu nữ còn trẻ, làm việc bán thời gi­an cho một tiệm buôn. Cô thường tham thiền cho thân thể được xả giãn vì cô mắc bệnh cao áp huyết. Tuy tham thiền giúp cô giảm bớt áp huyết nhưng cô vẫn chưa tìm được sự bình an ở nội tâm. Cô nói:

- Thưa bà Dar­shani* tôi là người có tính nóng, việc gì cũng có thể làm tôi nổi giận được. Tôi vừa ghé qua một siêu thị để mua thuốc lá, tôi đang vội vì còn phải đón con gái ở trạm xe bus nên đến chỗ quầy trả tiền cấp tốc (Ex­press check out) cho nhanh.

Đa số mọi người đều di chuyển rất nhanh cho đến lượt một bà già đứng trước tôi, bà đổ ngược túi tiền, đếm từng xu từng cắc. Nhìn bà già thong thả đếm tiền mà đầu óc tôi phát khùng lên được.

Tôi vừa đứng vừa rủa thầm bà già chậm như rùa làm trễ việc của tôi. Tôi chỉ muốn vặn cổ bà này cho rồi. Tôi đứng chờ mà lòng như bốc lửa, khi ra khỏi siêu thị tim tôi đập liên hồi khiến tôi phải ngồi nghỉ một lúc mới có thể lái xe được.

Những chuyện lặt vặt như vậy xảy ra rất thường mà tôi không biết phải đối phó bằng cách nào. Liệu bà có hể chỉ cho tôi một phương pháp để giảm bớt tính nóng này không?

- Trước hết chị cần biết rằng bà già kia không có trách nhiệm gì trong việc làm gia tăng áp huyết của chị cả. Chị cần biết sự bực tức, nôn nóng của chị chẳng thúc giục bà già kia nhanh được chút nào mà chỉ làm hại cho bản thân của chị mà thôi.

Tư tưởng có sức mạnh rất lớn, khi nó đã nổi lên trong tâm của chị thì các hình ảnh liên quan đến tư tưởng đó cũng nổi lên theo. Khi chị tức giận rồi nghĩ đến việc đập bà già kia một trận thì hình ảnh đánh đập bà già này đã nổi lên trong tâm của chị rồi và chị đồng hóa mình với các hình ảnh đó.

Sự đồng hóa này tạo ra nỗi vui cũng như điều khổ, sự bực tức cũng như nỗi hân hoan. Nếu ý thức được sự kiện này thì chị có thể tránh khỏi bị nó mê hoặc qua sức mạnh của tư tưởng mà chị tạo ra trong tâm.

Chính vì không ý thức mà chúng ta đã tự tạo ra địa ngục cho mình rồi lại cố gắng để thoát ra. Chị cần biết rằng tất cả đều do tâm tạo, chính trí óc của chị đã tạo ra thiên đường hay địa ngục. Tôi giúp chị chìa khóa để sử dụng quyền lực này một cách có lợi hơn:

Lần sau mỗi khi đứng chờ mà cảm thấy có các phản ứng nôn nóng của mình và nhủ thầm: Nếu tôi biết tự chủ và kiên nhẫn tôi sẽ thoải mái, những điều đang xảy ra này sẽ không ảnh hưởng gì đến tôi cả vì tôi biết cách khiến cho mình thấy bình an”.

Cứ lập đi lập lại tư tưởng này mãi trong trí óc thì các cảm giác thoải mái, bình an sẽ biểu lộ trong lòng chị, sẽ điều khiển xác thân chị và quan trọng hơn nữa là chị sẽ tiến một bước dài trong việc nhận lãnh trách nhiệm đối với tình trạng sức khoẻ của chị.

Chị hãy ghi nhận thật kỹ một điều quan trọng sau đây: Chúng ta không thể thay đổi cuộc đời mà chỉ có thể thay đổi được thái độ của chúng ta đối với cuộc đời mà thôi

-----

*Dar­shani Deane là một diễn giả nổi tiếng, Cuộc diễn thuyết nào của bà cũng thu hút rất đông quần chúng, sau buổi nói chuyện bà thường dành thời giờ tiếp xúc với thính giả để thảo luận thêm về những đề tài liên quan đến đời sống cá nhân của họ. Chi tiết cuộc tiếp xúc được ghi nhận và in thành sách dưới tựa đề Wis­dom, Bliss, and Com­mon Sense (Tạm dịch: Minh Triết Trong Đời Sống). Cuốn sách này đã giúp nhiều người tìm được sự thoải mái trong đời sống tinh thần và là một trong những cuốn sách tâm linh bán chạy nhất năm 1989.

Trước khi trở thành diễn giả, Dar­shani là một nhạc sĩ cổ điển nổi tiếng. đã trình diễn âm nhạc tại bảy mươi hai quốc gia trên thế giới. Bà còn là một trong những phụ nữ đầu tiên có bằng phi công, đã bay nhiều chuyến so­lo qua các lục địa. Bà cũng là người đàn bà đầu tiên lái xe hơi du lịch khắp thế giới một mình. Trên đường du lịch, bà sống nhiều năm trên sa mạc miền Trung Đông, xây cất trường học cho trẻ em nghèo….

Từ năm 1979, bà dành trọng thời giờ cho việc diễn thuyết và giúp đỡ thính giả của bà tìm được sự thoải mái, an lạc trong cuộc sống.

 

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Sự Thật Về Giấc Ngủ Và Sở Hữu ‘Giấc Ngủ Thông Minh’

SỰ THẬT VỀ GIẤC NGỦ VÀ SỞ HỮU ‘GIẤC NGỦ THÔNG MINH’

Ngủ là một nhu cầu cơ bản giúp cơ thể người phục hồi sức khỏe. Nếu bạn ngủ không đủ giấc, cơ thể bạn sẽ ngày càng cạn kiệt và suy giảm. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp dành nhiều thời gian để ngủ nhưng tình trạng tinh thần và sức khỏe vẫn không được cải thiện bao nhiêu.

Mệt mỏi do thiếu ngủ là kết quả của nhiều yếu tố, thiếu ngủ đơn thuần chỉ là một trong nhiều nguyên nhân đó. Mệt mỏi vì thiếu ngủ sẽ khiến chất lượng cuộc sống, năng suất lao động của bạn bị giảm sút.

Hiệp hội An toàn Giao thông Đường cao tốc Hoa Kỳ (National Highway Traffic Safety Association) ước tính 7% số vụ tai nạn có nguyên nhân là do mệt mỏi vì thiếu ngủ khi lái xe. 1 trong số 5 người Mỹ bị giảm năng suất lao động, làm thiệt hại hơn 100 tỷ USD mỗi năm.

Thiếu ngủ khiến bạn trở nên cáu kỉnh và giảm chất lượng cuộc sống. May mắn thay, bạn có thể làm nhiều điều để cải thiện chất lượng giấc ngủ, kiểm soát được sự mệt mỏi và tăng chất lượng cuộc sống của mình.

Chúng ta thường tin rằng, chỉ cần ngủ đủ 8 giờ một ngày là đủ. Điều này đúng với đa số mọi người tuy nhiên nó vẫn có một số ngoại lệ dù ngủ đủ và hơn 8 giờ vẫn cảm thấy mệt mỏi. Có thể họ đã ngủ không đúng với chu kỳ giấc ngủ của mình. Trong khi ngủ, con người trải qua hai chu kỳ cơ bản là non-REM (gồm ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu, ngủ rất sâu) và REM (Rapid Eye Movement – Chuyển động mắt nhanh) hay ngủ mơ.

 

Chu kỳ non-REM

Giai đoạn 1: Ru ngủ
Trung bình chúng ta mất khoảng 14 phút cho giai đoạn này tính từ thời điểm bạn nhắm mắt để bắt đầu ngủ. Trong giai đoạn này, chúng ta rất dễ bị đánh thức và có hiện tượng co giật.

 

Giai đoạn 2: Ngủ nông

Giai đoạn ngủ nông bắt đầu khi mắt ngưng hoạt động, nó chiếm 50% tổng thời gian ngủ.

 

Giai đoạn 3: Ngủ sâu
Giai đoạn này chỉ chiếm dưới 10% tổng thời gian ngủ, sóng não diễn ra rất chậm, nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp của cơ thể giảm, hệ thống cơ xương khớp giãn ra.

 

Giai đoạn 4: Ngủ rất sâu
Giai đoạn 4 này chiếm 20% tổng thời gian ngủ và đây là lúc khó đánh thức nhất. Nhiệt độ của cơ thể, nhịp tim, nhịp thở và huyết áp đều giảm xuống mức thấp nhất. Nếu chúng ta thức dậy vào giai đoạn 4, ta sẽ cảm thấy bơ vơ, loạng choạng, cực kỳ mệt mỏi và đau đầu.

 

Chu kỳ REM (Rapid Eye Movement - ngủ mơ)
Ngủ mơ chiếm khoảng 20% tổng thời gian ngủ và nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, nhịp thở và huyết áp đều tăng. Ở giai đoạn này thường xuất hiện những giấc mơ đẹp hoặc ác mộng. Ở cuối giai đoạn này, cơ thể có thể thức giấc tạm thời một vài phút rồi nhanh chóng lặp lại chu kỳ giấc ngủ cho tới sáng.


Vì thế nên khi bạn ngủ sớm, rất nhiều khả năng ta sẽ phải thức dậy đúng vào giai đoạn 4. Điều này giải thích lý do vì sao ngủ sớm không phải là điều kiện giúp ta có một tinh thần tỉnh táo, quan trọng hơn là phải thức dậy đúng lúc.

 

Cái này có vì cái kia có


CÁI NÀY CÓ VÌ CÁI KIA CÓ

 

Đức Bụt dạy chúng ta rằng: “Cái này có vì cái kia có”. Em có thấy không, vì em mỉm cười cho nên tôi hạnh phúc. Nhờ cái này có nên cái kia có, nhờ cái kia có nên cái này có. Đó gọi là duyên sinh.

 

Giả sử anh và tôi là hai người bạn. Thì an lạc, hạnh phúc của tôi tùy thuộc rất nhiều vào anh và niềm an lạc, hạnh phúc của anh cũng tùy thuộc rất nhiều vào tôi. Tôi có trách nhiệm đối với anh và anh có trách nhiệm đối với tôi.

Bất cứ tôi làm sai điều gì anh cũng khổ đau và bất cứ anh làm sai điều gì tôi cũng khổ đau. Vì vậy để chăm sóc cho anh thì tôi phải chăm sóc cho chính tôi. 

 

Trong tạng Pali có kể một câu chuyện về hai cha con làm xiếc. Người cha đặt một cây tre dài trên trán, và người con gái leo lên đứng trên cây tre ấy. Hai cha con hành nghề như thế để kiếm tiền mua gạo và thức ăn.

 

Một ngày nọ, người cha nói với người con: “Con ơi, mình phải chăm sóc cho nhau. Con phải chăm sóc cho cha và cha phải chăm sóc cho con để hai cha con mình được an toàn. Tiết mục biểu diễn của mình nguy hiểm quá”. Bởi vì nếu người con rơi xuống thì cả hai sẽ không còn có thể kiếm sống được nữa. Có thể người con sẽ bị gãy chân và họ sẽ không có gì để ăn cả. “Con ơi, mình phải lo cho nhau để tiếp tục sinh sống”.

 

Đứa con gái rất thông minh. Nó nói: “Cha ơi, cha phải nói như vậy nè, mỗi người chúng ta phải tự chăm sóc cho chính mình, cha phải chăm sóc cho cha, con phải chăm sóc cho con để chúng ta có thể tiếp tục kiếm sống được.

Bởi vì trong khi biểu diễn cha phải lo cho cha, cha chỉ cần lo cho mình cha thôi. Cha phải giữ thật vững và phải rất tỉnh táo. Điều đó sẽ giúp cho con. Và khi con leo lên thì con cũng phải tự lo, và bảo hộ cho chính con. Con leo rất cẩn thận, không để bất cứ điều sai lầm nào xảy ra. Cha phải nên nói như vậy, cha ạ.

Cha lo cho cha đàng hoàng và con sẽ lo cho con đàng hoàng. Như vậy thì chúng ta mới có thể giữ an toàn cho nhau và tiếp tục kiếm sống được.” Đức Bụt cũng đồng ý là người con gái nói đúng hơn. 

 

Vì vậy, là anh em, hay bạn bè thì hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào nhau rất nhiều. Theo như giáo lý này thì tôi phải chăm sóc tôi và bạn phải chăm sóc cho bạn. Bằng cách đó chúng ta sẽ nâng đỡ, và yểm trợ nhau rất nhiều. Đây là cách nhìn hay nhất.

Nếu tôi chỉ nói: “Bạn không được làm cái này, bạn phải làm cái kia” mà trong khi ấy tôi không chăm sóc tôi cho đàng hoàng, tôi toàn gây ra những sai sót thì câu đó chẳng giúp ích gì được cả. Tôi phải biết cách chăm sóc tôi, tôi biết là tôi phải có trách nhiệm cho hạnh phúc của bạn. Và nếu bạn cũng làm được như vậy thì mọi chuyện sẽ an ổn.

 

Đó là cách nhận thức dựa trên nguyên lý duyên sinh. Đạo Bụt rất đơn giản, ai cũng có thể học hỏi và thực tập được. 

Trích trong cuốn sách “Being Peace” của Sư Ông Làng Mai