Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

Ví điện tử hình thức thanh toán bằng công nghệ

 

Ví điện tử hình thức thanh toán bằng công nghệ
.
Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tính đến cuối tháng 4/2017, Trung Quốc có tới 1,35 tỷ người dùng điện thoại di động và hơn 1 tỷ người trong số đó sử dụng dịch vụ internet băng thông rộng.
.
Nếu như trước đây, thanh toán tiền mặt trở nên phổ biến trong xã hội Trung Quốc, thì vài năm trở lại đây thanh toán bằng tiền mặt ở Trung Quốc được xem là điều kỳ quặc, vì xã hội đều đang hướng đến thanh toán di động. Tuy nhiên, khi làn sóng thanh toán điện tử tràn vào Trung Quốc với tốc độ chóng mặt, gần như tất cả các giao dịch thanh toán tại nước này đều thông qua công nghệ. Các cửa hàng và những trung tâm thương mại lớn đều sử dụng những ứng dụng này, ngay cả dịch vụ taxi, nhạc công đường phố... cũng đã sử dụng mã QR.
.
Đối với nền kinh tế, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, công nghệ thanh toán điện tử “không tiền mặt” đem lại nhiều hiệu quả hơn khi cắt giảm chi phí lên đến 75% của Chính phủ Trung Quốc và các DN. Thanh toán bằng công nghệ cũng giúp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và DN không phải đầu tư chi phí quá lớn trong các hoạt động của mình. Lợi ích thanh toán bằng công nghệ mang đến nhiều trải nghiệm phong phú, tiết kiệm chi phí, nhanh chóng thuận tiện, tránh được nhiều rủi ro khi mang theo tiền mặt…
.
Tuy nhiên, những lợi ích mà các công ty Trung Quốc thu được còn vượt xa giá trị đơn thuần của các giao dịch. Theo các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới, càng có nhiều người Trung Quốc sử dụng thanh toán di động đồng nghĩa với việc các công ty đang “ngồi” trên một kho tàng dữ liệu người tiêu dùng. Dữ liệu người tiêu dùng từ các khoản thanh toán được sử dụng để xây dựng hồ sơ chi tiết của từng người dùng, sau đó có thể tạo ra lợi nhuận từ mục đích tiếp thị trực tiếp ngay trong ứng dụng mà cả Facebook và Google cũng rất muốn sở hữu. Đây chính là công cụ giúp các công ty Trung Quốc kiếm tiền từ quảng cáo theo cách mà Facebook và Google đã và đang làm.
.
Một số vấn đề đặt ra
Sự bùng nổ về thanh toán công nghệ ở Trung Quốc mang lại nhiều lợi ích to lớn, song cũng đặt ra không ít vấn đề mà quốc gia này hay các quốc gia đang có xu hướng phát triển thanh toán công nghệ cần quan tâm, cụ thể:
.
Một là, bảo mật thông tin cá nhân đang trở thành vấn đề nhạy cảm, khiến nhiều người dân lo ngại. Sự thống trị của thanh toán di động cũng có nghĩa các công ty như Alibaba, Tencent có quyền truy cập lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ. Từ đó, làm dấy lên lo ngại các dữ liệu này có thể được chuyển cho bên thứ 3 hoặc cung cấp cho một chính phủ khác mà không xin phép người dùng. Hoặc có thể, dữ liệu này sẽ bị đánh cắp do các hacker tự do hoặc của Chính phủ hay tổ chức nào đó tài trợ.
.
Hai là, sự phát triển nhanh chóng của thanh toán công nghệ đang tác động đến lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng. Bởi với số lượng đông đảo người dân sử dụng dịch vụ thuận tiện này, các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng như thẻ tín dụng, các thẻ thanh toán… gần như không có cơ hội phát triển. Thậm chí, đến nay không ít người dân không có thói quen sử dụng thẻ tín dụng, còn các ngân hàng thì cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng và phát triển các dịch vụ thanh toán. Ngoài ra, việc người dùng trữ tiền trên các ứng dụng thanh toán mà không phải ngân hàng khiến nhà băng mất đi nguồn vốn cho vay, yếu tố tạo ra lợi nhuận đáng kể của nhóm doanh nghiệp này.
.
Ba là, thanh toán di động đang phát triển nhanh ở Trung Quốc đến mức người nước ngoài cũng cảm thấy khó khăn với các thanh toán cơ bản. Chẳng hạn, khi người nước ngoài dùng bữa tại một cửa hàng McDonald’s ở Bắc Kinh, các hình thức thanh toán được chấp nhận là thẻ tín dụng Union Pay của Trung Quốc, Apple Pay, WeChat Pay và Alipay. Như vậy, nếu không có tài khoản ngân hàng hay mã định danh QR ở Trung Quốc, người nước ngoài hay khách du lịch sẽ rất khó sử dụng các ứng dụng này. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này cũng đã được các doanh nghiệp khắc phục.
.
Ở Việt Nam cũng đang phát triển hệ thống thanh toán công nghệ, theo đó NHNN đã ban hành một số qui định mới khi sử dụng Ví điện tử từ ngày 07/01/2020. 
   

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Tôn giáo nào là tuyệt vời nhất

 

TÔN GIÁO NÀO LÀ TUYỆT VỜI NHẤT

SATHYA Sai Baba, một đạo sư Ấn-độ hiện đại kể:

Thuở xưa, có một ông vua hiền đức, cai trị công bằng, dân chúng trong nước sống thanh bình. Một hôm, dưới sự đề nghị của cận thần tả hữu, vua triệu tập  tất cả trưởng lão tôn túc của các tôn giáo trong nước. Khi tất cả đầy đủ, vua nói:

-Thưa các vị giáo chủ, hôm nay ta mời chư vị tới đây bàn luận vì ta muốn chọn một Tôn giáo để suy tôn lên làm quốc giáo. Ta đặt niềm tin và sự minh triết nơi các vị, xin các vị hội thảo cùng nhau để tìm kiếm cho trẫm một Tôn giáo nào hay nhất, đáng được hưởng ân phúc của hoàng gia. Tôn giáo nào cũng được miễn sao cho mọi người đều đồng ý, kính phục và không có ai bắt bẻ hoặc chối cãi.

Trải qua nhiều năm mà vua vẫn chưa biết được đáp án cụ thể, bởi vì ai cũng cho Tôn giáo của mình là hay nhất, siêu việt nhất, có hiệu quả nhất, nhưng những người khác thì không chấp nhận. Cứ thế mà tranh luận giằng co từ năm này sang năm khác. Vấn đề “Tôn giáo nào hay nhất?” vẫn còn là một đáp án bỏ ngỏ.

Rồi một hôm, có một hiền giả du phương ghé thăm, khi nghe chuyện nhà vua đang tìm kiếm một Tôn giáo hay nhất mà chưa ra, bèn xin yết kiến nhà vua:

- Tâu bệ hạ, tôi có thể chỉ cho bệ hạ một Tôn giáo hay nhất mà không có ai có thể bắt bẻ, hay chối cãi được!

Vua nghe qua, rất đỗi vui mừng, vì hy vọng của mình sắp được toại nguyện sau bao năm trông đợi.

Thật vậy sao? Xin hiền giả hãy nói cho ta nghe ngay lập tức, ta đã chờ giờ phút này quá lâu rồi!

Xin bệ hạ kiên nhẫn một chút! Tôi sẽ tiết lộ cho bệ hạ tên của tôn giáo này ở một nơi thật yên tĩnh vắng vẻ, đúng trưa mai xin hẹn bệ hạ ở bờ sông Hằng, chúng ta sẽ vượt sông qua bờ kia và ở đó, tôi sẽ nói cho bệ hạ biết Tôn giáo nào là hay nhất!

Hôm sau, đúng y hẹn, vua và nhà hiền giả gặp nhau tại bờ sông Hằng. Vua ra lệnh một chiếc thuyền chở hai người qua bờ bên kia. Khi chiếc thuyền đến gần, vua sửa soạn bước lên, thì vị hiền giả chặn lại, nói rằng ông ta muốn khám xét lại chiếc thuyền xem có an toàn, chắc chắn và bảo đảm không? 

-Chiếc thuyền này không xài được, vì có một miếng ván bị nứt ở dưới đáy, có thể gây ra nguy hiểm cho chúng ta!

Vua lại gọi thuyền khác đến. Sau khi khám xét, vị hiền giả phat hiện ra bên hông thuyền hơi lỏng vì thiếu đinh. Nhà vau lại gọi một chiếc khác đến. Sau khi kiểm tra cẩn thận, hiền giả lại từ chối bởi vì nước sơn của thuyền đã bị tróc.

Cứ như thế, vua gọi hết thuyền này đến thuyền khác, chiếc nào thì vị hiền giả cũng moi ra được khuyết điểm. Cuối cùng, nhà vua không thể nào nhịn nổi:

-Thưa hiền giả! Từ sáng tới giờ, ta đã gọi biết bao nhiêu chiếc thuyền, chiếc nào cũng bị ngài từ chối. Xin hỏi ngài, thuyền bị tróc sơn một chút hoặc thiếu vài ba chiếc đinh thì đã có sao? Nó vẫn có thể đưa mình qua sông được mà? Sao ngài lại để ý đến những khuyết điểm nhỏ nhặt như vậy?

Lúc bấy giờ, vị hiền giả nhìn vua mỉm cười:

Bệ hạ đã tự mình nhận thấy rằng, dù cho có vài ba khuyết điểm nhưng tất cả những chiếc thuyền kia đều có thể đưa mình qua sông. Cũng thế, tất cả Tôn giáo trong quốc gia đều giống như những chiếc thuyền kia. Tôn giáo nào cũng có thể đưa con người thể nhập vào Chân Lý Tối Thượng. Đi tìm khuyết điểm của các Tôn giáo khác nhau, là một điều vô ích, thiếu sáng suốt. Bệ hạ hãy chăm lo việc triều chính, tiếp tục lấy đức trị dân và hãy cư xử bình đẳng, kính trọng các Tôn giáo, xem tôn giáo nào cũng tốt đẹp như tôn giáo của mình vậy!

Nghe xong, nhà vua liền phục xuống chân vị hiền giả đảnh lễ. Và khi ngẩng đầu lên, vua cảm thấy mình hạnh phúc thực sự vì thấm nhuần minh triết của cuộc sống.

Trích tác phẩm ĐẠO GÌ? “Hồi ký tu học”,

Thích Trí Siêu.

chúng ta phải học cách quý trọng cái Duyên

 

Muốn sống hạnh phúc cả đời bắt buộc chúng ta phải học được cách quý trọng cái Duyên

Phật dạy: Vạn vật trên đời đều có cái duyên. Đời người, thứ kì diệu nhất chính là duyên phận, thứ khó có được nhất cũng là duyên phận.

Có người từng làm một phép tính thế này: Trong đời, mỗi người sẽ gặp 8.263.563 người, chào hỏi với 39.778 người, quen biết với 3.619 người, thân thiết với 275 người nhưng cuối cùng đều sẽ ai đi đường của người nấy.

Biển người mênh mông, gặp được nhau đã khó, hiểu được nhau lại càng khó hơn. Nhưng cũng chính vì thế mà mỗi một người, mỗi một đoạn tình cảm trong cuộc đời của chúng ta mới càng đáng để chúng ta trân trọng và giữ gìn.

Năm ngoái, một cô bạn thân của tôi, sau khi gặp phải chuyện con gái rối loạn tâm lí tuổi dậy thì, đã kiên quyết từ chức trong ban lãnh đạo công ty để về nhà dạy dỗ con cái.

Đối với nhiều người mà nói, đây rõ ràng là một quyết định vô cùng khó khăn nhưng cô ấy lại tỏ ra vô cùng bình tĩnh và nói rằng bao nhiêu năm nay, bản thân chỉ lo làm việc mà quên chăm sóc con gái. 

Đây chính là thời điểm phù hợp để cô bù đắp cho con gái mình.

Được sự quan tâm chăm sóc hết mực của cô, con gái cô không những trở nên ngoan ngoãn hiểu chuyện hơn rất nhiều mà quan hệ trong gia đình cũng trở nên hòa hợp và đầm ấm hơn. 

Cô ấy nói, chuyện của con gái đã nhắc nhở cô rằng, đừng đặt mục tiêu xa vời theo thói quen mà hãy quan tâm nhiều hơn những người ở ngay trước mặt, những tình cảm ngay bên mình.

Gặp nhau tức là duyên. Đối với những người lạ tình cờ gặp gỡ, chúng ta hãy tỏ ra thân thiện và tôn trọng đối phương nhiều hơn. 

Đối với người thân và bạn bè bên cạnh, hãy thấu hiểu và bao dung nhiều hơn, đừng tiếc rẻ một câu hỏi thăm ấm áp.

Gieo nhân nào gặp quả nấy. Trân trọng mọi duyên phận bằng tấm lòng biết ơn thì cuộc đời mới trao cho những quả ngọt để bạn hưởng thụ đời đời.