Con người trưởng thành luôn
có 3 tầng ý thức được ví như tam giác PAC. P nghĩa là cha mẹ - parent, A nghĩa
là người lớn - adult, C nghĩa là trẻ em - child. Đó như là toà nhà ba tầng của
bạn. Tầng thứ nhất là tầng của đứa trẻ, tầng thứ hai là tầng của cha mẹ, tầng
thứ ba là tầng của người trưởng thành. Tất cả ba đều cùng tồn tại trong bạn.
.
Đây là tam giác và xung đột
bên trong của bạn. Đứa trẻ của bạn nói điều này, bố mẹ bạn nói điều gì đó khác,
người trưởng thành của bạn, lí trí nói điều gì đó khác.
.
Nếu như bạn một mình thì
không có vấn đề gì - bạn có thể vẫn còn là đứa trẻ mãi mãi. Nhưng xã hội có đó,
hàng triệu người có đó; bạn phải tuân theo nhiều luật lệ, bạn phải tuân theo
nhiều giá trị. Bằng không sẽ có nhiều xung đột đến mức cuộc sống sẽ trở thành
không thể được.
.
Bây giờ có những người thầy
tin vào đứa trẻ. Họ nhấn mạnh vào đứa trẻ nhiều hơn. Chẳng hạn, Lão Tử. Ông ấy
nói, 'Thoả thuận sẽ không tới đâu. Bạn hãy bỏ lại tiếng nói cha mẹ đi, những
lời răn này, những Kinh Cựu ước này. Hãy bỏ tất cả những cái 'phải' và lại trở
thành đứa trẻ lần nữa.' Đó là điều Jesus nói. Lão Tử và Jesus, sự nhấn mạnh của
họ là: hãy trở thành đứa trẻ lần nữa - bởi vì chỉ với đứa trẻ bạn mới có khả
năng giành lại sự tự phát của mình, bạn mới lại trở thành một phần của luồng
chảy tự nhiên: ĐẠO.
.
Thông điệp của họ là hay,
nhưng dường như gần phi thực tế. Vâng, đôi khi điều đó đã xảy ra - một người
lại trở thành đứa trẻ lần nữa. Nhưng điều đó ngoại lệ tới mức không thể nghĩ
được rằng nhân loại sẽ trở thành đứa trẻ lần nữa. Điều đó đẹp như ngôi sao...
xa xăm, nhưng ngoài tầm với.
.
Thế rồi có những thầy khác
- Mahavira, Moses, Mohammed, Manu - họ nói hãy nghe tiếng nói của cha mẹ đi,
hãy nghe theo đạo đức, điều xã hội nói, điều bạn đã từng được dạy. Nghe và tuân
theo nó. Nếu bạn muốn thoải mái trong thế giới, nếu bạn muốn an bình trong thế
giới, hãy nghe theo cha mẹ. Đừng bao giờ đi ngược lại tiếng nói cha mẹ.
.
Đó là cách thế giới đã tuân
theo, nhiều hay ít. Nhưng thế thì người ta không bao giờ cảm thấy tính tự phát,
người ta không bao giờ cảm thấy tính tự nhiên. Người ta bao giờ cũng cảm thấy
bị giam cầm, tù túng. Và khi bạn không cảm thấy tự do, bạn có thể cảm thấy an
bình, nhưng sự an bình đó là vô giá trị. Nó đem tới thuận tiện, thoải mái,
nhưng linh hồn bạn đau khổ.
.
Tất cả các tôn giáo cổ đều
nhấn mạnh vào vâng lời quá nhiều. Không vâng lời là tội lỗi duy nhất - đó là
điều Ki tô giáo nói. Adam và Eve bị đuổi khỏi vườn của thượng đế bởi vì họ đã
không vâng lời. Thượng đế đã nói không được ăn quả của cây tri thức mà họ lại
không vâng lời. Đó là tội lỗi duy nhất của họ. Nhưng mọi đứa trẻ đều phạm phải
tội lỗi đó. Người cha nói, 'Đừng hút thuốc,' và nó thử hút. Người cha nói,
'Đừng đi xem phim,' và nó đi xem. Câu chuyện của Adam và Eve là câu chuyện của
mọi đứa trẻ. Và thế rồi kết án, tống cổ ra...
.
Vâng lời là tôn giáo của Manu,
Mohammed, Moses. Nhưng thế giới đó đã qua rồi, và qua nó nhiều người đã không
đạt tới. Nhiều người đã trở thành công dân an bình, tốt, thành viên tốt, thành
viên đáng kính trọng của xã hội, nhưng chẳng có gì nhiều.
.
Thế rồi có những ông thầy thứ
ba Họ nhấn mạnh phải hướng theo người trưởng thành. Khổng Tử, Patanjali, hay
những người bất khả tri - Bertrand Russell - tất cả những người theo chủ nghĩa
nhân văn của thế giới, họ tất cả đều nhấn mạnh: 'Chỉ tin vào lí trí riêng của
mình thôi.' Điều đó dường như rất gian nan, nhiều tới mức cả đời người ta trở
thành chỉ là xung đột. Bởi vì bạn đã được nuôi dưỡng bởi cha mẹ mình, bạn đã
được huấn luyện bởi cha mẹ mình. Nếu bạn chỉ nghe theo lí trí của mình, bạn
phải phủ nhận nhiều thứ trong con người mình. Thực tế, toàn thể tâm trí của bạn
phải bị phủ nhận. Không dễ mà xoá nó đi được.
.
Và bạn đã được sinh ra như
đứa trẻ mà chẳng có lí trí gì. Về cơ bản bạn là sinh linh có tình cảm; lí trí
tới rất muộn. Thực tế nó tới khi tất cả những gì phải xảy ra đã xảy ra. Các nhà
tâm lí nói đứa trẻ học gần 75% toàn thể tri thức của nó trước lúc nó 7 tuổi.
50% vào lúc nó 4 tuổi. Và toàn thể việc học này xảy ra khi bạn là đứa trẻ, và
lí trí tới rất muộn. Nó là kẻ tới rất muộn mằn. Thực tế nó tới khi tất cả mọi
điều phải xảy ra đã xảy ra rồi.
Rất khó sống với lí trí.
Mọi người đã thử - một Bertrand Russell đây đó - nhưng không ai đã đạt tới chân
lí qua nó, bởi vì một mình lí trí là không đủ.
.
Nếu bạn vận hành như đứa
trẻ, đó là phản ứng trẻ con, tất nhiên người lớn không ai làm vậy.
.
Hay bạn theo tiếng nói của
cha mẹ mình, nhưng về sau bạn nghĩ rằng dầu vậy bạn đã bị cha mẹ mình chi phối.
Bạn chưa trở thành người trưởng thành, đủ chín chắn để nắm lấy dây cương cuộc
sống trong tay mình.
.
Hay đôi khi bạn theo lí
trí, nhưng thế rồi bạn nghĩ rằng lí trí là không đủ, tình cảm cũng cần chứ. Và
không có tình cảm, con người lí trí trở thành chỉ là cái đầu; người đó mất tiếp
xúc với thân thể, người đó mất tiếp xúc với cuộc sống, người đó trở thành bị
cắt rời. Người đó vận hành chỉ như cái máy tư duy. Nhưng tư duy không thể làm
bạn sống động, trong tư duy không có nước cam lồ của cuộc sống. Nó là một thứ
rất khô khan. Thế thì bạn khao khát, bạn khao khát cái gì đó có thể cho phép
năng lượng bạn tuôn chảy, cái có thể cho phép bạn được xanh tươi và sống động
và trẻ trung. Điều này cứ tiếp diễn và bạn cứ săn đuổi mãi cái đuôi riêng của
mình.
.
Quan điểm của Phật là hoàn
toàn khác. Đó là đóng góp độc đáo của Phật cho tâm thức con người.
.
Phật nói các cách hành xử
đó tất cả đều là phản ứng và mọi phản ứng đều nhất định mang tính bộ phận - chỉ
có đáp ứng mới mang tính toàn bộ - và bất kì cái gì mang tính bộ phận đều là
sai lầm. Đó là định nghĩa về lầm lỗi, bởi vì các bộ phận khác của bạn sẽ vẫn
không được đáp ứng và chúng sẽ phản ứng. Hãy nhận rõ: Đáp ứng là toàn bộ, phản
ứng là bộ phận.
.
Khi bạn nghe một tiếng nói
và theo nó thì bạn bị mắc vào rắc rối. Bạn sẽ không bao giờ được thoả mãn với
nó. Chỉ một phần được thoả mãn, hai phần kia sẽ rất bất mãn. Cho nên hai phần
ba con người bạn sẽ bất mãn, một phần ba con người bạn sẽ thoả mãn, và bạn bao
giờ cũng vẫn còn trong rối loạn. Bất kì điều gì bạn làm, phản ứng không bao giờ
thoả mãn được cho bạn, bởi vì phản ứng mang tính bộ phận.
Hãy đáp ứng - đáp ứng mang
tính toàn bộ. Thế thì bạn không vận hành từ bất kì tam giác nào, bạn không chọn
lựa; bạn đơn giản vẫn còn trong nhận biết vô chọn lựa. Bạn vẫn còn định tâm. Và
từ việc định tâm đó bạn hành động, dù nó là bất kì cái gì. Đấy không phải là
đứa trẻ không phải là cha mẹ không phải là người trưởng thành. Bạn đã vượt ra
ngoài tam giác PAC.
.
Cho nên bất kì khi nào có
nhu cầu cần đáp ứng, điều đầu tiên, Phật nói, là hãy trở nên lưu tâm, trở nên
nhận biết. Hãy nhớ tới trung tâm của bạn. Hãy trở nên được tiếp đất vào trung
tâm của bạn. Hãy ở đó trong vài khoảnh khắc trước khi bạn làm bất kì cái gì..
.
Đây là yêu cầu đầu tiên -
được định tâm vào bất kì chỗ nào bạn muốn hành động. Thế rồi từ việc định tâm
này hãy để hành động nảy sinh - và bất kì điều gì bạn làm cũng đều sẽ là đức
hạnh, bất kì điều gì bạn làm cũng đều sẽ đúng.
Phật nói chính tâm là đức hạnh
duy nhất có đó. Không lưu tâm là rơi vào lỗi lầm. Hành động vô ý thức là rơi
vào lỗi lầm.
- OshoVietNam –
…………………..
* Osho : là một nhà huyền môn, bậc thầy tâm linh người Ấn Độ (1931 – 1990)
* Lão Tử : Nhà triết học
Trung Quốc sống vào khoảng thế kỷ VI trước CN, người cùng thời nhưng lớn tuổi hơn Khổng tử.
* Mahavira, Moses, Mohammed, Manu : các đạo sư.
* Bertrand Russell : Triết
gia người Anh (1872 – 1970)