Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Freud hạ thấp gía trị của con người ?

Vào thời của Freud, thế giới thô sơ hơn hiện nay rất nhiều, nhưng bản chất con người chẳng khác gì hôm nay. Freud nhìn thấu bản chất ấy và nhận ra hai xu hướng bản năng đối lập mà ông gọi là Eros và Thanatos :


– Eros là một từ gốc Hy-Lạp, được Freud sử dụng để biểu thị cái “libido” hoặc bản năng sống hướng tới thoả mãn các ham muốn dục vọng và sự sống còn. Ham ăn, ham uống, ham sắc dục, ham của cải vật chất, ham tiền bạc, ham danh lợi, … là những thứ ham muốn nằm trong cái Eros nói chung. Những ham muốn này là tự nhiên, xuất phát từ bản năng sinh tồn. Đối lập với bản năng sinh tồn là bản năng Thanatos.

– Thanatos cũng là một từ gốc Hy-Lạp, dịch ra tiếng Anh là “death wish”. Freud sử dụng thuật ngữ này để chỉ trạng thái “muốn huỷ hoại” – một trạng thái tâm lý tiêu cực như muốn đập phá, huỷ hoại mọi thứ bất chấp cái chết để giải quyết những bế tắc, căng thẳng trong cuộc sống. Biểu lộ thấp nhất của cái Thanatos là thói tự ái, nóng giận, nổi khùng mà ai cũng có thể có. Rất nhiều đổ vỡ trong hôn nhân hay trong quan hệ giữa người với người nói chung xuất phát từ những cơn tự ái bất chấp. Đó là lúc bản năng Thanatos trỗi dậy, không thể kiểm soát. Sự ghen tức, đố kị dẫn tới hãm hại lẫn nhau là biểu hiện cao hơn của Thanatos. Thù oán, giận dữ đến mức giết hại đồng loại là biểu hiện tột cùng của Thanatos.

Cả hai bản năng nói trên không chỉ tồn tại trong từng cá thể, mà có thể tồn tại ngay cả trong một cộng đồng xã hội, tạo nên một xu thế sống trong cộng đồng đó. Những vụ tự tử tập thể là một bằng chứng. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, bề ngoài được che đậy bởi mục tiêu tôn giáo, nhưng thực chất cũng là một biểu hiện của cái Thanatos lên tới cực điểm. Có thể chỉ ra hàng đống ví dụ khác để thấy vai trò của Thanatos tác động tiêu cực đến xã hội loài người như thế nào.
Tất nhiên bản năng vô thức bị kiềm chế bởi lý trí – ý thức làm cho con người hơn hẳn con vật. Nhưng khả năng kiềm chế của lý trí lớn đến đâu? Lý trí có thể chiến thắng bản năng Eros và Thanatos hay không? Đây chính là câu hỏi khó nhất và cũng là quan trọng nhất khi nhận định về tương lai của nền văn minh. Nếu lý trí thắng, nền văn minh sẽ tiến lên. Nếu bản năng thắng, nền văn minh sẽ sụp đổ.

Có những xã hội cũng hành động điên rồ như những cá nhân tội phạm. Chủ nghĩa quốc xã Đức là cái gì nếu không phải là một tập thể hành động theo cái Eros (tranh giành quyền lợi) và Thanatos (tiêu diệt người Do Thái, lập nên những trại tập trung, lò thiêu người, …). Những mồ chôn tập thể của Khơ-Me đỏ những năm 1970…
Đôi khi những con quỷ ấy bị nguyền rủa như một thứ “bản năng dã thú” hay “bản năng súc vật”. Sự nguyền rủa này có phần oan uổng cho loài vật, vì thú dữ chỉ dữ khi chúng đói hoặc bị tấn công. Khi chúng được ăn no, chúng trở nên hiền lành đến mức có thể sai bảo. Đó là bí quyết của các môn xiếc động vật. Nói cách khác, bản năng của động vật là có giới hạn, và giới hạn này do Tự Nhiên quy định, đó chính là luật cân bằng sinh thái.

Vì thế không ngạc nhiên khi thấy Sigmund Freud, đã sớm có một cái nhìn đầy bi quan về mối quan hệ xung đột giữa nền văn minh với chính chủ thể sáng tạo ra nền văn minh đó: Nền văn minh muốn tiến lên để đem lại hạnh phúc cho con người, nhưng luôn luôn bị chệch hướng và thậm chí bị huỷ hoại bởi cái Eros và Thanatos.

Freud cảm nhận về tương lai của nền văn minh nhuốm vẻ tiên tri – chưa bao giờ xã hội loài người lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng như hiện nay: mất cân bằng sinh thái; chiến tranh khu vực; khủng bố; suy đồi đạo đức; khủng hoảng tội ác; đám mây hạt nhân treo lơ lửng trên bầu trời; bất công xã hội lên đến mức vô đạo. Tình trạng căng thẳng này là không thể giải quyết được, do đó không bao giờ có thể có một xã hội thật sự lý tưởng, cũng như không bao giờ có một hạnh phúc và sự hài hoà thuần khiết của con người. Có lẽ đây là lý do căn bản để sự cùng khốn, bất công xã hội, và sự bất bình đẳng chính trị châm ngòi cho sự bùng nổ bạo lực và những căng thẳng xã hội.
Freud cho rằng tình trạng căng thẳng này là không thể giải quyết được, do đó không bao giờ có thể có một xã hội thật sự lý tưởng, cũng như không bao giờ có một hạnh phúc và sự hài hoà thuần khiết của con người. Có lẽ đây là lý do căn bản để sự cùng khốn, bất công xã hội, và sự bất bình đẳng chính trị châm ngòi cho sự bùng nổ bạo lực và những căng thẳng xã hội. Tuy nhiên nguồn gốc sâu xa của những căng thẳng đó chính là cái Thanatos – trạng thái muốn huỷ hoại được phóng chiếu lên các quốc gia, các nhóm sắc tộc, và các cá nhân. Vì cái Eros và Thanatos không thể hoà giải được với nhau nên tội lỗi của con người và sự thiếu vắng của một hạnh phúc trọn vẹn là điều khó tránh. Tất cả mọi hình thái của nền văn minh, từ nền tảng cốt lõi của chúng, đã là một sự đối kháng đối với xu thế bản năng và khát vọng căn bản nhất của chúng ta”.
Cách nhìn bi quan của Freud về con người và tương lai của nền văn minh cũng khiến một số người kết tội ông là hạ thấp gía trị của con người, thiên về cái xấu của con người thay vì đề cao giá trị của ý thức. Cái cảm nhận của Freud về tương lai của nền văn minh đó có thể là sai, và mong rằng nó sẽ sai, nhưng đó là tiếng chuông cảnh báo để tất cả chúng ta phải tỉnh thức!
Tuy nhiên, sẽ có ý nghĩa tích cực nếu ta coi ý kiến của Freud như những lời cảnh tỉnh. Chẳng hạn, ông nói: “Cái tôi không phải là ông chủ trong căn nhà của chính nó” (The ego is not master in its own house), đại ý ông muốn nói: thay vì làm chủ được chính mình, con người chỉ là những tên nô lệ của bản năng mà thôi. Nhận định này có thể đúng với người này, sai với người khác. Nhưng người nào càng tự phụ cho rằng ý thức của mình mạnh hơn bản năng, người ấy càng có nguy cơ rơi vào cạm bẫy của bản năng nhiều hơn.
………………………….
* Sigmund Freud 1856 - 1939 là một bác sĩ về thần kinh và là nhà tâm lý học người Áo. Ông là người đặt nền móng và phát triển học thuyết Phân tâm học. ông là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ XX.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét