Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

Văn hóa phản biện



Nếu bạn đọc quyển Quốc gia khởi nghiệp, hẳn đều nhớ : Tại Israel, nhân viên mới của công ty được phép tranh luận với Tổng giám đốc. Một người lính cấp bậc thấp khi cần có thể không tuân theo lệnh cấp trên. Một thường dân có quyền nêu ý kiến với các cán bộ cấp cao. Tưởng phi lý nhưng không hề phi lý. Bởi đó chính là một trong các bí quyết làm nên thành công của người Israel, khiến họ được xem là dân tộc thông minh hàng đầu: Văn hóa phản biện.

Ở Mỹ và châu Âu, giáo viên rèn luyện cho học sinh tranh luận từ cấp tiểu học. Họ đặt ra các đề tài mang tính khơi gợi như “Ma quỷ có tồn tại không?” hay “Ta nên luôn trung thực hay có thể nói dối khi cần thiết?”… rồi chia học sinh thành hai nhóm có ý kiến khác nhau. Các nhóm sẽ trình bày lập luận, sau đó giáo viên sẽ đổi vai trò, nhóm nào từng chống lại giờ phải ủng hộ, và ngược lại. Mục đích không phải là tìm câu trả lời, mà rèn luyện cho trẻ em thấy được các mặt khác nhau của cùng một vấn đề.

Quá trình phát triển của nhân loại chứng minh không có tiến bộ vĩ đại nào xuất hiện nếu không có tư duy phản biện đồng hành. Giordano Bruno bị Giáo hội trung cổ thiêu sống vì tin vào các bằng chứng cho thấy Trái Đất hình cầu chứ không phải mặt phẳng. Albert Einstein, bộ óc vĩ đại nhất nhân loại thế kỉ 20, cũng bị ngờ vực khi đưa ra Thuyết tương đối… Các cá nhân trên không để cho tư tưởng cũ đàn áp hoặc áp lực cộng đồng chi phối, mà kiên định tin tưởng vào kết quả từ quá trình tự vấn, trao đổi và suy nghiệm của bản thân. Nhờ bạn đồng hành vô hình mang tên PHẢN BIỆN, tri thức loài người đã tiến những bước dài.

Một dịch giả người Pháp có đặt câu hỏi : Tại sao trong trang viết của các nhà văn trẻ Việt Nam thường xuyên xuất hiện một (vài) nhân vật lớn tuổi, được miêu tả theo màu “chính diện”, người không ngừng khuyên nhủ bảo ban các nhân vật khác, cả khi được yêu cầu lẫn khi không được yêu cầu? dịch giả này cho biết khúc mắc của ông: Khi dịch ra các ngôn ngữ khác, theo góc nhìn chung của độc giả phương Tây, những “người tốt” này được xem là kẻ hợm hĩnh dạy đời. Còn các nhân vật chỉ biết nghe lời, tuân theo chỉ dẫn của kẻ khác cũng bị đánh giá thấp (!)

Có nhiều cách giải thích cho thắc mắc của dịch giả trên, nhưng sâu xa, vấn đề nằm trong sự khác biệt ở tư duy người Việt. Từ xa xưa, cha ông ta không đề cao việc tự tìm tòi phản biện. Thậm chí, phẩm chất này bị triệt tiêu từ trứng nước: Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Việc im lặng không dám bày tỏ, với nam nhi được xem là khiêm tốn, với nữ nhi được xem là kín đáo nhu mì. Tâm lý né tránh tranh luận được đúc kết như cách ứng xử khôn ngoan: Một sự nhịn, chín sự lành.

Tuổi tác, vai vế, chức vụ hay kinh nghiệm đem đến tiếng nói quyết định chứ không phải quá trình trao đổi và phân tích để có được giải pháp tốt hơn. Còn trẻ mà tự tin thể hiện là không nên, bị chê “Múa rìu qua mắt thợ”. Chính vì thế, khi du học, học sinh sinh viên người Việt thường bối rối khi giảng viên từ chối trả lời trực tiếp mà đề nghị hãy tự tìm lời giải.
Từ “phản biện” (critical) theo nhận thức chung thiên về yếu tố “suy xét” trong tư duy. Nhưng trong tiếng Việt, nó lại thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, là các ý kiến phê phán, chống đối. Vô cùng đáng tiếc, đây lại là rào cản chưa được tháo bỏ.

Thực tế cho đến hôm nay, phần đông người Việt trẻ chúng ta, trong học tập, công việc lẫn cuộc sống hằng ngày, rất ít sử dụng đến kỹ năng phân tích và phản biện, dù các bạn có thể. Giáo dục phổ thông lẫn đại học vẫn theo hình thức áp đặt một chiều. Trừ một số trường quốc tế hay thực nghiệm, hầu hết học trò không được khuyến khích thể hiện bản thân. Nếu chúng ta có vấn đề thắc mắc cần đào sâu hay muốn đưa ra góc nhìn riêng, việc trình bày trước lớp dễ bị đánh giá là “tinh tướng” hay “chơi nổi”, tranh luận với thầy cô bị xem là “hỗn láo”. Trong gia đình, việc con cái “nghe lời” vẫn được khen nhiều hơn là “trao đổi” với mẹ cha. Dần dần, chúng ta trở nên thụ động, mong muốn được dẫn dắt hơn là tự tìm đường, thích dựa dẫm hơn là tự trải nghiệm.

Chúng ta vui vẻ trong cộng đồng những người giống như mình, chúng ta khó chịu khi chứng kiến ai đó hành động khác biệt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét