Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Thay đổi tư duy nào dể kiếm tiền tốt nhất

THAY ĐỔI TƯ DUY NÀO DỂ KIẾM TIỀN TỐT NHẤT

Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội, bằng cách dùng sản phẩm hay dịch vụ như là phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Bà chủ một tiệm tạp hóa suốt ngày không vui vì buôn bán ế ẩm. Nhưng sau những ngày tháng nhìn vào “mắt” khách hàng, bà chợt nghĩ: “sao tôi không là người giải quyết vấn đề nhu yếu phẩm cho cả xóm?”. Và mọi chuyện thay đổi.

Từ đó, nhiều gia đình chưa khá giả trong khu phố có thể mua một, hai gói mì tôm (mà không cần phải mua cả thùng mì), một tép bột ngọt (mà không cần phải mua cả gói bột ngọt).

 

Bà có thể mở cửa lúc mờ sáng hay nửa đêm, khi chẳng còn nơi nào bán hàng nữa để đáp ứng nhu cầu “hết chanh đột xuất” hoặc “nhà không còn nước mắm”. Hay hơn nữa, mọi người chỉ “xẹt” một hai bước chân là có ngay những vật phẩm cần thiết nhất cho gia đình. Lại thêm chuyện giá cả của bà so với chợ và siêu thị cũng chẳng chênh lệch là bao.

 

Ai cũng đoán ra kết quả: cửa tiệm suốt ngày người ra kẻ vào, bà thì bán hàng luôn tay và cười nói luôn miệng. Không chỉ tiền lãi thu được tăng cao, mà bà còn có “lợi nhuận” lớn nhất là sự quý mến của mọi người dành cho một người biết kinh doanh như bà.

 

Câu chuyện thứ hai về một cơ sở sản xuất tủ sắt. Người ta thường mua tủ của cơ sở này về để đựng hồ sơ. Một cơ sở bé xíu rất đỗi bình thường thì liệu có mang trong người "sứ mệnh xã hội"? Trong một thời gian dài, cơ sở hoạt động cầm chừng, cho đến một ngày ông chủ của nó thay đổi cách nghĩ: tôi không “bán tủ sắt” nữa, mà sẽ “bán giải pháp lưu trữ hồ sơ văn phòng”.

 

Từ đó, ông và đồng sự tiến hành nghiên cứu để tạo ra những cái tủ sao cho có thể chống được mối, mọt, chống thấm, ngăn tủ này thì có khóa kiên cố để đựng hồ sơ quan trọng, ngăn tủ khác thì không cần khóa để dễ kéo ra kéo vào…

 

Ông cũng chịu khó đi đến các văn phòng để nghiên cứu màu sơn, thay đổi kích cỡ, kiểu dáng… Thế là sản phẩm của ông còn thêm tính năng làm đẹp cho cả văn phòng của các công ty. Chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở của ông đã lột xác và phát triển rất nhanh.

 

Như vậy, doanh nghiệp lớn hay nhỏ tùy thuộc vào vấn đề xã hội mà họ giải quyết được. Bà chủ tạp hóa của khu phố nọ cùng Sam Walton (ông chủ tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart) đều giải quyết vấn đề mua sắm của xã hội thông qua việc mở cửa hàng bán lẻ. Họ chỉ khác nhau về phạm vi: xã hội của bà chủ là một khu phố, còn xã hội của Sam mang tầm cỡ thế giới.

 

Điều xã hội quan tâm không phải là doanh nghiệp đó kiếm được bao nhiêu mà là họ đã mang lại gì cho cộng đồng. Chẳng hạn, trong khi tỉ phú Nhật, Toyoda ("cha đẻ" của Toyota), với tinh thần ái quốc được người Nhật xem như anh hùng dân tộc thì tỉ phú Nga, Khodorkovsky (ông chủ của Yukos), ông ta là ai trong mắt dân Nga thì chỉ người Nga mới thấu rõ. Sự khác nhau này có lẽ do cách thức kiếm tiền của họ.

 

Nghề kinh doanh, xưa nay vẫn thường bị hiểu chỉ như là nghề “kiếm tiền”. Nhưng thực chất, không hề có nghề kiếm tiền, bởi nghề nào thì cũng kiếm tiền cả. Chẳng hạn, luật sư kiếm tiền bằng việc hành nghề luật, bác sĩ kiếm tiền bằng cách chữa bệnh cứu người… Và doanh nhân, người hành nghề kinh doanh, cũng kiếm tiền bằng cách lãnh đạo một doanh nghiệp và thông qua doanh nghiệp đó để giải quyết vấn đề hay đáp ứng nhu cầu nào đó của xã hội.

 

Nhưng điều khác biệt của nghề kinh doanh là trong quá trình hành nghề của mình doanh nhân không hành động một cách đơn lẻ mà biết kiến tạo ra các chuỗi giá trị. Cụ thể hơn, họ nắm lấy một doanh nghiệp và tập hợp bên mình nhiều thành viên để cùng cộng hưởng lại nhằm hình thành một sức mạnh tổng lực, từ đó tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội.

Đó cũng chính là lý do mà nghề kinh doanh thường kiếm được nhiều tiền hơn so với những nghề khác và vẫn được cộng đồng xã hội ủng hộ.

 

Nghiên cứu 25 huyền thoại doanh nhân thế giới cho thấy, dù có quá nhiều sự khác biệt nhưng họ đều có chung một tư tưởng chủ đạo: “Kinh doanh là phụng sự xã hội”. Hay nói một cách đầy đủ hơn, “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội, bằng cách dùng sản phẩm hay dịch vụ như là phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.

 

Cái “đạo” kinh doanh này đã được họ quán triệt ngay từ buổi đầu khởi nghiệp đầy gian khó cho tới lúc thành công. Và sự thật này cũng chính là lý do giúp họ kiếm tiền nhanh nhất, nhiều nhất, bền nhất, còn bản thân họ thì được xã hội tôn vinh, nể trọng, và rồi họ đi vào lịch sử kinh doanh thế giới như những huyền thoại, doanh nghiệp của họ cũng vĩ đại và trường tồn.

 

Như vậy, với một tâm thế luôn hướng về cộng đồng, luôn khát khao làm cho xã hội quanh mình (có thể nhỏ gọn trong một ngôi làng hoặc rộng lớn bằng cả một hệ mặt trời) tốt đẹp hơn, chính họ, những doanh nhân (dù lớn hay nhỏ, dù “Tây” hay “Ta”, dù “cổ” hay “kim”) luôn được xã hội tôn vinh không phải vì số của cải khổng lồ họ kiếm được, mà vì những đóng góp vô giá của họ vào sự đổi thay của thế giới này.

 

TS Giản Tư Trung

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Một việc thiện tiêu trừ bệnh tật


MỘT VIỆC THIỆN TIÊU TRỪ BỆNH TẬT

 

Vào triều nhà Thanh, trên cầu Khắc Bảo ở cửa Đông huyện Vô Tích có một lão ông sinh sống trên đó, vì bị bệnh nghẹn nhiều năm nên mọi người thường gọi là ông Nghẹn.

 

Một hôm ông Nghẹn trên đường đi đến trà quán, nhặt được một chiếc bị, mở ra bên trong thấy toàn là vàng bạc châu báu. Ông Nghẹn nghĩ: “Mình già sắp chết tới nơi rồi, còn dùng gì đến thứ này” nên không lấy mang về mà ngồi ở bên đường đợi chủ nhân quay lại tìm.

 

Một lúc sau thấy có một lão phu nhân vội vội vàng vàng đi tới, vừa đi vừa khóc, mắt đảo tứ phương như đang kiếm vật gì đó. Ông Nghẹn liền hỏi đầu đuôi rồi trả lại số châu báu đó cho lão phu nhân, lão phu nhân tìm được châu báu của mình liền cảm tạ ông Nghẹn rồi rời đi.

 

Trên đường về nhà, ông Nghẹn đột nhiên cảm thấy đau đớn vô cùng rồi nôn ra một cục đờm cứng như da bò. Cũng kể từ đó bệnh của ông liền biến mất không còn, không những vậy sau này còn sống rất thọ.

 

Nhân sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri“, một niệm của con người vừa xuất ra thì thiên địa đều tỏ. Ông nhờ tấm lòng thiện lương thấy của rơi không tham chiếm đoạt đã cảm động đến trời đất mà được ban phúc trừ tai. Đây cũng chính là điều Phật gia tuyên giảng: Thiện ác hữu báo.

 

Sự thông minh lắm lúc làm chúng ta mất dung khí

SỰ THÔNG MINH LẮM LÚC LÀM CHÚNG TA MẤT DUNG KHÍ

Phải chăng khi chúng ta ôm trong tâm quá nhiều quan niệm, trong đó quan niệm bảo vệ bản thân là lớn nhất, nên mới khó mở lòng tiếp thu nhận thức mới?

Con người cứ nghĩ mình vốn dĩ khôn ngoan, dày dặn kinh nghiệm, không muốn phạm sai lầm, nên hễ đi là nhìn ngang ngó dọc, cũng bởi vì thói quen an toàn thích chọn đi trên đường bằng phẳng vững chãi, hết sức né tránh đi đường gập ghềnh khúc khuỷu. Ai ai cũng chọn chỗ tốt, vậy chỗ không tốt kia sẽ thuộc về ai nhỉ?

Đây chính là sự khôn khéo mà chúng ta học được trong quá trình trưởng thành, làm việc gì cũng phải hoàn hảo, suy nghĩ vấn đề phải an toàn, không thiệt hại, chúng ta cho rằng đó là thông minh, nhưng không ngờ chính sự thông minh ấy lắm lúc khiến chúng ta mất đi dũng khí.

Bạn có từng nghĩ chưa, việc gì cũng quá cẩn trọng, chỉ chăm bẵm lo sợ bản thân bị tổn thất, làm không dám làm, ngay cả nghĩ cũng không dám nghĩ, vậy liệu có thể đột phá được mục tiêu không? Có thành công lớn không?

Mỗi người đều đối mặt với con đường đời, ai ai cũng có con đường riêng của mình. Vui, buồn, sướng, khổ cũng tùy thuộc vào mỗi bước đi. Cao hứng thì chạy thật nhanh, âu sầu thì một bước cũng không cất nổi, khổ quá thì dừng lại không muốn đi, thậm chí còn không muốn sống nữa… Làm người như vậy có mệt quá không? Có vui vẻ bình an không?

"Ổn định" chưa bao giờ là cách mà cuộc sống vận hành. Vạn vật luôn luôn thay đổi, nhờ sự biến hóa của bốn mùa mà cảnh sắc luôn rực rỡ thú vị, nhờ sự biến động của vũ trụ mà con người học được cách thích nghi và phát triển.

 

Cuộc đời sẽ không để cho bất cứ ai bám lì mãi trong cái tổ kén an toàn. Sẽ có những lúc, đời ném cho bạn một (hoặc vài) hòn đá để bạn phải ra khỏi đó và đi tìm một con đường mới phù hợp hơn. Nếu bạn không chủ động rời khỏi vòng an toàn, rồi sẽ có lúc đời buộc phải "đạp" cho bạn một cái thật đau, thật khó chịu để giúp bạn thức tỉnh.

 

Chuyện kể rằng trên cái cây nọ, có một con chim vốn tính lười biếng và ỷ lại, bám trụ lại trên cành cây rất lâu, nhất quyết không buông. Lâu đến mức nó dần quên đi cách tự vỗ cánh bay - bản năng của chính mình. Ở một cành cây khác gần đó, cũng có một chú chim khác thường neo đậu lại, nhưng khác với con chim lười, chú chim này thường xuyên đậu lại chỉ vì nó rất thích cảnh sắc và không khí trong lành nơi đây.

 

Một ngày cái cây bị nhóm người tiều phu đốn hạ, từng cành cây gãy rạp xuống mặt đất. Chú chim ỷ lại mất cân bằng đột ngột, đôi cánh lại yếu ớt do lười tập bay, ngay lập tức ngã xuống đống cây rất thảm thương. Còn chú chim ở cành cây gần đó, khi thấy cành cây mình đậu đang chao đảo, đã lập tức sải cánh bay lên tìm chân trời mới.  

 

Con chim ấy yên tâm đậu trên cành cây không phải bởi nó tin cành cây không bao giờ gãy, mà nó tin vào đôi cánh của mình. Còn bạn, bạn đang là chú chim tin vào cành cây hay tin vào đôi cánh?

Mỗi một người chỉ có mấy mươi năm để sống, ngần ấy năm đâu phải là chặng đường dài, ngay trên đỉnh cao đã thấy cuối dốc rồi.