TÌNH YÊU LÀ MỘT NGHỆ THUẬT, MỌI NGƯỜI SỐNG TRÊN ĐỜI ĐỀU PHẢI HỌC
Tình yêu là một nghệ thuật... mà người sống trên đời đều phải học và xã hội càng hiện đại lại càng cần học nghiêm túc.
Tình yêu là trải nghiệm cá nhân độc đáo mà không ai có thể diễn đạt hết được. Nhưng đó cũng là một nghệ thuật phải được phát triển và thực hành với sự cam kết và khiêm tốn, đòi hỏi cả kiến thức và nỗ lực của con người.
Đó là lập luận của nhà triết học và phân tâm học người Đức Erich Fromm trong quyển sách “The Art of Loving” xuất bản lần đầu tiên năm 1956 trong đó ông đưa ra một lý thuyết về tình yêu, rằng tình yêu là câu trả lời cho sự tồn tại của loài người và nhu cầu sâu xa nhất của con người là vượt qua sự ngăn cách, để rời khỏi ngục tù cô độc của mình.
Vì sao con người cần tình yêu?
Theo Fromm, sự cô đơn tạo ra một trải nghiệm về “một nhà tù không thể chịu đựng nổi” có thể là nguồn gốc đáng kể của lo lắng, xấu hổ và bất hạnh.
Do đó, một cá nhân thường liên tục vươn tới sự kết nối và giao tiếp với những người khác và cố gắng đạt được trải nghiệm của tình yêu.
Tình yêu được coi là động lực của cả hai bên, dựa trên sự khẳng định rằng người này không thể sống thiếu người kia.
- Tình yêu đích thực được thúc đẩy bởi sự thôi thúc cho đi và chia sẻ chứ không phải bởi mong muốn đáp ứng nhu cầu của bản thân hoặc bù đắp cho những thiếu sót của một người.
Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu cá nhân cam kết với một “định hướng đóng góp” (productive orientation) đối với cuộc sống, vì một con người có tính cách như vậy sẽ quan tâm đến việc cho đi hơn là nhận lại.
Cho thì vui hơn nhận, không phải vì cho là bỏ bớt đi (deprivation), mà vì trong hành vi cho là biểu hiện cho lẽ sống của bản thân”.
Tình yêu chín chắn (mature love) là một hành động cho đi thừa nhận sự tự do và tự chủ của bản thân và người khác, và theo nghĩa này, nó hoàn toàn khác với hiện tượng thụ động, không tự nguyện được gợi ý bởi cụm từ “phải lòng” (falling in love).
Có một sự nhầm lẫn giữa trải nghiệm ban đầu khi “yêu” và trạng thái vĩnh viễn của tình yêu, hay như chúng ta có thể nói tốt hơn, “vững vàng” trong tình yêu.
Cường độ và sự phấn khích đi kèm với những khoảnh khắc mê đắm thường liên quan đến mức độ cô đơn và cô lập đã từng trải qua.
Nhận định này của ông cũng tương đồng với nhiều triết gia khác khi nói về sự mù quáng của tình yêu lãng mạn. Như vậy, tình yêu chín chắn là sự cam kết tích cực và quan tâm đến hạnh phúc của người mà chúng ta yêu thích.
Trải nghiệm như vậy cho thấy tình yêu không phải là nơi để nghỉ ngơi, mà là một thử thách liên tục, cùng nhau vận động và phát triển.
Để có thể phát triển và rèn luyện đạt đến mức độ chín chắn trong tình yêu, Fromm cho rằng con người cần thực hành bốn yếu tố, gồm sự quan tâm, trách nhiệm, sự tôn trọng và sự hiểu biết.
Mặc dù được đưa ra cách đây hơn nửa thế kỷ, luận thuyết của Fromm về nghệ thuật yêu thương vẫn còn mang tính thời sự và ý nghĩa sâu sắc với khẳng định rằng tình yêu là điều cần thiết cho sự phát triển và tồn tại của con người.
Đòi hỏi và trách nhiệm về tình yêu của Fromm có quá lý tưởng và phi thực tế và liệu chúng ta có thể thực hành thành thạo nghệ thuật này theo khuyến cáo của Fromm hay không?
Câu trả lời tùy thuộc vào từng cá nhân với những trải nghiệm bản thân trong từng chặng đường trên hành trình sống và yêu. Nhưng chắc hẳn rằng những ai đã yêu, đang yêu và sẽ tiếp tục yêu trở nên chín chắn và trưởng thành hơn.
ST