Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Sử Việt, cái váy đàn bà xứ Bắc

 

SỬ VIỆT, CÁI VÁY ĐÀN BÀ XỨ BẮC

Cái váy của người đàn bà đất Bắc không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng đến khi nhà Minh xâm lăng Việt Nam vào năm 1414, thì ngay sau đó “bọn Hoàng Phúc muốn bắt dân ta đồng hóa với người Tàu, cấm con trai con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái phải mặc áo ngắn quần dài theo kiểu người Tàu, nghĩa là không được mặc váy như trước.

Váy là đồ mặc che nửa thân người phía dưới của người đàn bà xứ Bắc ngày xưa. đúng như người bình dân của ta đã mô tả trong một câu đố như sau:

Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,

Bên ta thì có, bên Tàu thì không.

Đến năm 1665 đời vua Lê Huyền Tông, nhà vua lại ra sắc dụ cấm đàn bà con gái mặc quần theo kiểu Tàu mà trở lại mặc váy theo y phục truyền thống của dân tộc. Vậy là, sau 250 năm, người đàn bà xứ Bắc lại mặc váy như trước thời kỳ bị quân Minh xâm lược bắt phải đồng hóa theo kiểu ăn mặc của đàn bà Tàu.

Đó là tình trạng ở đất Bắc tức từ Thanh Hóa trở ra. Tình trạng ở phía nam đèo Ngang tức từ Quảng Bình trở vào lại khác.

“Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục. Có lẽ từ bấy giờ, người đàn bà Đàng Trong bắt đầu mặc áo gài khuy và mặc quần, mà không mặc áo thắt vạt và mặc váy như người đường ngoài nữa.”

Vậy có thể nói, từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trở về sau, phụ nữ Đàng Trong dưới quyền chúa Nguyễn mặc quần dài 2 ống thì người phụ nữ Đàng Ngoài dưới quyền vua Lê chúa Trịnh lại mặc váy.



Bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư

 

BÀI THƠ TIẾNG THU CỦA LƯU TRỌNG LƯ

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Xuyên suốt bài thơ là một từ “nghe” xuất hiện ba lần ở đầu mỗi khổ thơ. Người đọc nghe gì? Chúng ta nghe lời “thổn thức” dưới ánh trăng mờ của mùa thu được nhân cách hóa, nghe tiếng lòng “rạo rực” của người cô phụ có chồng đi đánh giặc xa, nghe tiếng lá thu rơi “xào xạc” trong rừng vắng.

 

Cả ba khổ thơ của bài Tiếng thu đều được viết bằng ba dấu hỏi ở cuối ba khổ thơ này. Tại sao tác giả phải hỏi liên tục như vậy? Tại vì nhà thơ không tin người em nào đó có thể nghe được cái tiếng thu quá xa vắng và mơ hồ. Không nghe ư? Em hãy lắng lòng sâu đậm để tiếp nhận tiếng thu dịu nhẹ và mơ màng ấy.

 

Hai dòng thơ cuối của Tiếng thu đã vẽ lên trước mắt người đọc hình ảnh:

 

"Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trênlá vàng khô"

 

Có phải ta nghe tiếng lá vàng khô vỡ vụn dưới những bước chân nai ngơ ngác? Ta không nghe tiếng thu ấy bằng tai mà nghe bằng trí tưởng tượng, nghe vang lên trong tâm hồn, mỗi khi thấy lá ngoài đường rụng nhiều và những đám mây bàng bạc trên không...

 

Để thưởng thức trọn vẹn giai điệu mùa thu của Lưu Trọng Lư, hãy đọc lại Tiếng Thu, đọc liền mạch và chỉ dừng lại một giây khi gặp dấu chấm hỏi. Hãy tưởng tượng có ai đó ném xuống mặt nước phẳng lặng của hồ thu một viên đá nhỏ. Nhiều vòng tròn sóng đồng tâm xuất hiện và lan tỏa mãi. Đó là hình ảnh làn sóng âm thanh của tiếng thu mà nhà thi sĩ Lưu Trọng Lư đã làm vang lên trong tâm hồn mỗi người.