Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

Cụ ông nói việc học của tôi chưa bao giờ là đủ

 

CỤ ÔNG NÓI VIỆC HỌC CỦA TÔI CHƯA BAO GIỜ LÀ ĐỦ

 

Ở tuổi 78, ông Ngô Tôn Đức (sinh năm 1945, Hà Nội) vừa trở thành cử nhân cao tuổi nhất của ĐH Luật Hà Nội sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi.

 

Theo học chương trình đào tạo cử nhân Luật hệ vừa làm vừa học, cụ ông 73 tuổi khi đó miệt mài chinh phục tấm bằng đại học thứ ba.

 

Mới đây, ông Ngô Tôn Đức giữ kỷ lục sinh viên tốt nghiệp cử nhân cao tuổi nhất của ĐH Luật Hà Nội.

 

Coi việc học như nếp sống

 

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội cách đây hơn 40 năm, ông làm việc cho một công ty từ năm 2001 đến năm 2017, nhưng khi đã nghỉ hưu ở nhà không biết phải làm gì nên ông quyết định đi học.

 

Đi học khi tuổi cao nhưng nam sinh viên này không bao giờ thấy tự ti hay sợ định kiến. Ông chỉ đơn giản là thích đi học, muốn được thể hiện bản lĩnh và cách học của mình.

Ngày đầu nhập học, sinh viên U80 gặp những tình huống "dở khóc, dở cười" khi chuyên viên phòng đào tạo tưởng rằng ông đến đăng ký học cho cháu.

 

Vào lớp, chuyện các bạn học nhầm ông là giảng viên hay giáo sư xảy ra thường xuyên xảy ra.

Từ một sinh viên bình thường, sau 5 năm, ông Đức U80 nổi tiếng cả trường, được Hiệu trưởng Đại học Luật khen thưởng vì thành tích học tập tốt.

 

Ông chia sẻ về một kỷ niệm khiến bản thân nhớ mãi: "Có lần, thầy giáo khi bước chân đến lớp có hỏi tôi một câu: "Bác ơi bác nhiều tuổi thế này còn đi học làm gì?

Với tôi mà nói, cách hỏi đó quá thật, thật đến mức trần trụi, khiến người nghe là tôi cũng phải sững lại vài giây”.

 

Sau đó tôi có đứng lên trả lời thế này: "Tôi cũng nhiều tuổi rồi, nhưng càng ngày tôi lại càng cảm thấy tôi dốt cho nên tôi phải đi học.

Và tôi không học cho riêng tôi, tôi học cho các con, các cháu tôi.

 

Khi 3 đứa con tôi mất, chúng còn rất trẻ và chưa được cắp sách đến trường. Tôi muốn đi học để học thay cho các con của tôi, đó cũng chính là lương tâm và trách nhiệm của một người cha dành cho những đứa con kém may mắn của mình.

 

Cụ ông tha thiết bộc bạch: "Tôi chỉ mong mọi người hãy dành thời gian quý báu trong cuộc đời của mình để làm nhiều việc tốt, nhưng trong đó hãy dành thời gian quý giá nhất để học tập vì không học thì không biết gì cả, "nhân bất học bất tri lý".

 

Theo dantri.com

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

Sách hay cho trẻ - Vào đời cùng lời ca dao

 

SÁCH HAY CHO TRẺ - VÀO ĐỜI CÙNG LỜI CA DAO

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, ca dao là thể loại gần gũi hơn cả.

Lúc em bé nằm nôi, ca dao đã thấm vào tâm hồn trẻ thơ qua lời ru ngọt ngào của mẹ.

Ca dao như tấm gương phản chiếu cuộc sống phong phú, được chắt lọc, phản ánh qua nhiều đời, nhiều thế hệ.

Ca dao lưu giữ những bài học đạo lí và truyền thống cha ông.

Ca dao dạy ta cách phân biệt tốt xấu, đúc kết những kinh nghiệm quý báu trong mọi khía cạnh đời sống.

Ca dao còn mang đến rất nhiều tri thức bổ ích, bảo lưu các giá trị văn hóa Việt từ xưa đến nay. Người Việt nghe ca dao trước cả khi hiểu ca dao.

Lâu nay, chúng ta tiếp xúc ca dao với tâm thế “đã quen, đã biết”. Nhưng như thế, nhiều khi chúng ta mới chỉ lĩnh hội được một nửa giá trị loại hình văn học dân gian đặc sắc này.

Nếu hiểu thêm tinh hoa người xưa gửi gắm một cách đầy đủ, chúng ta có thêm hành trang quý báu để bước vào đời.

Nhà thơ Phạm Đình Ân tiếp tục gửi đến độc giả nhỏ tuổi tác phẩm "Vào đời cùng lời ca dao".

Các em nhỏ sẽ học được những điều bổ ích, còn người lớn sẽ ngạc nhiên khám phá nhiều chi tiết lí thú, bất ngờ, ngay cả ở những câu ca dao quen thuộc nhất.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, công nghệ ngày càng phát triển, nhiều loại hình giải trí mới xuất hiện, việc tìm về các giá trị cốt lõi của dân tộc càng trở nên cần thiết. Chúng tôi mong rằng, với những quyển sách như Vào đời cùng lời ca dao, các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam sẽ được bồi đắp và nhân rộng hơn nữa.

Theo Saigongiaiphongonline

Cách để tìm thấy người bạn tâm giao

 

CÁCH ĐỂ TÌM THẤY NGƯỜI BẠN TÂM GIAO

 

Ở nhà nhờ cha mẹ, ra ngoài nhờ bạn bè.

 

Trên đường đời, nếu gặp một vài người bạn thông minh, bạn có thể giải quyết nhiều vấn đề; nếu kết giao với những người bạn giàu có, bạn cũng có thể kiếm được rất nhiều tiền nhờ học hỏi từ họ.

 

Nhưng chúng ta nên kết bạn như thế nào? Nhiều người nghĩ rằng mời bạn bè ăn một bữa, bạn mời tôi bữa này, tôi mời bạn bữa khác, thế là đôi bên có thể trở thành bạn bè.

 

Cuộc sống vội vã, người người bận rộn, các mối quan hệ không chỉ đơn thuần được hình thành nhờ những bữa ăn hay lời nịnh nọt.

 

1. Đối mặt trực tiếp vấn đề lợi ích và giúp đỡ lẫn nhau

Nhiều người cho rằng: dù quan hệ thân thiết đến mấy cũng không được động chạm đến chuyện tiền bạc, vì vấn đề này vô cùng nhạy cảm, dễ mất lòng.

Nhưng thực ra, cũng với con đường “tiền bạc và lợi ích”, nếu đôi bên vẫn giữ vững nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau thì mối quan hệ càng thêm bền chặt.

 

Một số người rất ghét chuyện vay tiền vì cho rằng bạn bè vay mượn rất dễ trở mặt thành thù. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi đôi bên không đảm bảo lời hứa.

Một thực tế cho thấy, mượn tiền bạn bè dễ hơn mượn tiền người thân trong gia đình.

 

Hơn nữa, nếu là bạn bè thật sự, không ai lại nhắm mắt làm ngơ khi đối phương lâm vào cảnh khó khăn. Được giúp đỡ lẫn nhau cũng là một minh chứng của tình bạn, người nhận được nhẹ nhõm hơn trong cuộc sống, người dang tay đỡ đần lại thấy vui trong lòng.

 

Khi đối phương cho bạn biết tình hình tài chính của họ, điều đó chứng tỏ bạn khiến họ cảm thấy đáng tin cậy và an tâm.

Do đó, hãy nói về tiền bạc một cách cởi mở hơn với những người bạn tin tưởng.

 

Đồng thời, cảm thấy dung dị khi bạn bè không thể giúp đỡ mình, bởi lẽ không một ai trên đời này có trách nhiệm phải cưu mang nhau. Hãy xem nghịch cảnh là thử thách trưởng thành và cơ hội để sàng lọc mối quan hệ.

 

2. Trao đổi tri thức để cùng nhau tiến bộ

Có một kiểu bạn bè gọi là “bạn tinh thần”. Bạn bè, không phải ai cũng đủ đầy về mặt tài chính và không thể giúp bạn trong vấn đề tiền bạc, nhưng họ có thể giúp bạn về mặt trí tuệ và tinh thần, nâng cao nhận thức.

 

Nhà viết kịch từng đoạt giải Nobel văn học, George Bernard Shaw đã nói: "Nếu bạn có một quả táo và tôi có một quả táo, chúng ta trao đổi cho nhau, mỗi người vẫn chỉ có một quả táo; nếu bạn có một ý tưởng và tôi có một ý tưởng, hãy trao đổi cho nhau, mỗi người sẽ có hai ý tưởng".

 

Bạn bè thật sự là không ngừng giúp đỡ nhau tiến bộ. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Đó là lý do ông cha ta luôn dặn dò “chọn bạn mà chơi”.

Thấy bạn tài giỏi, vui mừng và học hỏi.

 

Thấy bạn thụt lùi, khuyên răn và động viên. Như vậy, mối quan hệ mới bền chặt. Không phải cùng tiêu cực như nhau, cùng thất bại như nhau thì được xem là “cùng quan điểm, cùng chí hướng”.

 

Trong thời đại chạy đua theo vật chất này, vẫn có những người bạn thật tâm mong bạn thành công và giỏi giang quả thật rất trân quý.

 

3. Lắng nghe và thấu hiểu để trở thành bạn bè tâm giao

Hãy tự hỏi bản thân, có bao nhiêu người xung quanh thật lòng muốn nghe bạn thật sự?

Lắng nghe là một nghệ thuật trong giao tiếp. Trên thực tế, ít ai hứng thú và chịu ngồi yên lắng nghe câu chuyện không liên quan đến họ.

Lúc này, bạn bè thể hiện vai trò rất quan trọng: Nghe và thấu hiểu nỗi lòng của bạn.

 

Người có thể nói chuyện với bạn là người tìm được cách hiểu bạn. Không phải lời hoa mỹ đều có thể an ủi một trái tim đang bị tổn thương.

Đôi khi chỉ cần một ánh mắt, một cái gật đầu, một sự lặng im nghe kể cũng đủ xoa dịu tâm hồn.

 

Trong cuộc đời này, nếu gặp được người tri kỷ quả thật tuyệt vời không gì sánh bằng. Con người khi đến một độ tuổi nhất định, sẽ phát hiện ra: có người bạn tâm giao khi mỏi mệt và rảnh rỗi là may mắn to lớn.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

Học gói, học mở

 

HỌC GÓI, HỌC MỞ

 

"Học gói, học mở", theo cách nghĩ của người viết, tổ tiên cha ông chúng ta không có chia, tách chuyện "gói, mở" này. Có gói ắt phải có mở, âu cũng là một lẽ thường tình trong đời sống.

 

Hoàn toàn không phải do tiện miệng mà nói theo vần, việc "học gói, học mở" không phải chỉ dừng lại ở chuyện gói, mở hàng hóa bình thường.

Phạm trù "gói", "mở" này rất sâu rộng, bao hàm hầu hết các vấn đề trong đời sống, công việc; là một vấn đề triết học sâu sắc luôn tồn tại trong đời sống con người, đời sống xã hội, vũ trụ vô hạn. Tuy rằng đời sống mỗi con người chỉ có hạn.

 

Trong vô hạn có hữu hạn. Việc học gói, học mở chính là học cách nhận biết cái hữu hạn trong vô hạn, cái vô hạn trong hữu hạn.

Nói một cách nôm na, trong đời sống con người, đời sống xã hội, chúng ta luôn phải đối mặt tới những vấn đề "quên đi", "nhớ lại", "đóng vào", "mở ra".

 

Sự phức tạp trong đời sống tình cảm, trong xã hội luôn cần có những giải pháp để hóa giải. Hóa giải các mâu thuẫn, xung đột để tồn tại, để phát triển.

 

Cổ nhân nhắc người đời sau phải "học gói, học mở" để khép lại cái củ lổi thời, củ kỹ, mở ra cái mới lý thú, tốt đẹp hơn, để cho cuộc sống tinh thần mỗi người, cuộc sống xã hội ổn định tốt hơn.

 

Việc "học gói, học mở" chính là để mối quan hệ giữa người với người tốt đẹp hơn, để việc làm có hiệu quả hơn, để mỗi người sống vui vẻ hơn.