Thứ Tư, 4 tháng 10, 2023

Suy ngẫm triết lý cuộc sống

 

SUY NGẪM TRIẾT LÝ CUỘC SỐNG

Đời người như con thuyền trên sóng nước. Nếu chở quá nhiều đồ đạc thì thuyền sẽ nặng nề trôi đi và dễ bị nhấn chìm trong bão tố. Còn nếu mang càng ít đồ đạc thì thuyền sẽ lướt nhanh và cho ta nhiều trải nghiệm đáng quý.

Trên hành trình cuộc sống, đa số mọi người đều mang bên mình quá nhiều hành lý, đó là những ham muốn về giàu có, quyền lực, danh tiếng… Khi có càng nhiều thì lại càng dễ bị mắc cạn giữa lưng chừng đường, họ mãi mãi không thể chạm được tới vạch đích cuối cùng, để rồi khi bừng tỉnh mới ân hận xót xa mà thốt lên rằng: “Giá như…”.
Những lời cuối cùng ấy suốt đời họ theo đuổi tiền tài, danh vọng và họ nghĩ rằng mình đã có tất cả. Nhưng lúc sắp xa lìa thế gian họ mới bừng tỉnh nhận ra, tất cả những gì đạt được không đem lại cho họ hạnh phúc, mà hạnh phúc nằm ngay tại trái tim họ, nơi mà yêu thương còn ở lại trước khi họ ra đi.

Đó là câu chuyện có thật của cố giám đốc điều hành Apple Steve Jobs, hay vị tỷ phú nổi tiếng Vương Quân Dao, hoặc bác sỹ phẫu thuật thẫm mỹ tài ba Richard Teo Keng Siang…

Họ đều là những người thành danh tột đỉnh, cuộc sống giàu có xa hoa, sở hữu khối tài sản kếch xù mà hàng triệu người ao ước, và đều phải dừng lại khi tuổi đời còn quá trẻ hoặc đang trên đỉnh cao danh vọng. Nhưng đến cuối cùng họ mới chợt nhận ra ý nghĩa nhân sinh để khuyên nhủ những người ở lại bằng lời chia sẻ hết sức chân tình. 

Đó chính là, tiền bạc, địa vị mà họ từng theo đuổi trước đây đều không mang lại hạnh phúc; khi đối mặt với cái chết họ mới biết tình yêu thương quan trọng như thế nào, điều mà họ từ lâu đã thờ ơ quên lãng.

Chẳng hạn như câu chuyện của bác sỹ thẩm mỹ Richard Teo Keng, cả cuộc đời anh đã đạt bao nhiêu giải thưởng danh giá, sự nghiệp huy hoàng… Nhưng suốt cuộc hành trình ấy, anh chỉ cần biết bệnh nhân sẽ đóng bao nhiêu tiền để mình làm việc chứ chưa từng nghĩ đến cảm giác đau đớn của người bệnh, cho đến khi anh thật sự là một bệnh nhân như họ. 

Anh cảm thấy hối hận và nói rằng, nếu kiếp sau được làm bác sỹ một lần nữa, anh sẽ chọn làm bác sỹ chữa bệnh chứ không phải bác sỹ thẩm mỹ. Anh cảm thấy mình đã quá thờ ơ với cảm xúc của người khác và bây giờ nằm trên giường bệnh chính anh phải nếm trải điều đó.

Hay Steve Jobs cũng từng nhắn nhủ rằng: “Cái giường nào đắt giá nhất trên đời? Đó là giường bệnh viện. Vì nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xế lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn. 

Mất tài sản thì có thể tìm lại được, nhưng có một cái khi đã mất là không thể tìm lại được, đó là ‘sự sống’. Dù đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời, cuối cùng, tất cả phải đối diện khi bức màn sự sống kéo xuống. Làm ơn hãy nâng niu và nhận thức được giá trị tình yêu gia đình, tình yêu bạn đời và tình yêu bạn hữu, gìn giữ sức khỏe cho bạn và chăm sóc người thân của bạn”.

Hầu như trong cuộc sống thời nay, đi đâu ta cũng bắt gặp người người hối hả lao vào cuộc sống mưu sinh. Người nghèo khó thì đầu tắt mặt tối chỉ mong kiếm được đủ ăn qua ngày, người trung bình cũng lo tất bật cho con cái được bằng bạn bằng bè, người giàu có thì cũng tối ngày lo đến các mối quan hệ giao tiếp bên ngoài để được giàu có hơn. Nhưng mấy ai dừng lại một chút để suy nghĩ rằng: Vậy rốt cuộc, cuối hành trình cuộc sống ta sẽ mang theo được gì và nó có ý nghĩa thế nào với chính ta?

Tiền tài, vật chất, giàu sang đối với mỗi người trong cuộc sống này đều thật sự quan trọng. Nhưng đừng biến nó thành thứ mà bạn theo đuổi mà hy sinh cả cuộc sống hiện tại, đừng vì nó mà bạn đánh mất những thứ hạnh phúc giản đơn đang hiện hữu xung quanh mình.

Vì thế, cuộc sống chính là hãy biết quý phút giây hiện tại bởi thời gian qua đi thì không thể lấy lại được, và ngày mai cũng chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hãy sống và chiêm nghiệm cuộc sống, học hỏi và làm những gì có ích. Nếu yêu thương thì hãy cố gắng yêu thương, trau dồi cho mình những kiến thức về Đạo, về đời để thân tâm an lạc giữa nơi chốn đầm lầy. Có như vậy thì từng ngày trôi qua đều là những ngày ý nghĩa nhất mà ta không hối tiếc, dù đang ở điểm cuối của hành trình.

Nhã Thanh/ Vườn hoa Phật giáo

Hãy trân quý những giây phút hiện tại

 

HÃY TRÂN QUÝ NHỮNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Ngậm ngùi bởi tiếc nuối tuổi trẻ đã trôi qua lúc nào không hay. Ngậm ngùi phải chi hồi đó thế này thế khác... Hình như ta chẳng bao giờ thực sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai, nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống.

Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ. Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú. Tóm lại, ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại.

Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75. Vậy sao ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải....nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa.

Ta cũng có thể gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch... Cơ thể ta cứ tiến triển theo một "lộ trình" đã được vạch sãn của nó, không cần biết có ta. Mà hình như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ.

Trái lại nếu biết thương yêu nó, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn.

Một người cô tôi mắc bệnh "ăn không được", "ăn không biết ngon" vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương bà quá, mua toàn sữa Mỹ đắt tiền cho uống. Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được.

Giá nghèo một chút còn hay hơn. Kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn bà ăn thấy ngon miệng. Tôi cũng biết cho ‘con lừa’ của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như sạc pin vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được.

Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: ‘Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền’ trong bài ‘Cư trần lạc đạo’ (Ở đời mà vui đạo). Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp.

Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình.

Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải cảnh giác.

Cũng nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đấu óc bắt đầu kém sắc sảo. Tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai. Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ sắc sảo hoài ai chịu cho nổi. Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe, không thì đóng lại mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy, không thì khép lại. Thế là "căn" hết tiếp xúc được với "trần". Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu.

Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây hẳn là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành.

Cái mà cổ nhân gọi là "hoa đốm hư không" chính là nó. Tưởng hoa đốm của trời, ai dè trong mắt mình.

Chính cái "tưởng" của ta nhiều khi làm hại ta. Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua. Dĩ nhiên có những chuyện phải ra ngô ra khoai, nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.

Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả. Tóm lại, hãy chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút…

Đỗ Hồng Ngọc

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

Tám thiếu sót của đời người trong 4 câu thơ

 

TÁM THIẾU SÓT CỦA ĐỜI NGƯỜI TRONG 4 CÂU THƠ

Trong cuộc sống muôn màu, ai cũng có thiếu sót và người ta hơn nhau ở điểm biết trui rèn để hoàn thiện bản thân mình hơn.

Một danh thần Trung Quốc đã tập hợp 8 thiếu sót của đời người vào 4 câu thơ sau:

“Tài không đủ mới đa mưu, nhận thức không đủ thì lo nghĩ nhiều.

Uy không đủ mới hay tức giận, tín không đủ mới nhiều lời.

Dũng không đủ mới nhọc thân, minh không đủ mới hay quan sát.

Lý không đủ mới tranh biện nhiều, tình không đủ mới lắm lễ nghi”.

1. Tài không đủ mới đa mưu

Mỗi khi đứng trước những quyết định khó khăn, chúng ta thường không thể quyết đoán mà phải cân nhắc thiệt hơn rất nhiều, thậm chí còn bày ra mưu kế đê tiện.Điều này có thể là một trong những biểu hiện của “tài” chưa đủ.

Khi “tài” đã đạt đến một mức độ nhất định, chúng ta có thể mượn kinh nghiệm của những người đi trước để tìm ra giải pháp cho vấn đề mà bản thân đang gặp phải, không quá lo ngại đến xung quanh.

2. Nhận thức không đủ, lo nghĩ nhiều

Kiến thức được tích lũy thông qua quá trình học hỏi và trau dồi không ngừng. Suy nghĩ nhiều chỉ là biểu hiện của sự lo lắng về tương lai, mông lung với con đường trước mắt.

Nếu nền tảng kiến thức của bản thân vững chắc, chúng ta chẳng còn quá lo lắng về những thứ chưa diễn ra nữa.

Những âu lo, bất an trong cuộc sống hoàn toàn không phải tác động từ bên ngoài, mà là do kiến thức của chúng ta còn nông cạn gây ra. Muốn thay đổi tình huống này, cần làm phong phú trí tuệ của bản thân, mở mang tầm mắt.

3. Uy không đủ mới hay tức giận

Chúng ta thường nổi giận vì cảm thấy không được tôn trọng. Đây chính là biểu hiện cho việc uy tín của bản thân chưa đủ. Nhưng càng nổi giận, chúng ta càng bộc lộ nhiều thiếu sót.

Uy vọng đều từ đức mà ra, sức mạnh của đạo đức có thể chinh phục tất cả mọi người.

Cho nên thay vì cứ mãi tức giận và nảy sinh những xúc cảm tiêu cực, hãy tự tu dưỡng bản thân, trở thành hình mẫu được những người xung quanh trân quý và tôn trọng.

4. Tín không đủ mới nhiều lời

Người có đức thường kiệm lời, kẻ khuất tất mới đa ngôn. Người có tu dưỡng thì lời nói mộc mạc, không bình luận bừa bãi. Người có tính cách bộp chộp thì thao thao bất tuyệt, nhưng trong lời nói lại chẳng có thực chất.

Một khi chữ tín đã có, con người ta chẳng sợ người khác hiểu lầm hay có cái nhìn tiêu cực về mình. Và một khi đã không còn cảm giác lo sợ, người ta sẽ chẳng phải bận lòng để đi giải thích bản thân mình cho cả thế giới hiểu rõ.

5. Dũng không đủ mới nhọc thân

Những người chăm chỉ chịu khó sẽ có tinh thần rất cao, nhưng có thể sâu trong tâm khảm, họ lại không đủ dũng khí. Người không có dũng khí làm việc rất e dè, hay bê trễ.

Sự khác biệt giữa người ưu tú và người bình thường nằm ở chỗ, người ưu tú có dũng khí và dốc hết năng lượng, sở trường để làm tốt một việc.

Còn những người bình thường lại chia năng lượng của mình cho rất nhiều việc, nhưng kết quả chẳng việc nào làm tốt.

6. Minh không đủ mới hay quan sát

Trong công việc thường có rất nhiều chi tiết, khiến chúng ta mất tập trung. Chỉ những người luôn giữ cho bản thân một tinh thần minh mẫn mới có thể kiểm soát vấn đề.

Để không rơi vào tình trạng suốt ngày phải chú tâm quan sát những chi tiết nhỏ nhặt, hãy rèn luyện cho bản thân một tinh thần thật minh mẫn, tập trung vào vấn đề hết mức có thể.

7. Lý không đủ mới tranh biện nhiều

Khổng Tử từng nói: “Trời đâu có cất tiếng nói mà bốn mùa vẫn vận hành như thường, trăm vật vẫn sinh trưởng như thường. Trời có nói lời nào đâu?”. Người có lý không cần phải tranh biện quá nhiều bởi những lời họ nói ra là chuẩn xác.

Tán dương bản thân một cách mù quáng cũng như thùng rỗng kêu to. Hơn cả việc tranh biện, thể hiện bản thân, nhiều người tài chọn cách ẩn mình, làm chân nhân bất lộ tướng, để rồi khiến mọi người bất ngờ ở những thời điểm quyết định nhất.

8. Tình không đủ mới lắm lễ nghi

Những người càng xa lạ thì càng cần phải đối đãi với nhau bằng lễ nghi. Còn những người có tình cảm sâu sắc với nhau, họ dùng cái tình chân thành đối đãi với nhau là chính.

Cuộc sống này vốn không ai hoàn hảo cả, mỗi người đều có những điểm mạnh cũng như điểm yếu riêng.

Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta chịu thua sự định đoạt của số phận.

* Người thành công thường sẽ nhìn nhận một cách khách quan điểm yếu của bản thân để từ đó có biện pháp khắc phục phù hợp. Một khi dám thừa nhận thiếu sót và bù đắp thiếu sót thông qua nỗ lực của bản thân, con người ta có thể tiến xa hơn rất nhiều.