Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể
thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là
nền tảng của tình thương yêu.
Mỗi người có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng, nếu
không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của
mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau. Không hiểu, sẽ làm người mình thương
đau khổ suốt đời.
Nhân danh tình thương, người ta làm khổ nhau - chuyện đó vẫn thường
xảy ra...
Được hiểu và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người.
Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình. Họ “đói” thương, “đói” hiểu. Họ
thơ thẩn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được
người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn
lên từ đó.
Vậy nên, “có hiểu mới có thương” là nguyên tắc chọn người yêu, chọn
chồng/vợ theo quan điểm Phật giáo. Dù người ta có đẹp, có giàu đến đâu nhưng
không hiểu mình sẽ làm mình khổ suốt đời. Hôn nhân có thể mở ra những con đường
hoa hồng, có thể mở ra cánh cửa tù ngục. Chọn vợ, chọn chồng là một sự mạo hiểm
lớn. Hãy cẩn thận, nếu không muốn chọn "án tù chung thân" cho cuộc
đời mình.
Chọn người hiểu và thương mình, hãy nhớ, đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ
trong cuộc đời.
Trong cuốn sách “How to Love” (tạm dịch: Cách để yêu) của Thiền sư
Thích Nhất Hạnh là một bộ sưu tập ngôn từ đơn giản, nhỏ gọn về những
sự thật ngầm hiểu vô cùng sáng suốt của ông về tiềm lực đáng giá nhất và phức
tạp nhất của con người.