Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Tình yêu hóa ra là điều thật giãn dị

 

TÌNH YÊU HÓA RA LÀ ĐIỀU THẬT GIÃN DỊ

 

Tình yêu hóa ra không phải điều gì lớn lao, to tát mà chỉ là tập hợp của những khoảnh khắc bé nhỏ, đáng yêu vô cùng thôi.

 

Có người từng hỏi, sau một hồi tình yêu nồng cháy cuồng nhiệt sẽ là gì? Thẳng thắn mà nói, tình yêu nào cũng có một giai đoạn sôi nổi như thế, mà sau khi những say đắm ấy qua đi, hai người yêu nhau sẽ tiếp tục một mối quan hệ có phần nhẹ nhàng và bình thản hơn.

Từng việc, từng việc một, nhỏ nhặt, vụn vặt, nhưng chính chúng lại tạo thành những lãng mạn, những khoảnh khắc khó quên.

 

Hôm nay, chúng ta thấu hiểu tình yêu hóa ra không phải lúc nào cũng mạnh mẽ, trào dâng mà đôi khi chỉ là những cảm giác bình dị, dịu dàng.

 

Yêu là gì?

 

Là mỗi buổi sáng thức dậy, phát hiện ánh nắng đang rực rỡ, em ở đây, anh cũng ở đây.

 

Là đôi khi có trắc trở và ồn ã, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn bên nhau.

 

Tình yêu chính là dù đến nơi đâu cũng muốn lưu lại kỉ niệm của hai chúng ta. Dù có thể ảnh không đẹp, nhưng có sự xuất hiện của cả hai, vậy là đủ.

 

Tình yêu chính là hai người cùng ngồi trên bờ biển ngắm hoàng hôn, dù chẳng nói với nhau câu nào thì cảm giác hạnh phúc vẫn ngập tràn.

 

Tình yêu chính là cùng nhau tạo dựng nên một căn nhà thật xinh xắn, thật ấm áp.

 

Tình yêu chính là cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau rửa bát, không ai đùn đẩy việc cho ai.

 

Tình yêu chính là như thế, không phải điều gì to tát lớn lao, chỉ nhỏ bé và giản đơn nhưng lãng mạn và đáng yêu vô cùng.

 

 

 

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

Gái ham tài, trai ham sắc: Những định kiến ngớ ngẩn vẫn còn tồn tại thời nay

GÁI HAM TÀI, TRAI HAM SẮC: NHỮNG ĐỊNH KIẾN NGỚ NGẨN VẪN CÒN TỒN TẠI THỜI NAY

 

Ở thời điểm hiện tại, mong muốn có một đối tác trẻ, hấp dẫn thường có xu hướng phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ. Phụ nữ, trong khi đó, có nhiều khả năng sẽ ưu tiên tiền bạc và địa vị hơn là tuổi tác và vẻ đẹp trai. Nhưng tại sao?

 

Rất nhiều nhà tâm lí học tiến hóa đã giải thích xu hướng này là do sự chi phối của các động cơ bẩm sinh. Họ lí luận rằng phụ nữ có bản năng nguyên thủy là kết thân với đàn ông giàu để có thể chu cấp cho con cái của họ trong khoảng thời gian dài mang thai và chăm sóc con nhỏ.

 

Trong khi đó đàn ông thì chỉ quan tâm tới việc sinh sản của phụ nữ, trong đó sắc đẹp và tuổi trẻ là các tiêu chí hàng đầu. Trong quá khứ xa xôi, kiểu hành vi này giúp chúng ta thích nghi tốt hơn và chọn lọc tự nhiên đã gắn nó vào gen di truyền của chúng ta, MÃI MÃI.

 

Dĩ nhiên là việc tìm bạn tình thời hiện đại trông có vẻ rất khác so với tổ tiên của chúng ta ngày trước. Tuy nhiên các chiến lược về tình dục từ thuở hồng hoang vẫn chẳng khác bao nhiêu, và thậm chí còn được áp dụng mạnh mẽ hơn.

Tâm lí học tiến hóa của việc chọn bạn tình vẫn còn đúng ở thời nay là bởi vì nó là thứ duy nhất chúng ta sở hữu.

 

Tuy nhiên, đã có một sự chuyển đổi mang tính nền tảng trong vai trò của hai giới trong 50 năm qua. Vào những năm 1980, các tiếp viên hàng không ở Mỹ có thể bị sa thải nếu dám kết hôn và quyền được bầu cử của phụ nữ Switzerland mãi đến năm 1990 mới được áp dụng.

 

Liệu chúng ta có nên mong đợi những thay đổi trong sở thích chọn bạn đời của đàn ông và phụ nữ “chăng”? Hay chúng ta vẫn chịu sự thương hại từ vận mệnh sinh học, thứ đã chi phối chúng ta từ hàng trăm nghìn năm nay?

 

Trong một nghiên cứu gần đây của nhà tâm lí học Marcel Zentner, các xu hướng chọn bạn tình giữa phụ nữ và đàn ông đang dần trở nên giống nhau nhờ vào phong trào bình đẳng giới, khi phụ nữ có cơ hội tiếp cận nhiều tài nguyên và cơ hội làm việc, chính trị và giáo dục.

 

Ở các nước bất bình đẳng giới, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, phụ nữ đánh giá khả năng kiếm tiền của đối tác quan trọng gấp hai lần so với các nước có sự bình đẳng giới như Phần Lan.

Đàn ông Phần Lan hiện nay hay có xu hướng chọn bạn tình dựa trên trình độ giáo dục của phụ nữ hơn là sắc đẹp và tuổi tác.

 

Lẽ dĩ nhiên là việc phân biệt giới tính là khác nhau với mỗi cộng đồng khác nhau, và mức bình đẳng giới của một quốc gia không nhất thiết phải tương đồng với quan điểm về bình đẳng giới giữa các cá nhân.

Nhưng nếu các ưu tiên về vấn đề chọn bạn tình đã được định trước về mặt sinh học, thì việc phân biệt giới tính của mỗi cá nhân sẽ chẳng có chút tác động nào.

 

Tuy nhiên theo nghiên cứu được tiến hành ở 9 quốc gia đã chứng minh điều ngược lại. Những người đàn ông càng tỏ thái độ bất bình đẳng giới càng quan tâm đến những phẩm chất như sắc đẹp và tuổi trẻ; và phụ nữ có thái độ bất bình đẳng giới càng quan tâm tới những phẩm chất của nam giới như tiền bạc và địa vị.

 

Bằng chứng này chỉ ra một số sai sót nghiêm trọng của các nhà tâm lí học tiến hóa. Nếu bản năng chọn bạn tình đã được gắn chặt vào gen, thì tại sao nó lại dần bị xói mòn khi đi cùng với sự đi lên của phong trào bình đẳng giới.

 

Công bằng mà nói thì các nhà tâm lí học tiến hóa thừa nhận rằng các yếu tố văn hóa và phong tục địa phương có thể ảnh hưởng tới cách mọi người lựa chọn đối tác. Nhưng bình đẳng giới không được coi là một trong những yếu tố này, vì ngay cả ở những xã hội tương đối bình đẳng, chênh lệch giữa đàn ông và phụ nữ chỉ bị giảm đi chứ không hoàn toàn biến mất.

 

Tuy nhiên sự khác biệt chỉ ngày một được thu hẹp, muốn nó thực sự biến mất thì cần sự bình đẳng giới hoàn toàn, nhưng điều này thì vẫn chưa tồn tại.

Đáng tiếc là vai trò truyền thống của các giới vẫn tồn tại ngay cả ở các xã hội rất bình đẳng.

Trong một nghiên cứu khác, những người đàn ông có vợ kiếm được nhiều tiền hơn thường có nhiều khả năng phải sử dụng thuốc chống rối loạn cương dương hơn những người khác.

Một cách diễn giải là người chồng cảm thấy bị áp lực khi phải thể hiện sự mạnh mẽ của mình, bởi vì họ không thể đóng vai trò là "người chăm sóc"; một quan điểm khác là sự thiếu vắng của vai trò “trụ cột gia đình” bằng cách nào đó dẫn đến sự bất lực.

Trong một nghiên cứu khác ở Hoa Kỳ, phụ nữ độc thân đã hạ thấp mục tiêu nghề nghiệp của họ và giảm bớt sự quyết đoán của họ với hy vọng làm cho bản thân họ trở nên hấp dẫn hơn đối với nam giới.

Tuy nhiên, nếu xu hướng nam giới coi việc giáo dục tốt và triển vọng kiếm tiền của phụ nữ tiếp tục phát triển thì các chiến thuật này có thể sẽ không còn hiệu quả nữa.

Điều gì sẽ xảy ra nếu một xã hội thực sự đạt được sự công bằng về giới? Liệu phụ nữ và nam giới có sở thích giống hệt nhau về đối tác?

 

Linh cảm của tôi là các lựa chọn của phụ nữ và nam giới có thể không bao giờ hoàn toàn đồng nhất. Sự khác biệt chính có thể là do vấn đề cho con bú sau khi sinh con - một hoạt động tốn nhiều năng lượng, tốn nhiều thời gian và khá khó khăn để hòa nhập với công việc.

 

Thường thì phụ nữ sẽ tìm cách thay thế sự mất mát thu nhập này bằng cách chọn những người chồng có triển vọng kiếm tiền tốt hơn.

Tuy nhiên chính sách xã hội tiến bộ, những thay đổi làm việc và sự tham gia nhiều hơn của cha vào chăm sóc trẻ có thể giảm bớt áp lực trong sự nghiệp.

 

Theo Aeon.co

Tuệ Tĩnh Tiên thánh thuốc Nam

 

TUỆ TĨNH TIÊN THÁNH THUỐC NAM

Tuệ Tĩnh người đặt nền móng cho nền y học cổ truyền của nước ta. Ông đã để lại những bài thuốc, những bộ sách quý về y thuật cho người Việt.

Tuệ Tĩnh sinh năm 1330, tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, người làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương).

Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, cậu bé Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy (Nam Định) nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông.

Khác với những danh nho đương thời, Nguyễn Bá Tĩnh không ra làm quan. Sau khi đi chu du các nơi để nghiên cứu y dược, ông cắt tóc đi tu, về trụ trì chùa Hộ Xá, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh.

Vừa đi tu, Tuệ Tĩnh vừa chuyên tâm học nghề thuốc, chữa bệnh cứu người. Với niềm đam mê vô hạn, ông dốc sức nghiên cứu y thuật, trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Tuệ Tĩnh đã tổng hợp được y dược cổ truyền trong bộ sách "Nam dược thần hiệu" chia làm 10 khoa.

Sau đó, ông tiếp tục hoàn thành 2 quyển của bộ "Hồng Nghĩa giác tư y thư" biên soạn bằng quốc âm, nêu bản thảo của 500 vị thuốc Nam viết bằng thơ Nôm Đường luật; một bài Phú thuốc Nam nêu tên 630 vị thuốc bằng chữ Nôm.

Đó là những tài liệu vô giá, mở đường cho nền y thuật của nước ta sau này. Tác phẩm của Tuệ Tĩnh không chỉ giá trị trong y học, mà còn là tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn học.

Thông qua tác phẩm của mình, Tuệ Tĩnh đã xây dựng được quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam. Câu nói "Nam dược trị Nam nhân" - thuốc của người Nam chữa bệnh cho người Nam thể hiện đầy biện chứng về mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống xung quanh.

Ông phê phán tư tưởng mê tín dị đoan, chỉ tin vào phù chú, không tin vào thuốc. Ông nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: Châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông...

Theo một số tài liệu trong 30 năm hoạt động ở quê nhà, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp được nhiều y án với 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc.

Ngoài chữa bệnh, Tuệ Tĩnh luôn luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Ông nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ, nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong 14 chữ: "Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần/Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình".

Đóng góp lớn vào nền y học nước nhà cùng quan điểm khoa học, tiến bộ đã dẫn dắt ông lên ngôi vị cao nhất của nền y học cổ truyền Việt Nam lúc bấy giờ, được hậu thế suy tôn làm: Tiên thánh thuốc Nam! Ông tổ ngành dược, người mở đầu nền y dược cổ truyền Việt Nam.

Đau đáu quê nhà

Biết tin Tuệ Tĩnh là thần y nổi tiếng nước ta, gặp bối cảnh Đại Việt bước vào giai đoạn suy yếu, triều Minh đã ép nhà Trần phải dâng nộp ông cho thiên triều phương Bắc. Bấy giờ, triều Trần thời vua Dụ Tông đã mục nát và suy yếu, Tuệ Tĩnh đã bị cống (có tài liệu ghi đi sứ) cho nhà Minh.

Vừa đặt chân tới Trung Quốc, bằng tài năng y thuật hơn người, ông lập tức chữa khỏi bệnh cho Thái hậu Minh triều, được vua Minh rất tin tưởng, phong là Đại y Thiền sư, có ý giữ ông lại lâu dài. Tuy vậy, Tuệ Tĩnh đã khóc trong lễ nhậm chức của mình.

Tuệ Tĩnh vẫn xót thương cho số phận của mình, ông luôn đau đáu nỗi niềm một ngày được về lại quê hương, thoát khỏi cảnh đất khách quê người. Nhưng đó là giấc mơ chẳng bao giờ trở thành hiện thực, cho đến khi qua đời ở Giang Nam (Trung Quốc). Xót thương số phận, Tuệ Tĩnh nhờ người khắc lên bia mộ ông dòng chữ: "Ai về nước Nam cho tôi về với".

Hơn 200 năm sau, năm 1690, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho của nhà Hậu Lê, người cùng làng với Tuệ Tĩnh đi sứ sang Trung Quốc, có đến viếng mộ ông. Đọc được dòng chữ ghi trên tấm bia, cảm động với lời nhắn gửi thiết tha của vị danh y, Nguyễn Danh Nho đã sao chép bia mộ và tạc khắc bia đá mang về quê hương.

Đến địa phận huyện Cẩm Giàng, thuyền chở bia bị đắm. Mọi người cho đó là đất đắc địa nên dựng bia tại nơi bia bị chìm, nay là đền Bia, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).

Nhiều thế kỷ qua, Tuệ Tĩnh được nhân dân suy tôn là vị Tổ ngành y của Việt Nam. Nhớ tới công lao to lớn của Tuệ Tĩnh với nền y dược nước nhà, nhiều địa phương trên cả nước đã chọn tên ông để đặt cho các cung đường ở các đô thị.

Đền thờ của ông được lập ở xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ (Hải Dương). Ở chùa Hải Triều làng Yên Trung, nay là chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, có đặt thờ tượng Tuệ Tĩnh.

Theo Giáo Dục và Thời Đại