.
Thông minh xã hội
Nếu thông minh trí tuệ được định nghĩa như khả năng tìm ra giải pháp tốt nhất trong một tình huống thì thông minh xã hội là khả năng thực hành tốt nhất các liên hệ xã hội trong sự hài hòa. Cho nên thông minh xã hội có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống.
.
Thông minh trí tuệ, điển hình nhất là qua chỉ số IQ, được xem trọng, được trắc nghiệm đo đếm, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy là thông minh trí tuệ thôi không đủ để thành công trong trường đời – có những “quán quân IQ” mà hiện ta gọi là những người có “tiềm năng trí tuệ cao” (HPI) nhưng chỉ là những người rất “tầm thường” trong xã hội.
.
Thông minh xã hội là nghệ thuật phân tích môi trường chung quanh ta để từ đó rút ra những “tin tức” cần thiết hầu bố trí và tìm giải pháp tốt nhất cho những liên hệ của ta với người khác trong xã hội. Có thông minh xã hội không khác nào có máy dò ra-đa cho ta những dữ kiện cần thiết để từ đó liệu cách phù hợp nhất mà ứng xử cho thuận lòng mình, hợp hoàn cảnh và vừa lòng người.
.
Từ đó cho ta khả năng thích hợp với mọi người, hòa đồng trong nhóm. Thông minh nhận định cách suy nghĩ của tha nhân, hiểu người đối tác và có khả năng trả lời trên cùng tầng sóng để liên hệ xã hội được hòa thuận.
.
Một giáo viên giàu thông minh xã hội là một giáo viên biết nhận định chính xác về những đặc thù của học trò mình để đưa bài giảng dưới dạng thích hợp, đáp ứng được nhu cầu và chờ đợi của chúng, tạo dựng sự hợp tác trong lớp và không khí phấn khởi học tập.
Dĩ nhiên, bên cạnh đó, giáo viên này cũng phải có khả năng chuyên nghiệp cao. Nhưng chuyên nghiệp thôi không đủ.
.
Ngôn ngữ là một phương tiện căn bản để phát triển thông minh xã hội: ngôn ngữ diễn tả cảm xúc từ cá nhân này sang cá nhân khác
.
Cấu trúc gia đình hạt nhân – chỉ có bố mẹ và con, trẻ ít có dịp sống với người khác như gia đình 3,4 thế hệ nên rất cần có nhà trẻ, trường mầm non là những nơi giúp trẻ phát triển thông minh xã hội cùng lúc với gia đình.
.
Nhiều nghiên cứu cho thấy TV, và gần đây hơn, games on line không hỗ trợ cho phát triển ngôn ngữ với hậu quả sau đó, không giúp phát triển thông minh xã hội.
.
Trong xã hội, ta vẫn thường gặp những người cực kỳ thông minh trí tụê nhưng sống xa lánh người khác, không thành công trên đường đời. Ngược lại, có những người rất bình thường nhưng “nhập cuộc dễ dàng trong mọi tình huống”, “giỏi điều khiển thuyết phục, nói điều gì ra mọi người đều tuân theo, … và thành công tốt đẹp.
Vài minh họa cho thông minh xã hội
- Quan sát các cô bảo mẫu trong một nhà trẻ. Có cô chỉ đứng thẳng, với nguyên chiều cao của mình, “nói chuyện” với các cháu bé trong khi các cháu chỉ có thể thấy … đầu gối của cô. Có cô khác, vừa vào lớp xong là sà xuống đất, ngang tầm với chiều cao của trẻ, bắt đầu chơi cùng các em, đối thoại trực diện, bằng ánh mắt, bằng đôi tay, …
Trong một tình huống khác, có cô chỉ trả lời các em gọi sau 5 hay 6 giây, có cô khác đã “thấy” các em cần đến người lớn trước khi các em gọi ! …
- Các sinh viên hiện đi học có thể đã trải nghiệm với một giáo sư ít thông minh xã hội: ông hay bà này có thể giảng bài suốt buổi, mắt không rời tập giáo trình, mặc cho sinh viên có tiếp thu hay không. Tương tự, có những vị giám khảo hỏi thi (vấn đáp) các thí sinh mà mắt cứ nhìn ra cửa sổ chứ không nhìn thí sinh để hiểu rõ câu trả lời, để khuyến khích thí sinh nói tiếp,…
.
Khả năng khôi hài là một hình thức, một biểu hiện của thông minh xã hội ?
Đúng, khôi hài để giảm nhiệt một tình thế căng thẳng. Khôi hài để bắc cầu cho một liên hệ xã hội. Khôi hài để phê bình mà người bị phê bình chấp nhận dễ dàng. Khôi hài cho đời vui hơn (cho mình và cả nhóm)..
Chính Albert Einstein cũng nói “khôi hài là điều duy nhất có giá trị tuyệt đối trong một xã hội như xã hội chúng ta”.
.
.Để sống tốt với người khác, dù làm nghề nào, kể cả “nghề” làm … cha mẹ, cũng cần thông minh xã hội (phải thương và hiểu con thì mới dạy chúng được vì dù là con của chúng ta, mỗi cháu đều có những cá tính khác nhau!).
Những người làm công tác lãnh đạo, quản lý xã hội càng cần có tư chất thông minh xã hội. Thông minh xã hội có thể giúp người quản lý nhận dạng các nhu cầu, các khó khăn, … của người dân nhanh chóng hơn hầu có thể tìm cách để thỏa mãn nhu cầu hay giải quyết vấn đề ấy. Ta gọi là cái “tâm” của nhà quản lý.
Cuối cùng, thông minh xã hội không xa gì khái niệm “Nhân-từ” ở ta. “Nhân” vốn là thương người, cảm thông với nỗi khổ đau của người khác (Nho giáo), còn “từ” là tinh thần yêu thương mọi sinh linh của nhà Phật. Có khác chăng là khoa học dựa trên các kiểm chứng chứ không là một vấn đề tâm linh hay triết lý.