Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Người có trí tuệ nói chuyện như thế nào?

Mặc Tử là nhà tư tưởng nhà chính trị gia thời Xuân Thu Chiến Quốc. Một lần, học sinh của ông là Tử Cầm hỏi ông: “Thưa thầy cho con hỏi, nói nhiều tốt hơn hay là nói ít tốt hơn?”
Mặc Tử trầm ngâm một lát rồi trả lời: “Lời nói quá nhiều thì có gì là tốt đâu? Ví như ếch xanh ở trong hồ nước, cả ngày lẫn đêm đều kêu gọi không ngừng khiến cho chính lưỡi và miệng của nó đều bị khô mà lại còn không có ai để ý đến và yêu thích nó. Nhưng con gà trống trong chuồng gà thì khác, trời hửng sáng gáy gọi hai, ba tiếng thì mọi người liền thức dậy, còn cảm ơn nó. Bởi vì tiếng gọi của nó là thích hợp hữu ích. Cho nên, nói chuyện thì nên học theo gà trống, đừng nên học theo ếch xanh.”
Trong cuộc sống chúng ta thường thấy, nếu như con cái phạm một sai lầm nào đó, cha mẹ sẽ chỉ trích, trách mắng. Lúc ban đầu, con cái còn cảm thấy mình có lỗi, đúng là không nên làm những sự việc sai trái như vậy, còn cảm thấy áy náy và hổ thẹn. Nhưng một khi cha mẹ trách mắng không dứt lời thì con cái sẽ cảm thấy mệt mỏi. Thậm chí, cuối cùng còn thể hiện thái độ và hành vi đối địch lại với cha mẹ. Cha mẹ càng là nói theo hướng đông thì con cái lại càng là đi sang hướng tây.
Hay trong đơn vị công tác, khi cấp trên báo cáo, khởi đầu nhân viên sẽ hứng thú và tập trung nghe. Nhưng nếu như cấp trên cứ lật ngược lại vấn đề đó vài lần thì sẽ khiến nhân viên bắt đầu phân tán, phát sinh phản cảm. Hơn nữa, trong lòng nhân viên, sự cảm kích đối với cấp trên đã bắt đầu hạ thấp xuống và cuối cùng có thể còn chán ghét, xem thường vị này.
Đây là hiệu ứng “quá giới hạn” trong cuộc sống: Tức là kích thích quá nhiều, quá mạnh trong thời gian quá lâu khiến cho tâm lý bị mất kiên nhẫn, hoặc là xảy ra hiện tượng tâm lý phản ngược lại. Mỗi một người khi tiếp nhận tin tức, nhiệm vụ, kích thích thì chỉ có tiếp nhận một dung lượng nhất định, nếu vượt quá dung lượng này thì người tiếp nhận sẽ không chăm chú đón nhận được nữa.

Có thể thấy rằng, tác dụng của ngôn ngữ không phải phụ thuộc ở “số lượng” lời nói mà là ở “chất lượng” nội dung lời nói. Tây Phương có câu ngạn ngữ: “Thượng đế sở dĩ cho con người một cái miệng, hai cái lỗ tai, chính là muốn con người nghe nhiều hơn và nói ít đi.”





4 nguyên tắc giáo dục vĩ đại

Nguyên tắc thứ nhất: Nguyên tắc bể cá
Cá vàng vùng nhiệt đới được nuôi trong bể thì tối đa chỉ dài khoảng 30cm, dù có nuôi lâu thế nào cũng không thể lớn hơn. Nhưng nếu đem loại cá này mà thả xuống ao thì chỉ hai tháng sau con cá ban đầu 30cm có thể dài đến 34cm.
Giáo dục trẻ nhỏ cũng giống như vậy, trẻ nhỏ muốn phát triển thì cần có không gian tự do. Cha mẹ mà quá bao bọc giữ gìn thì chẳng khác nào nhốt con vào “bể cá”, đứa trẻ lớn lên trong “bể cá” thì vĩnh viễn không thể thành con cá lớn.
Nếu muốn trẻ nhỏ phát triển khỏe mạnh rắn rỏi, nhất định phải cho chúng không gian hoạt động tự do, chứ đừng để chúng loanh quanh trong cái “bể cá” mà cha mẹ xây nên. Thuận theo tiến bộ xã hội, kiến thức đời sống cũng gia tăng hàng ngày, người làm cha mẹ cần phải hạn chế áp đặt những tác động và ý kiến cá nhân của mình, và cung cấp cho đứa trẻ không gian tự do để phát triển.
Nguyên tắc thứ hai: Nguyên tắc con sói
Sói là loài động vật có tính hiếu kỳ mạnh nhất trong giới tự nhiên, chúng không bao giờ coi bất cứ điều gì là đương nhiên, mà có khuynh hướng tự mình khám phá và thể nghiệm, thế giới tự nhiên mê hoặc và mới mẻ sẽ mãi mãi khiến chúng ngạc nhiên sửng sốt. Con sói luôn có hứng thú với hoàn cảnh xung quanh, chúng có thể liên tục phát hiện thức ăn, đoán biết được nguy hiểm, nhờ thế mà có khả năng sinh tồn mạnh mẽ.
Vì vậy, muốn bồi dưỡng năng lực học tập mạnh mẽ cho trẻ nhỏ, nhất định phải khơi gợi tính hiếu kỳ và ưa khám phá của chúng. Hãy hướng cho chúng quan sát cuộc sống một cách tỉ mỉ, lấy hứng thú làm mục đích của học tập. Đứa trẻ được giáo dục như vậy trên đường đời sau này sẽ trở thành một ngôi sao sáng, trong công việc có thể đưa ra những sáng kiến và suy nghĩ mới mẻ.
Nguyên tắc thứ ba: Hiệu ứng gió Nam
Giữa gió Nam và gió Bắc thì thử hỏi bên nào mạnh hơn? Nhìn xem bên nào có thể thổi bay áo khoác của người đi đường là biết ngay! Gió Bắc bất kể là mãnh liệt thế nào cũng chỉ khiến người đi đường buộc chặt quần áo hơn, trong khi gió Nam chỉ khe khẽ lung lay lại khiến người ta nới rộng áo khoác.
Hiệu ứng gió Nam đã nói cho chúng ta một điều, khoan dung là một loại lực lượng có tính uốn nắn mạnh mẽ. Giáo dục trẻ nhỏ cũng tương tự như thế, những phụ huynh một mực phê bình con cái cuối cùng sẽ phát hiện ra rằng con cái họ càng ngày càng không chịu nghe lời.
Đứa trẻ nào cũng có thể phạm sai lầm, cha mẹ cần phải khoan dung với khuyết điểm của con mình, phải biết xử lý các vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày một cách khách quan, lý trí và khoa học; đồng thời thông cảm cho chúng; tự mình bắt tay vào làm tốt mọi việc như vậy mới có thể giáo dục con cái tốt hơn.
Nguyên tắc thứ tư: Hiệu ứng Robert Rosenthal
Robert Rosenthal là một nhà tâm lý học người Mỹ, năm 1966 ông làm một thí nghiệm thú vị về thành tích kỳ vọng đối với các học sinh. Ông đến một lớp học bất kỳ và chọn ra vài cái tên ngẫu nhiên trong danh sách lớp, sau đó ông giao cho giáo viên chủ nhiệm bản danh sách “Những học sinh có triển vọng nhất” này. 8 tháng sau Rosenthal cùng người trợ lý quay lại lớp học kia, và kỳ tích đã xảy ra, tất cả những em có tên trong danh sách đều trở thành những học sinh xuất sắc của lớp.
Bí quyết nâng cao thành tích học tập của các em học sinh kia thật ra rất đơn giản, đó là vì chúng đã được thầy giáo quan tâm và đánh giá cao hơn.
Mỗi đứa trẻ đều có thể trở thành một thiên tài, nhưng điều đó có thể thực hiện được hay không phụ thuộc vào việc cha mẹ và thầy giáo có thể đối đãi với chúng như một thiên tài hay không, có thể kỳ vọng và quý trọng chúng hay không. Phương hướng phát triển của trẻ nhỏ được quyết định bởi kỳ vọng của thầy giáo và cha mẹ chúng; nói một cách đơn giản, bạn kỳ vọng con mình trở thành một người thế nào thì con bạn sẽ có khả năng trở thành một người như thế.

Theo Sound of Hope | Dịch giả: Minh Nữ






Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Gieo gì hôm nay?

Gieo gì hôm nay? 

Nếu bạn gieo thành thật, bạn sẽ gặt lòng tin .
Nếu bạn gieo lòng tốt , bạn sẽ gặt thân thiện.
Nếu bạn gieo khiêm tốn, bạn sẽ gặt cao thượng.
Nếu bạn gieo kiên nhẫn, bạn sẽ gặt chiến thắng. 
Nếu bạn gieo cân nhắc, bạn sẽ gặt hoà thuận.
Nếu bạn gieo chăm chỉ, bạn sẽ gặt thành công.
Nếu bạn gieo tha thứ, bạn sẽ gặt hoà giải.
Nếu bạn gieo cởi mở, bạn sẽ gặt thân mật. 
Nếu bạn gieo chịu đựng, bạn sẽ gặt cộng tác.
Nếu bạn gieo niềm tin, bạn sẽ gặt phép mầu.
Nhưng…
Nếu bạn gieo dối trá, bạn sẽ gặt ngờ vực.
Nếu bạn gieo ích kỷ, bạn sẽ gặt cô đơn.
Nếu bạn gieo kiêu hãnh, bạn sẽ gặt huỷ diệt.
Nếu bạn gieo đố kỵ, bạn sẽ gặt phiền muộn.
Nếu bạn gieo lười biếng, bạn sẽ gặt mụ mẫm.
Nếu bạn gieo cay đắng , bạn sẽ gặt cô lập.
Nếu bạn gieo tham lam, bạn sẽ gặt tổn hại.
Nếu bạn gieo tầm phào , bạn sẽ gặt kẻ thù.
Nếu bạn gieo lo lắng, bạn sẽ gặt âu lo.
Nếu bạn gieo tội lỗi, bạn sẽ gặt tội lỗi.

Vì vậy, hãy cẩn thận với những gì bạn gieo hôm nay, nó sẽ quyết định những gì bạn gặt vào ngày mai!



Người không có tánh tham lam, bỏn xẻn thì tất không bị tiền của trói buộc, tất được thảnh thơi; người không hay ngờ vực, có đức tin, thì hăng hái trong công việc, được người chung quanh tin cậy và dễ thành tựu trong đường đời… Quanh chúng ta, những cảnh tượng nhân và quả ấy diễn ra không ngớt. 
Nói một cách tổng quát, về phương diện vật chất cũng như tinh thần, người ta gieo thứ gì thì gặt thứ ấy.

Cách giáo dục con độc đáo của một người cha

“Tuyệt chiêu” của người cha biến con trai mình từ một học sinh cá biệt thành sinh viên xuất sắc
Đây là câu chuyện về một người cha đã “chơi chiêu” đứa con trai nổi loạn của mình, đã khiến cậu từ một học sinh yếu kém ở trường trung học, trở thành một sinh viên xuất sắc – theo lời kể của người con, Lưu Xuân.
Trước khi tôi học xong tiểu học, cả gia đình tôi chuyển đến Mỹ. Không lâu sau đó tôi bắt đầu vào trung học, và trở thành một thiếu niên bất trị.
Tôi đã khiến các giáo viên đau đầu; Tôi nghịch ngợm, học kém, và hay mơ mộng hão huyền.
Tôi luôn mơ ước trở thành Michael Schumacher tiếp theo – tay đua công thức một tài năng và nổi tiếng nhất thế giới. Rốt cuộc là, điểm số của tôi tụt xuống hạng “C”.
Sau đó, một ngày cha tôi đã nói chuyện với tôi về việc học của tôi. Ông mỉm cười đầy ẩn ý và tôi biết rằng ông đã có một kế hoạch.
Ông nói: “Thầy giáo nói với ba rằng con mơ ước trở thành Michael Schumacher, và con không muốn học, phải vậy không?”
Tôi cảm thấy sự giễu cợt trong lời nói của ông, đó là một sự xúc phạm lớn đến lòng tự trọng mong manh của một chàng trai 14 tuổi.
Tôi đáp lại một cách bực bội: “Schumacher là thần tượng của con; cũng như con, học dốt, và thậm chí chỉ đạt điểm số 0 ở tuổi con. Nhưng hãy nhìn anh ấy hiện tại xem, anh ấy là tay đua đứng đầu thế giới “.
Cha tôi đột nhiên bật cười vui vẻ, và tiếng cười của ông thậm chí ranh mãnh hơn: “Anh ta đã ghi điểm 0, nhưng con chưa từng thực hiện được điều đó. Vẫn luôn là điểm “C!” Ông chìa cho tôi xem bảng kết quả học tập.
Tôi không thể tin rằng cha tôi đã cười nhạo vì tôi đã không nhận được một điểm số 0; bây giờ tôi đã thực sự bị xúc phạm. “Vậy ba muốn con có được một điểm 0?”, Tôi hỏi. Ông ngả người trên ghế, mỉm cười và nói: “Đúng vậy, tuyệt vời, một ý kiến hay! Hãy đặt cược nhé.”
“Nếu con có thể nhận được một điểm số 0, ba sẽ không bao giờ phàn nàn về việc học của con nữa, và con có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Tuy nhiên, cho đến khi con đạt được điểm số đó, việc học của con phải thực hiện theo hướng dẫn của ba. Con nghĩ sao? ”
Như thế, chúng tôi đã đập tay để xác nhận vụ cá cược.
Tôi đã cười thầm với ý nghĩ mình có một người cha đáng mến, nhưng ngốc nghếch.
Cha tôi nói: “Tuy nhiên, chúng ta đang nói về các bài kiểm tra, và phải có một số quy tắc. Con phải trả lời tất cả các câu hỏi, không được bỏ dở hoặc chừa lại bất kỳ câu hỏi nào mà chưa được trả lời, nếu không, con đang vi phạm thỏa thuận của chúng ta,
OK?” Quá đơn giản, tôi nghĩ, vì vậy tôi trả lời không chút do dự: “Không có vấn đề gì!”
Không lâu sau đó, tôi có bài kiểm tra đầu tiên. Tôi viết tên, và bắt đầu trả lời các câu hỏi. Đáng lẽ đạt điểm 0 không khó nhưng tôi đã không hiểu một nửa trong số các câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên:
“Tổng thống của chúng ta chiến đấu chống lại Đức quốc xã trong Thế chiến ll là ai?; Carter, Roosevelt, hay Eisenhower? ” Tôi biết đó là Roosevelt, nhưng cố tình chọn Eisenhower.
Tôi biết đáp án của hầu hết các câu hỏi, nhưng dần dần, những câu hỏi ngày càng trở nên khó hơn, và tôi không biết đáp án, do đó tôi chỉ đoán các câu trả lời.
Khi bước ra khỏi lớp học, tôi đã rất lo lắng; đạt được điểm số 0 không dễ dàng như tôi nghĩ. Việc đoán các câu trả lời mà tôi không biết vẫn có thể ghi những điểm số ngoài dự kiến, tôi nghĩ.
Khi nhận lại bài kiểm tra, tôi đã ghi thêm một điểm “C” nữa; Tôi thực sự thất vọng. Cha tôi nói: “Hãy cố gắng lần sau. Chỉ cần đạt điểm số 0, con sẽ hoàn toàn tự do!”
Tôi nghĩ ông đã không hiểu rõ những gì ông nói. Ông đã có cơ hội tốt để ép tôi vào khuôn khổ nhưng ông lại không làm vậy. Tôi nghĩ dù sao đạt điểm 0 vẫn dễ dàng hơn nhiều so với ghi 100 điểm. Và tôi vẫn có hy vọng để được tự do làm những gì mình muốn.
Không lâu sau đó, tôi đã có cơ hội thứ hai, nhưng tôi lại thất bại. Tiếp đến, lần thứ ba và thứ tư … nhưng tôi vẫn chỉ đạt điểm “C”, thay vì điểm 0.
Tôi đã nhận ra rằng để ghi một điểm 0, tôi phải học tập chăm chỉ để biết rằng tôi đã không đưa ra đáp án chính xác trong bài kiểm tra. Nói cách khác, tôi phải học được làm thế nào để có đáp án đúng cho mọi câu hỏi.
Một năm sau đó, cuối cùng tôi cũng đã nhận điểm 0 đầu tiên của mình. Điều đó có nghĩa là tôi có đáp án đúng cho tất cả các câu hỏi, nhưng tôi luôn chọn sai. Bữa đó cha tôi đã rất vui – ông vào bếp và nấu những món ăn mà tôi yêu thích để chúc mừng.
Ông dõng dac và tự hào tuyên bố: “Con trai, xin chúc mừng! Cuối cùng con đã ghi được một điểm số 0.” Ông nháy mắt với tôi và nói thêm: “Chỉ có những sinh viên xuất sắc mới biết làm thế nào để có được một điểm số 0, và bây giờ chắc con đã hiểu. Con đã bị lừa! Hahaha!”
Vâng, cha đã lừa tôi. Trong trò chơi cá cược này, tôi đã cư xử chính xác như những gì ông muốn. Ông đã khéo léo thay đổi mục tiêu 100 điểm trong bài kiểm tra bằng điểm 0, vì vậy tôi sẽ dễ dàng chấp nhận nó, và sẵn sàng làm việc để đạt mục tiêu đó. Tôi có thể làm gì khác đây?
Cuối cùng tôi đã được nhận vào Đại học Harvard, hoàn thành bằng thạc sĩ, và hiện tại đang làm tiến sỹ. Tôi đã viết một cuốn sách và dịch nó, và đã giành được giải thưởng trong âm nhạc và biểu diễn.
Năm tôi mười tám, tôi chợt nhận ra, rốt cuộc tôi đã không còn muốn trở thành một ai đó giống như Schumacher; Tôi chỉ muốn được là chính mình – Lưu Xuân.

Tác giả: Yi Ming 


Lưu Xuân (trái) và cha của mình (Ảnh: mf-china.com.cn)


Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Ngôn ngữ của con mắt

Nếu bạn dùng mắt chỉ để đạt tới cho sự thèm khát, thế thì mắt bạn sẽ dần dần trở thành đờ đẫn. Con mắt thèm khát bao giờ cũng đờ đẫn. Con mắt thèm khát bao giờ cũng xấu.
Nếu một người nhìn bạn với con mắt thèm khát, bạn bỗng nhiên cảm thấy bị xúc phạm - người đó đang xâm phạm. Mắt người đó giống như con dao đâm vào tim. Người đó không phải là người có văn hoá, người đó không lịch sự chút nào.
Khi bạn nhìn người đàn bà với đôi mắt thèm khát thì bạn không phải là quí ông lịch sự. Thực sự, bạn có chút ít vô nhân.
Khi đôi mắt nhạy cảm, không thèm khát, chúng có chiều sâu.
Khi mắt không nhạy cảm, mà chỉ thèm mãnh liệt cảm giác, chúng nông cạn. Và bạn sẽ thấy chúng đục ngầu: chúng sẽ không trong suốt.
Khi đôi mắt cực kì nhạy cảm, thế thì chúng có chiều sâu, chiều sâu trong suốt. Bạn có thể nhìn vào chúng và bạn có thể đạt tới chính trái tim của người đó. Người đó trở thành sẵn có qua đôi mắt của mình, và qua đôi mắt, bạn có thể thấy mình đang gặp kiểu người nào.
Mắt mang tính rất chỉ dẫn. Đó là lí do tại sao những kẻ phạm tội không bao giờ nhìn thẳng vào mắt bạn, họ sẽ tránh điều đó. Người phạm tội sẽ nhìn sang bên cạnh, họ sẽ không nhìn thẳng - bởi vì họ không hồn nhiên. Họ biết rằng mắt họ có thể tiết lộ, mắt họ có thể nói điều gì đó mà họ không muốn nói. Nếu bạn có thể quan sát mắt người, bạn có chính chiếc chìa khoá vào cá tính người đó.


Phân hạng phẩm chất con người

Con người ta sống trên đời có thể phân thành 3 hạng, thượng đẳng, trung đẳng và hạ đẳng. Chính cách suy nghĩ như thế nào sẽ quyết định tương lai bản thân trở thành người như thế ấy.
Bạn là loại người nào? Câu hỏi nghe có vẻ khó chịu, nhưng bạn đã bao giờ thử tự hỏi mình? Nếu vẫn chưa tìm ra câu trả lời thì xin mời đọc tiếp…
- Cống hiến, trao đổi và giành giật
Người thượng đẳng sẽ Cống hiến, dù cho gặp việc gì cũng muốn bỏ thêm tâm sức vào để hoàn thành cho tốt, tự mình thực hiện không nề hà.
Người trung đẳng sẽ trao đổi. Biết được điểm mạnh yếu của mình, họ sẽ đạt được điều mình mong muốn thông qua cách trao đổi, đôi bên cùng có lợi.
Người hạ đẳng sẽ giành giật. Không muốn Cống hiến, cũng không muốn trao đổi, người hạ đẳng luôn tìm mọi cách để lấy thứ của người khác biến thành thứ của mình.
- Năng lực và nóng nảy
Người thượng đẳng có năng lực, điềm đạm không nóng nảy;
Người trung đẳng nóng nảy, có năng lực;
Người hạ đẳng nóng nảy, không năng lực.
- Tầm ảnh hưởng
Người thượng đẳng sẽ được người người ca ngợi; 
Người trung đẳng không ai biết đến;
Người hạ đẳng sẽ bị người đời chế nhạo không ngừng.
- Tín niệm
Người thượng đẳng tín niệm kiên định;
Người trung đẳng tự tin vào mình;
Người hạ đẳng sợ sệt hoài nghi.
- Cống hiến
Người thượng đẳng làm việc cống hiến;
Người trung đẳng thường suy nghĩ đắn đo;
Người hạ đẳng làm việc theo cảm xúc buồn vui của chính mình.
- Ăn nói
Người thượng đẳng nói chuyện có lý lẽ, trí tuệ; 
Người trung đẳng nói đúng sự tình; 
Người hạ đẳng chỉ thường nói chuyện thị phi.
Mệnh do mình không do trời, hãy dùng trí huệ xuất thế để đối đãi với các sự tình trên thế gian. Câu thúc, ước chế bản thân, đừng để mình trở thành người hạ đẳng!
ST



Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Hạnh phúc để phát triển bền vững


Nụ cười hạnh phúc của các cô gái Đan Mạch. Ảnh Reuters

Bản Phúc trình Thế giới Hạnh phúc năm 2016, World Happiness Report 2016 Update, xếp hạng 157 quốc gia theo mức độ hạnh phúc của người dân, vừa được công bố hôm qua, 16/03/2016 tại Rome, chỉ trước ngày Hạnh phúc Thế giới, International Day Of Happiness 20/03 do Liên Hiệp Quốc đề xướng vài ngày.

Sau ba bản phúc trình trước đây, Phúc trình Thế giới Hạnh phúc ngày càng được nhiều người đón nhận hơn, phản ảnh sự quan tâm ngày càng gia tăng trên toàn cầu trong việc sử dụng hạnh phúc và chất lượng cuộc sống là chỉ dấu quan trọng hàng đầu trong việc đánh giá sự phát triển của con người.

Thông tin được đăng trong bảng xếp hạng về chỉ số hạnh phúc do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững và Viện Trái đất thuộc Đại học Columbia, Mỹ công bố ngày 16/3/2016.
Thứ bậc của một số các nhóm nước :
1. Đan Mạch,  2. Thụy Sỹ, 3.Iceland,
13. Mỹ, 16. Đức 23. Anh, 32. Pháp, 9. Úc,
53. Nhật, 56. Nga, 58, Hàn Quốc,
83. Trung Quốc, 35, Đài Loan, 75. Hồng Kong,
96. Việt Nam, 33. Thái Lan, 119. Lào
Các tiêu chí xếp hạng gồm :  GDP đầu người,  sự hỗ trợ từ xã hội,  số năm sống khỏe mạnh so với tuổi thọ trung bình, sự tự do cá nhân (lựa chọn các yếu tố trong cuộc sống),  sự rộng lượng (tỉ lệ đóng góp từ thiện so với GDP đầu người),  mức độ tham nhũng.
Nguồn http://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/article/2016/03/17/ban-co-dang-song-o-mot-dat-nuoc-hanh-phuc?language=vi