Hiển thị các bài đăng có nhãn Cách mạng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cách mạng. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

Ngày 2-9-1945 qua con mắt n gười nước ngoài

 

NGÀY 2-9-1945 QUA CON MẮT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Lu-xiên Cô-nin ngồi trong quầy rượu của khách sạn Metropole, bình tĩnh quan sát quang cảnh náo động ngoài phố và ngay sau đó đã bình phẩm không úp mở: "Thật quá trời! Tôi phải ngồi trong khách sạn để khỏi bị chen lấn xô đẩy trong đám đông đến hàng chục vạn người!

Thật không thể tưởng tượng được! Tất cả mọi người đều đổ ra đường. Họ có những người "nhạc trưởng", dẫn dắt các nhóm đi cổ vũ.

Không khí ngày 2-9 cuồng nhiệt, say sưa đến lạ lùng. Có một cái gì đã xảy ra và người ta không muốn để tuột mất. Có ai đó đọc một bài phát biểu dài nhưng họ không biết người đó là ai. Những người "nhạc trưởng" nói với họ lúc nào ra hiệu thì vỗ tay hoan hô".

Trong khi đám đông hô vang "Độc lập" kéo dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh tươi cười bước ra đứng trước mặt mọi người. Ông khoát tay yêu cầu mọi người im lặng. Ông nói đặc giọng xứ Nghệ quê hương. Với giọng nói rõ ràng, chính xác, bình tĩnh và ấm áp, ông đọc bản Tuyên ngôn độc lập mà ông đã viết trước đó: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong bản Tuyên ngôn độc lập và ngồi xuống, tiếng hoan hô reo hò lại nổi lên.

Sau đó Võ Nguyên Giáp phát biểu. Bài phát biểu của ông dài hơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, miêu tả những thế lực hiện đang có và những mối nguy hiểm mà Chính phủ phải đương đầu.

Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh đến việc tăng cường đoàn kết, nhất trí và cần phải giảm bớt những việc thái quá.

Ông nói: "Người Pháp đang lăm le trở lại cướp đất nước ta bằng vũ lực... Nếu điều đình không đi đến kết quả, chúng ta lại phải cầm vũ khí để chống lại kẻ xâm lược...". Ông tuyên bố: "Nước Mỹ đã giúp đỡ chúng ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập, đã cùng chiến đấu với chúng ta chống phát xít Nhật, vì vậy nước Mỹ là đồng minh của chúng ta".

Buổi lễ kết thúc bằng lễ tuyên thệ: "Chúng tôi, toàn thể dân tộc Việt Nam nhất trí xin thề: Ung hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin thề sát cánh với Chính phủ, giữ gìn nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc và phản đối mọi âm mưu xâm lược của nước ngoài dù phải hy sinh tính mạng.

Nếu Pháp trở lại xâm lược một lần nữa, chúng tôi xin thề:

Không đi lính cho Pháp!

Không hợp tác với Pháp!

Không bán lương thực cho Pháp!

Không dẫn đường cho Pháp!".

Triệu người như một, cất vang lời thề: "Xin thề!"

Cùng ngày, cùng giờ, cách Ba Đình hàng nghìn cây số, chính quyền Lâm thời Nam bộ do Trần Văn Giàu, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Sài Gòn - Gia Định tổ chức ở Sài Gòn một cuộc mít-tinh tương tự để nghe Tuyên ngôn độc lập ở Hà Nội. Khi cuộc mít-tinh kết thúc, đồng bào Sài Gòn tỏa ra trên các đường phố để trở về nhà thì những người Pháp nấp sau Nhà thờ Đức Bà ở giữa thành phố đã nổ súng vào đám đông, làm 87 người chết và bị thương. Các nhóm tự vệ Việt Minh đã ra sức chống trả. Cuộc chiến tranh Đông Dương chưa bùng nổ mà đã có những vụ ẩu đả, nổ súng xảy ra.

Chính phủ lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh họp phiên đầu tiên vào sáng 3-9 trong căn phòng của dinh Thống sứ cũ. Trong khi mọi người chờ Hồ Chí Minh tới, Võ Nguyên Giáp nghĩ đến câu nói của Lê-nin: "Giành chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó hơn". Võ Nguyên Giáp phát biểu kiểm điểm lại các sự kiện mới nhất gần đây bằng những lời lẽ đôi khi đượm chút trữ tình.

Xê-xin B.Cu-ry (Giáo sư sử học người Mỹ)

 

Theo bienphong.com.vn