Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Giải mã chìa khóa thành công của cuộc đời chính là “tình yêu”?


GỈAI MÃ CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG CỦA CUỘC ĐỜI CHÍNH LÀ “TÌNH YÊU”?

 

76 năm trước, Đại học Harvard đã thực hiện một nghiên cứu về sự phát triển của người trưởng thành kéo dài nhất trong lịch sử. Cuộc nghiên cứu đã theo dõi 268 nam giới, từ độ tuổi thanh niên cho đến lúc họ già, để tìm ra chìa khóa ảnh hưởng tới hạnh phúc cuộc đời họ.

 

Vào năm 1938, Giáo sư Arlie Bock, khi đó là trưởng khoa Y của Đại học Harvard, cảm thấy rằng, toàn bộ cộng đồng nghiên cứu đều quan tâm tới việc “tại sao mọi người bị bệnh, thất bại, hay chán nản”, mà tại sao không ai nghiên cứu “làm thế nào con người có thể được khỏe mạnh, thành công và hạnh phúc”?

Giáo sư Bock đã đề xuất một dự án nghiên cứu đầy tham vọng, dự định theo dõi một nhóm người từ tuổi vị thành niên đến cuối cuộc đời, tập trung vào những thăng trầm trong cuộc sống của họ, ghi lại tỉ mỉ từng chút một về trạng thái tâm lý và hoàn cảnh của họ, ghi lại một cách kịp thời, và cuối cùng sẽ đưa ra đáp án — Loại người nào có khả năng trở thành người hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

 

Các tiêu chí đánh giá người hạnh phúc nhất rất nghiêm ngặt. Ông George Vaillant, nhà tâm lý học chịu trách nhiệm đứng đầu cuộc nghiên cứu trong 32 năm, cho biết người hạnh phúc nhất phải là người đạt được 10 điều sau: hai trong số đó có liên quan đến thu nhập, bốn điều liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần, và bốn liên quan tới các mối quan hệ thân thiết và hỗ trợ xã hội.

 

Ví dụ, sau 80 tuổi bạn phải có sức khỏe thể chất tốt, tinh thần minh mẫn (những người không sống đến 80 tuổi không được coi là người hạnh phúc); 60-75 tuổi có mối quan hệ xã hội tốt khác (bạn bè, thân thiết với con cái của họ); 60-75 tuổi ngoài vợ con ra họ vẫn có các mối quan hệ xã hội tốt (người thân, bạn bè và người quen ); 60- 85 tuổi có mối quan hệ hôn nhân tốt đẹp; mức thu nhập thuộc top 25%.

Đây được gọi là “Nghiên cứu Grant”. Nó được đặt tên theo nhà tài trợ ban đầu của nó, nhà từ thiện William T. Grant. Tính tới nay, nghiên cứu này đã kéo dài 76 năm và tiêu tốn hơn 20 triệu USD.

 

Từ năm 1939 đến năm 1944, nghiên cứu đã chọn ra 268 sinh viên đại học đang theo học tại Harvard vào năm đó. Nhóm người này là nhóm đã ở trên đỉnh cao trong các thanh niên Mỹ, với một tương lai tươi sáng, cơ hội thành công và trường thọ của họ rất cao. Đó chính xác là những gì nghiên cứu Grant cần – những đối tượng sống đủ lâu, nếu không thì họ không được tính là người đạt được đỉnh cao hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

 

Các ứng viên được lựa chọn đều khoảng 19 tuổi, tất cả đều là nam giới người Mỹ da trắng, có xuất thân từ gia đình tốt, thể chất và tinh thần khỏe mạnh, ưa nhìn – thực tế, mỗi người được chọn đều trải qua một “cuộc thi vẻ đẹp” hình thể nghiêm ngặt. Các nhà nghiên cứu có xu hướng chọn những người có cánh tay lực lưỡng, eo săn chắc, bởi vì suy đoán ban đầu là “những người nam tính” có nhiều khả năng có cuộc sống hạnh phúc.

 

Cứ 2 năm một lần, nhóm người này sẽ nhận được một bảng câu hỏi, họ cần trả lời về tình hình sức khỏe có tốt không, tinh thần vẫn bình thường không, chất lượng hôn nhân thế nào, sự nghiệp thành công hay thất bại, và liệu họ có hạnh phúc sau khi nghỉ hưu hay không. Các nhà nghiên cứu đánh giá họ theo bảng câu hỏi mà họ trả lại, với E là kém nhất và A là tốt nhất. Tuy nhiên, chỉ tự bản thân đánh giá thôi là chưa đủ.

 

Cứ sau 5 năm, sẽ có bác sĩ chuyên nghiệp sẽ đánh giá các chỉ số sức khỏe thể chất và tinh thần của các ứng viên tham gia nghiên cứu. Cứ sau 5-10 năm, các nhà nghiên cứu cũng đến gặp trực tiếp những người này và thông qua phỏng vấn, họ có thể hiểu sâu hơn về các mối quan hệ thân thiết hiện tại, thu nhập nghề nghiệp, mức độ hài lòng trong cuộc sống và liệu họ có thích nghi ở từng giai đoạn của cuộc sống hay không.

 

Nhóm người này có thể được xem là “nhóm được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất trong lịch sử”. Họ đã trải qua Thế chiến thứ hai, suy thoái kinh tế, phục hồi kinh tế và sóng thần tài chính. Họ kết hôn, ly hôn, thăng chức, bầu cử, thất bại, lội ngược dòng, không gượng dậy nổi, có người nghỉ hưu an hưởng tuổi già, có người tự hủy hoại sức khỏe và chết trẻ.

 

Cuối cùng, trong số 268 người này thực sự đã xuất hiện nhiều người thành công, cho đến nay, đã có 4 thượng nghị sĩ Mỹ, 1 thống đốc và thậm chí 1 tổng thống Mỹ – John F. Kennedy. Tuy nhiên, hồ sơ nghiên cứu của Kennedy đã bị chính phủ lấy đi, đến năm 2040 nó mới có khả năng được tiết lộ.

 

Kết quả nghiên cứu

Những yếu tố sau đây ít ảnh hưởng đến “thành công trong cuộc sống”: phỏng đoán ban đầu về “đàn ông nam tính” không hề quan trọng, IQ vượt quá 110 không ảnh hưởng đến mức thu nhập, tình trạng kinh tế và địa vị xã hội cao thấp của gia đình cũng ít ảnh hưởng, người hướng ngoại hay hướng nội cũng không quan trọng, cũng không cần phải có kỹ năng xã giao đặc biệt, hay tiền sử gia đình nghiện rượu và trầm cảm cũng không phải là vấn đề.

 

Những yếu tố thực sự ảnh hưởng và giúp họ hướng tới một cuộc sống tốt đẹp là những yếu tố sau: không uống rượu hoặc hút thuốc, tập thể dục đầy đủ, duy trì cân nặng hợp lý, thời thơ ấu được yêu thương, sự đồng cảm và thiết lập được những mối quan hệ thân thiết từ thời trẻ.

 

Dữ liệu sau có thể làm bạn ngạc nhiên:

Những người có mối quan hệ gần gũi với mẹ, trung bình mỗi năm thu nhập hơn 87.000 USD. Những người yêu thương anh chị em có thu nhập trung bình hơn 51.000 USD một năm.

58 người đạt điểm cao nhất trong mục “mối quan hệ thân thiết” mức lương trung bình hàng năm là 243.000 USD. 31 người có điểm thấp nhất trong mục này, có mức lương trung bình không quá 102.000 USD một năm. Chỉ cần bạn có thể tìm được “tình yêu đích thực” trước 30 tuổi – dù đó là tình yêu nam nữ, tình bạn hay tình cảm gia đình, thì bạn có thể tăng rất nhiều cơ hội có một “cuộc sống tốt đẹp”.

Thoạt nhìn, một nghiên cứu suốt 76 năm rút ra kết luận quá đơn giản tới mức khó tin: chìa khóa thành công của cuộc đời chính là “tình yêu”?

 

Nhưng nhà tâm lý học Vaillant cho biết tình yêu, mối quan hệ ấm áp và thân thiết có ảnh hưởng trực tiếp đến “cơ chế ứng đối” của một người. Ông tin rằng mọi người đều sẽ liên tục gặp phải những bất trắc và thất bại.

Sự khác biệt nằm ở phương pháp đối phó mà mỗi người áp dụng: tệ nhất là nhóm ‘gần như điên rồ’ – họ nghi ngờ, hoảng sợ; nhóm tốt hơn một chút là ‘chưa đủ thành thục’ – họ có biểu hiện như tiêu cực, dễ giận; tiếp theo là nhóm ‘thuộc về tố chất thần kinh’ – họ sẽ biết kiềm chế, không bị cảm xúc chi phối; cuối cùng là nhóm ‘thành thục, lành mạnh’ – họ vô tư, hài hước và thăng hoa.

 

Một người sống trong yêu thương, khi gặp thất bại, có thể tự giễu cợt bản thân một chút, cùng bạn bè tập luyện, đổ mồ hôi và xả hơi, đón nhận sự an ủi, động viên của những người thân trong gia đình… Những “phương pháp ứng đối” này có thể giúp ích cho một người nhanh chóng bước vào vòng tuần hoàn hạnh phúc, khỏe mạnh và hưng phấn.

 

Mặt khác, một người “thiếu tình yêu thương”, thường không nhận được sự giúp đỡ khi gặp phải thất bại và cần phải tự mình chữa lành. Trong khi các “phương pháp tự chữa lành” uống rượu và hút thuốc được xem như phổ biến, chúng lại là những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong sớm.

 

Ông Vaillant nói: “Một mối quan hệ ấm áp và thân thiết là sự mở đầu quan trọng nhất cho một cuộc sống tốt đẹp”. Tất nhiên, không phải ai cũng may mắn có được tuổi thơ êm đềm, nhưng tin tốt là dù bạn bao nhiêu tuổi thì cũng có một cơ hội được “sống lại trong tình yêu”.

 

Cuối cùng, chúng ta hãy cùng suy ngẫm về một câu nói của nhà văn Mark Twain: “Cuộc đời ngắn ngủi lắm, chúng ta không có thời gian để tranh cãi, xin lỗi, trút giận, trách móc, thời gian chỉ đủ để yêu, nhưng nó cũng chỉ là trong một chớp mắt, làm người ta tiếc thay!”

 

Theo NTDVN

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Bài phỏng vấn thiền sư Thích Nhất Hạnh chấn động phương Tây


BÀI PHỎNG VẤN THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH CHẤN ĐỘNG PHƯƠNG TÂY: ĐỨC PHẬT LÀ NGƯỜI HẠNH PHÚC

 

Khi thiền sư Thích Nhất Hạnh tới Canada vào năm 2011, nhà báo Andrea Miller đã có cuộc phỏng vấn riêng với ông và bài viết đã gây nhiều tiếng vang ở đất nước này, cũng như tại nhiều quốc gia phương Tây.

 

Sau khi thầy Thích Nhất Hạnh trở lại Vancouver, hai sư cô đưa tôi vào căn phòng khách trong một khu ký túc xá của Đại học British Columbia. Tại đây, ngoại trừ một lọ hoa lan nằm trên bàn, mọi thứ còn lại đều có màu nâu đất.

Thầy Thích Nhất Hạnh mặc áo tu hành màu nâu, chậm rãi nhâm nhi một tách trà có màu vàng nâu, trong khi các nhà sư khác đang ngồi gần đó trên những chiếc ghế bành và thảm màu nâu giản dị.

 

Sư cô Chân Không giới thiệu tôi với thầy rồi mỉm cười và nói rằng tôi là một sự bất ngờ nhỏ với họ. Khi tôi đề nghị được thực hiện cuộc phỏng vấn này, tất cả đều không nghĩ rằng “Andrea Miller” là cái tên của một phụ nữ nên đều mong chờ một vị khách nam giới.

 

Nhưng sau cuộc phỏng vấn này, tôi mới là người bị bất ngờ, bởi những điều hay lẽ phải mà thầy Thích Nhất Hạnh giảng cho tôi, từ cuộc sống sau cái chết, cho tới niềm vui của việc ngồi thiền và về sự tồn tại hay không tồn tại.

Thầy đã mang tới những câu trả lời mà tôi không ngờ tới, rất mới mẻ và chứa đầy sự thông tuệ. Và đây là những gì ông đã trao đổi với tôi:

 

- Khi những người được chúng ta yêu quý gặp vấn đề lớn, như bị tâm thần, bị chấn thương tâm lý hoặc nghiện ngập thứ gì đó, cảm giác sẽ vô cùng đau đớn. Đôi khi ta có thể cảm thấy như vấn đề mà họ đang đối mặt quá lớn, tới mức không còn muốn giúp đỡ họ nữa.

Thậm chí ta còn muốn chạy trốn khỏi họ cùng vấn đề họ đang đối mặt. Nhưng cũng có lúc chúng ta cố giúp và rồi bị cuốn vào vấn đề của họ. Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp những người ở trong hoàn cảnh khó khăn mà không bị choáng ngợp bởi vấn đề của họ?

 

- Khi cảm thấy bị ngợp với vấn đề của người khác thì có lẽ bạn đã làm quá sức. Thứ năng lượng đó không giúp đỡ người khác và hiển nhiên là không giúp ích gì cho bạn. Bạn không nên quá vội vã giúp đỡ người khác. Có hai điều ở đây mà ta cần lưu ý: Cuộc sống và hành động.

Đừng nghĩ quá nhiều về việc phải làm ngay điều gì đó cho người khác - cần phải đặt vấn đề cuộc sống của bản thân mình lên trước. Cuộc sống của bạn phải an lành, phải vui vẻ, hạnh phúc. Khi đó bạn mới có thể hành động để tạo ra niềm vui và hạnh phúc.

Bởi vậy, trước tiên bạn phải tập trung vào việc rèn luyện cuộc sống của mình. Sống sao thật tươi vui, thật an lành. Sống quan tâm tới người khác. Sống hào phóng và biết cảm thông. Đây là các nguyên tắc cơ bản.

 

Chuyện cũng giống như khi ta ngồi dưới gốc một cái cây vậy. Cái cây chẳng phải làm gì, trừ việc sống khỏe mạnh và tươi tắn, nhưng vẫn khiến ta thấy dễ chịu. Khi bạn sống như cái cây đó và lan tỏa làn sóng tươi mới, bạn đã giúp giảm bớt sự khổ đau của những người khác rồi.

 

Cuộc sống của bạn phải đầy sự hài lòng, phải an lành và bạn nên có mặt khi người khác cần tới mình. Chừng đó đã là rất nhiều rồi. Khi trẻ con tới gần và ngồi bên bạn, đó không phải là vì bạn có nhiều bánh kẹo để cho chúng, mà bởi ngồi gần bạn mang tới cảm giác dễ chịu và tươi mới.

Vì thế, hãy ngồi cạnh một người đang đau khổ và hãy cố hết sức để làm những điều bạn có thể làm tốt nhất: Thể hiện sự dễ chịu, quan tâm, tươi mới.

 

- Nếu đang có một cảm xúc khó khăn trong tâm hồn, như tức giận hoặc buồn bã sâu sắc và tôi (xử lý chúng bằng cách) cố tập trung điều hòa nhịp thở của mình thì liệu đó có phải là hành động né tránh cảm xúc của bản thân không?

 

- Thường thì mọi người dễ đánh mất bản thân mình trước những cảm xúc mạnh và bị chúng choán hết tâm trí. Đó không phải là cách để ta chế ngự cảm xúc, bởi khi chuyện xảy ra như thế, bạn sẽ là nạn nhân cuả cảm xúc.

Để tránh không trở thành nạn nhân, hãy hít thở, tĩnh tâm và rồi bạn sẽ nhìn sâu vào bên trong con người mình, thấy rằng cảm xúc cũng chỉ là cảm xúc mà thôi, không hơn. Việc nhìn sâu vào trong tâm hồn mình là rất quan trọng, bởi bạn sẽ không còn sợ hãi nữa.

 

Bạn sẽ bình tĩnh và không còn muốn chạy trốn nữa. Bạn sẽ xử lý tốt hơn các cảm xúc. Hãy xem hơi thở chính là con người bạn. Bạn cần có sự liên kết với hơi thở để trở thành chính mình một cách tốt hơn, để mạnh mẽ hơn.

Rồi bạn sẽ chế ngự cảm xúc tốt hơn. Bạn không nên tìm cách quên đi cảm xúc của mình. Thay vì thế, hãy sống thật với chính mình, dần dần bạn sẽ trở nên cứng rắn và mạnh mẽ để xử lý cảm xúc của mình.

 

- Thật ấm áp khi thấy rất nhiều đứa trẻ xuất hiện ở chốn tu hành.

- Tôi cảm thấy thoải mái với trẻ con. Tôi chưa từng cắt đứt quan hệ của mình với thế hệ trẻ. Tôi luôn giao tiếp với thế hệ trẻ, dù các em sống trong chốn tu hành hay ngoài cuộc sống. Đó là một trong những yếu tố chủ chốt trong niềm hạnh phúc của tôi.

 

Đôi khi các bà mẹ trẻ đưa con của mình vào chùa nghe giảng pháp. Đó là hoạt động nuôi dưỡng tâm hồn rất tốt với mọi người.

Những đứa trẻ có thể không hiểu chuyện gì đang diễn ra, nhưng chúng cảm nhận được bầu không khí an lành. Thứ năng lượng an lành đó rất hiếm hoi trong xã hội - càng hiếm hơn khi có tới 500 người ngồi xuống và cùng nhau tạo ra bầu không khí đầy sự an yên.

 

Nếu bạn cho con cái tiếp xúc với sự an lành và tình yêu, dù rằng chúng rất nhỏ và chưa hiểu lời lẽ thì điều đó không có nghĩa chúng không cảm nhận được gì. Hãy tưởng tượng một bà mẹ trẻ đang cho con bú trong một buổi giảng pháp. Bà mẹ nghe và thấu hiểu những lời lẽ của buổi giáng pháp.

 

Về phần mình, đứa trẻ sẽ vừa uống sữa mẹ, vừa hấp thu phật pháp qua dòng sữa. Đó là một cảnh tượng rất đẹp. Sau này, khi đứa trẻ vấp phải nhiều điều nghiệt ngã trong cuộc sống, chúng sẽ nhớ rằng đã từng có thời gian được tiếp xúc với năng lượng tích cực.

 

Khi những người tu hành cùng nhau hành lễ, họ luôn tạo ra một năng lượng tích cực mà người trẻ có thể cảm nhận và năng lượng này giúp tạo ra các hạt giống cho tương lai.

Đạo Phật luôn cố gắng mang năng lượng tích cực này tới nhiều chốn khác nhau, từ các ngôi trường, các bệnh viện cho tới các tòa thị chính.

 

- Liệu cuộc sống tu hành có xung đột với việc thưởng thức truyền thông không? Liệu chúng ta có thể vừa toàn tâm hướng tới Phật giáo, vừa vui vẻ tận hưởng Internet, TV, các bộ phim và cuốn sách?

 

- Có những cuốn sách và phim hay mà bạn có thể thưởng thức. Điều này là bình thường - thưởng thức chúng hoàn toàn tốt.

Đôi khi chất lượng của một bộ phim hoặc cuốn sách lại không tốt. Tuy nhiên bạn không nên tắt đi hay ngừng đọc sách vì nếu làm vậy, bạn có thể sẽ hồi tưởng và nhớ lại những khổ đau bên trong tâm hồn mình.

 

Đó là điều mà rất nhiều người trong xã hội chúng ta đang làm. Nhiều người không thể là chính mình. Họ có nỗi đau, nỗi buồn hoặc lo lắng bên trong và họ đọc sách hoặc nghe nhạc chỉ để che giấu chúng, để chạy trốn khỏi bản thân mình.

Thưởng thức truyền thông theo cách thức như vậy chỉ là hành động trốn chạy và nó không có tác động lâu dài. Bạn có thể tạm quên đi nỗi khổ đau nhưng cuối cùng sẽ phải trở lại chính mình. Phật dạy rằng chúng ta không nên chạy trốn bản thân mình, thay vì thế phải chăm sóc bản thân và biến đổi nỗi đau.

 

- Ngài sẽ nói gì với người thấy rằng ngồi thiền là chuyện rất khổ sở, khó khăn và họ phải chật vật để làm những điều này?

- Đừng ngồi thiền nữa.

- Thật vậy sao?

- Đúng vậy. Nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi ngồi thiền thì đừng làm thế nữa. Bạn phải nắm bắt chính xác tinh thần của việc ngồi thiền. Nếu phải cố gắng quá mức khi ngồi thiền, bạn sẽ trở nên căng thẳng và điều này khiến cơ thể bạn đau đớn.

 

Ngồi thiền phải mang tới cảm giác dễ chịu. Khi ngồi xem truyền hình trong phòng khách, bạn có thể ngồi xem suốt nhiều giờ mà chẳng khổ sở gì cả. Thế mà khi ngồi thiền, bạn lại thấy khổ sở? Vì sao? Vì bạn đang phải cố gắng làm vậy.

 

Bạn muốn ngồi thiền thành công nên phải chiến đấu (với chính mình). Khi xem TV bạn chẳng phải chiến đấu với ai cả. Bạn phải học cách ngồi thiền mà không phải chiến đấu chống ai cả. Nếu bạn biết cách ngồi thiền như vậy, việc thiền sẽ mang lại cảm giác rất dễ chịu.

Khi Nelson Mandela ghé thăm Pháp một lần, một phóng viên đã hỏi rằng ông thích làm điều gì nhất. Ông nói rằng mình rất bận nên điều thích làm nhất là ngồi không và chẳng làm gì cả. Bởi ngồi không và chẳng làm gì là một niềm hạnh phúc - bạn sẽ hồi phục bản thân mình.

 

Đó là lý do vì sao Phật mô tả thiền giống như ngồi trên một bông hoa sen vậy. Khi ngồi thiền, bạn cảm thấy nhẹ nhõm, tươi mới, tự do. Và nếu không cảm thấy những điều này thì thiền sẽ trở thành một dạng lao động khổ sai với bạn.

Đôi khi nếu bạn không ngủ đủ giấc hay bị cảm lạnh hay gặp điều gì đó khác về sức khỏe, ngồi thiền có thể không mang tới cảm giác hài lòng như bạn mong muốn. Nhưng nếu bạn cảm thấy bình thường, thì trải nghiệm thoải mái khi ngồi thiền là điều luôn có thể xảy ra.

Vấn đề không phải là ngồi thiền hay không, mà là ngồi thiền như thế nào. Ngồi thiền như thế nào để thu được nhiều nhất lợi ích có thể - nếu không bạn chỉ đang phí thời gian mà thôi.

 

- Ông nhấn mạnh rất nhiều tới sự vui thích - thở một cách vui thích, thiền, đi đứng và tận hưởng cuộc sống cùng nhau một cách vui thích - nhiều hơn hẳn các sư thầy khác trong Phật giáo.

 

- Trong hoạt động giảng dạy Phật pháp, sự thoải mái và niềm vui là các yếu tố giúp mang tới sự giác ngộ. Trong cuộc sống có rất nhiều sự khổ đau. Tại sao bạn phải rước thêm sự khổ đau nữa khi tu theo đạo Phật. Bạn tu theo đạo Phật để bớt khổ đau, đúng không nhỉ? Đức Phật là người hạnh phúc.

 

Khi Phật ngồi, ngài ngồi một cách hạnh phúc. Khi ngài đi, ngài cũng đi một cách vui vẻ. Tại sao tôi lại muốn làm khác so với Đức Phật?

Có thể nhiều người đã lo sợ trước lời nói của kẻ khác, rằng "Anh/chị tu tập chưa nghiêm túc. Anh/chị cười cợt và vui vẻ quá mức. Khi tu tập anh chị phải nghiêm mặt, rất nghiêm túc".

 

Có lẽ chỉ những người muốn có thêm tiền công đức mới nói như thế, để tạo cảm giác rằng họ thực hiện việc tu hành nghiêm túc hơn so với kẻ khác.

Hãy lấy ví dụ về việc ngồi thiền suốt đêm. Bạn không được phép nghỉ ngơi và nghĩ rằng tu như thế mới là chăm chỉ. Nhưng bạn khổ sở cả đêm và phải uống cà phê chỉ để tỉnh táo. Thật vớ vẩn.

 

Chất lượng khi ngồi thiền mới là thứ giúp bạn biến đổi, chứ không phải ngồi thiền thật nhiều và khổ sở khi làm vậy. Ngồi thiền là hoạt động mang tới niềm vui và còn là cơ hội để ta có được tuệ quán. Tuệ quán có thể giải phóng chúng ta khỏi nỗi sợ, sự tức giận và tuyệt vọng.

 

- Tôi thực sự rất thích việc hành thiền ngoài trời mà chúng ta thực hiện lần này.

 

- Thường thì theo truyền thống Phật giáo, bạn ngồi rồi đứng dậy và thực hiện việc đi bộ chậm rãi tại khu vực thiền, sau đó bạn lại ngồi xuống. Ở đây chúng tôi không làm thế. Thay vì vậy, chúng tôi thực hiện hành thiền ngoài trời. Việc này rất hữu ích vì bạn có thể áp dụng trong cuộc sống thường nhật.

 

Bạn đi bộ bình thường - không quá chậm - nên người khác không biết bạn đang hành thiền và tưởng như bạn đang thực hiện một hành động bình thường. Và rồi khi bạn đi về nhà, hoặc từ bãi đỗ xe tới văn phòng, bạn có thể làm điều đó một cách vui thích.

Nền tảng tập luyện cơ bản là làm sao để vui thích - làm sao để cảm thấy vui khi đi, khi ngồi thiền, ăn uống và tắm giặt. Hoàn toàn có thể khiến mọi người đều vui thích, nhưng xã hội của chúng ta được tổ chức theo cách thức ta không còn thời gian để vui thú nữa. Chúng ta phải làm mọi thứ quá nhanh.

 

- Ông nghĩ rằng điều gì sẽ khiến ai đó trở thành tín đồ Phật giáo?

 

- Một người có thể không được gọi là tín đồ Phật giáo, nhưng anh ta vẫn có nhiều phẩm chất Phật giáo hơn cả một tín đồ. Phật giáo tạo thành từ niệm, định và tuệ. Nếu có những đặc điểm này, bạn đã là một người theo Phật giáo rồi. Nếu không thì không phải vậy.

Khi bạn nhìn vào một người và thấy người đó có niệm, định và tuệ thì bạn biết rằng đó là một người theo đạo Phật. Nhưng ngay cả khi đó là một ni cô và người này thiếu các năng lượng, phẩm chất kể trên thì khi đó cô ta chỉ có ngoại hình của một người theo đạo Phật chứ không có cái cốt cách của một người theo đạo Phật.

 

- Liệu việc thường xuyên hành lễ có thể biến ai đó thành người theo đạo Phật?

 

- Không, bạn không thể thành người theo Phật giáo chỉ bằng việc hành lễ. Để làm vậy bạn phải chăm tu tập. Người theo đạo Phật hiện vướng vào khá nhiều nghi thức, lễ bái, nhưng Đức Phật không thích điều này.

 

Trong các đoạn kinh Phật, đặc biệt là những lời răn dạy của Đức Phật ngay sau khi ngài trở nên giác ngộ, ngài nói rằng chúng ta phải thoát khỏi các nghi lễ. Bạn không thể trở nên giác ngộ và giải thoát chỉ nhờ thực hiện lễ bái.

Nhưng người ta đã khiến đạo Phật đi tới chỗ có quá nhiều nghi lễ. Chúng ta đã cư xử không hay với Đức Phật.

 

- Liệu người ta có phải tin vào sự tái sinh để trở thành một người theo đạo Phật?

 

- Tái sinh có nghĩa một linh hồn rời khỏi cơ thể bạn và đi vào thể xác khác. Đây là suy nghĩ rất phổ biến, nhưng lại rất sai lầm về sự nối tiếp trong Phật giáo. Nếu bạn nghĩ rằng có một linh hồn, một bản ngã, tồn tại trong một thể xác và linh hồn đó thoát ra ngoài khi thể xác không còn nữa và rồi biến thành một dạng sống khác, thì đó không phải là lối tư duy của Phật giáo.

 

Khi bạn nhìn vào ai đó, bạn sẽ thấy ngũ uẩn, hay các yếu tố tạo thành con người: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Không có linh hồn, thể xác nào bên ngoài 5 yếu tố này.

Vì thế khi 5 yếu tố này tan rã, thì nhân quả hay các hành động mà bạn đã thực hiện trong cuộc sống chính là sự tiếp nối của bạn. Những gì bạn đã làm và suy nghĩ vẫn sẽ còn đó như một dạng năng lượng. Bạn không cần một linh hồn hoặc một thể xác, để tiếp nối.

 

Chuyện giống như một đám mây vậy. Ngay cả khi đám mây không có ở đó, trời vẫn tiếp tục mưa hay có tuyết. Đám mây không cần phải có một linh hồn để nối tiếp. Không có sự khởi đầu và cũng chẳng có kết thúc. Bạn không phải chờ cho tới khi thân xác này tan thành cát bụi mới có thể tiếp nối. Thực ra bạn đã tiếp nối trong từng khoảnh khắc.

 

Giả dụ như tôi đã truyền năng lượng tới hàng trăm người, họ sẽ tiếp nối tôi. Nếu nhìn vào họ và bạn thấy (hình bóng) tôi hiện ra thì thực sự bạn đang trông thấy tôi đó. Nếu bạn nghĩ rằng tôi chỉ là thể xác này (ngài chỉ tay vào mình) thì bạn vẫn chưa trông thấy tôi đâu.

Khi bạn thấy tôi trong các bài phát biểu, bạn hiểu rằng người khác đã tiếp nối cuộc sống của tôi. Khi bạn nhìn vào các học trò, các đệ tử, những cuốn sách và bạn bè tôi, bạn sẽ thấy sự tiếp nối của chính tôi.

 

Tôi sẽ không bao giờ chết. Thân xác này có thể tan thành cát bụi, nhưng điều đó không có nghĩa tôi đã chết. Tôi sẽ tiếp tục (sống mãi), luôn là như vậy.

Và điều này là đúng với tất cả chúng ta.

 

- Chúng ta có thể làm gì với mức độ chủ nghĩa vật chất rất cao đang tồn tại hiện nay?

 

- Bạn có thể thiết lập một môi trường nơi người ta sống đơn giản, hạnh phúc và mời những người khác tới quan sát. Đó là điều duy nhất có thể thuyết phục họ từ bỏ ý tưởng hạnh phúc dựa trên vật chất.

Họ luôn nghĩ rằng chỉ khi có rất nhiều thứ để tiêu thụ, người ta mới hạnh phúc. Nhưng rất nhiều người không hạnh phúc dù họ rất giàu có. Và rồi còn có những người tiêu thụ rất ít, song họ hạnh phúc hơn rất nhiều những người kia.

 

Chúng ta phải thể hiện được rằng sống đơn giản kết hợp với tu tập theo Phật pháp mang tới một cuộc sống rất đủ đầy, bởi người ta sẽ không thể tin tưởng cho tới khi họ tận mắt chứng kiến và trải nghiệm.

 

Tại Làng Mai, chúng tôi đã cười đùa vui vẻ suốt cả ngày, nhưng không một ai trong số chúng tôi có tài khoản ngân hàng thuộc sở hữu cá nhân. Không ai trong số chúng tôi có xe hơi hoặc điện thoại riêng. Chúng tôi chỉ ăn chay. Nhưng chúng tôi không khổ sở vì việc không ăn trứng, thịt.

 

Thực tế chúng tôi hạnh phúc hơn nhiều vì biết rằng mình không ăn các sinh vật sống và đang bảo vệ hành tinh này. Điều đó mang tới rất nhiều niềm vui. Chúng tôi rất may mắn khi có thể sống như vậy, có thể ăn như vậy.

 

Có một niềm tin rằng trừ phi anh có rất nhiều tiền, trừ phi anh nắm vị trí cao trong xã hội, anh sẽ không thể hạnh phúc. Rất khó để thoát khỏi niềm tin này cho tới khi bạn thấy sự thực rằng sự hạnh phúc có thể tới theo cách thức khác. Nhìn thấy điều đó sẽ đảm bảo tương lai cho con cháu chúng ta.

 

Vì thế tôi nghĩ tới các vòng tròn luân hồi trong Phật giáo, nơi chúng ta có thể tái tổ chức lại để cho mọi người thấy cách thức sống hạnh phúc dựa trên sự thấu hiểu lẫn nhau, không dựa trên chủ nghĩa vật chất.

 

Chỉ giảng Phật pháp vẫn chưa đủ, bởi giảng pháp vẫn chỉ là lời nói mà tôi. Chỉ khi người ta thấy những thứ như một cộng đồng phi vật chất, khi tận mắt chứng kiến một cách sống như thế, họ mới thực sự bị thuyết phục và tin tưởng.

 

Theo Hương Giang

Vn Tin nhanh