KHI ĐẤT NƯỚC PHÁT TRIỂN, CON NGƯỜI LẠI ĐÁNH MẤT NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC?
Hai nhà khoa học Klerman và Weissman lưu ý đến một hiện tượng bất thường diễn ra nhiều thập niên sau Thế chiến II:
Ở những nước công nghiệp như Mỹ, Thụy Điển, Đức, Canada và New Zealand, tỷ lệ người dân bị trầm cảm đã tăng đến mức báo động, trong khi đó ở các nước khác như Hàn Quốc và Puerto Rico, tỷ lệ này vẫn ổn định.
Phân tích thống kê của nhiều chuyên gia đã xác nhận: Tỷ lệ trầm cảm ở các nước công nghiệp tăng nhanh và tập trung ở những người trẻ tuổi, dù người dân có thu nhập cao hơn và cuộc sống sung túc hơn giai đoạn trước đó, như tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm, vấn đề dinh dưỡng và phúc lợi y tế đều được coi trọng. Mọi người khỏe mạnh hơn và có tuổi thọ cao – đồng thời thừa hưởng những sản phẩm công nghệ tiên tiến của kỷ nguyên công nghệ mới.
Khoảng cách về mức sống giữa các nước công nghiệp và các nước thuộc thế giới thứ ba rất lớn. Chẳng hạn, vào những năm 60, thu nhập bình quân của người dân Mỹ cao gấp 10 lần người dân Hàn Quốc. Tuổi thọ trung bình của người dân Hàn Quốc là 55 tuổi, trong khi của người dân Mỹ là 70. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh Hàn Quốc cao gấp ba lần so với Mỹ. Tuy vậy, người Hàn Quốc lại có cuộc sống vui vẻ và cởi mở hơn người Mỹ.
Đất nước Hàn Quốc, sau đó, đã bước qua cuộc khủng hoảng một cách thần kỳ. Trong nhiều thập niên qua, nền kinh tế Hàn Quốc đã chứng kiến nhiều bước tiến vượt bậc. Hiện tại, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở Hàn Quốc là 4,1/1.000 trẻ, trong khi đó tỷ lệ này ở Mỹ là 6,3/1.000 trẻ. Tuổi thọ trung bình của người Hàn Quốc là 79 tuổi so với của người Mỹ là 78.
Song, với mức sống tăng cao và nền kinh tế phát triển, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc lại tăng nhanh vào năm 2005. Trung bình, trong 4.000 người thì có một người tự tử, cao gấp ba lần so với 20 năm trước.
Vì sao vậy? Một thành viên trên diễn đàn trực tuyến của Hàn Quốc đã lên tiếng cho số đông còn lại trên đất nước này: “Tôi không tìm được lý do để tiếp tục sống. Tôi sống chẳng có ý nghĩa gì. Nếu tôi chết đi thì cũng chẳng ai quan tâm, ngay cả cha mẹ tôi. Ai đó có thể chỉ tôi một cách tự tử nhẹ nhàng hay không?”. Điều bất ngờ là những lời lẽ này được viết bởi một học sinh lớp Sáu.
Theo Klerman và Weissman, khi trở thành một nước công nghiệp, Hàn Quốc cũng vướng phải cùng một vấn đề của các nước phương Tây: khi đất nước phát triển hơn thì tỷ lệ trầm cảm và tự tử của người dân cũng tăng vọt. Nhưng nguyên nhân ắt hẳn không nằm ở sự phát triển này. Việc có một chiếc máy giặt trong nhà sẽ không khiến cả gia đình đó trở nên chán nản. Vậy, tại sao khi đất nước phát triển, con người lại đánh mất niềm vui và hạnh phúc?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần đến phép so sánh. Tuy quá trình công nghiệp hóa của Mỹ và Hàn Quốc khác nhau, nhưng hóa ra, giữa hai nước này có cùng một xu hướng chung, ngược lại có những nước lại theo xu hướng khác như Nhật Bản là một nước công nghiệp cao, có nền công nghệ phát triển nhưng vẫn giữ được yếu tố truyền thống. Các nhà nghiên cứu của Trường Y Jichi đã có cơ hội quan sát hai nhóm người sống trong cùng một giai đoạn tại Nhật: nhóm thứ nhất đảm nhận các hoạt động trí óc (nhân viên văn phòng, quản lý, kỹ sư…) và nhóm thứ hai làm công việc chân tay (nông dân, thợ thủ công…). Kết quả cho thấy nhóm thứ nhất dễ bị trầm cảm hơn nhóm thứ hai.
Quả thật, cuộc sống thời kỳ hậu công nghiệp hóa rất khác hoàn toàn so với thời kỳ kinh tế nghèo
nàn thiếu thốn. Trong nền kinh tế phát triển, một ngày của bạn chỉ quanh quẩn trong văn phòng có máy điều hòa, làm việc một mình bên cạnh máy tính và rất ít cơ hội giao tiếp với mọi người. Hơn thế nữa, nhiều khả năng bạn sẽ kết thúc một ngày bằng việc lặng lẽ ngồi xem tivi – một mình hoặc với gia đình.
Chúng ta biết rằng môi trường xã hội đóng vai trò quan trọng, chi phối nhận thức của chúng ta về hạnh phúc. Và đây chính là mấu chốt của chất xúc tác trong quan hệ giữa con người. Các yếu tố môi trường giúp mọi người trong một cộng đồng gắn kết và giử dược sự ổn định tâm lý, và chúng cũng giúp hai người xa lạ có thể bắt sóng cảm xúc với nhau.
Cuộc sống thời xưa khó khăn hơn ngày nay rất nhiều – điện nước, lương thực và thuốc men đều thiếu thốn. Nhưng chính cuộc sống thiếu thốn mà mọi người cùng chung lưng đấu cật này đã giúp mọi người gắn kết thành cộng đồng bền chặt, tạo ra sự đồng lòng giữa mọi người trong xã hội.