PHIÊN CHẤT VẤN ĐẦU TIÊN CỦA QH VIỆT NAM THỜI DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Kỳ họp đầu tiên của QH (2-3-1946) triệu tập các đại biểu QH vừa được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và chuẩn bị chương trình nghị sự cho QH khoá I trong đó ngoài việc thành lập Chính phủ Liên hiệp là sớm soạn thảo được bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Kỳ họp thứ 2 khai mạc ngày 23-10 và kéo dài cho đến 9-11-1946, với chương trình nghị sự quan trọng nhất là thông qua được bản Hiến pháp đầu tiên, Bộ Luật Lao động, nội quy và thông qua các báo cáo, trong đó có đề nghị của đại biểu tỉnh Rạch Giá Nguyễn Văn Tạo thay mặt các đại biểu Nam Bộ đề nghị suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Người công dân số 1” của nước VNDCCH. Đề nghị này được mọi người tán đồng nhiệt liệt.
Chủ tịch Quân uỷ hội Võ Nguyên Giáp trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề quân sự... Thay mặt Bộ Nội vụ, cụ bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng khiêm nhường phát biểu: “Nước nhà đã vượt qua nhiều khó khăn, đó là công lao của Hồ Chủ tịch. Nhưng trong nước có những việc không hay đó là việc của tôi!”. Còn Thứ trưởng Cù Huy Cận thì giải trình việc bắt giữ một số đại biểu QH của Việt Quốc là đúng theo trình tự quy định của pháp luật, vì họ là những người có liên quan đến vụ án Ôn Như Hầu.
Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hoè trả lời các câu chất vấn về việc áp dụng luật của Việt Nam đối với người ngoại quốc, tài sản của người Pháp và về tội hối lộ. Bộ trưởng khẳng định rằng nước Việt Nam đã là nước tự chủ thì người ngoại quốc sống ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam và Chính phủ đang kiên quyết bài trừ tệ hối lộ nên trước đây tệ này thuộc tiểu hình thì nay đã đổi thành đại hình.
Bộ trưởng Kinh tế Chu Bá Phượng thì bị các đại biểu “chê” là lúng túng khi trả lời chất vấn. Bí quá ông bèn mời các vị chất vấn có dịp sang bộ của ông, ông sẽ trình sổ sách giấy tờ... Đến lượt Bộ trưởng Y tế Hoàng Tích Trí “bị” các đại biểu như Đoàn Trọng Truyến, Nguyễn Thị Thục Viên, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Hồ Đức Thành chất vấn cũng lúng túng trả lời không rõ ràng. Bộ trưởng cuối cùng là người đứng đầu Bộ Giáo dục Ca Văn Thỉnh trả lời xoay quanh các câu hỏi về chính sách văn hoá, những ngành học đặc biệt và nền giáo dục tiểu học.
Và cũng ngay tại phiên chất vấn đầu tiên này, người đứng đầu Chính phủ cũng phải trả lời các câu hỏi của đại biểu. Biên bản kỳ họp cho biết danh sách những người chất vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm: Trần Đình Tri (thuộc nhóm xã hội), Lê Huy Vân (trung lập), Khuất Duy Tiến (Mácxít), Nguyễn Đình Thi (Việt Minh), Nguyễn Sơn Hà (công thương), Trần Huy Liệu (Mácxít), Huỳnh Văn Tiểng (Dân chủ) Xuân Thuỷ (Việt Minh) và Nguyễn Văn Tạo (Mácxít).
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Đình Tri về việc Phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần đã đào nhiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một cách rất ý nhị và sâu sắc: Đó là một câu chuyện thương tâm, không muốn nói đến nữa. Tin từ một vài người kia, ta nên quên đi là hơn. Còn cái tin ông Nguyễn Hải Thần tự xưng là Tổng tư lệnh hải, lục, không quân Việt Nam? Việt Nam không có hải, lục, không quân thì ông Nguyễn Hải Thần cứ việc làm tổng tư lệnh, và nếu Việt Nam không có hải, lục, không quân mà ông Nguyễn Hải Thần tổ chức được hải, lục, không quân cho Việt Nam thì cố nhiên chúng ta hoan nghênh!
Về vấn đề “chính phủ liêm khiết”, người đứng đầu Chính phủ trả lời: Thì Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm, nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc trong các uỷ ban là đông lắm, phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết.
Sau phần chất vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ từ chức để trao quyền cho QH bầu ra chính phủ mới. Khi được QH tín nhiệm bầu lại một lần nữa để đứng ra lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một bài phát biểu rất sâu sắc trong đó nhận định: “Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới, tôi chỉ có một đảng: Đảng Việt Nam...”.
Đọc lại tường thuật phiên chất vấn đầu tiên của QH mới thấy giá trị của cái nền móng truyền thống của thế hệ những người gây dựng nền Cộng hoà Dân chủ quý giá đến dường nào. Có những giá trị mà đến nay ta còn phải phấn đấu nhiều mới nối gót được người xưa.