KỊCH BẢN CỦA SỰ SỐNG
Hiromi Shinya trở thành trưởng khoa Nội soi dạ dày của một bệnh viện lớn ở Mỹ khi mới 30 tuổi. Trong suốt thời gian công tác, bác sĩ Hiromi Shinya chưa một lần bị bệnh. Ông chỉ đi khám duy nhất một lần vào năm 19 tuổi khi mắc cúm.
Để có được cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai như vậy, theo ông dù công việc vất vả đến đâu ta vẫn phải duy trì phương pháp ăn uống lành mạnh và thói quen sinh hoạt khoa học.
Hiromi Shinya nói về "kịch bản của sự sống". Mỗi sinh mệnh, từ khi sinh ra đã mang trong mình một "kịch bản" cần thiết để sống lâu và khỏe mạnh. Các loài động vật hoang dã biết được kịch bản sống, nên chúng sống theo bản năng và sống theo kịch bản đấy. Bản thân con người cũng có kịch bản của sự sống nhưng chúng ta lại kiêu ngạo bỏ qua kịch bản ấy. Để thỏa mãn dục vọng được ăn các món ăn ngon, chúng ta vượt ra khỏi phạm vi thực phẩm cho phép của tự nhiên.
Vì dục vọng muốn canh tác an nhàn hơn, chúng ta cho ra đời các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Vì muốn có nhiều đất đai, tiền bạc, chúng ta đã tạo ra chiến tranh... Để đạt được những ham muốn, những tiện ích ngày càng lớn ấy, con người đang phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình.
Hiromi Shinya đề cập đến rất nhiều quan niệm sai lầm mà con người vẫn đang tin tưởng cũng như những chế độ ăn đang gây ra tác động tiêu cực cho cơ thể. Chẳng hạn như việc chúng ta thường dùng nước ngọt, nước đóng chai, nước hoa quả để thay nước lọc trong việc giải khát sẽ khiến cơ thể tiêu tốn rất nhiều "enzyme kỳ diệu” (lợi khuẩn) để tách bỏ các tạp chất trong các loại nước này ra ngoài, bên cạnh đó cũng sẽ làm cho lượng đường trong máu tăng lên, kéo theo các nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì.
.
Ông cho rằng những quan niệm sai lầm của nhiều người là "ăn thịt nhiều sẽ khỏe mạnh" hay "sữa bò có nhiều dinh dưỡng" bởi việc ăn nhiều thịt động vật có chứa nhiều protein, tốc độ trưởng thành của con người được đẩy nhanh hơn, đến một độ tuổi nào đó sẽ chuyển sang trạng thái lão hóa. Còn sữa bò có thể gây ra hiện tượng "không dung nạp lactose" ở người dẫn đến các tình trạng tiêu chảy, đau bụng,… và không hoàn toàn tốt cho người trưởng thành như chúng ta vẫn nghĩ.
.
Hiromi Shinya: Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta sống với vô số áp lực, căng thẳng, ô nhiễm và thường quên chú ý đến cơ thể thông quan những việc nhỏ nhặt nhất như bữa ăn, chế độ sinh hoạt,... trong khi việc ăn uống có thể khiến enzyme củng cố môi trường đường ruột, giúp ta duy trì được một tình trạng sức khỏe tốt nhất cho bản thân.
Con người chúng ta nếu không có động lực sống, không có tình yêu thương dành cho người khác và không được người khác yêu thương sẽ chẳng thể hạnh phúc. Và để đạt được điều đó, để có thể sống hạnh phúc chúng ta ít nhiều cần phải “cố sức”, cần phải “hy sinh”. Nếu chỉ muốn ăn toàn những món có lợi cho cơ thể mà từ chối các buổi liên hoan thì chúng ta chẳng thể kết giao bạn bè. Cơ thể dù khỏe mạnh đến đâu nhưng nếu không có bạn bè thì cuộc đời này có còn hạnh phúc. Nếu chỉ vì không tốt cho cơ thể mà không chấp nhận những công việc vất vả hay làm thêm giờ thì bạn chẳng thể đạt được những thành công trong xã hội.
Lời nhắn gửi của Hiromi Shinya: Bạn là bác sĩ tốt nhất của chính mình. Nếu cảm thấy đang cố sức thì bạn nên ráng nghỉ ngơi, trân trọng cơ thể của chính mình. Thân thể là kết quả của cuộc đời đã qua, cách sống, thái độ sống đều thể hiện trên thân thể. Và sau khi đã chú ý đến thân thể, bạn hãy nghe theo “kịch bản của sự sống” và thường xuyên cảm nhận những niềm hạnh phúc trong cuộc đời này. Cho dù có những lúc bạn phải làm việc quá sức thì “enzyme” diệu kỳ cũng sẽ giúp đỡ bạn.
Hy vọng bạn sẽ tìm thấy phương pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp với bản thân để có thể duy trì nguồn enzyme tích cực, tránh xa nguồn enzyme có hại để sống vui, sống khỏe hơn.