Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

Cha mẹ độc hại (Toxic parents)



Ảnh : Đặc điểm nuôi dạy con cái độc hại là họ muốn con cái mình thành công bằng mọi giá. 

Chúng ta muốn tin vào sự thiêng liêng của gia đình, ngay cả khi thực tế ngoài kia có hàng triệu đứa trẻ đang lớn lên trong những gia đình độc hại, bị cha mẹ vùi dập cả về thể xác lẫn tinh thần. Giống như chất độc hóa học, những tổn thương cảm xúc gây ra bởi cha mẹ sẽ lây lan suốt tuổi thơ đứa trẻ, cho đến khi trưởng thành.

Theo lẽ thường, cha mẹ được nắm quyền kiểm soát chúng ta đơn giản vì họ đã mang đến cho ta sự sống. Văn hóa và các tôn giáo của chúng ta gần như có chung quan điểm trong việc tán thành quyền lực tuyệt đối của cha mẹ. Việc bày tỏ sự giận dữ gần như chắc chắn là điều cấm kỵ khi đứng trước cha mẹ. Đã bao nhiêu lần bạn nghe câu “không được cãi lại mẹ” hay “sao con dám hét lên với bố?” Bạn có thể rời bỏ một người bạn, một đồng nghiệp hay người yêu độc hại, nhưng bạn gần như không thể rời bỏ cha mẹ độc hại.

"Cha mẹ là những người gieo hạt giống tinh thần và cảm xúc trong ta – những hạt giống sẽ trở thành chính ta sau này. Trong một số gia đình, có những hạt giống yêu thương, tôn trọng và độc lập. Nhưng trong nhiều gia đình khác, có những hạt giống sợ hãi, bổn phận hay tội lỗi."

"Vào giai đoạn trưởng thành, những hạt giống nảy mầm thành những bụi cỏ dại vô hình làm ảnh hưởng xấu đến cuộc đời bạn theo cách bạn chưa bao giờ nghĩ đến. Chúng có thể làm hại các mối quan hệ, sự nghiệp hay gia đình bạn; chúng hạ thấp sự tự tin và lòng tự trọng của bạn."

"Một hệ thống gia đình độc hại giống như một vụ tai nạn liên hoàn vậy, hậu quả của nó kéo dài từ đời này sang đời khác. Hệ thống này không phải do cha mẹ bạn tạo lập nên, nó là kết quả của những tình cảm, luật lệ, cách đối xử, và niềm tin được tích lũy từ nhiều đời tổ tông của bạn.

"Những bậc cha mẹ độc hại luôn tìm lí do để chống lại bất cứ điều gì đi ngược lại với niềm tin của họ. Thay vì thay đổi, họ chọn cách tạo ra một thực tại méo mó và sống chung với nó. Đa số con trẻ không đủ suy nghĩ sâu sắc để nhận ra cái thực tại méo mó đó. Khi những đứa trẻ lớn lên chúng đem cái thực tại sai lầm chưa

"Những bậc cha mẹ chỉ tập trung năng lượng vào cảm xúc và sức khỏe của bản thân thường gửi đi một thông điệp vô cùng mạnh mẽ tới con cái rằng: “Cảm xúc của con không quan trọng. Chỉ có cha mẹ mới là người cần được quan tâm.” Nhiều đứa trẻ bị tước đi thời gian dành cho bản thân, sự chú ý và quan tâm, dần dần cảm thấy mình như người vô hình – như thể chúng không tồn tại trên đời."

"Nếu tôi phải chọn giữa việc bị bạo hành tinh thần và thể xác, tôi sẽ luôn chọn bị đánh đập. Anh có thể nhìn thấy vết thương, ít nhất người ta còn thương cảm cho anh. Còn với lời nói ấy hả, nó chỉ khiến mình phát điên. Các vết thương là hoàn toàn không nhìn thấy được. Không ai màng quan tâm đến. Các vết thương trên thân thể liền sẹo nhanh hơn gấp nhiều lần so với những lời lăng mạ và sỉ nhục."

"Đa số những đứa con của các bậc cha mẹ độc hại khi lớn lên đều mang trong lòng cảm giác cực kỳ bối rối về tình yêu và yêu thương thật sự là như thế nào. Cha mẹ của họ đã làm những việc vô cùng tàn nhẫn với họ nhân danh tình yêu. Họ dần dần xem tình yêu là một thứ gì đó hỗn loạn, kịch tính, khó hiểu và thường gây đau đớn – một thứ mà họ phải đánh đổi bằng cách từ bỏ những ước mơ và khao khát của bản thân. Đó rõ ràng không phải là tình yêu đích thực."

"Những người con của các bậc cha mẹ độc hại thường gặp khó khăn trong việc xử lý cơn giận khi lớn lên. Nguyên do bởi từ khi sống trong gia đình, việc họ biểu lộ cảm xúc là điều không được khuyến khích, chỉ có cha mẹ họ mới có đặc quyền công khai thể hiện cảm xúc của mình. Đa số những người có cha mẹ độc hại đã phát triển thói quen chịu trận, nhẫn nhịn khi bị đối xử tệ.

Sống trong bầu không khí gia đình thiếu lành mạnh, trẻ sẽ mất nhiều năng lượng để tránh né, che chắn, sức sống không được khơi dậy. Chính đây là nơi sản sinh những đứa con còi cọc, những công dân bệnh hoạn trong xã hội.

“Xem quả, biết cây”, nhưng xem cây cũng có thể đoán về quả, đó chỉ là hai mặt của một vấn đề! Chúng ta có thể dựa trên bầu không khí có lành mạnh hay không của gia đình để có thể tiên đoán phần nào hiện tại và tương lai của những đứa trẻ. Vì tương lai con trẻ, người lớn nên sớm thức tỉnh!



Ảnh : Đặc điểm nuôi dạy con cái độc hại là họ muốn con cái mình thành công bằng mọi giá. 


Học cách học



HỌC CÁCH HỌC: Một bài học quan trọng bậc nhất đang bị bỏ quên
Nếu bạn gặp một bài toán khó, dù cố gắng nhiều mà giải mãi không xong, thì làm thế nào? Câu trả lời phổ biến nhất là cố gắng tìm ra chỗ sai trong lập luận rồi đi tiếp hoặc “làm lại từ đầu”. Cả hai phương án theo kinh nghiệm này không phù hợp với những lời khuyên của các chuyên gia về não bộ.
Theo họ, não bộ của chúng ta hoạt động theo hai cơ chế khác nhau: tập trung (focused mode) và thư giãn (diffused mode). Khi ta tập trung cao độ vào giải quyết một bài toán, não sẽ vào cuộc sử dụng cơ chế tập trung với số ít các tế bào thần kinh tại một vùng tập trung của não bộ được huy động. Khi ta rơi vào thế bí như tình huống đã dẫn, thì dù có cố gắng đến mấy, cũng chỉ có vùng não tập trung được hoạt động. Có nghĩa là chúng ta có xu hướng lặp đi lặp lại các cách giải quyết vấn đề, và khó lòng thoát ra khỏi bế tắc. Khi đó hành động rà soát lại lời giải hay đi lại từng bước từ đầu không có ích gì mấy.
Albert Einstein từng nhận xét đại ý “bạn không thể giải bài toán theo 1000 cách giống nhau rồi hy vọng có lời giải khác!”. Trong những lúc bí bách như thế này, cách tốt nhất là tạm rời xa bài toán đấy, đi chơi, thư giãn rồi hẵng quay lại với bài toán. Đây không phải là lời xúi bậy vô trách nhiệm. Việc bạn tạm rời bài toán đó để đi bộ, hóng gió, hoặc ngồi thiền ít phút sẽ giúp não bộ chuyển sang chế độ thư giãn, lúc này các vùng khác của não bộ được kích hoạt. Nếu quay trở lại giải toán, bạn sẽ có khả năng tìm ra một con đường khác, không bế tắc như lúc đầu.
Trên đây chỉ là một trong hàng tá ví dụ cho thấy những nghiên cứu về não bộ có thể giúp cải thiện đáng kể cách thức chúng ta học tập và làm việc. Tuy nhiên, bấy lâu nay chúng ta vẫn không mấy khi nghĩ về việc tìm hiểu các kiến thức loại này để cải thiện cách học tập, vì chúng ta thường phó mặc cho thói quen sai khiến trong các hoạt động của mình.
Có thể dẫn ra đây một thói quen tai hại khác vẫn chiếm chỗ trong trường học của chúng ta: các bài giảng dài. Bạn có thể gặp ở bất kì trường học nào các tiết học kéo dài từ 45 phút tới vài tiếng. Bạn cũng dễ dàng bắt gặp cảnh tượng hàng tá học sinh lơ đãng, ngủ gật, hoặc ngồi làm việc riêng trong lớp vì không thể chú tâm vào bài giảng. Trong khi hầu hết các giáo viên đổ lỗi cho các cô cậu học trò, thì các chuyên gia não bộ có một lời giải thích đơn giản cho hiện tượng này:
Não chúng ta chỉ có khả năng chú tâm suy nghĩ trong một thời gian rất ngắn, chừng 10 phút, sau đó là sẽ đến giai đoạn mất tập trung. Đây là cơ chế phòng vệ hết sức tự nhiên của não người, vì vậy hãy phân chia các bài giảng thành từng phân đoạn ngắn hơn. Sau mỗi 10 phút tập trung, hãy thiết kế một hoạt động để thư giãn và chuyển đổi sang phân đoạn tiếp theo. Thực ra đã từ lâu người ta đã biết dùng kĩ thuật phân giờ Pomodoro với các quy tắc đơn giản kể trên để gia tăng đáng kể năng suất làm việc và học tập.
Một nghiên cứu đăng trên Psychological Science in the Public Interest năm 2013 cho thấy, những phương pháp học tập được sử dụng phổ biến trong nhà trường như “tóm tắt nội dung bài giảng”, “dùng bút đánh dấu đoạn văn bản quan trọng khi đọc sách”, “đọc đi đọc lại một chương sách” hoá ra lại là những cách không mang lại mấy hiệu quả về ghi nhớ. Có những cách khác hữu hiệu hơn nhiều để giúp gia tăng hiệu quả học tập như: tích cực làm các bài luyện tập, hay học tập các kiến thức theo hình thức luyện tập phân tán với các khối kiến thức được chia nhỏ và học tập qua thời gian đủ dài.
Nhìn từ những tình huống kể trên, trường học hiện nay có vẻ đang phí phạm rất nhiều thời gian của học trò chỉ vì ưa thích kinh nghiệm mà ít quan tâm tới việc tìm hiểu và vận dụng các kiến thức khoa học về việc con người học tập như thế nào để từ đó xây dựng các hoạt động giáo dục cho tối ưu.
Chúng ta có thể liên hệ việc học tập như câu chuyện cái cần câu và con cá. Cách dạy truyền thống phổ biến hiện nay là dạng cho đi con cá, trong khi nếu ta trang bị năng lực tự học cho học sinh thì tức là cho họ một cái cần câu để tự lập suốt đời.
Sự thiếu vắng những bài học liên quan đến việc rèn luyện kĩ năng học tập sẽ mang lại hậu quả mà chúng ta đã được chứng kiến là những thế hệ học trò thụ động chỉ biết trông chờ kiến thức và chân lý từ giáo viên và những người đi trước mà không chủ động tự mình xây dựng tri thức cho mình. Điều này càng trở nên tai hại trong bối cảnh thời đại tri thức và số hóa hiện nay khi mà lượng thông tin tăng trưởng theo cấp số mũ. Kiến thức ngày hôm nay còn đúng, ngày mai có thể đã sai đi nhiều. Chỉ có cách làm chủ việc học như thế nào mới giúp học sinh đứng vững trong thế giới ngày nay.
Người xưa có câu, phàm phải trong tình huống khó lường thì “lấy bất biến ứng vạn biến”. Đối với việc học tập, cái bất biến là phương pháp tự học, cái vận động không ngừng là tri thức của thời đại. Không gì bằng trang bị cho được cái bất biến đó để người học của thế kỉ 21 có thể tự mình đi trên đôi chân tự do khám phá cánh đồng tri thức của nhân loại trong suốt cuộc đời.
Thiếu kĩ năng thiết yếu này thì những khẩu hiệu rổn rảng về xã hội học tập, hay học tập suốt đời chỉ cùng lắm là những lời nói cho sang miệng. Bài học về CÁCH HỌC cần phải là bài học căn cơ nhất mà mỗi học sinh cần phải được luyện rèn.