Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Chùm ảnh ngày bế giảng năm học 2011-2012



       Mai, ta xa rồi mái trường bao mến thương!


       Thầy cô ơi!... Còn gì buồn hơn khi sắp phải xa mái trường mến yêu, xa bạn bè, thầy cô. Thời gian ơi, sao trôi nhanh quá?  Chẳng cho ta níu giữ thêm chi cả.
     
     Em đã đi qua bao mùa hè, nhưng mùa hè này, sao trong lòng bỗng man mác, bâng khuâng, con tim thổn thức lạ! không còn háo hức với hè như những năm xưa nữa, Em sắp mất rồi những gì yêu quý nhất…

     Còn đâu bài học cô giảng? Còn đâu lời lẽ chăm sóc ân cần? Còn đâu những chuyện thầy kể em nghe? Thầy kể có một vầng trăng. Một vầng trăng lung linh rằm tháng 8, vầng trăng bát ngát cánh đồng, có cánh cò bay lả bay la. Vậy mà những đêm thầy thức trắng, soạn bài giảng cho chúng em, bên cửa sổ, cũng có một vầng trăng. Nhưng sao, thầy không kể?
     
     Thầy cô ơi! Bao năm vì học trò tận tụy quên mình, thế mà mãi đến hôm nay em mới hiểu. Em thấy mình có lỗi biết bao.
     
Bạn bè ơi! Mai xa nhau rồi nhưng sẽ mãi chẳng quên nhau, mãi nhớ về một thời hoa phượng nở, bâng khuâng từ giã tuổi học trò. Giờ phải xa những hàng cây trước lớp, các bạn của tôi đâu? Chỉ có mái trường là còn nguyên đó, là nơi nỗi nhớ hẹn nhau về. Bạn bè ơi! Có còn như thuở yêu những câu thơ ngọt ngào đến si mê?
     
     Thế là hết, ngày ra trường đã đến. Khi những bong bóng sắc màu sặc sỡ chứa đựng ước mơ được thả lên trời cao, cũng là lúc dòng lưu bút dừng lại.

     Nhưng chưa, có lẽ chưa hết...  Mai chúng em không còn nơi đây nữa, nhưng trong tim vẫn khắc sâu lời dạy của thầy cô. Thầy cô đã chắp đôi cánh cho chúng em đi suốt chặng đường đời.
     
Nhớ mái trường tràn đầy tình thương yêu, Nhớ bao kỉ niệm đẹp của tuổi học trò mãi không quên.../.

Thả ước mơ lên trời cao - ước mơ thành công sắp tới kỳ thi tốt nghiệp nhé!


Sáng nay 26/5, teen trường THPT Phan Đình Phùng làm lễ bế giảng năm học 2011-2012 trong cái gió se se lạnh như Hà Nội đang vào thu và những cơn mưa rào từ đầu tuần còn rơi rớt.
 Trường Phan Đình Phùng là một trong hai ngôi trường phổ thông có lịch sử lâu đời nhất Hà Nội.


 THPT Chu Văn An Hà Nội nay đã được 102 tuổi 











PTTH Việt Đức






Các bạn nam không kìm được cảm xúc nên đành phải ôm nhau cho thêm mạnh mẽ.


THPT chuyên Hà nội - Amsterdam


     Nắm tay trong những giờ phút ngắn ngủi còn lại bên nhau, dưới mái trường Hà Nội - Amsterdam


THPT Nguyn Huệ TP Huế


THPT Trần Phú Đà Nẵng

Ảnh lưu niệm sau lễ bế giảng









THPT Lê Hồng Phong


Hình ảnh từ clip flashmob ấn tượng của học sinh chuyên Lê Hồng Phong.

Các bạn học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong nhảy flashmob chia tay năm học - 
Ảnh chụp từ clip

 Trường Khánh Hòa là một trong những trường tốt nhất tại thành phố Kharkov Ukraina


Quang cảnh buổi lễ bế giảng năm học của trường THPT Trần Cao Vân (Tam kỳ QN)

THPT Đông Sơn 1 Thanh Hóa








HẾT


Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Triết lý giáo dục " xanh"




TRIẾT LÝ GIÁO DỤC” XANH”

Sunday, 25 March 2012 17:01

TS NGUYỄN VIẾT THỊNH
Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho rằng khi con người phát triển hài hòa cả về trí tuệ, nhân cách và nghị lực trong một thế giới văn minh, có xu thế sống gần với thiên nhiên hơn, thì đó được gọi là Triết lý giáo dục "Xanh".
Giáo dục bắt rễ từ những vấn đề cơ bản có tính ổn định và những vấn đế mới theo xu thế thời đại mà tập hợp hữu cơ của chúng thường được gọi là triết lý giáo dục (GD).
 Sứ mệnh của giáo dục thời nay phải làm sao để giúp con người phát triển hài hòa cả trí tuệ, nhân cách lẫn nghị lực để con người có thể sống trong một thế giới văn minh với công nghệ hiện đại, vật chất phong phú nhưng không làm mất đi chính mình, ngược lại phải không ngừng phát triển những giá trị cốt lõi như trên để đạt được hạnh phúc thật sự. Lúc đó con người sẽ có xu thế sống gần với thiên nhiên hơn, “hành xử” với Mẹ Trái đất đúng mực hơn. Triết lý giáo dục như vậy được gọi là Triết lý giáo dục "Xanh".

Giáo dục để làm gì

Phát triển cá nhân: Giúp mọi công dân nói chung và người học nói riêng hướng đến làm người tốt toàn diện, có tình người, có trí tuệ sáng suốt, có sức khỏe thể chất - tinh thần và nghị lực mạnh mẽ; làm nghề giỏi phù hợp với bản thân để tạo kế sinh nhai, thể hiện trách nhiệm với gia đình và góp phần phục vụ xã hội.

Phát triển xã hội: Nâng cao đạo đức, sức khỏe, nghị lực, trí tuệ cho công dân, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, cung cấp thị trường nhân lực, thị trường khoa học công nghệ cho đất nước cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới, hội nhập quốc tế phù hợp với xu thế thời đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa, độc lập tự chủ của các dân tộc nhằm không ngừng xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, tiến bộ.

Giáo dục những vấn đề gì

Về nhân cách: Lối sống lành mạnh; tự giác, trung thực; nếp sống văn minh, cần kiệm; yêu thiên nhiên, ý thức cải thiện và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; sống và làm việc theo Hiến pháp & pháp luật, qui ước của cộng đồng; lòng nhân ái; quan hệ, ứng xử đúng mực với mọi người; ý thức tập thể, nổ lực vì lợi ích chung …

Về nghị lực: Xây dựng lý tưởng, hoài bão cho bản thân; bản lĩnh, tự tin vào sức mạnh tiềm tàng bên trong của chính mình; thường xuyên xem lại mình và góp ý cho những xung quanh với tinh thần xây dựng; khả năng vượt khó, quyết tâm hoàn thành công việc; biết chấp nhận và rút ra kinh nghiệm từ những thất bại để từng bước mạnh lên; khả năng tập luyện để nâng cao sức khỏe, ý chí, phòng chống bệnh tật, tai nạn, tệ nạn …

Về trí tuệ

Nhận thức: Tư duy sáng tạo, hoài nghi, phê phán; khả năng dự báo, nhạy bén, năng động để phân tích tình huống và giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống…

Kiến thức: Tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; kiến thức phổ thông; kiến thức khoa học đại cương; kiến thức chuyên ngành; kiến thức cuộc sống; kiến thức công cụ như ngoại ngữ, tin học …

Kỹ năng: Kỹ năng tự học & nghiên cứu khoa học, tìm kiếm thông tin, xử lý thông tin; kỹ năng về nghề nghiệp; kỹ năng giao tiếp (nói, viết, mạng internet …); kỹ năng làm việc độc lập và hợp tác làm việc theo nhóm; kỹ năng tự tạo việc làm và phát triển nghề nghiệp; kỹ năng cảm thụ hoặc thể hiện các loại hình nghệ thuật …

Mục tiêu cơ bản của các bậc học

Bậc Tiểu học (bao hàm cả mầm non): Chủ yếu là dạy người

Chú trọng giáo dục về nhân cách như sự hiếu thuận, lòng nhân ái, tình yêu thiên nhiên, tình đoàn kết, tương trợ, liêm khiết, uy tín, vượt khó, tự giác, tinh thần trách nhiệm.

Chương trình học nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi, tạo điều kiện cho những năng khiếu, ưu điểm cũng như những hạn chế của học sinh được bộc lộ để ghi nhận và có giải pháp thích hợp.

Bậc Trung học (THCS, THPT): Nâng cao dạy người, chuẩn bị dạy nghề

Tiếp tục chú trọng giáo dục nhân cách, khả năng tự học, năng động, sáng tạo nhưng đòi hỏi ở mức độ cao hơn, thử thách lớn hơn, tự rèn luyện nhiều hơn.

Về mặt kiến thức, cần trang bị kiến thức phổ thông trên tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để học sinh ở bậc học này có được bức tranh tri thức toàn cảnh một cách chung nhất của loài người từ xưa đến nay.

Bậc sau Trung học (trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học. Ở nhiều nước bậc học này được gọi chung là đại học) : chủ yếu dạy nghề.

Mục tiêu chủ yếu của bậc học này là trang bị những gì cần thiết nhất cho sinh viên để sau khi tốt nghiệp, họ làm được nghề đã học, có khả năng tự học hoặc học tiếp để nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, mưu sinh, tự lập, tự tin vào đời. Tư duy sáng tạo, phê phán, dự báo … được đào tạo mạnh ở bậc học này.

Phương thức giáo dục (giáo dục như thế nào)

Tự học & nghiên cứu: Người học không ngừng chủ động, tích cực, ham thích tìm hiểu, nghiên cứu, đồng thời vận dụng những điều đã học & nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn để tiếp cận dần các tiêu chí trong mục tiêu giáo dục.

Người dạy (hướng dẫn): được kiểm định có đạo đức tốt và đủ khả năng để giảng dạy hoặc hướng dẫn khoa học một nội dung cụ thể nào đó trong chương trình đào tạo.

Không gian giáo dục: Dạy học & nghiên cứu trực tiếp hoặc từ xa tại bất kỳ địa điểm nào qua kết nối với các phương tiện thông tin đại chúng.

Thời gian giáo dục: Không nên hạn chế thời gian giáo dục cho một bằng cấp, đề tài cụ thể. Xu thế thời đại là học tập suốt đời.

Hạ tầng giáo dục (điều kiện nào cho giáo dục)

Các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến giáo dục: Tạo khung pháp lý nhất quán, khoa học, thông thoáng để định hướng tốt cho giáo dục có thể phát triển mạnh mẽ, hiệu qủa, phù hợp với tình hình thực tiễn cuộc sống ở địa phương, trong vùng, trong nước, trong khu vực và xu thế thời đại.

Cơ sở vật chất & tài chính: Giáo dục giúp nâng cao dân trí và cung cấp nguồn nhân lực cho mọi ngành nghề trong xã hội nên cơ sở vật chất & tài chính của giáo dục cần phải được chia sẻ từ ngân sách nhà nước, bản thân người học, gia đình và hầu hết các ngành nghề trong xã hội.

Hệ thống quản lý điều hành: Cần phân quyền quản lý đến tận mỗi người học, người dạy. Mỗi người dạy, người học trước hết phải tự quản lý được vấn đề dạy-học của mình. Tiếp đó cấp cơ sở (trường, viện…), cấp phòng, khoa cũng được phân quyền mạnh. Từ đó bộ máy quản lý điều hành từ cơ sở đến trung ương sẽ tinh gọn.

Kiểm định giáo dục (xác định chất lượng giáo dục): Dựa vào mục tiêu giáo dục, các tiêu chí cụ thể và qua thực tiễn xã hội để đánh giá chất lượng sản phẩm giáo dục (người học, đề tài khoa học)

Kiểm định trong trường: Đa dạng hình thức kiểm tra, thi cử, nghiệm thu theo phương châm “nhẹ nhàng, hiệu qủa” nhằm từng bước giúp người học biết tự giác định hướng mục tiêu, tự điều chỉnh hợp lý trong quá trình học tập & nghiên cứu …

Kiểm định ngoài trường (xã hội): Không gian xã hội nơi sinh sống, nơi làm việc; gia đình, dòng tộc; láng giềng, xóm phường; hội đoàn; nơi công cộng … sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đánh giá chính xác hơn chất lượng sản phẩm giáo dục cụ thể của một cơ sở giáo dục.

TS N.V.T
 ( Ngun : vietnamnet.vn )

Sáng nay 26/5, teen trường THPT Phan Đình Phùng làm lễ bế giảng năm học 2011 - 2012
 Thả ước mơ lên trời cao - ước mơ thành công sắp tới kỳ thi tốt nghiệp nhé!


 

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Người Mỹ nói về mô hình giáo dục Phần Lan


Người Mỹ nói về mô hình giáo dục Phần Lan?


Học sinh tập đo vòng thân cây
trong một giờ học toán ngoài trời

Tại bãi cỏ bên ngoài khuôn viên trường Kallahti, một nhóm trẻ em khoảng 9 tuổi ngồi dựa lưng vào nhau, lấy que cây, quả thông, quả dâu và đá sỏi xếp hình trên mặt đất đóng băng. Để cho các em khác tuy không nhìn thấy các hình xếp ấy nhưng vẫn có thể nói đó là hình gì, nhóm trẻ xếp hình sẽ phải dùng những từ ngữ hình học thích hợp để mô tả các hình thù đó.


Ông Veli-Matti Harjula, thầy giáo phụ trách dạy nhóm học sinh này suốt từ lớp 3 đến lớp 6, giải thích: Đây là một cách dạy toán khác với cách dùng bút và giấy, nó có thể trực tiếp đi thẳng vào đầu óc lũ trẻ. Thực ra khái niệm dạy “Toán học ngoài trời” (Outside math) ấy do các nhà giáo dục Thụy Điển nghĩ ra, chứ không phải của Phần Lan. Có điều thầy giáo Harjula chẳng cần xin phép ai cả mà vẫn có thể áp dụng phương pháp này miễn là làm sao cho học sinh đạt được các mục tiêu tổng thể của giáo trình giảng dạy do Ủy ban Giáo dục Phần Lan quy định. Nói riêng về môn toán, giáo trình cơ bản chỉ có 10 trang (tăng thêm 3,5 trang so với trước đây).

Gần đây tất cả mọi người trên thế giới đều sửng sốt khi thấy Phần Lan nổi lên như một vì sao mới trong lĩnh vực giáo dục. Trong kỳ trắc nghiệm PISA gần đây nhất vào năm 2009, Phần Lan đứng thứ 2 về hiểu biết khoa học, thứ 3 về toán và thứ 2 về đọc hiểu. Trong khi đó, thành tích của Mỹ về tất cả các chỉ tiêu hầu như đều tụt hạng, họ đứng thứ 15 về đọc, chỉ đạt trình độ trung bình của OECD. Chính bản thân người Phần Lan cũng ngạc nhiên với những thành tựu trong giáo dục của mình bởi họ cũng chỉ làm mỗi một việc là giảm hết mức việc kiểm tra sát hạch học sinh mà thôi.

Chỉ có hai cường quốc giáo dục châu Á - Hàn Quốc và Singapore mới là đối thủ thực sự của Phần Lan. Hai quốc gia này áp dụng phương pháp luyện học sinh học rất nặng, khiến người ta nhớ đến chương trình luyện học sinh giỏi để dự thi Olympic của khối Xô Viết cũ. Quả thực gần đây một bà mẹ người Mỹ gốc Hoa - bà Amy Chua, có viết một cuốn sách tên là Chiến ca của Mẹ Hổ (Battle Hymn of the Tiger Mother), trong đó bà chê trách các phụ huynh người Mỹ đã không áp dụng kỷ luật sắt trong việc dạy con - cách làm bà cho là cần thiết để đào tạo được học sinh giỏi. Cuốn sách ấy đã khiến cho nhiều người băn khoăn không hiểu làm như thế có quá đáng hay không.

Phương pháp giáo dục nhẹ nhàng thoải mái của Phần Lan có thể đem lại thành công cấp thế giới. Điều đó đã thu hút các đoàn cán bộ giáo dục từ Mỹ và khắp thế giới đến Helsinki để khảo sát học hỏi. “Tại châu Á, học sinh phải học rất nhiều giờ ở trường và nhiều giờ ở nhà. Nhưng tại Phần Lan học sinh học ở trường ít giờ hơn học sinh Mỹ. Đây là một mô hình hấp dẫn hơn”. - ông Andreas Schleicher, người phụ trách thi PISA của OECD nói.

Hơn nữa bài làm về nhà của học sinh Phần Lan cũng rất ít. Ông Katja Tuori chuyên trách công tác tư vấn tại trường Kallahti, nơi học tập của các trẻ em dưới 16 tuổi, nói: “Mỗi ngày làm bài tập ở nhà một tiếng đồng hồ là đủ để trở thành học sinh giỏi. Lũ trẻ còn có cuộc sống của chúng chứ”.

Dĩ nhiên nhà trường cũng có nội quy của mình. Chẳng hạn không được mang iPod hoặc điện thoại di động vào lớp; trong giờ học không được đội mũ (thậm chí người ta còn định cấm mặc áo khoác trong lớp, nhưng vì khí hậu quá lạnh nên thôi). Chỉ thế thôi, không nhiều hơn. Có lần thầy Tuori phát hiện thấy một học sinh nhắn tin trong giờ học, ông nhìn cậu bé với ánh mắt trách móc, thế là cậu ta ngoan ngoãn cất điện thoại đi. Tuori nói: “Chỉ khi học sinh có những hành vi thực sự xấu như đánh nhau thì mới bị trừng phạt”.

Một  giờ học cuả học sinh tiểu học ở Phần Lan (Ảnh minh họa)

Xét về mặt coi học sinh là trẻ con để dạy dỗ chúng, người Phần Lan có rất nhiều ý tưởng khôn ngoan. Chẳng hạn họ để cho giáo viên phụ trách một lớp suốt từ năm thứ nhất đến năm thứ sáu; như vậy sẽ có thời gian lâu dài dăm năm để theo dõi nắm được tính tình học sinh và qua đó tìm được cách thích hợp dạy dỗ chúng.

Thành công của giáo dục Phần Lan đa phần bắt nguồn từ một vũ khí không có gì bí mật cả - đó là thầy cô giáo. Ông Schleicher ở OECD nói: “Chất lượng giảng dạy là nhân tố làm cho Phần Lan thành công về giáo dục. Tại nước Mỹ, giáo dục đã trở thành một mô hình công nghiệp, giáo viên chỉ là công cụ dùng để chuyên chở một sản phẩm làm sẵn. Còn ở Phần Lan thì giáo viên là tiêu chuẩn mẫu mực (của xã hội)”.

Đó cũng là một trong các nguyên nhân vì sao nhiều người Phần Lan muốn trở thành giáo viên. Nhờ thế nước này có thể lựa chọn ra những giáo viên giỏi từ một kho đầy ắp nhân tài sư phạm. Số liệu mới nhất cho thấy năm 2008 có 1.258 sinh viên tốt nghiệp đại học xin dự khóa đào tạo giáo viên tiểu học, nhưng chỉ có 123 người (tương đương 9,8%) được nhận. Khóa đào tạo tiêu chuẩn này kéo dài 5 năm. Mỗi giáo viên đều phải có học vị thạc sĩ (người Phần Lan gọi là thạc sĩ giáo dục, tức kasvatus, từ được dùng để gọi bà mẹ dạy con). Mức lương hằng năm của giáo viên là từ 40 đến 60 nghìn USD và họ làm việc mỗi năm 190 ngày.

Ông Jari Lavonen Chủ nhiệm Khoa Sư phạm trường Đại học Helsinki nói: “Bỏ ra 5 năm để đào tạo tất cả các giáo viên là một việc làm tốn kém, nhưng điều đó làm cho các thầy cô giáo của chúng tôi được xã hội rất tôn trọng và khen ngợi”. Nhận xét về các đồng nghiệp Phần Lan, Dan MacIsaac, chuyên gia giáo dục môn vật lý người Mỹ tại Đại học bang New York ở Buffalo từng đến thăm Phần Lan hai tuần đã nói: “Các thầy giáo của họ chuẩn bị bài dạy môn vật lý tốt hơn chúng ta. Họ được tự do phát huy kỹ năng giảng dạy chứ không như ở Mỹ, nơi người ta đối xử với giáo viên như với người đưa bánh piza, nghĩ cách làm thế nào để đưa bánh đến nơi nhanh hơn”.

Theo Reijo Laukkanen cố vấn Ủy ban Giáo dục Nhà nước: “Phần Lan là một xã hội công bằng, còn Nhật và Hàn Quốc là những xã hội cạnh tranh rất mạnh — nếu bạn không học tốt hơn hàng xóm thì cha mẹ bạn sẽ bỏ tiền cho bạn đi học các lớp học buổi tối. Người Phần Lan không quá coi trọng việc mình phải có biểu hiện xuất sắc hơn người hàng xóm. Ở xứ này mỗi người đều đạt được trình độ trung bình, nhưng trình độ trung bình ấy rất cao”. Nguyên tắc đó đã giúp cho Phần Lan gặt hái được thành công lớn về giáo dục. Kết quả trắc nghiệm PISA về kiến thức khoa học năm 2006 cho thấy 80% nhóm học sinh kém nhất của Phần Lan được điểm cao hơn mức trung bình (của nhóm học sinh kém nhất) của OECD. Còn ở nhóm học sinh khá nhất thì chỉ có 50% học sinh Phần Lan được điểm cao hơn mức trung bình (của nhóm học sinh khá nhất) của OECD. Điều đó xét về tổng thể, việc nâng cao trình độ trung bình của nhóm học sinh bậc thấp đã đem lại hiệu quả sâu xa.

Dường như Phần Lan có thể xuất khẩu một số chính sách giáo dục của họ, nhưng sẽ không dễ để họ xuất khẩu được ý tưởng “tất cả vì một người, mỗi người vì mọi người” mà họ vẫn theo đuổi. Xin nêu một thí dụ: Thái Lan từng có ý định nhập khẩu mô hình Phần Lan để áp dụng cho hệ thống giáo dục của mình. Tuy nhiên, tại xứ sở châu Á này mỗi khi xuất hiện tình hình học sinh nào đó học kém thì phụ huynh sẽ mời gia sư đến nhà dạy thêm - một chuyện khó có thể tưởng tượng ở Phần Lan.
 
Nguyễn Hải Hoành  lược dịch Nguồn: Finnishing School
http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,2062465,00.html Apr. 11, 2011
Nguồn: Tia Sáng


Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012



Tinh hoa giáo dục tiểu học tại Mỹ qua con mắt người Trung Quốc (phần II)

Phần II: Hướng dẫn phương pháp học  và tự học là tiêu chí hàng đầu trong giáo dục tiểu học ở Mỹ

“Độ khó” trong bài tập của học sinh tiểu học Mỹ

Một người cha Trung Quốc đưa cậu con trai chín tuổi tới Mỹ, cho con vào học một ngôi trường ở Mỹ thì trong lòng lo lắng vô cùng, không hiểu đó là trường học kiểu gì! Trong lớp học sinh tự do tùy ý thảo luận, có thể cười ầm ĩ; giáo viên và học sinh thường xuyên cùng ngồi bệt trên mặt đất không phân biệt lớn bé; vào giờ học mà cứ như đang chơi trò chơi; Ba giờ chiều đã là tan học; lại không có sách giáo khoa thống nhất.
Ông đem cho giáo viên xem bài học tiểu học lớp 4 mà con ông đã học ở Trung Quốc, giáo viên nói với ông, cho tới lớp 6, con trai ông không phải học thêm môn toán nữa. Lúc đó, ông bắt đầu hối hận vì đem con đến Mỹ mà làm lỡ việc học của con. Ở Trung Quốc, cặp sách của học sinh nặng trịch những tri thức, còn nhìn con mình bây giờ, mỗi ngày mang cái cặp nhẹ tênh đến trường, đi học như đi chơi. Một học kỳ nháy mắt đã hết, ông không khỏi nghĩ ngợi, hỏi con, ấn tượng sâu sắc nhất khi đến Mỹ học là gì? Cậu bé đáp: “Tự do”.
Lại một bận, cứ tan học, đứa trẻ lại chạy tới thư viện rồi mang một lô sách về nhà, thế mà chưa tới hai ngày đã trả. Ông lại hỏi, mượn sách nhiều như thế để làm gì? Con trai đáp: “Làm bài tập”. Sau đó, ông nhìn thấy tên bài tập mà cậu bé đang làm trên máy vi tính “Hôm qua và hôm nay của Trung Quốc”, ông kinh ngạc suýt ngã, đây là chủ đề môn học gì vậy? Thử hỏi vị nào đang làm tiến sĩ dám “ôm” đề tài lớn như thế?
Ông chất vấn con trai, đây là chủ ý của ai, cậu bé hồn nhiên đáp: “Thầy giáo nói, Mỹ là một nước di dân, mỗi học sinh đều cần viết một bài về đất nước mà tổ tiên mình đã sinh sống, còn phải phân tích sự khác biệt so với nước Mỹ dựa trên địa lý, lịch sử, nhân văn, đồng thời phải đưa ra quan điểm và cách nhìn của mình”. Người cha im lặng.
Mấy ngày sau, ông thấy bài tập của con trai đã xong, một tập gồm hơn 20 trang giấy, từ Hoàng Hà chín khúc đến văn tự tượng hình; từ con đường tơ lụa tới lá cờ ngũ tinh… Cả bài văn được viết với một khí thế hào hùng, có lý lẽ, có căn cứ, phân chương phân tiết, đặc biệt là một danh sách thư mục tham khảo ở phần cuối khiến người cha không khỏi bàng hoàng, cái cách thức của một luận văn tiến sĩ này, ngoài ba mươi tuổi ông mới học được.
Đến khi sắp kết thúc học kỳ lớp 6 của con, ông lại được một phen cứng lưỡi, giáo viên đưa ra một loạt câu hỏi liên quan đến “Chiến tranh thế giới thứ hai”, nghe như một kỳ huấn luyện trước khi ứng cử của một thượng nghị sĩ tương lai:
“Bạn cho rằng ai nên chịu trách nhiệm đối với cuộc chiến tranh này?”
“Theo bạn, nguyên nhân thất bại của đảng Nazi (Đức) là gì?”
“Nếu bạn là cố vấn cao cấp của tổng thống Truman1, bạn sẽ tỏ thái độ gì đối với việc Mỹ ném bom nguyên tử?”
“Bạn có cho rằng, biện pháp tốt nhất để kết thúc chiến tranh khi đó chỉ là ném bom nguyên tử?”
“Theo bạn, cách tốt nhất đế tránh chiến tranh ngày nay là gì?”
Lịch sử nước Mỹ mới chỉ có vỏn vẹn 200 năm, nhưng đã đủ sức mở cánh cửa trí tuệ của các em học sinh.
Sự khác biệt giữa công nhân và ông chủ
Người cha này vẫn nhớ rằng khi con trai ông tốt nghiệp tiểu học, cậu bé đã có thể sử dụng thành thạo hệ thống máy vi tính và vi phim của thư viện để tra cứu tư liệu và hình ảnh. Có lần, hai bố con tranh luận về tập tính săn mồi của sư tử và báo, ngày hôm sau, cậu con trai mượn từ thư viện tập phim về động vật của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ, hai cha con vừa xem vừa thảo luận. Học sinh tiểu học của Mỹ lúc này đã học được phương pháp tìm đáp án ở đâu mỗi khi có nghi vấn. Ngoài thư viện, học sinh trung tiểu học ở Mỹ cũng tìm tài liệu trên các trang web liên quan khi làm bài tập và một số báo cáo nghiên cứu.
Lưu học sinh Trung Quốc tới Mỹ làm tiến sĩ, từ lúc vào học tới lúc tốt nghiệp, giành được học vị tiến sĩ cần năm năm. Trong viện nghiên cứu sinh, rất nhiều người có cảm giác rằng người Mỹ thường không phải là đối thủ của lưu học sinh Trung Quốc trong chuyện thi lấy học bổng, nhưng cứ đụng tới lĩnh vực thực tiễn, làm một vài vấn đề có tính nghiên cứu, thì người Trung Quốc không thể linh hoạt được bằng người Mỹ, không có tính sáng tạo dồi dào như họ.
Tới khi cầm được bằng tiến sĩ để đi tìm việc, viết sơ yếu lý lịch, họ lại lạc hậu một bước lớn, không biết tự quảng bá cho bản thân mình. Không thể “viết về bản thân mình” không phải vì họ không biết, mà là vì không có đủ bản lĩnh để thể hiện cái “tôi” của mình.
Đương nhiên, điều này có liên quan tới sự bất đồng giữa giáo dục và toàn bộ hệ thống giáo dục cơ sở. Người Trung Quốc chỉ quen phát huy bản lĩnh trong một khung quy định nào đó, một khi không còn quy định, mất đi sự chỉ đạo, không nhìn thấy hệ thống quy chiếu vốn có nữa, thì với người Mỹ là giành được tự do, còn với người Trung Quốc, có lẽ chỉ còn lại cảm giác mất phương hướng, khủng hoảng, trống rỗng, không biết dựa vào đâu.
Khi đã công tác được năm năm, mười năm, thực tế ấy lại càng rõ ràng hơn. Người Trung Quốc thường chỉ có thể làm kỹ thuật, cùng lắm là lên quản lý một bộ phận kỹ thuật nào đó, dường như không mấy ai làm được giám đốc công ty lớn. Người Trung Quốc không phục những ông chủ không giỏi về kỹ thuật và thường băn khoăn: bản lĩnh của họ rốt cục nằm ở đâu?
Bản lĩnh đó là: hiểu được sở trường của từng thành viên trong công ty, giúp họ phát huy tận lực sở trường của mình, nhân viên và công ty cùng hợp tác, nâng cao giá trị của công ty mình trong mắt nhà đầu tư và khách hàng, không ngừng thu hút thêm vốn đầu tư và tăng thêm đầu ra cho sản phẩm… Hiển nhiên, đây là tác phẩm của một ông chủ, chứ không phải của một công nhân.
Sưu tầm.

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Trẻ có thể học bất kỳ điều gì nếu ta biết... dạy!


Trẻ có thể học bất kỳ điều gì nếu ta biết... dạy! 

Phỏng Vấn Giáo Sư Hồ Ngọc Đại

Phần 1 - Trẻ có thể học bất kỳ điều gì nếu ta biết... dạy! 

       Sau bao nhiêu cố gắng, hình như cho đến nay, giáo dục Việt Nam vẫn chưa tìm được đường đi hợp lý cho mình. Rất nhiều các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu, các trí thức và những người quan tâm đến giáo dục Việt Nam đã tìm cách đưa giáo dục Việt Nam thoát khỏi cái vòng "lạc hậu". Phóng viên Vietimes đã trò chuyện với Giáo sư Hồ Ngọc Đại, một chiến sĩ tiên phong trong cuộc trường chinh tìm chiếc Chìa khoá cho Nền giáo dục Việt Nam. Vietimes xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện này. 

Phóng viên (PV): Có một vấn đề mà người ta bàn cãi bấy lâu: Rằng giữa đội ngũ trí thức học ở Liên Xô cũ và đội ngũ trí thức theo học các nước phương Tây có sự khác biệt rất lớn. Vậy trong con mắt của Giáo sư, chất lượng và phẩm tính giữa các nhà khoa học được đào tạo ở Liên Xô cũ và đào tạo ở Phương Tây như thế nào?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại (GS HNĐ): Tôi kể một câu chuyện như thế này để thấy sự vĩ đại của Liên Xô. Ở Liên Xô có một trường thực nghiệm do hai ông viện sĩ độc lập phụ trách nhưng Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư. Chương trình, nội dung, phương pháp, thể chế độc lập hoàn toàn với Nhà nước. Khi tôi mới sang Liên Xô, một ông giáo sư đã nói với tôi:” Đất nước các anh thế nào cũng chiến thắng. Sau chiến thắng các anh có hai việc phải làm là: Làm thế nào để những thương binh và những người lính đi chiến trường phải được học tập để bù lại những năm tháng thiệt thòi. Tôi chọn trường thực nghiệm là vì lẽ đó.

Ngôi trường đó rất nổi tiếng và “khó vào”. Nhưng vì là người Việt Nam nên tôi đã được họ cân nhắc cho vào nghiên cứu. Lúc đầu, tôi thấy ngợp vì quy mô, nội dung, phong cách của trường vĩ đại và hay quá. Nhưng sau hai năm nghiên cứu trở lại thì phát hiện thấy nó sai. Tôi mới đến gặp ông viện sĩ là chủ trì và nộp một báo cáo. Nghe xong, ông ấy bảo “Thế à, tôi không biết”. Họ hoàn toàn tự nhiên chấp nhận một lời nói như thế.

Tôi nói với họ: lý thuyết của các ông đúng nhưng không phù hợp với thực tiễn. Theo tôi, nên thay đổi cái thực tiễn này đi. Thế mà ông ấy đồng ý bỏ thực nghiệm đã làm trong 10 năm và thay bằng thực nghiệm khác. Sau khi ra đời, mô hình đó đã rất thành công.
PV: Điều gì có tính sống còn trong mô hình giáo dục của ông so với mô hình giáo dục cũ?

GS HNĐ: Tôi thay đổi cả về nguyên lý chứ không thay lặt vặt. Thông thường, trẻ con vào lớp 1 thì học đếm, rồi học phép cộng, trừ, nhân, chia… suốt 5 năm học. Tôi bảo, quy luật của lý trí là đi từ trừu tượng đến cụ thể, tổng quát đến chi tiết, đơn giản đến phức tạp thì các ông lại đi ngược lại. Anh cứ dạy như thế, phép, cộng, từ, nhân chia, tích phân… cho đến năm thứ 3 đại học anh mới dạy thế nào là phép toán. Tôi đặt ngược là dạy phép toán ngay từ đầu xem chuyện gì xảy ra. Họ bảo đó là không tưởng, tại sao lại dạy trẻ em như vậy? Tôi đáp: Hãy khoan nói đến cách làm mà bàn đến ý tưởng xem chuyện gì xảy ra. Nếu ý tưởng đó là đúng thì tôi sẽ có cách làm.

Thế là họ đồng ý dạy sách toán đại số và lý thuyết nhóm bậc 2, triển khai năm 1971 với các học sinh lớp 2 thực nghiệm. Đây là lý thuyết mới nhất của toán học được công bố năm 1970 tại ĐH Tổng hợp Lomonosov.

PV: Vậy ông đã triển khai như thế nào? Nếu là phụ huynh chắc tôi không dám cho con em đi học vì lý thuyết này nghe qua có vẻ rất khó, không phải là rất khó mà có vẻ là hoang đường với học sinh lớp 1, lớp 2?

GS HNĐ: Dạy thành công. Khi đó, tin này đã đồn ra khắp giới khoa học. Trường ĐH Lomonosov vốn kiêu ngạo như thế mà Hội đồng khoa học đã mời tôi đến báo cáo. Sáu tháng sau tôi bảo vệ luận án Phó tiến sĩ về chuyên đề này.

Ý tưởng này là do lý thuyết. Lý thuyết đó chỉ đơn giản như thế này: Tại sao tôi nói các bạn hiểu được? Tại sao thầy giáo giảng bài học sinh hiểu? Tất cả là do phương pháp và cách làm. Xưa nay sai lầm của anh ở chỗ là anh giảng cho học sinh, chúng không hiểu. Nhưng khi tự làm chúng sẽ hiểu. Một đằng thầy giảng, học sinh học thuộc. Một đằng học sinh tự làm từ A đến Z, giáo viên chỉ đóng vai trò người hướng dẫn

PV: Cách đây không lâu, tôi có viết một bài báo nói rằng, ở Việt Nam, nhà trường là của thầy cô. Và đây là một sai lầm. Trong khi đó ở các nước trên thế giới, nhà trường là của học trò, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn hoặc hỗ trợ phần nào đó?
GS HNĐ: Sau thành công đó, tôi có nói với những đồng nghiệp Liên Xô rằng, nếu như cho tôi làm từ đầu và triệt để thì tôi sẽ làm khác. Họ đồng ý cho tôi làm. Mỗi khóa trong trường có hai lớp, họ chia đôi thành hai lớp, một nửa của họ và một nửa cho tôi làm. Ngoài ra, còn có 8 người giúp việc hỗ trợ công việc nghiên cứu của tôi.

Sau này quốc tế biết đến, bất cứ người ngoài nào đến Nga thăm trường cũng qua hỏi thăm kinh nghiệm của tôi. Trong đó, có một nhà khoa học Mỹ đã tâm sự với tôi: Thứ yếu nhất của khoa học Mỹ trong những năm vừa qua là thiếu lý thuyết. Chúng tôi cảm nhận được rằng những cái chúng tôi đã làm là đúng nhưng không thể đi xa được. Anh không dám vứt bỏ những cái đang có để có một hướng đi mới về lý thuyết. Một nhà khoa học khi tham quan, nghiên cứu cơ sở của tôi cũng nói: “Chúng ta có thể dạy cho học sinh bất cứ cái gì nếu biết dạy”. Câu nói này đã động viên tôi rất nhiều.

Những năm 60 của thế kỷ 20, khoa học đã phát hiện năng lực trí tuệ của trẻ em cực lớn, không thể lường trước được. Hai ông viện sĩ đã làm mở trường thực nghiệm đầu tiên ở LX cũng nói, họ không ngờ những thứ đã dạy lại thu về kết quả tốt đến thế. Khả năng trí tuệ của trẻ em nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Chính vì thế tôi đã đưa nội dung toán đại số vào học ngay ở lớp 1.

PV: Nội dung này có được ông đưa về thực hiện trong trường thực nghiệm của Việt Nam từ những năm 1978?

GS HNĐ: Những thứ tôi đưa về VN cũng táo bạo nhưng không đến mức táo bạo như thế. Nhưng có điểm này thì rất táo bạo. Năm 1977, Đoàn Thiện Thuật tổng kết công trình nghiên cứu tiếng Việt trong 3 thế kỷ. Năm 1978, tôi đưa chương trình này vào dạy học sinh lớp 1. Cái lý của mình là thế này: trẻ con là ăn thật, mặc áo thật, đi lại thật, sống thật, xem tivi thật, tại sao học lại dởm? Cái gì cũng hiện đại nhất tại sao học lại không hiện đại?

Tôi quan niệm việc học phải đi vào thực chất vấn đề, chứ không phải là đồ “trẻ con”. Những tri thức mà chúng ta phân phát đến trẻ con là không thật. Áo đưa đến cho trẻ con là thực sự và hiện đại thì văn hoá đưa đến cũng phải là thực sự và hiện đại.

Bây giờ, phép toán đại số mình đưa xuống dạy trẻ con lớp 1 Trường thực nghiệm Hà Nội hiệu quả hơn trước rất nhiều. Thứ nhất là vì cuộc sống cũng vận động phong phú, đa dạng hơn. Năng lực trí tuệ của học sinh cũng cao hơn. Phương pháp dạy cũng chuẩn hơn. Trẻ con lớp 1 bây giờ đếm bao nhiêu là tùy ý nhưng trước kia đếm đến 10, 20, 100 là ghê gớm lắm rồi.

PV: Phương pháp của giáo sư là như thế nào để “chế biến” một món ăn rất khó như thế?

GS HNĐ: Mình cho học sinh tự làm, không phải nghe giảng gì hết. Việc học là của học sinh, xuất phát từ tính cá nhân và tự nguyện. Trước hết, anh phải thỏa mãn nhu cầu của cá nhân anh đã rồi mới thỏa mãn nhu cầu của xã hội. Có trường hợp trẻ con ốm, bố mẹ cho nghỉ ở nhà nhưng cứ nằng nặc đòi đến trường. Vì sao? Vì nó thích học quá! Tự bản thân nó thấy lợi ích của việc học. Hôm nay không đi học thì nó sẽ không biết cái này. Trẻ con rất dễ bị hấp dẫn bởi một thế giới mới mẻ, sinh động.

Phần 2

 PV: Giáo dục hiện đại "đang" rơi xuống đáy?

GS HNĐ: Cách đây, 30 năm tôi đã nói, có học sinh mới có thầy giáo, có thầy giáo mới có hiệu trưởng, rồi Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục, Bộ Giáo dục, giáo sư, tiến sĩ… Tất cả bắt đầu từ một đứa trẻ con nhưng hiện giờ tất cả người lớn lại hè nhau lại “bắt nạt” một đứa trẻ con...

PV: Toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay, điểm nào ngăn cản trẻ em đến với Thế giới đó - Thế giới trường học của chúng?

GS HNĐ: Về bản chất, nền giáo dục này lấy thầy giáo, lấy cái cổ truyền ngàn năm làm chuẩn. Trong khi phải lấy cái hiện đại, cái lợi ích trực tiếp ngay ngày hôm nay của trẻ con làm chuẩn.

PV: Giáo viên lấy mình làm chuẩn. Nền giáo dục Việt Nam lấy nền giáo dục của mình làm chuẩn. Đấy có phải là con đường dẫn tới hiện trạng của giáo dục Việt Nam hiện nay, thưa Giáo sư?

GS HNĐ: Đúng! Giáo dục hiện nay lạc hậu quá mức về ý tưởng, thực tiễn, thái độ, tư cách… mà trẻ em đã hiện đại quá rồi. Chúng ta đang lấy một cái rất cũ để áp cho một thứ rất mới. Tôi lấy ví dụ: Trẻ con sinh năm 2001 thì năm 2007 đi học lớp 1. Năm 2001, Việt Nam vào WTO, là dấu mốc để chấm dứt một giai đoạn cũ, bước sang một giai đoạn mới. Có thể mọi người chưa thấy những tác động trực tiếp của WTO nhưng sau này nó sẽ làm nền KT-XH của chúng ta biến đổi nhanh chóng.

PV: Mọi căn bệnh đều có thể cứu chữa. Theo ông, để cứu chữa cho tình trạng giáo dục hiện nay của chúng ta thì phải bắt đầu từ cái gì? Từ quan niệm, tư tưởng, hay từ một giải pháp nào đó?

GS HNĐ: Cách đây 30 năm tôi có ra quyển sách trong đó có một câu “Dỡ ra làm lại từ đầu”. Nhưng bây giờ, tôi ra khẩu hiệu mới là “Làm mới từ đầu”, tức là từ ngày đầu tiên bước vào lớp một và ngày đầu tiên bước vào đại học. Những cái đã qua thì không tính đến nữa vì nó lớn quá, lâu quá, ì quá rồi. Những đứa trẻ sinh năm 2001 phải có nền giáo dục của riêng chúng. Hiện nay chúng tôi đang tập trung nghiên cứu mô hình này.

PV: Liệu nó có khả thi không, thưa Giáo sư?

GS HNĐ: Hoàn toàn khả thi. Dự án của chúng tôi đã triển khai 43 tỉnh, thành. Có những nơi như Hải Phòng là 100%, TP. HCM là 70% Nhưng vì số tiền không đủ để đầu tư vào một dự án quá lớn như vậy nên hiện nay nó đang ngừng triển khai.

Sách giáo khoa của mô hình thực nghiệm hoàn toàn khác về nguyên tắc, thể chế làm việc và quan hệ với gia đình, nhà trường… Cách đây, 30 năm tôi đã nói, có học sinh mới có thầy giáo, có thầy giáo mới có hiệu trưởng, rồi Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục, Bộ Giáo dục, giáo sư, tiến sĩ… Tất cả bắt đầu từ một đứa trẻ con nhưng hiện giờ tất cả người lớn lại hè nhau lại “bắt nạt” một đứa trẻ con. Không có trẻ con thì vô nghĩa.

Vì thế, trường thực nghiệm này vì trẻ con thì mới mở trường, chứ không vì thầy giáo, không vì Bộ Giáo dục… Người lớn không hiểu được họ tồn tại được là nhờ đứa trẻ con. Vì sao trong xã hội hiện nay hành chính là “hành là chính”, vì bản thân anh làm hành chính không hiểu anh sinh ra là để phục vụ nhân dân.

PV: Quan niệm, lý thuyết này hoàn toàn đúng nhưng nó có vẻ đơn độc. Trong khi đó, tất cả trong hệ thống giáo dục của chúng ta, từ những người quản lý cho đến những người trực tiếp thực hiện vẫn không làm? Vì họ không biết hay họ ngại thay đổi, hay là vì cái nào khác?
GS HNĐ: Nếu biết mà ngại thay đổi thì đã may. Tôi cho là họ không nhận thức được.

PV: Lẽ nào không có ai hiểu được. Cũng có thể họ biết nhưng phải chăng vì lợi ích, họ đã chọn cách im lặng?

GS HNĐ: Cũng có thể. Cái biết đó không đủ sức mạnh lấn át cái lợi ích.

PV: Theo cách nhìn của những người không trực tiếp làm trong ngành giáo dục nhưng có quan tâm và có lợi ích từ nó như những phụ huynh mong chờ vào con em họ, một xã hội chờ đợi vào sự mới mẻ của giáo dục, thì nếu cứ hiện trạng thế này, họ sẽ thấy mệt mỏi. Một vài năm gần đây có chuyển động trong giáo dục nhưng theo nhiều trí thức thì đó là một chuyển động vòng tròn. Sự chuyển động đó không phải là những chuyển động có tính nền tảng mà nó vẫn rơi vào chủ nghĩa hình thức. Tôi không cho họ chạy theo thành tích mà cho rằng họ chưa nhận thức đúng. Vậy đến bao giờ thì ngành giáo dục của chúng ta mới nhận thức được điều đó?

GS HNĐ: Về duy lý, nếu họ biến đổi cái gì thì là vì lợi ích của họ chứ không phải vì dân. Nếu có một động cơ thực sự trong sáng thì sẽ vượt qua được mọi cám dỗ.

Hiện nay, những người có một công ăn việc làm gì đó trong giáo dục, thì cứ bám và khai thác lợi ích từ đó, bất chấp nguyện vọng, lợi ích, tương lai của nhân dân. Nếu có thì cũng chỉ nói trên đầu lưỡi chứ tâm hồn không có. Đau nhất là chỗ ấy. Tôi thất vọng về một số người làm giáo dục. Nhưng tôi khẳng định điều này chỉ kéo dài một thời gian khi phụ huynh học sinh còn chịu đựng được.

PV: Ông đã từng nhận xét, về lý thuyết, hãy cứ để sự thật trở về đúng bản chất của nó, hãy cứ để cho nó rơi xuống tận đáy. Vậy theo ông, hiện trạng giáo dục chúng ta đã rơi xuống đáy chưa?

GS HNĐ: Hiện nay, đã rơi xuống đáy rồi.

PV: Vậy lí do cơ bản nào khiến các thầy giáo trong giáo dục Việt Nam có thể “dửng dưng” như vậy?

GS HNĐ: Vì cái lợi ích của chính nó. Chưa bao giờ nền giáo dục lại nhiều tiền đổ vào như bây giờ nhưng cũng chưa bao giờ lại “không đáng tin” như thế. Trong từng cá nhân một thì có những người tử tế, nhưng tất cả gộp vào thì lại khác.

PV: Có một câu chuyện rất quen thuộc nhưng chúng ta vẫn nên bàn đến ở đây. Theo quan điểm của tôi, học thêm ở VN không phải là một sự tăng cường tri thức cho học sinh mà hình như đó là một biểu hiện “phá sản”của nền giáo dục này. Trong lúc đó, các nước châu Âu, Mỹ và một số nước Mỹ latinh nữa, bản chất của việc học thêm theo kiểu Việt Nam không có mặt trong tinh thần của tất cả những người tham gia giáo dục…

GS HNĐ: Một lần sang Anh, tôi có hỏi một giáo viên ở đấy là chị có dạy thêm không? Cô ấy bảo cũng tùy. Những em nào học hết phổ thông không thi đại học thì không, nhưng ai thì vào đại học thì vẫn phải học thêm.

Học thêm ở đây chỉ có một thầy, một trò. Về bản chất, học thêm là lành mạnh và nên khuyến khích. Ở trường học, thầy cô chỉ cung cấp những kiến thức tối thiểu. Việc học thêm sẽ tăng cường tri thức cho học sinh như một hình thức đa dạng trong giáo dục.

Nhưng học thêm ở Việt Nam hầu hết là lặp lại và làm cho học sinh chán nản, nặng nề. Cái đó đã làm biến dạng bản chất của học thêm và sai về phương pháp sư phạm.

Trong những cái mất mát của đời người thì mất mát về thời gian là tuyệt đối nhất. Bằng cách nhồi nhét học sinh kiến thức, nhà trường, các bậc phụ huynh đang cướp đi tuổi thơ - thời kỳ đẹp nhất của các em. Đó không chỉ là sự lãng phí thời gian mà thực sự là một tội ác.

PV: Nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt trong các đô thị lớn lại cho rằng, trẻ con học càng nhiều càng tốt?

GS HNĐ: Đó là cái nguy hiểm, dại dột nhất. Họ không hiểu đứa trẻ con đi học sớm thì rất dễ nhôm nhoam. Học sinh của trường thực nghiệm “học đâu được đấy” vì phương pháp rất nhẹ nhàng, kiến thức lại mới mẻ.

PV: Tôi đã ở nhiều tháng trong một gia đình người Mỹ và quan sát bọn trẻ con học thì nhận thấy có một điều khác biệt vô cùng là phương pháp như Giáo sư vừa nói: “học đâu được đấy”. Bài vở của trẻ con Mỹ được giải quyết tại nhà trường. Khi về nhà chúng được tự do vui chơi trong thế giới riêng của chúng. Còn ở Việt Nam, có lẽ những đứa trẻ trở thành nô lệ của sách vở. Khi trở thành nô lệ của sách thì chúng tìm cách chống lại sách. Bởi chúng không tìm thấy niềm vui và sự hứng thú với sách. Vô tình, nhà trường trở thành nơi ăn cắp tuổi thơ của học sinh. Và khi tuổi thơ bị đánh cắp là một điều rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây nên chấn thương lớn trong tâm hồn đứa trẻ.

GS HNĐ: Đúng thế.

PV: Thưa Giáo sư, có nhiều người phát biểu, nền giáo dục của chúng ta có những bất cập như thế này bởi vì chúng ta học từ kinh nghiệm hệ thống giáo dục của Liên Xô cũ, điều đó nó ngược lại với quan điểm về giáo dục Liên Xô cũ của thầy?

GS HNĐ: Ở Liên Xô cũng có hai trường phái thật. Một là tuyệt đại đa số cũ kỹ, lạc hậu, nhất là phổ thông. Những cái mới như giáo dục thực nghiệm của chúng tôi thì vẫn đơn lẻ. Nhưng khi tôi về Việt Nam làm thì công nghệ giáo dục mới đã tỏ ra rất thành công. Thậm chí, Thành ủy Hải Phòng trong một báo cáo gửi Bộ Chính trị còn nhấn mạnh, đổi mới giáo dục nhờ công nghệ giáo dục là một trong những thành tựu lớn nhất của địa phương này.

PV: Cách đây không lâu, một chuyên gia giáo dục đã nói với tôi, hệ thống đào tạo sư phạm của VN đã cũ kỹ, lạc hậu quá rồi. Nó cần phải được thổi một luồng sinh khí mới. Là một người đào tạo nhiều giáo viên của các thế hệ, ông nghĩ gì về quan điểm này?

GS HNĐ: Trong cuốn sách xuất bản năm 1985, tôi có viết: “Việt Nam chưa có trường sư phạm”. Ông Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội lúc đó đã chỉ vào cổng trường và hỏi tôi:” Thế đây là cái gì, anh Đại”. Tôi trả lời:” Đấy là cái biển để người ta phân biệt trường sư phạm với quán phở nằm bên cạnh”. Và cho đến nay tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đó.

Quan niệm đào tạo của trường sư phạm hiện nay quá cũ. Nhiều người cứ nói: “Thầy giáo là kỹ sư tâm hồn” nhưng tôi định nghĩa, người thầy chỉ là một người lao động có nghiệp vụ sư phạm như là công nhân trong nhà máy có nghiệp vụ kỹ thuật, người lái xe có nghiệp vụ lái xe…

PV: Như vậy, quan hệ giữa giáo viên và học sinh là rất “sòng phẳng”?

GS HNĐ: Quan hệ rất đàng hoàng. Học sinh cũng là con người. Đã là lao động thì anh phải có quy trình, kỷ luật, sản phẩm lao động. Người lao động là người làm ra sản phẩm chứ không phải là người bắt nạt người khác…

PV: Mô hình thực nghiệm đã trải qua nhiều thăng trầm. Và đã có những ý kiến hồ nghi về “công nghệ giáo dục" của GS Hồ Ngọc Đại? Ông nghĩ gì về điều này?

GS HNĐ: Hiện nay, mô hình thực nghiệm còn phát triển cao hơn về chất. Trước đây nó còn phải nhân nhượng, “chịu thua” với bên ngoài để đảm bảo học sinh khi chuyển trường vẫn bắt kịp bên ngoài. Nhưng từ khi thu gọn quy mô, nó có điều kiện làm quyết liệt, triệt để hơn.

PV: Những kết quả nào đánh giá sự khẳng định đó?

GS HNĐ: Phần thưởng lớn nhất là niềm tin yêu của phụ huynh. Con em là máu thịt, cuộc đời của họ nên họ không thể tùy tiện trong việc chọn trường, chọn thầy. Nhưng hàng năm tôi vẫn nhận được số đơn xin theo học gấp hơn 10 lần số chỉ tiêu cần tuyển.

PV: GS có thể ước đoán bao nhiêu phần trăm các nhà quản lý và giảng dạy hiểu biết, nhận thức đúng (có thể không làm được) tin rằng đó là con đường đúng của giáo dục hiện đại?

GS HNĐ: Bây giờ số ấy đã tăng lên. Rất nhiều kiến thức của tôi đã bị “ăn cắp”. Nhưng mục đích của tôi là đưa kiến thức của tôi đến con em nên tôi hoan nghênh. Nhưng tôi tuyên bố là phải chính xác, thật, và đừng chỉ dán cái mác của tôi không thôi ở đó.

PV: Mô hình thực nghiệm đã đem lại cho học sinh những gì, thưa Giáo sư?

GS HNĐ: Tư cách!

PV: Nền giáo dục của chúng ta làm cho các bậc phụ huynh luôn ở trong tâm trạng lo âu và hoảng hốt. Bởi thế các phụ huynh chỉ chú ý một điều duy nhất là nhìn vào học bạ của con em mình mà không bao giờ nhìn vào các hành vi khác cũng như phát triển tâm hồn và trí tuệ. Đó chính là thất bại lớn nhất của một nền giáo dục và kéo theo những bi kịch của đời sống tinh thần xã hội trong tương lai…

GS HNĐ: Chính xác!

PV: Cách đây hai năm, một giáo sư ĐH Massachusetts viết thư cho tôi nói ông có một đứa con vì điểm thấp nên không vào được một trường mà nó mong muốn. Nhà trường đó muốn có một người chứng minh đứa bé có một khả năng nào đó và nó cần một cơ hội. Ông đã nhờ tôi viết lá thư đó vì tôi biết con ông từ lúc 5 tuổi. Tôi đã viết một lá thư cho người phụ trách tuyển sinh của trường kể về cậu bé mà tôi biết. Lá thư đã thay đổi quan điểm của ông và cậu bé đã được nhận. Để làm một bài toán điểm 10 không phải điều hệ trọng trong cuộc đời một đứa trẻ mà phải có điều gì đó hiện diện trong tâm hồn nó và nhà trường đó có nhiệm vụ phải tạo điều kiện cho tâm hồn đó phát triển chứ không phải ghi điểm. Hôm nay nó được 10 toán nhưng ngày kia vì mải chơi chỉ được có 4 điểm, điều đó không sao. Một nền giáo dục bị phá sản không phải là thành tích thi cử mà là những biến dạng tâm hồn của những đứa trẻ?

GS HNĐ: Điều lớn nhất của trường thực nghiệm là học sinh không nói dối. Người ta bảo như thế là ngố nhưng tôi nghĩ, khi ra đời, những thứ đó mới là vô giá. Học sinh thực nghiệm đi đâu là biết ngay vì trông cái mặt rất thật.

PV: Nhưng liệu trong bối cảnh xã hội đầy toan tính và bị xâm chiếm bởi chủ nghĩa thực dụng như bây giờ thì điều đó có là thiệt thòi đối với những học sinh có bộ mặt rất thật của Giáo sư?

GS HNĐ: Có thể đó chỉ là thiệt thòi trước mắt nhưng càng ra đời càng tốt. Phụ huynh ban đầu hoảng hốt nói với tôi là tại sao thầy không cho điểm, không xếp hạng. Nhưng tôi nói, trong trường này không ai chấp hành ai hết, trẻ con là tối thượng đối với nó!

Phần 3

Tuesday, 7. October 2008
PV: Những cải cách đó chỉ là ngụy trang?

GS HNĐ: Thà cứ như cũ thì còn dễ hơn. Những cải cách đó chỉ là ngụy trang vì những thứ đã cải cách là quá dở. Nhưng cải cách giáo dục đã đánh mất đi một cái gì đó của truyền thống, của văn hóa, của một cái gì đó khiến người ta trân trọng...

PV: Tôi có khảo sát một trường tiểu học ở Mỹ. Quốc khánh Mỹ, thầy cô giáo để những đứa trẻ từ lớp 1 đến lớn 4 làm quốc khánh theo cách của chúng. Chúng tự trang trí trường học, đọc diễn văn và nói ý nghĩa của chúng đối với dân tộc mình. Trong lớp mỗi đứa có một cuốn sổ gọi là “sổ thơ của tôi”. Ở cái đất nước mà chúng ta tưởng là thực dụng nhất lại luôn tìm cách tạo cho đứa trẻ một đức tin, một tâm hồn và khả năng tự quyết định mình.

GS HNĐ: Tôi giáo dục cho trẻ con có 3 điều. Thứ nhất là lòng yêu nước (không có gì trừu tượng cả). Thứ hai là làm việc có trách nhiệm, chân thật, việc gì ra việc ấy. Và thứ ba là biết chia sẻ. Yêu nước vì sao, vì tất cả sự sống của nó gắn với quê hương, tổ quốc nó. Muốn có lòng yêu nước, nó phải có trách nhiệm với từng điều nó học, từng điều nó làm. Chia sẻ là nhận thấy những nét đẹp của người khác.

PV: Có rất nhiều người đang hiểu sai về khái niệm công dân toàn cầu. Họ cho rằng, công dân toàn cầu là giỏi ngoại ngữ, đi nước ngoài nhiều v.v… Nhưng một người nông dân ở nơi xa nhất của thế giới này mà biết yêu cái cây, quý con chim ở bên cạnh, đó mới chính là công dân toàn cầu vì anh ta biết giữ gìn di sản ngay bên cạnh mình. Và nếu 6 tỷ người ai cũng yêu mảnh đất dưới chân họ, yêu cái cây, bầy chim quanh họ, yêu những đám mây trên đầu họ thì thế giới này sẽ trở thành một Thiên đường. Còn nếu 6 tỷ người đều giỏi ngoại ngữ, nhiều bằng cấp và đi khắp thế giới nhưng chỉ vì lợi ích cá nhân họ thôi thì thế giới này sẽ ra sao?

GS HNĐ: Giáo dục là phải như thế. Tôi chưa từng thấy ở đâu học sinh hát quốc ca hay như học sinh trường tôi. Cái gọi là trừu tượng mà cũng cụ thể nhất đó là yêu nước. Anh phải yêu đất nước, dân tộc này và anh phải đau nỗi đau của nó thì mới thấy được hạnh phúc nó đem lại. Bọn trẻ con bây giờ hay cãi cha mẹ nhưng không phải thế là hư. Các bậc phụ huynh phải thuyết phục bằng cái lý của trẻ con. Muốn dạy chúng thì trước hết phải thì phải thua chúng. Sau đó phân tích bằng cái lý của chúng để nó thua ngay trên cái lý của chúng.

PV: Khi một con người nhận thức được vẻ đẹp của cuộc sống thì anh ta sẽ không bao giờ chà đạp lên nó. Và cái chết của nhà trường chúng ta là đang bắt học sinh thuộc lòng những công thức toán học mà không để ý xây dựng một nền tảng mỹ học cho chúng. Đó là sai lầm lớn nhất của giáo dục?

GS HNĐ: Tôi có một kỷ niệm rất vui. Một hôm, có phụ huynh đưa con đến trường. Đứa trẻ khi nhìn thấy tôi đã chạy vòng quanh rồi đánh vào “mông” tôi một cái. Mẹ đứa bé mắng đứa trẻ hư nhưng tôi nói, không phải. Dễ gì một người thầy có vinh hạnh như thế này. Nếu trẻ con được tôn trọng thì nó lớn lắm và anh cũng lớn hơn nó. Còn nếu anh dập vùi nó thì tưởng anh lớn hơn nó nhưng thực ra thì anh thấp hơn nó.

PV: Tháng 4 vừa rồi ở Mỹ, tôi có đến xem một buổi biểu diễn của trẻ em lớp 1. Các em đóng vai những con cừu kể một câu chuyện không vui đã xẩy ra với chúng. Cuối cùng, một con lừa xuất hiện và đã xin lỗi những đứa trẻ về những sai lầm đã gây ra. Ai đóng con lừa? Xin thưa, ông Hiệu trưởng đã đóng con lừa. Ông ta đội một cái mũ có hai cái tai lừa và nói, xin hãy tha thứ cho những lỗi lầm của tôi. Không bao giờ ở Việt Nam, hiệu trưởng làm được điều đó. Vì họ nghĩ cái đúng là của họ còn những sai lầm chỉ thuộc về học sinh.

GS HNĐ: Một trong những cái tôn trọng trẻ con lớn nhất là những gì anh đưa đến cho chúng phải thật. Và bản thân anh cũng phải thật. Sách giáo khoa mà tôi đưa ra thách nhà tri thức nào có thể bắt bẻ một sai lầm. Cái nào tôi đưa đến cho trẻ con cũng là những thứ tôi đưa đến cho anh. Thật là thật của thời đại. Hiện nay, chúng ta toàn đưa cho học sinh những cái sai một nửa, thật một nửa, hay một nửa, dở một nửa… Trẻ con rất mẫn cảm, không thể lừa được chúng đâu.

PV: Giáo sự có sợ rằng: học sinh của ông được dạy những cái thật nhất và nhân cách của chúng cũng phát triển rất thật. Nhưng liệu khi rời bỏ tháp ngà đó để đi ra cuộc đời, chúng có hụt hẫng? Và chúng sẽ không biết cách đối phó với những cám dỗ, những lừa lọc? Còn theo tôi,cho dù chúng ta dạy cho trẻ con biết có 1000 trò lưu manh ở ngoài đời và cách đối phó với những trò đó, nhưng khi chúng bước ra cuộc đời thì cái trò lưu manh thứ 1001 sẽ xuất hiện và hạ gục chúng. Nhưng lòng tin, sự kiêu hãnh, trí tuệ, nhân cách và tâm hồn sẽ dẫn chúng đi qua tất cả dù chúng có thể gặp rất nhiều khó khăn.

GS HNĐ: Vẻ đẹp của nhân cách và tâm hồn sẽ cho chúng khả năng nhận biết tất cả mọi sự giả dối

PV: Trong những năm đổi mới, giáo dục Việt Nam cũng đã làm nhiều việc mà báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực để nói đến. Vậy những đổi mới gì thực sự quan trọng cho nền giáo dục chúng ta trong những năm vừa qua?

GS HNĐ: Thà cứ như cũ thì còn dễ hơn. Những cải cách đó chỉ là ngụy trang vì những thứ đã cải cách là quá dở. Nhưng cải cách giáo dục đã đánh mất đi một cái gì đó của truyền thống, của văn hóa, của một cái gì đó khiến người ta trân trọng.

Trước đây vài chục năm, nhiều người cho tôi là người lập dị, có thể gàn, nhưng dần dần mình thấy cái xã hội đối với mình có gì đó khác hơn xưa rất nhiều.

PV: Trên cương vị là một người đã nghiên cứu lâu năm về giáo dục thì ông thấy việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở Việt Nam còn những bất cập gì?

GS HNĐ: Theo tôi, trước hết phải hoan nghênh điều này. Hiện nay, xã hội cứ thấy đào tạo nhiều lại kêu là “ồ ạt”, nhưng thà “có còn hơn không”. Anh phải lấy lợi ích của xã hội lên hàng đầu.

PV: Bộ GD - ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề án đào tạo tiến sĩ (TS) giai đoạn 2007–2020 để đạt được mục tiêu 35% giảng viên Đại học, Cao đẳng có trình độ TS mà Bộ đề ra. Theo đó, mỗi năm sẽ tuyển mới 2.000 người làm TS trong và ngoài nước, 10 năm là 2 vạn? Ông nghĩ gì về chỉ tiêu này?

GS HNĐ: Nếu bộ Giáo dục – Đào tạo làm được như thế thì tuyệt vời quá. Tôi hoan nghênh con số 20 ngàn , nếu hơn nữa thì cũng tốt. Những mục tiêu và xu hướng phát triển rộng rãi của đội ngũ, cũng như việc mở rộng trường Đại học cũng đáng hoan nghênh…

Vấn đề nằm ở việc đánh giá chất lượng hiện nay còn rất mù mờ. Theo tôi, chất lượng nghĩa là có ích thực sự cho đời. Nhưng trên thực tế, người ta lại thắc mắc, đau khổ vì cái này. Cái ích nhẽ ra chỉ có 1 nhưng anh hưởng lợi nhiều quá, anh hưởng tới 9, 10 cơ. Thế nên xã hội mới lên án. Chứ còn anh làm một mà anh hưởng một thì tốt quá, còn hơn là không có gì.

PV: Đối tượng” hưởng nhiều mà làm ít” là ai, thưa ông?

GS HNĐ: Cả người học lẫn người dạy. Đó là cái dởm, cái hỗn loạn của xã hội hiện nay. Anh đào tạo bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Nên đào tạo hơn là không đào tạo, nên hoan nghênh người đi học chứ đừng chê bai người ta, học càng nhiều càng quý chứ đừng hạn chế.

Việc học tập có thuộc tính cơ bản, một là tính cá nhân, hai là tính tự nguyện. Vì sao tự nguyện? Vì việc học đem lại lợi ích cho cá nhân anh nên anh tự nguyện. Cho nên hai cái: tính tự nguyện và tính cá nhân đều phải tôn trọng. Tuy nhiên tôi thấy, việc học thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay đều không vì cái “lợi” trực tiếp, mà vì cái “lợi” gián tiếp thì có. Nhiều người chỉ lấy việc học đó làm “cớ” để phục vụ cho những lợi ích khác.

PV: Nhận xét này có phần võ đoán và quy chụp. Trong thực tế, có rất nhiều người học thạc sĩ và tiến sĩ nhằm bổ sung kiến thức và kĩ năng cho chính bản thân họ. Như vậy là cái “lợi” cho chính bản thân họ, thưa ông?

GS HNĐ: Lợi ích của việc học không nằm ngay ở bản thân công việc đó mà nằm ở ngoài nó và  người học chỉ kiếm cớ thôi. Nhiều người đã “lợi dụng” cái việc học ấy để làm những việc khác như cấp bằng, tăng lương, lên chức chẳng hạn. Nó khác với việc học là làm đẹp cho sự sống, sức sống của chính nó. Đó là thực tế hiện nay của xã hội.

Giống như lao động là lẽ sống của con người. Con người mà không lao động thì vô nghĩa. Nhưng lao động ấy lại chỉ vì cái khác như tiền lương, chức vụ. Cái đó người ta gọi là tha hoá. Có thể anh rất đau khổ vì làm việc ấy nhưng vì đồng lương mà anh phải làm. Anh rất nhục khi phải “quỳ lạy” người ta nhưng “quỳ lạy” thì mới có chức quyền. Những người như vậy rất là nhục và họ biết nhưng vì mục đích mà phải chịu đựng, nhẫn nhục. Bản chất của việc học hiện nay cũng có cái “nhẫn nhục” đó. Sự học rất khó khăn, nhiều thứ không thể chiếm lĩnh, chinh phục được. Ai chinh phục được thì mới coi là hạnh phúc.

PV: Nói như ông thì quan niệm học tập của xã hội đang có những sai lệch?

GS HNĐ: Bây giờ anh học không phải vì học, mà vì những cái bên ngoài việc học và chỉ lấy việc học làm cớ.

PV: Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, do cách tuyển dụng, đề bạt trong các cơ quan nhà nước hiện nay quá chú trọng đến “bằng cấp” mà “bỏ quên” thực lực?

GS HNĐ: Đúng rồi. Cách đây không lâu, khi làm việc với anh Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tôi có nói: “Anh là Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì anh phải biết dùng người”. Tôi đọc 5.000 năm lịch sử Trung Quốc thấy một lần duy nhất có một tiến sĩ làm vua và chỉ một năm là đổ. Còn tất cả các triều vua khác toàn từ chân đất đi lên hoặc từ chiến trường trở về. Làm chính trị phải là những người lăn lộn, trưởng thành trong cuộc sống. Còn bằng cấp thì chỉ mấy năm là có cái bằng. Cho nên phải có biện pháp để khử cái đó. Bằng công việc, tức là tuyển người phải tuyển người có thực lực chứ đừng tuyển bằng cấp.

PV: Điều này có lẽ chỉ thực hiện tốt hơn trong khu vực tư nhân, còn khu vực công thì bằng cấp vẫn là một bước đệm để cho nhiều người thăng tiến?

GS HNĐ: Điều này đúng. Những cái tệ hại phải đi đến cùng thì mới vứt bỏ được, còn nửa vời thì sẽ rất khó. Chuyện “bằng cấp” cũng phải đi đến cao trào tới mức không ai chịu nổi thì tự nó sẽ bỏ. Hiện tại xu hướng xã hội vẫn chưa đi đến tận cùng nhưng nhiều người đang bắt đầu “giác ngộ” lại. Cho nên có hai định hướng trong chỉ tiêu hai vạn tiến sĩ: anh mở rộng ra càng nhiều càng tốt. Nhưng bù lại anh phải biết cách sử dụng.

Ngày xưa, khi tôi không nhận chức Thứ trưởng, nhiều người cho là “gàn”. Nhưng tôi tranh luận lại: làm thứ trưởng có hàng chục người làm giỏi hơn tôi, nhưng làm “giáo dục thực nghiệm” thì không mấy người giỏi như tôi.

Điều đó là rất thật. Cho nên sử dụng là phải có lợi ích thực tiễn. Bản chất kinh tế thị trường là tôn trọng thực lực. Anh mua cái cốc này là vì bản thân nó, chứ anh không nghĩ do ai làm ra, ở trong nước hay quốc tế. Trong nền kinh tế thị trường, xu hướng của xã hội đang dần trở về cái minh bạch, công khai, công bằng. Chuyện đi lên bằng “học giả, thi giả” chỉ là tạm thời, nó sẽ đào thải vì cái đó là không thật.

PV: Theo ông, nhân tố nào sẽ quyết định “đào thải” những “tạp chất” này?
GS HNĐ: Dư luận xã hội

PV: Đó dường như chỉ là tác động bên ngoài?

GS HNĐ: Dư luận xã hội phản ánh cái cuộc sống thực. Khi dân từng người một thì không là cái gì, nhưng toàn dân thì là tất cả .


Lần cập nhật cuối ( Thứ ba, 02 Tháng 3 2010 09:43 )
Post từ :  vcomtech.net/vn/index.php?option=com...view...  

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012



Học sinh Việt Nam giành giải nhất ở Intel ISEF 2012
19/05/2012 | 10:27:00

Đội Việt Nam đeo huy hiệu dành cho những người đoạt giải nhất. (Nguồn: Internet)

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đoàn học sinh Việt Nam tham dự Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) 2012 đã giành giải nhất lĩnh vực Kỹ thuật (Điện và Cơ khí) với đề tài: “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng Mặt Trời phục vụ cho sinh hoạt.”

Cuộc thi do Hội Khoa học và Công chúng Hoa Kỳ tổ chức từ năm 1950. Năm nay, cuộc thi được tổ chức tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania (Hoa Kỳ), từ ngày 14-18/5 với sự tham gia của hơn 1.500 thí sinh đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đội Việt Nam gồm các em Trần Bách Trung, Bùi Thị Quỳnh Trang và Vũ Anh Vinh đến từ trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam đã tạo nên bất ngờ lớn và làm nên kỳ tích khi giành giải Nhất trong lĩnh vực mình dự thi.

ISEF 2012, ngoài công trình của nhóm Việt Nam còn có khá nhiều công trình khác cũng mang đề tài xử lý nước mặn thành nước ngọt.

Đội học sinh Việt Nam cho biết họ là những người đầu tiên tiếp cận việc này bằng kỹ thuật áp suất thấp và năng lượng Mặt Trời. Ưu điểm của công trình nghiên cứu này là có tác động tốt tới môi trường, kỹ thuật thi công không phức tạp và chi phí khá rẻ, dễ triển khai tại cộng đồng.

Tại Việt Nam, công trình nghiên cứu này đã vượt qua hàng ngàn đề tài nghiên cứu để đoạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn quốc ViSEF năm 2012. Công trình của đội Việt Nam càng có ý nghĩa thời sự khi nhiều nước trên thế giới đang rất quan tâm đến vấn đề tìm nguồn năng lượng mới./.
PV (Vietnam+)

Hình ảnh trong cuộc thi của Đội Việt Nam

Đăng ký và dựng gian trưng bày

Chuẩn bị poster

Lễ khai mạc



cảm ơn Phí Tường Uyên: