Hầu hết chúng ta đều ý thức được tầm quan trọng của việc ăn uống
sao cho mạnh khỏe, nhưng ít ai hiểu rõ thế nào là một chế độ dinh dưỡng tốt.
Có nhiều ý kiến trái ngược về giá trị của một loại thực phẩm
hoặc chế độ ăn uống: thứ nào tốt, thứ nào xấu.
Bạn không thể hoàn toàn tin
tưởng những người gọi là chuyên gia, bởi vì chính họ còn mâu thuẫn với nhau.
Một số nói rằng chất béo no, cholestorol, và thịt đỏ thì xấu, trong khi những
người khác lại nói là tốt; chính đường và ngũ cốc chế biến mới là xấu, v.v…Bạn
tin ai bây giờ? Thưa, vẫn còn một câu trả lời.
Người ta có thể nghiên cứu về khoa học dinh dưỡng và đưa ra
những luận thuyết về các chế độ dinh dưỡng, nhưng kiểm chứng thực sẽ là chế độ
nào hiệu nghiệm trên thực tế. Lý thuyết nghe hay, nhưng nếu nó không hiệu
nghiệm lúc áp dụng, thì cũng chẳng ích gì. Một chế độ ăn uống tốt là một chế độ
giúp tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh tật, và duy trì sức khỏe cho tới tuổi
già – hết cả cuộc đời.
Chế độ ăn uống hiện thời, mệnh danh là Phương Tây (Western diet)
rất tiếc, lại thiếu sót điều này. Mặc dù nó giúp giảm cholesterol, giảm chất
béo no, và vài thứ khác, nhưng những căn bệnh trầm kha lại gia tăng mỗi ngày
một nhiều, và ngày càng có thêm nhiều căn bệnh mới. Những bệnh trước đây chỉ
gặp ở tuổi già, nhưng lại xuất hiện ở lứa tuổi trẻ hơn, như tiểu đường, viêm
khớp. Chế độ ăn uống theo kiểu đó thực sự là một tai họa. Thế tìm đâu ra câu
trả lời?
Chìa khóa để tìm ra chế độ dinh dưỡng lý tưởng là nhìn vào tỉ lệ
dân số ít bị bệnh nặng kéo dài, kể cả sâu răng và bệnh về lợi. Một nhóm dân số
nào đó không thể khỏe mạnh được nếu không có một chế độ tốt. Như vậy một dân số
khỏe mạnh cần một chế độ dinh dưỡng tốt. Ngày nay khó có thể kiếm được những
người như vậy. Thương mại quốc tế ngày càng phát triển, thức ăn hiện đại của
phương tây lúc nào cũng có sẵn trên trên thị trường toàn cầu. Kết quả là các
bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và những căn bệnh nặng khác hoành hành khắp
thế giới.
Tuy nhiên, vào đầu Thế kỷ 20, có những nhóm dân tộc không bị
tiếp cận với những thức ăn hiện đại này và không bị ảnh hưởng bởi cái gọi là
những căn bệnh của nền văn minh hiện đại. Nhờ có công việc tiên phong của bác
sĩ Weston A. Price mà chúng ta có được những tài liệu về những xã hội khỏe mạnh
và thực phẩm họ dùng. Bác sĩ đã có những nghiên cứu sâu rộng về những bệnh
nhiễm trùng chính trong khoảng thập niên 1920. Những năm sau đó bác sĩ đã tìm
ra mối tương quan giữa các căn bệnh trầm trọng kéo dài với chế độ ăn uống.
Trong quá trình hành nghề nha lâu năm của bác sĩ Price, ông đã
có dịp quan sát số người ngày càng gia tăng bị mắc bệnh trầm trọng kinh niên,
và những vấn đề về răng. Ông nhận thấy càng về sau trong cuộc đời nha sĩ của
ông, càng có nhiều vấn đề về răng mà trước đây rất hiếm. Trong suốt phần đầu
của thế kỷ 20, việc sản xuất và chế biến thực phẩm đã được cách mạng hóa để đáp
ứng đòi hỏi của dân số thế giới ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Khi phương pháp chế biến thức ăn bắt đầu phát triển, và chế độ ăn uống bị thay đổi, một hiện tượng thú vị bắt đầu xuất hiện. Nó tinh tế tới mức ít ai để ý tới, và ngược lại những căn bệnh hiếm có hoặc chưa từng nghe nói tới bắt đầu gia tăng về số lượng. Bệnh động mạch vành (tim) chưa từng nghe đến trước thập niên 20 bùng nổ, và đến những năm 50, thì trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Điều thú vị là ở chỗ, ngày nay mỡ động vật và cholesterol bị cho là nguyên nhân gây bệnh tim mạch, thế nhưng vào đầu thế kỷ trước đó, khi mà mỡ động vật là nguồn cung cấp chất béo chính yếu trong chế độ ăn uống, và sức tiêu thụ chất béo no và cholesterol cao hơn nhiều so với hiện tại, nhưng bệnh tim mạch lại hiếm.
Bác sĩ Price đã tự đặt ra câu hỏi: Phải chăng sự thay đổi về ăn
uống có mối tương quan mật thiết tới sự suy giảm về sức khỏe. Và ông bắt đầu đi
tìm câu trả lời. Cách ông làm là thực hiện việc so sánh sức khỏe của những
người ăn thức ăn truyền thống với sức khỏe của những người ăn thức ăn chế biến
hiện đại. Để tránh những tác nhân khác có ảnh hưởng tới sức khỏe, ông chọn các
đối tượng tham gia cuộc nghiên cứu có cùng một cơ sở di truyền, sống cùng một
khu vực địa lý. Điểm khác biệt duy nhất là chế độ ăn uống.
Ngày nay khó có thể tìm được một nhóm dân số chỉ dựa vào thức ăn
truyền thống. Thức ăn hiện đại có thể tìm thấy hầu như ở khắp nơi trên thế
giới. Nhưng vào thập niên 30, vẫn còn tìm được những dân tộc sống chủ yếu dựa
vào thức ăn cổ truyền và không bị ảnh hưởng của thức ăn hiện đại.
Bác sĩ Price đã trải qua một thập kỷ đi khắp thế giới, tìm và
nghiên cứu những giống dân này. Ông đi tới những vùng thung lũng xa xôi trong
dãy núi Alpes Thụy Sĩ, vùng ngoại vi và nội địa Hebrides ngoài khơi
Tô-cách-lan, thăm viếng những ngôi làng người Eskimo ở Alaska, những thổ dân Mỹ
tại miền trung và miền bắc Canada và Florida, người Melanesian và người
Polynesian ở vô số đảo tại nam Thái Bình Dương, các bộ tộc miền đông và trung
Phi, thổ dân Úc, các bộ tộc Malay ở trên các đảo miền bắc nước Úc, giống dân
Maori ở Tân-tây-lan, và người da đỏ Nam Mỹ ở Pê-ru và Vùng lòng chảo Amazon.
Khi bác sĩ Price đến một khu vực nào đó, ông thường khám sức
khỏe cho dân chúng, đặc biệt là răng, và ghi chú cẩn thận thức ăn họ dùng, phân
tích tỉ mỉ chất dinh dưỡng có trong khẩu phần ăn. Những mẫu thức ăn được gửi
tới phòng thí nghiệm nơi thực hiện những phân tích chi tiết. Chẳng cần nhiều
thời gian, ông cũng đã nhận ra sự tương phản về sức khỏe giữa những người ăn
thức ăn truyền thống với những người ăn thức ăn hiện đại trong chế độ dinh
dưỡng của mình.
Bất cứ nơi nào người ta dùng thức ăn truyền thống, ông ghi nhận
rằng cả sức khỏe về răng và toàn thân đều tốt, trong khi những người dùng thức
ăn hiện đại , sức khỏe đều bị suy giảm. Khi thiếu sự chăm sóc y tế hiện đại,
thì sự suy giảm sức khỏe đó lại càng rõ nét. Những bệnh về răng, cũng như nhiễm
trùng và những căn bệnh hiểm nghèo khác như viêm khớp, lao phổi, rất phổ biến
trong nhóm người dùng thức ăn phương tây. Thí dụ, có những khác biệt rõ ràng
giữa những người sống sâu bên trong các đảo Thái-bình-dương với những người
sống bên bờ đảo nơi có những bến cảng với nhiều thức ăn hiện đại.
Trong một
hình minh họa, ông cho thấy một người đàn ông bộ tộc Malay với hàm răng trắng
đều và đẹp. Ngược lại, là một phụ nữ Melanesian sống ở một khu vực cảng nơi
người ta có thể thoải mái dùng những thức ăn hiện đại. Bà đã đánh mất vẻ đẹp
trời cho vì sâu răng.
Nói về những người dân sống sâu trong đảo, bác sĩ ghi nhận: “Có
sự phát triển về thể chất, kể cả răng và nguyên hàm răng rất trật tự đều đặn.”
Một so sánh giữa những người sống gần hải cảng với những người sống ở các khu
vực hẻo lánh cho thấy có tỉ lệ gia tăng rõ rệt đối với các trường hợp sâu răng.
Đối với những người sống chủ yếu dựa vào thức ăn địa phương thì tỉ lệ sâu răng
chỉ là 0,14%, trong khi đó những người sống bằng thức ăn mua bán trên thị trường
thì tỉ lệ là 26%. Ông còn tiếp tục với nhận xét là có những căn bệnh hiểm nghèo
đang lần lần phát triển quanh khu hải cảng.
Không cần phải có một thay đổi to lớn trong chế độ ăn uống thì
mới phát sinh ra những căn bệnh nguy hiểm, mà chỉ cần thêm vào một vài sản phẩm
thương mại là đã đủ, những sản phẩm này đã thế chỗ thức ăn dinh dưỡng. Đó là
những thức ăn nhập cảng thông thường như : bột trắng, gạo trắng, đường, và thực
phẩm đóng hộp.
Trong những nhóm đối tượng nghiên cứu thì số người dùng thực
phẩm truyền thống bị sâu răng chỉ là 0,78% (chưa tới 8 trường hợp trong 100
trường hợp), trong khi những người ăn thực phẩm phương tây bị sâu răng là hơn
33% (333 người trong 1000 trường hợp). Những người ăn thực phẩm hiện đại thì có
tới 90-100% bị sâu răng. Những người ăn theo chế độ truyền thống có răng rất
tốt, cho dù họ không hề đánh răng hay tơ răng (flossing), họ không hề dùng thuốc
tẩy trắng răng, hoặc thuốc súc miệng chuyên dùng, cũng không hề nhận được sự
chăm sóc răng chuyên nghiệp. Hàm răng chắc khỏe của họ là kết quả trực tiếp của
chế độ ăn uống tốt. Tình trạng răng của họ rõ ràng là phản ánh được sức khỏe
thể chất toàn diện của họ.
Trích trong “Oil Pulling Therapy” của bác sĩ Bruce Fife.