Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Những câu nói hay của các vị tổng thống Mỹ


1. “Khi người dân sợ chính phủ, chúng ta có độc tài. Khi chính phủ sợ người dân, chúng ta có tự do” Thomas Jefferson

Thomas Jefferson là Tổng thống thứ 3 của Mỹ, tại nhiệm từ năm 1801 đến năm 1809. Ông là một trong những nhà triết học chính trị có ảnh hưởng nhất nước Mỹ. Ông là người soạn thảo chính bản Tuyên ngôn độc lập và cũng là người sáng lập Đảng Cộng hòa – Dân chủ, là tiền thân của Đảng Dân chủ hiện nay.


2. Nếu hành động của bạn thôi thúc người khác ước mơ nhiều hơn, học tập nhiều hơn, hành động nhiều hơn, và trở nên tốt đẹp hơn, bạn chính là một nhà lãnh đạo thật sự — John Quicy Adams (là tổng thống thứ 6 của Mỹ)



Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Những điều đối lập thú vị giữa PHỤ NỮ và ĐÀN ÔNG



1. Phụ nữ luôn hy vọng mình trở thành người đàn bà cuối cùng của đàn ông.
Đàn ông luôn hy vọng mình là người đàn ông đầu tiên của người phụ nữ.

2. Muốn nhìn kỹ khuôn mặt của người phụ nữ thì phải đợi sau khi họ tẩy trang.
Muốn nhìn kỹ khuôn mặt người đàn ông thì phải đợi hai bên chia tay.

3. Đàn ông đi dạo cửa hàng là muốn mua cái mà họ cần.
Phụ nữ vào cửa hàng là muốn xem vật gì cần mua hay không.

4. Đàn ông chịu trả số tiền gấp đôi để mua thứ mình muốn.
Phụ nữ bao giờ cũng trả nửa giá tiền để mua cái mình thật sự không cần.

5. Người phụ nữ luôn lo lắng cho tương lai cho đến khi lấy được chồng.
Người đàn ông không lo lắng cho tương lai cho đến khi lấy được vợ.

6. Đàn ông chỉ coi trọng hiện tại của người phụ nữ.
Phụ nữ lại coi trọng tương lai của người đàn ông !

7. Đàn ông nói nhiều nhất chính là lúc sau khi say.
Phụ nữ nói nhiều nhất chính là lúc sau khi họ lấy chồng.

8. Trước khi cưới đàn ông đều đeo bám phụ nữ đến nửa đêm mới chịu về.
Sau khi cưới phụ nữ luôn phải đợi đến nửa đêm mới thấy chồng mình về.

9. Những chàng trai đang yêu luôn muốn đơn giản hóa mọi việc phức tạp.
Những cô gái đang yêu luôn muốn phức tạp hóa mọi việc đơn giản.

10. Sau khi đàn ông chinh phục được thế giới thì có thể giành được phụ nữ.
Sau khi phụ nữ chinh phục được đàn ông thì có thể giành được cả thế giới.

11. Đàn ông thích nhất là phụ nữ nghe lời.
Phụ nữ lại mê người đàn ông không dễ nghe lời cô ấy.

12. Đối với đàn ông tình yêu chỉ là bài nhạc nền trong cuộc đời.
Đối với phụ nữ, tình yêu lại là bài nhạc chủ đề trong cuộc đời.


Tóm lại : Còn rất nhiều điều đối lập thú vị nữa giữa PHỤ NỮ và ĐÀN ÔNG, đó mới là cuộc sống đáng yêu.

Ảnh: Cách phụ nữ và đàn ông nhìn bản thân ở trong gương.




Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

Cân bằng tâm lý - yếu tố quan trọng nhất để có tuổi thọ


Tiến sĩ, bác sĩ David Hawkins đã điều trị rất nhiều bệnh nhân đến từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi ngày ông đều tiếp xúc hơn một trăm bệnh nhân, nhiều khi quá tải, ông đều phải nhờ đến vị trợ lý của mình.
Trong nhiều trường hợp, chỉ cần nhìn thấy bệnh nhân, ông đã biết người đó tại sao mắc bệnh, là vì ông không thể tìm thấy bất kể sự ‘yêu thương’ nào toát ra từ người đó, chỉ toàn là đau khổ và tuyệt vọng bao trùm khắp thân.
Trải qua một loạt các trường hợp thực chứng, TS Hawkins đúc kết ra rằng: những người bị mắc bệnh vì trong nội tâm họ có suy nghĩ tiêu cực.
Bởi vậy xuất phát từ góc độ là một bác sĩ tâm lý, tiến sĩ Hawkins khuyên mọi người nên có chính niệm, suy nghĩ lạc quan… Điều này rất quan trọng và có thể mang đến cho bạn những lợi ích đáng kinh ngạc.
Nhiều chuyên gia có cùng quan điểm với TS Hawkins, là chế độ ăn kiêng và tập thể dục không phải là yếu tố quan trọng nhất để có tuổi thọ. Tiến sĩ Elizabeth Blackburn, người đoạt giải Nobel năm 2009 về sinh lý học, tổng kết các yếu tố sống thọ: Nếu bạn muốn sống hơn 100 năm, chế độ ăn uống hợp lý chiếm 25%, các yếu tố khác 25%, trong khi cân bằng tâm lý chiếm 50%.


Ảnh : Nhà nghiên cứu tâm thần nổi tiếng David Hawkins (Hoa Kỳ)


Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

Đôi bờ bài hát Nga



Đôi bờ là một bài hát Nga, lời của Grigory Mikhailovich Pozhenyan, phần nhạc do Andrey Yakovlevich Eshpai viết cho bộ phim Khát năm 1960 với tên gọi nguyên thủy là Em và anh, đôi bờ.

“Đôi bờ”, với giai điệu ngọt ngào êm đềm đã luôn chinh phục, ngự trị tâm hồn những người Việt Nam đã từng đến nước Nga và cả những ai yêu nhạc nhưng chưa bao giờ đặt chân lên mảnh đất đầy tuyết trắng ấy. Rất nhiều thế hệ đã thuộc lòng lời Việt của Đôi bờ.

Đêm dài qua, dưới mưa rơi,
em mong chờ anh tới
Cây cỏ hoa như nói nên lời
em hạnh phúc nhất đời

Lòng em riêng biết có yêu anh,
Giữa tình đôi lứa ta,
một dòng sông sóng nước long lanh,
đôi bờ đâu cách xa…

Mình em riêng đứng ngóng trông anh,
với tình yêu thiết tha
Một dòng sông sóng nước long lanh,
đôi bờ đâu cách xa…

Ca khúc với giai điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào mang lại cho người nghe cảm xúc sâu lắng. Nhưng đâu đó lại phảng phất nỗi buồn của sự chia ly trong mối tình đôi lứa vì sự ác liệt của bom đạn chiến tranh.

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

Quan điểm giáo dục tại nước ta vào thập kỷ 20 qua một bài báo thời đó


“Một tin mừng cho nền sơ học xứ ta” được đăng trên tờ Trung Bắc Tân Văn, thứ ba ngày 7/9/1926
Trong bài diễn thuyết của quan Thống sứ Hobin đọc tại Bắc kỳ Nhân dân đại biểu viện ngày 31 mới rồi, ngài có tỏ ý muốn sửa đổi nền sơ học ở xứ ta lại, chương trình sẽ sửa lại không phải chỉ ở mấy lớp dưới ở trong trường sơ học, mà cả nền sơ học cũng đều sửa đổi lại cả.
Ngài có nói mục đích sơ học và cao đẳng tiểu học là cốt dạy dỗ cho trẻ con ngày sau có đủ học thức mà đối phó với đời, và ngày sau biết quyến luyến xứ sở và chức nghiệp của mình, chớ không phải là đào tạo một hạng người cứ tưởng mình là giỏi giang xa hẳn khác hẳn đồng bào, vì biết dăm bảy chữ Tây, không nhớ cổ tục là gì và không có dây liên lạc với nòi giống nữa.
…..
Nói về đường thực nghiệp. Sự dạy dỗ trẻ con, trước là rèn đức lấy phẩm hạnh, mở mang lấy tri thức, tức là học để làm người, như lời của các bậc hiền triết đời xưa thường nói, rồi lại phải học lấy một nghề để làm cách mưu sinh. Hiện nay học trò đỗ bằng sơ học Pháp Việt được tuyển vào trường cao đẳng tiểu học, và các trường khác chỉ được một số nhỏ, những người theo học ở các trường cao đẳng tiểu học có đủ tư cách mà theo đuổi nghiệp học cho thật đến nơi đến chốn, thì phỏng bao nhiêu người.
Hạng người ấy đã mất bao nhiêu ngày tháng dùng bao nhiêu công phu, mà lĩnh được cái bằng sơ học tốt nghiệp đến khi nghiệp học không theo được, muốn xoay ra để tìm nghề, khi tuổi đã quá rồi cách mưu sinh rất là khốn khó. Than ôi! Một hạng người dở ông dở thằng, muốn theo học thì không đủ sức, muốn kiếm ăn thì không có nghề, thật là một cái hiểm tượng to cho xã hội Việt Nam sau này đó (số người ấy lại cứ một ngày một thêm mãi ra).
Bây giờ nếu chương trình nền sơ học sửa đổi lại cả, toàn dùng quốc ngữ làm thứ chữ dạy phổ thông, trẻ con học các môn học, đã được nhớ chữ quốc ngữ là tiếng mẹ đẻ mà dễ hiểu dễ thông, lại cái thì giờ học chữ Tây cũng rút bớt đi, thì cái niên hạn học chắc cũng có thể rút ngắn lại được (hiện nay trường sơ học gồm có sáu lớp, trẻ con bắt đầu đi học từ năm bảy tuổi, chỉ có một số rất ít có thông minh hơn người mà công học lại không gián đoạn, thì đến năm mười ba tuổi mới mong có được bằng sơ học Pháp Việt, còn ra thì cứ từ mười bốn, mười lăm tuổi trở lên, nếu dạy toàn bằng chữ quốc ngữ, thì niên hạn học có thể rút lại độ năm năm, mà người đúng niên hạn mà thi đỗ chắc là phần nhiều).
Rồi ra, người ở thành thị cũng như người ở thôn quê, nơi nào cũng sẵn có trường học, cách thức học lại tiện, niên hạn học lại mau; đến khi lĩnh được bằng sơ học, thì tuổi hãy còn trẻ, người có thể theo học được lâu dài, thì thêm vài năm học chữ Tây, cũng không lấy gì làm chậm trễ, còn những người không thể theo đuổi được nghiệp học, thì cũng kịp thì giờ mà xoay làm nghề nọ nghề kia; chẳng hơn những người dở dang bây giờ tuy nói bập bẹ được dăm bảy tiếng Tây, mà trong tay một nghề không có, gây nên một bọn du thủ du thực trước làm hại cho gia đình, sau lại làm lây cho xã hội nữa.
Vậy sự sửa đổi nền sơ học sau này, thật có ích lợi cho sự học phổ thông của con trẻ Việt Nam mà hợp với cái lòng ước vọng chung của bao nhiêu người lưu tâm đến việc học.

Một chiếc ghế đại quan được kê trên đầu lưỡi của thiên hạ thì nguy hiểm lắm thay!

Ô Sào thiền sư là một cao tăng đắc Đạo nổi danh vào đời Đường. Tên thật của ông là Đạo Lâm, xuất thân trong gia đình họ Phan. Từ lúc chín tuổi Đạo Lâm đã xuất gia. Năm 21 tuổi ông đến chùa Quả Nguyện ở Kinh Châu thọ giới.


Khi đó ở phía bắc Tây Hồ, nơi núi Tần Vọng có một cây tùng cao lớn, cành lá sum suê, uốn quanh như cái lọng, cao tăng Đạo Lâm bèn tới thiền định và cất chòi ở luôn trên cây đó. Ít lâu sau thì có đôi quạ lớn tới làm tổ ngay nơi ông ngồi, nên người đời quen gọi ông là Ô Sào thiền sư (Ô sào tức là tổ quạ).

Quãng đời tráng niên tu hành ngộ Đạo của thiền sư trôi qua bình thản trong bóng mát của tùng lâm cổ kính. Cây cổ thụ chạng ba nơi có chiếc tổ quạ ngày xưa, theo năm tháng giờ đây đã to lớn lắm rồi. Từ khi lên núi Tần Vọng hành thiền nhập định, chưa một lần nhà sư rời khỏi căn chòi nhỏ xíu trên cây ấy.

Một hôm, có quan đại Thị lang Bạch Cư Dị – cũng là một thi hào nức tiếng đương thời đi ngang qua khu rừng đó. Trông thấy thiền sư đang ngồi vắt vẻo trên tàng cây. Vốn không ưa gì hạng người “lánh nợ chợ đời” như thế, viên quan cau mày hỏi:

– Bộ hết chỗ rồi hay sao mà thầy lại lựa nơi vắt vẻo hiểm nghèo như thế để ngồi vậy?
Thiền sư bình thản đáp:
– Chỗ của tôi xem ra còn vững vàng hơn cả ngàn lần cái chỗ mà quan lớn ngài đang an tọa đó!

Quan thị lang ngẩn mặt nhìn lại chiếc kiệu của mình đang ngồi, ngạc nhiên hỏi:
– Tại hạ là đại quan trọng yếu đương triều, địa vị trấn áp cả giang sơn, có gì mà nguy hiểm?

Thiền sư mỉm cười đáp:
– Củi lửa giao nhau, toan tính chẳng dừng. Quan trường thay đổi, tranh chấp triền miên. Chỗ ngồi của ngài là chỉ ở dưới vua, mà trên cả các quan và thần dân trăm họ. Vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua. Tính mạng của đại quan gia và thân quyến đều lệ thuộc vào lòng thương ghét của vua và sự tật đố tỵ hiềm của mọi người.

Hỡi ôi, một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi của thiên hạ thì không nguy hiểm sao được!

Bạch Cư Dị nghe vị thiền sư đang ngồi trên cây nói xong mà giật thót cả mình. Ông im lặng cúi đầu, hồi lâu sau mới cất tiếng hỏi:

– Thầy có thể cho tôi biết thế nào là đại ý của Phật pháp chăng?
Ô Sào thiền sư liền chắp tay trước ngực rồi tụng lên một bài kệ:
Tạm dịch là:
“Các điều ác chớ làm
Các điều lành vâng giữ
Tự thanh lọc ý mình
Đó là lời Phật dạy”.

Bạch Cư Dị nghe xong thầm nghĩ: “Ngỡ là vị Thiền sư này sẽ khai thị đạo lý thâm sâu gì cho mình, không ngờ ông ta lại nói ra mấy điều đơn giản tầm thường đến thế”. Cảm thấy quá thất vọng, quan đại Thị lang nói:

– Mong thiền sư bớt giận, bổn quan thiết tưởng ngài sẽ chỉ giáo cho Pháp lý uyên thâm gì, chứ mấy đạo lý thế này thì đến đứa trẻ lên ba cũng biết!
Thiền sư Ô Sào chắp tay hợp thập, nhìn vị khách qua đường mỉm cười nói:
– Đúng thế! Thưa đại quan, đạo lý trên đứa bé ba tuổi là có thể nói ra được, nhưng ông lão 80 tuổi cũng chưa chắc đã làm xong. Ngài có thấy như thế không?

Bạch Cư Dị lập tức hiểu ra, ngài im lặng cúi đầu thi lễ.
Kể từ đó, người ta thấy một đại quan viên thường xuyên lui tới chân núi Tần Vọng, nơi có bóng tùng cổ thụ ngàn năm mà vị cao tăng Ô Sào và cặp quạ đen thường cư ngụ để tham thiền học đạo.

Tương truyền, dưới sự chỉ điểm và giáo hóa của thiền sư Ô Sào, quan đại Thị lang Bạch Cư Dị mỗi ngày một thêm minh huệ bất hoặc, tiến tới đại ngộ. Ông cũng nhất mực tín tâm và trân quý Phật pháp hơn.



Giải quyết bất đồng một cách thông minh

Giải quyết bất đồng một cách thông minh, ai cũng biết nhưng ít người chịu làm.

Ngày xưa , có một người nông dân và một người thợ săn là hàng xóm của nhau. Người thợ săn nuôi một đàn chó săn rất dữ tợn và khó bảo, chúng thường nhảy qua hàng rào và rượt đuổi đàn cừu của người nông dân. Người nông dân bảo người hàng xóm thợ săn hãy trông nom đàn chó cẩn thận, nhưng xem ra những lời đó đều bị bỏ ngoài tai.


Một ngày nọ, đàn chó lại nhảy qua hàng rào, chúng đuổi cắn đàn cừu và làm nhiều con trong đàn bị thương nặng. Lúc này, người nông dân không thể chịu đựng thêm nữa. Anh ta bèn lên phủ để báo quan. Vị quan phủ chăm chú lắng nghe đầu đuôi câu chuyện rồi nói:
“Ta có thể phạt người thợ săn và bắt anh ta xích hoặc nhốt đàn chó lại. Nhưng anh sẽ mất đi một người bạn và có thêm một kẻ thù. Anh muốn điều gì hơn: một người bạn hay một kẻ thù làm hàng xóm của mình?”
Người nông dân trả lời rằng anh muốn có một người bạn hơn. Vị quan phủ nghe vậy bèn phán: “Được, vậy ta sẽ bày cho anh một cách để vừa bảo vệ an toàn cho đàn cừu, vừa giữ được một người bạn”.
Người nông dân bèn nghe theo lời chỉ dẫn của vị quan phủ. Vừa về đến nhà, người nông dân làm theo những gì vị quan phủ đã bày vẽ. Anh ta bắt 3 con cừu tốt nhất của mình và đem tặng chúng cho ba cậu con trai nhỏ của người hàng xóm.
Đám trẻ rất vui thích quấn quít chơi đùa bên mấy con cừu. Để bảo vệ cho đồ chơi mới của lũ trẻ, người thợ săn đã làm một cái cũi chắc chắn để nhốt đàn chó. Từ đó trở đi, đàn chó không bao giờ quấy rầy đàn cừu của người nông dân nữa.
Cảm kích trước sự hào phóng của người nông dân với những đứa con của mình, người thợ săn thường mang chiến lợi phẩm mà anh ta săn được sang cho người nông dân. Người nông dân đáp lại bằng thịt cừu và phô mai mà anh ta làm ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai người hàng xóm đã trở thành bạn tốt của nhau.
Có một câu ngạn ngữ Trung Hoa cổ thế này:
‘Người ta chỉ có thể cảm hóa và thu phục người khác bằng lòng tốt và thiện tâm’.
Người Mỹ cũng có một câu thành ngữ tương tự như thế:
‘Người ta bắt được nhiều ruồi bằng mật hơn là bằng giấm’ (‘Mật ngọt chết ruồi’)
Trong cuộc sống đời thường cũng vậy,sẽ có những bất đồng xảy ra.Nếu thật lòng muốn xây dựng một đời sống hòa thuận bạn sẽ tìm được cách!

 

Lo sợ bị thất bại hơn là niềm vui vì chiến thắng

Lo sợ bị thất bại hơn là vui mừng vì chiến thắng

Vì cảm xúc tiêu cực dễ nhớ và mạnh gấp nhiều lần cảm xúc tích cực, chúng ta cảm thấy vui một phần khi thắng 100 triệu, nhưng lại xót xa hàng trăm phần khi mất 100 triệu.
Nếu ai đó bảo chúng ta chơi trò oẳn tù tì, thắng được tiền, thua mất tiền, sẽ có khá nhiều người từ chối không chơi vì họ sợ mất mát hơn là thắng cược.
Với những kẻ máu mê đỏ đen, một nghiên cứu thần kinh học chỉ ra rằng khi họ ở điểm cận kề ăn cược, chỉ là “suýt thắng” chứ không thắng, phần não chi phối cảm xúc vui sướng của họ được kích hoạt, hệt như họ vừa thắng vậy.
Với những người không máu mê cờ bạc, điểm suýt thắng được tính là điểm thua và phần não tương đương không kích hoạt. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất, giải thích tại sao con nghiện dù thua vẫn lao vào như thiêu thân vì họ coi điểm suýt thắng như điểm thắng, trong khi thực chất đó là điểm thua.
Hầu hết chúng ta không bị nghiện cờ bạc, nên điểm suýt thắng được coi là điểm thua và thua thì phải tránh, dù khả năng thắng có nhiều hơn 50%. Kinh tế học gọi đó là loss aversion: né tránh mất mát. Điều này khiến chúng ta dễ dàng mất đi khả năng nhìn nhận thực tại một cách khách quan và logic.
Trong marketing, loss aversion đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chiến lược và ngôn ngữ giao tiếp với khách hàng. Người mua sẽ bị tác động khi họ bị mất đi cơ hội mua đồ giảm giá hơn là khi họ tiết kiệm được một khoản vì mua đồ giảm giá.
Một thí nghiệm khác trong giáo dục cũng không kém phần thú vị (nghiên cứu của Roland G. Fryer, Jr. của ĐH Harvard, Steven D. Levitt và John List của ĐH Chicago và Sally Sadoff của ĐH California San Diego). Giáo viên trong nghiên cứu này được chia làm hai nhóm.
Nhóm thứ nhất nhận lương cơ bản, tạm cho là 50 triệu đồng một năm, cuối năm có thể thêm tiền thưởng tối đa 10% căn cứ vào điểm thi của học sinh, tức là tổng cộng 55 triệu.
Nhóm thứ hai nhận tất cả số tiền đó (55 triệu đồng) ngay từ đầu năm. Cuối năm, căn cứ vào điểm thi của học sinh, họ có thể bị trừ tối đa là 5 triệu đồng. Cả hai trường hợp đều có một lượng chi phí hệt nhau, chỉ có cách đặt vấn đề là khác.
Nhóm thứ nhất được thưởng, nhóm thứ hai bị mất. Kết quả: giáo viên nhóm thứ hai lao động hiệu quả hơn, vì họ sợ bị mất số tiền mà họ coi như đã nắm chắc trong tay.