Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Nền văn minh hiện đại sẽ đưa loài người đi về đâu?


Francois Rabelais đã từng cảnh báo: “Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn!”. Khó có thể tưởng tượng ngay từ thế kỷ 16, khi khoa học chưa lộ diện mặt trái của nó rõ rệt như hiện nay, Rabelais đã có thể đưa ra những lời cảnh báo tiên tri như vậy.

Nhưng dường như hậu thế không đếm xỉa tới lời tiên tri đó. Khi bị chất vấn về tác hại của trò chơi điện tử đối với trẻ em, một ông chủ hãng điện tử Nhật Bản trả lời: “Nó cũng như con dao nhà bếp thôi, có thể rất tiện lợi, mà cũng có thể rất có hại. Con dao không có lỗi. Lỗi là ở người dùng nó”. Câu trả lời phỉ phủi trách nhiệm này thực ra đã phơi bầy bản chất của khoa học: Khoa học chỉ là một phương tiện, một công cụ, nó không chịu trách nhiệm về nhân tính.

Trước cám dỗ vật chất, lương tri khoa học có vẻ như ngày càng trở thành món hàng xa xỉ ! Một trong những lĩnh vực bị cám dỗ mạnh nhất hiện nay là nghiên cứu tế bào gốc (stemcells), vì tế bào gốc sẽ cho phép tạo ra các mô dùng trong y học phẫu thuật lắp ghép các cơ phận của con người, phục vụ cho những bệnh nhân tỷ phú trên thế giới.
Tại một công ty nghiên cứu tế bào gốc (stemcells) ở California, sau khi thành công trong thí nghiệm cấy não người vào não chuột, chuẩn bị thí nghiệm ngược lại là cấy não chuột vào não người, người chủ trì đề tài là Irving Weissman, giáo sư Đại học Stanford, bị báo chí chất vấn về nguy cơ thí nghiệm này sẽ xoá nhoà ranh giới giữa động vật và con người, Irving trả lời gọn lỏn: “Vấn đề bạn lo lắng thuộc phạm trù của các nhà đạo đức học, còn giới khoa học chúng tôi không thể quy định đâu là giới hạn nghiên cứu”.

Nhóm nghiên cứu Antinori ở Ý, đã tuyên bố rằng sẽ tạo ra con người bằng nhân bản vô tính tại những nơi không bị luật pháp cấm, bất chấp sự nguyền rủa của dư luận.
Tại Úc, một công ty stemcells đã bị phát giác làm thí nghiệm cấy tế bào người vào nhân trứng lợn, và đã tạo ra một tế bào sống được 42 ngày. Thực ra tế bào này không tự chết, mà đã bị giết chết, vì khi kiểm tra, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy nếu để nguyên cho nó sinh thành thì sẽ có một sinh vật mới ra đời, đó là một người-lợn hoặc lợn-người, Tờ Daily Telegraph đã lên án gay gắt việc làm bất lương này, nhưng sau đó không nghe thấy ồn ào gì tiếp. Việc tầy trời như thế không hề thấy xét xử giống như bao nhiêu vụ tội phạm khác. Phải chăng đồng tiền đã thống trị lương tri?
Ngay sau thảm hoạ nguyên tử 1945 đã xuất hiện rất nhiều cảnh báo của những nhân vật được coi là thông thái bậc nhất:
Đó là cảnh báo của Max Born, một nhà vật lý xuất sắc từng đoạt Giải Nobel vật lý năm 1954: “Khoa học và kỹ thuật phá hoại nền tảng đạo đức của văn minh, và sự phá hoại đó là vô phương cứu chữa”!

Đó cũng là cảnh báo của Jawaharlal Nerhu: “Con người về phương diện kỹ thuật đã vươn tới những vì sao, nhưng lại không hề được trau dồi một tí gì về quan hệ giữa người và người. Và chính vì lẽ đó mà nền văn hoá đạo đức xã hội tụt lại xa đằng sau kỹ thuật”.

Đó chính là lý do để “ông thánh khoa học” Albert Einstein cũng phải buồn rầu thốt lên rằng trí tuệ chỉ có sức mạnh cơ bắp nhưng phi nhân tính.
Tại sao khoa học “cơ bắp” được tôn sùng như Thần? Vì nó tạo ra của cải vật chất, tức là mang lại tiền bạc và sức mạnh. Tại sao khoa học nhân văn ngày càng bị lép vế? Vì nó lo chăm sóc phần hồn của con người, do đó không trực tiếp tạo ra tiền bạc và sức mạnh “cơ bắp”. Một khi bị loá mắt trước tiền bạc, con người sẽ tôn sùng cái làm ra tiền và khinh thường cái không làm ra tiền. Đó là lúc bản năng vô thức – cái mà Sigmund Freud gọi là Eros và Thanatos – trỗi dạy một cách mạnh mẽ, hối thúc con người chạy ùa theo cái thấp hèn. Đây là một bước thụt lùi nghiêm trọng của nền văn minh.
Nhân loại ngày nay cũng đang bối rối đặt câu hỏi: Nền văn minh hiện đại sẽ đưa loài người đi về đâu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét