Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

Kẻ tiểu nhân sao mà lắm thế ?


  • Nền pháp trị chỉ trừng trị được kẻ tiểu nhân, còn nền đức trị lại thành tựu người quân tử

    Người hiền là người đức hạnh cao thượng, có tài tế thế. Tiêu chuẩn lựa chọn nhân tài của người xưa là Tài, Đức, nhưng không coi tài và đức ngang nhau, mà vô cùng coi trọng tác dụng thống soái và chủ đạo của đức đối với tài, đặt đức ở vị trí đứng đầu: “Tài là trợ giúp đức, đức là thống soái của tài”.

    Tư Mã Quang đời Bắc Tống dùng quan hệ giữa đức và tài phân chia thành 4 loại người:

    ·        Tài đức vẹn toàn là Thánh nhân
    ·        Bất tài vô đức là người ngu
    ·        Đức hơn tài là quân tử
    ·        Tài hơn đức là tiểu nhân

    Khi dùng người, tốt nhất là chọn Thánh nhân, thứ nhì là chọn quân tử, nếu không có thì chọn người ngu, chớ không bao giờ chọn tiểu nhân. Vì người có tài mà vô đức (tiểu nhân) là nguy hiểm nhất, so với người bất tài vô đức (người ngu) thì xấu xa hơn nhiều.

    Tiêu chuẩn nhất quán sử dụng nhân tài của hoàng đế Khang Hy đời Thanh là: “Quốc gia sử dụng nhân tài, lấy đức hạnh làm gốc, tài nghệ là ngọn”, “Tài đức đều tốt là tốt nhất, còn có tài mà vô đức thì không bằng có đức vô tài”.

    Có dùng đức quản lý chính sự hay không có quan hệ đến người nắm quyền lực trong tay có mưu cầu hạnh phúc, lợi ích cho dân chúng hay không, có liên quan đến phong khí của quan lại, dân chúng và sự an nguy của chính quyền.

    Từ xưa đến nay, quan lại có phẩm đức cao thượng, giữ gìn tiết tháo chính là nền móng của nền chính trị liêm khiết trong sạch. Những quan lại như thế này thì trong bất kỳ lúc nào cũng coi lợi ích của dân chúng ở vị trí đứng đầu. Đây cũng chính là giá trị của việc dùng người chỉ bổ nhiệm người hiền.

    Trái lại, dùng người chỉ bổ nhiệm người thân chỉ có thể khiến quốc gia và dân tộc suy yếu, nguy hiểm và tiêu vong. Vì những người này lấy lợi ích cá nhân làm nền tảng, khiến ham muốn cá nhân càng ngày càng lớn, kẻ vô đức hoành hành, họa hại vô cùng. Trong lịch sử xưa nay, kẻ loạn thần hại nước, kẻ nghịch tử hại nhà, đều không phải do kẻ bất tài mà do những kẻ vô đức gây ra đại họa.

    Ngày nay đạo đức xã hội đang trượt dốc mỗi ngày ngàn dặm, vậy nên việc khôi phục văn hóa truyền thống có ý nghĩa trọng đại. Pháp luật chỉ có thể ước thúc được hành vi con người, còn đạo đức mới có thể ước thúc được nhân tâm.

    Nền pháp trị chỉ trừng trị được kẻ tiểu nhân, còn nền đức trị lại thành tựu người quân tử. Con người chỉ có nghiêm khắc tuân thủ tâm pháp đạo đức thì mới có thể bước trên con đường chính đạo của cuộc đời, thì mới có thể có được tiền đồ quang minh, thì mới có thể khiến dân chúng có phong khí thuần chính, vạn sự hưng thịnh, thiên hạ thái bình.

       Nền pháp trị chỉ dành cho kẻ tiểu nhân là người có nhân cách thấp kém, họ làm việc hay làm người đều không trọn đạo, trước mặt (người khác) là người nhưng sau lưng (người khác) là quỷ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét